TP HCM: Gian nan bắt xe quá tải

Thứ Bảy, 13/02/2016 19:46  | Hoàng Sơn

|

(CAO) “Một chiếc xe quá tải tham gia giao thông rất nguy hiểm vì độ bền của nhiều bộ phận của xe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rất dễ xảy ra tai nạn cho những người tham gia giao thông”, Thạc sĩ Phan Văn Đáo nhận định

Một chiếc xe ben nghi vấn quá tải được lực lượng CSGT áp giải về trạm cân

Gian nan xử lý xe quá tải

Sáng 25-1, chúng tôi đi cùng Tổ chuyên đề Phòng CSGT ĐB-ĐS TP.HCM và Đội CSGT Rạch Chiếc xử lý xe quá tải chạy trên quốc lộ 1 (TP.HCM). Khoảng 9 giờ 20, chiếc xe ô tô đặc chủng CSGT xuất phát từ phòng CSGT (Q.1), một nhóm 4 người đi trên 2 xe máy bám theo xe của chúng tôi.

Giấy tờ của tài xế điều khiển xe quá tải tại tổ xử lý

Theo một chiến sĩ CSGT thực hiện chuyên đề xử lý xe quá tải cho biết, nhóm thanh niên tụ tập gần tổ công tác nhằm theo dõi tổ công tác. Mỗi khi CBCS đi tuần tra kiểm soát thì ngay lập tức sẽ có một chiếc xe máy chạy theo sau để cảnh giới và thông báo cho những xe quá tải “né” lực lượng chức năng, khiến việc xử lý trở nên khó khăn hơn. “Khi nào tổ chuyên đề rời trạm cân thì nhóm người đó mới bỏ đi”, chiến sĩ CSGT cho biết thêm.

Nhóm người theo dõi Tổ xử lý thực hiện chuyên đề xử lý xe quá tải

Chúng tôi ghi nhận tại Trạm cân số 2 (P. Linh Trung, Q. Thủ Đức), nhiều trường hợp lái xe vi phạm không chịu xuất tình giấy tờ, kéo dài thời gian,… Thậm chí có trường hợp bị CSGT áp tải về trạm cân nhưng nhất quyết không lên cân liên tục điện thoại cho chủ hàng.

Các tài xế vi phạm đi cùng lực lượng chức năng về tổ công tác kiểm tra trọng tải

Hơn 10 phương tiện nghi vấn được đưa về trạm kiểm tra trọng tải trong buổi thực hiện chuyên đề; trong đó có cả những xe chở đủ tải, chiếc chở thiếu tải và quá tải trọng từ 30% trở lên. Nghiêm trọng nhất là chiếc xe tải chở xi măng đã vượt quá tải trên 300%. Sau khi về trạm tài xế không chấp hành đưa xe lên cân và khẳng định xe chở đủ tải. Theo quan sát, nhíp sau của xe tải bị duỗi thẳng và khoảng sáng giữa bánh xe và chắn bùn sau chỉ cách nhau chưa đến 1 tấc (10 cm).

Tài xế hiếc xe chở xi măng quá tải 300% liên tục gọi điện và bất hợp tác với lực lượng chức năng

Gần hai giờ đồng hồ lảng tránh, bất hợp tác. Lực lượng chức năng phải ra sức thuyết phục thì tài xế mới chấp nhận đưa xe lên trạm cân và không chịu làm việc với tổ xử lý. Các CBCS phải ghi hình tài xế và nhờ người dân chứng kiến động viên thì tài xế nói trên mới đồng ý ký vào biên bản xử phạt.

Trao đổi với Thạc sĩ Phan Văn ĐáoNguyên Trưởng khoa Cơ khí – Động lực, Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TP. HCM cho biết, xe chở quá tải từ 30-50% trở lên có thể nhận biết thông qua quan sát nhíp xe có bị quằng hay không, vì quá tải sẽ làm nhíp nằm ngang và quằng ngược lên.

Khoảng sáng giữa bánh xe sau, chắn bùn sẽ cách không đến 1 tấc đối với bánh xe bơm đúng áp lực tăng độ ma sát với mặt đường dễ gây ra hiện tượng nổ vỏ hoặc mất lái. Kích thước thùng xe sẽ được cơi nới chiều cao, chiều rộng không đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Xe quá tải tham gia giao thông là việc nguy hiểm

“Một chiếc xe quá tải tham gia giao thông rất nguy hiểm vì độ bền của nhiều bộ phận của xe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rất dễ xảy ra tai nạn cho những người tham gia giao thông. Trong đó, các bánh xe, sức chịu đựng của thùng xe và sắt xi, khung xe biến dạng; khả năng lái nặng hơn, do bánh xe đã lún xuống tăng độ ma sát với mặt đường. Thay vì người điều khiển chỉ mất khoảng 1kg/m để đánh lái qua trái hoặc qua phải thì xe quá tải phải dùng nhiều lực hơn”, Thạc sĩ Phan Văn Đáo nhận định.

Một trong những trường hợp vi phạm xe quá tải ký biên bản xử phạt

Thạc sĩ Đáo cho biết thêm: “Chưa kể các bộ phận chịu lực như nhíp, giảm chấn, đai ốc tại đầu sống của nhíp sẽ giảm sức bền. Hệ thống phanh sẽ hoạt động không hiệu quả, quán tính sẽ tăng lên khiến chiếc xe trượt một đoạn dài mới dừng hẳn được. Khả năng cân bằng của chiếc xe khi vào đường quanh cua sẽ mất ổn định”.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang