CSGT Miền Trung:

Quyết ngăn tình trạng tài xế sử dụng GPLX ô tô giả

Thứ Sáu, 16/10/2015 09:07  | Xuân Hoài

|

(CAO) Thời gian gần đây, lực lượng CSGT nhiều tỉnh thành miền Trung phát hiện hàng loạt tài xế ô tô sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả.

 

Đa phần các tài xế “rởm” này điều khiển xe khách, xe 16 chỗ ngồi. Khi CSGT phát hiện, hành khách mới tá hỏa khi biết mình đã vô tình giao tính mạng cho người điều khiển không có chuyên môn.

Rộ nạn sử dụng GPLX giả

Sáng 12-10, thượng tá Phan Thanh Hồng, phó phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, khoảng 13 giờ 50 ngày 10-10, tại KM 965- Quốc lộ 1A (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), tổ tuần tra kiểm soát của trạm CSGT Thăng Bình (thuộc phòng CSGT Quảng Nam) phát hiện Nguyễn Đức Phương (SN 1982, trú Tiên Phước, Quảng Nam) điều khiển xe khách 16 chỗ BS: 92B-00142 sử dụng bằng giả.

Tổ tuần tra đã lập biên bản, tạm giữ xe ô tô, GPLX vi phạm. Khi biết tài xế dùng bằng giả, hành khách phát hoảng, lo lắng. Lực lượng CSGT đã chuyển hành khách qua xe khác để tiếp tục hành trình.

Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 6-10, tổ tuần tra CSGT huyện Thăng Bình đang làm nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 1A, thuộc xã Bình Phục, huyện Thăng Bình thì thấy một xe ô tô BS: 92A-029.26 có dấu hiệu vi phạm giao thông nên ra lệnh cho xe này dựng lại kiểm tra.

Khi kiểm tra giấy phép lái xe, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ CSGT nói trên đã phát hiện tài xế Nguyễn Huy Bình (SN 1988, trú phường Tân An, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) sử dụng bằng giả.

Một GPLX ô tô giả - Ảnh: Xuân Hoài

Theo thượng tá Hồng, từ đầu năm đến nay, CSGT Quảng Nam đã phát hiện trên 10 trường hợp tài xế sử dụng bằng giả, đa phần các tài xế rởm này điều khiển xe khách, trong đó có một trường hợp lái xe Phương Trang.

Tìm hiểu tại các tỉnh thành miền Trung, chúng tôi được biết, lực lượng CSGT vẫn thường hay phát hiện các tài xế sử dụng bằng giả. Thượng tá Trần Đức Dương, phó phòng CSGT Quảng Bình cho hay, từ đầu năm 2015 đến nay đã phát hiện 6 GPLX giả và 1 giấy kiểm định xe giả, sau đó cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt, chuyển hồ sơ sang CQĐT điều tra theo thẩm quyền.

Đại tá Trần Xuân Vĩnh, trưởng phòng CSGT tỉnh Quảng Trị cho rằng, thỉnh thoảng đơn vị vẫn phát hiện một số tài xế ô tô xử dụng bằng giả.

Đại tá Nguyễn Cao Lũy, trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi thì luôn chỉ đạo nhân viên tập trung kiểm tra kỹ để phát hiện bằng giả, bởi “nó làm giả rất tinh vi, khó phát hiện”.

Còn tại TP. Đà Nẵng, đại tá Lê Ngọc, trưởng phòng CSGT cho hay, năm 2014 đơn vị cũng phát hiện 9 trường hợp sử dụng GPLX không do cơ quan chức năng cấp. CSGT đã trưng cầu phòng Kỹ thuật hình sự, giám định có kết quả đây là GPLX giả. Tuy nhiên, sau đó gọi các trường hợp này đến giải quyết nhưng họ không đến.

Bằng giả xuất xứ từ đâu?

Theo khai nhận của các tài xế thì họ mua các bằng giả này từ một số đối tượng ở trong miền Nam hoặc ngoài miền Bắc. Như vụ CSGT Thăng Bình phát hiện mới đây, tài xế Phương khai, vào khoảng tháng 11-2014, Phương đưa CMND và một số giấy tờ cùng với 5 triệu đồng cho một người quê ở Tiên Phước, hiện cư ngụ ở TP. Hồ Chí Minh mới về để làm bằng giả mà không cần qua sát hạch.

Sau một tháng, Phương nhận GPLX nêu trên, được người đó nói đây là bằng thật và Phương sử dụng từ đó đến nay trước khi bị CSGT phát hiện. Còn Bình khai nhận: “Vào tháng 2-2015 tôi có mua một GPLX của anh Hiếu (ở Hội An) với giá 14 triệu đồng.Và tôi sử dụng từ đó đến khi bị phát hiện. Tôi thấy hành vi trên của tôi là sai”.

Một số tài xế điều khiển xe 16 chỗ ngồi sử dụng bằng giả bị phát hiện- Ảnh:Xuân Hoài

Đại úy Lê Phan Minh Mẫn, phó trạm trưởng trạm CSGT Thăng Bình (thuộc phòng CSGT Quảng Nam), đơn vị phát hiện gần mười trường hợp tài xế ô tô sử dụng bằng giả cho biết, khi phát hiện các trường hợp GPLX giả, nhiều hành khách hết sức bức xúc, họ hết sức bất ngờ và lo sợ tình trạng này sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mình và người đi đường.

Theo đại úy Mẫn, các loại bằng giả mà đơn vị phát hiện được làm giả hết sức tinh vi, CSGT phải quan sát rất kỹ thì mới phát hiện là giả.

Vì biện pháp nghiệp vụ, không thể cung cấp phổ biến “bí quyết” nhận dạng cho dân chúng để đề phòng các đối tượng dễ bề làm giả.

Đại tá Nguyễn Văn Thanh, trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế nhấn mạnh: “Một số trường hợp CSGT Thừa Thiên- Huế phát hiện GPLX giả đã chuyển cho CQĐT xác minh, xử lý nghiêm theo quy định. Qua ghi nhận, những bằng giả trên được chúng mua ở các tỉnh phía Bắc”.

Thượng tá Phan Thanh Hồng cho biết, các trường hợp dùng GPLX giả sẽ bị xử phạt 5 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày. CSGT đã chuyển hồ sơ sang CQĐT- để điều tra có hay không đường dây làm bằng giả này…

Để hạn chế tình trạng này, theo thượng tá Hồng, chủ phương tiện nâng cao đạo đức nghề nghiệp, không tiếp tay cho hành vi phạm pháp luật.

Phía cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, nâng cao nghiệp vụ, kiểm tra kỹ các trường hợp sử dụng bằng giả đang rộ lên hiện nay.

Còn ông Bùi Thanh Thiện, trưởng phòng quản lý vận tải và phương tiện sở GTVT Đà Nẵng cho biết nếu lực lượng CSGT tinh tường thì rất dễ phát hiện bằng giả.

Các bằng giả bằng giấy thì bọn chúng hay cạo sửa, còn bằng nhựa (thẻ) thì rất khó mà làm giả cho giống nên đề nghị CSGT kiểm tra kỹ để phát hiện. Vì GPLX là loại thẻ làm rất tinh vi, không thể làm giả cho giống được hoàn toàn.

“Nhiều tài xế không ý thức, ngần ngại chuyện học hành nên mua bằng giả cho nhanh, tuy giá cả rất cao so với việc học thật.

Cơ quan chức năng kiểm tra nên tập huấn, truyền đạt kinh nghiệm, bí quyết để phát hiện bằng giả. Nếu khi kiểm tra, nghi ngờ thì lấy điện thoại hoặc máy tính nhập mã số vào trang chủ GPLX trong phần mềm dữ liệu quốc gia, nó sẽ hiển thị lên dãy số trên đấy, nếu không có thì đích thị đó là bằng giả”, ông Thiện đề xuất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang