TPHCM: Ngao ngán với những con đường "đau khổ"

Thứ Sáu, 23/10/2020 18:07  | Hải Văn

|

(CATP) Hàng loạt con đường đang xuống cấp trầm trọng với đầy "ổ gà”, "ổ trâu", ngập triền miên, nắng bụi mưa sình nhưng không được nâng cấp, sửa chữa hoặc chậm trễ, sửa chữa qua loa khiến cuộc sống người dân khốn khổ.

NGẬP NƯỚC TRIỀN MIÊN

Là khu vực có địa hình khá thấp trũng, đường số 14 cặp dọc theo đường sắt đi qua phường Linh Đông (Q.Thủ Đức) thường xuyên bị ngập và xuống cấp, trời không mưa nhưng con đường này vẫn có ao tù nước đọng, mặt đường nứt nẻ, loang lổ. Vào hôm mưa lớn, nước từ các khu vực trên cao đổ về khiến tuyến đường này và các tuyến đường lân cận biến thành sông. Nhiều hôm nước cao quá đầu gối làm chết máy hàng loạt xe cộ mỗi khi lưu thông qua đây.

Cách đó không xa, đường Kha Vạn Cân - đoạn giáp với đường Hiệp Bình (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) bị xuống cấp khá nặng. Mặt đường xuất hiện nhiều "ổ gà”, "ổ trâu" lồi lõm nham nhở. Khu vực này có một chợ tự phát và một bô rác lớn. Hàng ngày, người dân bị "hành" bởi sình lầy, bụi bặm, nước thải cáu bẩn và mùi hôi thối nồng nặc.

Người dân khổ sở mỗi khi di chuyển trên đường Tân Thới Nhất 8, Q12

Một con hẻm khá lớn trên đường Ngô Chí Quốc (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) bị hư hại nghiêm trọng, nhiều "ổ trâu", "ổ voi" sâu hoắm nằm chình ình trong hẻm, nắng bụi, mưa sình. Con hẻm này có mật độ xe cộ qua lại đông đúc nên bị kẹt xe thường xuyên, gây nỗi ám ảnh cho người đi đường.

Mặc dù đã được nâng cấp, mở rộng, nhưng Quốc lộ 13 mới (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) lại thường xuyên bị kẹt xe, ngập nước, trở thành nỗi ám ảnh cho người dân. Mùa mưa năm nay, tuyến đường này ngập triền miên. Những chỗ ngập nhất gồm: khu vực "mũi tàu" giữa Quốc lộ 13 cũ và Quốc lộ 13 mới, trước cổng Công ty Pouyuen, trước Công ty cân Nhơn Hòa và trước chợ Bình Triệu kéo dài tới cầu Ông Dầu. Nước ngập thành sông tràn vào quán sá, nhà cửa, vườn tược của người dân làm hư hại đồ đạc và gây ngập úng hoa màu. Để chống ngập, nhiều người phải dùng bao tải cát để đắp thành bờ đê hoặc sử dụng máy bơm hút nước liên tục.

Chị Nguyễn Thảo Vân (ngụ Q.Thủ Đức) phản ánh: "Hễ mưa nặng hạt là Quốc lộ 13 biến "thành sông". Người dân phải xắn quần lội bì bõm, trẻ con không dám đi qua đường mà phải chờ người lớn cõng. Nhiều chỗ nước ngập cao quá đầu gối làm xe cộ bị chết máy phải dắt bộ. Mỗi khi có xe lớn chạy nhanh, nước văng tung tóe ra hai bên và tạo những "con sóng" khiến người đi xe máy ướt nhẹp, người nào yếu tay lái dễ té như chơi". Theo chị Vân, mặc dù hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 13 đã được xây dựng, nhưng hệ thống này khá nhỏ, khả năng thu gom nước ít nên tuyến quốc lộ này ngập thường xuyên.

Mặc dù nhiều lần được nâng cấp, cải tạo, nhưng hiện nay đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) vẫn ngập nước, kẹt xe triền miên. Những hôm mưa lớn, tuyến đường nằm ở cửa ngõ trung tâm thành phố này ngập gần nửa mét, người dân bì bõm "bơi" về nhà. Nước dâng cao buộc các phương tiện chen chúc nhau tìm chỗ né ngập khiến xe cộ bị dồn ứ. Ở giữa đường, ôtô, xe ba gác, xe buýt... rồng rắn xếp hàng dài, giao thông hỗn loạn, họ phải kèn cựa nhích từng centimet mới qua được. Trên đường lại có nhiều "lô cốt" khiến tình trạng kẹt xe, ngập nước trở nên trầm trọng.

Đường Liên Ấp 5-6, H.Bình Chánh xuống cấp nghiêm trọng

Anh Nguyễn Đình Tùng (ngụ Q2) ngao ngán: "Mưa lớn mà di chuyển trên đường Nguyễn Hữu Cảnh không khác gì cực hình. Nhiều hôm kẹt xe phải "chôn chân" mấy tiếng đồng hồ. Ngoài ngập nước, kẹt xe, người đi đường còn bị tra tấn bởi đủ loại khói xe, mùi hôi thối của nước cống. Hàng ngàn người bất lực vì đi tiếp không được, quay lại chẳng xong. Nhiều hôm đi làm về muộn lại phải chờ thêm hàng tiếng đồng hồ để lết qua đường Nguyễn Hữu Cảnh khiến mặt mũi ai nấy cũng mệt mỏi, trẻ em bơ phờ, không ít người phải gọi người thân thông báo về trễ, đưa con về muộn... Khổ nhất là buổi sáng, gặp mưa lớn trút xuống đường Nguyễn Hữu Cảnh là người dân phải "bơi" đi làm. Phụ huynh trễ giờ làm còn học sinh trễ giờ vào lớp. Con đường nằm sát nách trung tâm thành phố mà "hành" người dân quá chừng".

Cùng với đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Lương Ngọc Quyển (P13, Q.Bình Thạnh) cũng đang "tra tấn" người dân mỗi khi có dịp đi qua. Nhiều nơi trên mặt đường "nát như tương", xuất hiện nhiều "ổ trâu", "ổ gà”, ao tù nước đọng. Tại mép đường giáp với hành lang bảo vệ đường tàu có rất nhiều xà bần, rác rưởi và hàng chục cọc bê tông, hàng rào chắn đường sắt bị xuống cấp, xiêu vẹo, bong tróc nham nhở.

Có cọc lòi cả cốt thép ra ngoài lởm chởm hoặc tạo thành những chiếc móc chực chờ bẫy người đi đường. Ông Trần Văn Tài bức xúc: "Tuyến đường này hư hại từ lâu nhưng chưa được sửa chữa bài bản. Để lấp những chiếc "ao" trên đường, người ta cho tráng vài ba xe nhựa đường một cách qua loa nên không xóa hết được. Mưa lớn là ngập nước, những "ổ gà”, "ổ trâu" này chẳng khác nào là chiếc bẫy khiến người đi xe máy bị ngã”.

CẦN SỚM NÂNG CẤP, SỬA CHỮA

Bất kể trời nắng hay mưa, đường Trịnh Thị Dối trên địa bàn xã Đông Thạnh (H.Hóc Môn) luôn bị ngập nước. Bị ngập nhiều nhất là từ quán ẩm thực Phong Vân đến bãi xe của Công ty Vạn Thiên Phát với chiều dài hơn 200m. Mặt đường đầy đá dăm lổm nhổm, cao thấp, lượn sóng. Hai bên đoạn đường trên có rất nhiều "ao nước" nối nhau chảy thành khe, gây cản trở giao thông và trở thành "rốn ngập" thường xuyên.

Người dân khổ sở với hàng chục "ổ trâu", "ổ gà” trên đường Lương Ngọc Quyển, P13, Q.Bình Thạnh

Để ngăn nước tràn vào nhà, người dân phải dùng bao đựng cát đắp thành bờ hoặc phải xây tường rào bao quanh. Trên đường xuất hiện hàng chục "ổ trâu", "ổ voi", có chỗ sâu vài chục centimet nằm chình ình giữa đường như những chiếc bẫy nguy hiểm. Chúng tôi chứng kiến nhiều người bị sập "ổ gà” hoặc bị rong rêu trên đường làm trơn trượt suýt ngã. Mỗi lần có xe lớn chạy qua, nước bắn tung tóe ra hai bên khiến nhiều người ướt nhẹp.

Cùng với đường Trịnh Thị Dối, đường Đặng Thúc Vịnh đi qua các xã Đông Thạnh, Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn) còn xuống cấp nghiêm trọng hơn. Nhiều chỗ nước ứ động thành "ao" chảy tràn vào nhà dân, Mặt đường bị bong tróc, lở lói nham nhở, nhiều "ổ trâu", "ổ voi", bùn đất lầy lội. Ông Nguyễn Văn Bảy (ngụ xã đông Thạnh) phản ánh: "Lưu thông qua đường Đặng Thúc Vịnh, xe cộ dằn lên dập xuống rất khổ sở, nhiều người bị sập "ổ gà” té lăn ra đường rất nguy hiểm".

Dù đã được trải đá nhưng thời gian gần đây, đường liên ấp 5-6 từ Hương lộ 80 đến đường Quách Điêu xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh) đã hư hỏng, xuống cấp nặng khiến việc đi lại của người dân rất khổ sở. Mặt đường chi chít ổ gà”, "ổ trâu", có đoạn tạo thành hố sâu choán hết lối đi, nắng bụi, mưa sình. Hai bên đường có đầy rác rưởi, xà bần, ống cống nằm ngổn ngang. Rãnh thoát nước được đào bới nhộm nhoạm, miệng hố ga đang thi công dở dang nhưng không có rào chắn, biển báo vô tình thành những chiếc bẫy rất nguy hiểm.

Những ao nước "hành dân" trên đường Đặng Thúc Vịnh, H.Hóc Môn

Chị Nguyễn Thu Sương (ngụ xã Vinh Lộc A) phản ánh: "Đường sá hư hại, đổ đá lên ít hôm gặp lúc mưa xuống là ngập. Hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện cộng với xe cộ qua lại, nhất là xe tải nên con đường nhanh chóng xuống cấp. Ban ngày còn đỡ chứ ban đêm nhá nhem đâu có thấy rõ, nhiều khi lủi vào "ổ gà”, "ổ trâu". Tội nhất là mấy phụ nữ, học sinh cứ té lên té xuống hoài. Mặt đường nát nhưa tấm áo rách, không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại mà còn khiến việc kinh doanh, buôn bán của người dân trở nên ế ẩm".

Xuống cấp, hư hại nhất phải kể đến đường Tân Thới Nhất 8 (P.Tân Thới Nhất, Q12), nhiều chỗ đã bong tróc nham nhở chỉ còn lại sình đất lồi lõm, có chỗ sâu hơn cả gang tay, rộng hàng chục mét, nắng bụi, mưa sình lầy, hằng ngày lại có nhiều xe tải hạng nặng vẫn lưu thông càng làm cho con đường xuống cấp trầm trọng. Mặt đường có hàng chục "ổ trâu", "ổ voi" sâu ngập gần nửa bánh xe máy, trở thành "điểm đen" về giao thông. Hiện nay, một số đơn vị đang tiến hành nâng cấp, cải tạo nhưng tiến độ thi công có vẻ chậm khiến việc đi lại rất khó khăn.

Anh Võ Thanh Hoàng (ngụ P.Tân Thới Nhất) bức xúc: "Một số xe tải vì muốn né trạm thu phí An Sương - An Lạc nên rẽ vào đường Tân Thới Nhất 8, bất chấp con đường đang hư hại nặng. Mỗi lần lưu thông, những "hung thần" này gầm gừ càn quét là cuốn bụi bay cuồn cuộn phả vào người đi đường và nhà dân; trời mưa thì sình, bùn bắn tứ tung, người đi xe máy phải tấp sát lề đường để né tránh. Khổ nhất là người già và mấy cháu học sinh bị những "cụ” xe tải làm giật mình. Vào giờ cao điểm, xe cộ dồn thành đống làm giao thông tê liệt". Ngoài những tuyến đường trên, Sài Gòn còn có hàng chục tuyến đường khác cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Hiện nay, nhiều tuyến đường như Đặng Thúc Vịnh, Liên Ấp 5-6, Tân Thới Nhất 8... đang trong quá trình nâng cấp mở rộng. Các đơn vị thi công tiến hành giải tỏa mặt bằng, lắp đặt hệ thống thoát nước, cáp ngầm, trụ điện. Người dân mong muốn các con đường "đau khổ" này sớm được thi công để bà con bớt khổ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang