Vì sao chưa thể giải quyết dứt điểm xe 'mù', xe tự chế?

Thứ Hai, 27/03/2017 08:43

|

(CAO) Những chiếc xe “mù”, xe “độ” tự chế 3 không, 4 không, thậm chí là … nhiều không (không đèn, còi, biển số, gương chiếu hậu và không giấy tờ…) đã quá hạn sử dụng, hằng ngày vẫn chở theo những hàng hóa cồng kềnh chạy bạt mạng trên đường đang gây tâm lý bất an cho những người tham gia giao thông.

Sau thời gian tạm lắng vì sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. Đến nay, xe "mù", xe tự chế đã quay trở lại và hoạt động có phần “rầm rộ” ở địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Ám ảnh “xe mù

“Xe mù” là danh từ được người dân dùng để gọi những chiếc xe gắn máy “cà tàng” cũ kỹ, đôi khi chỉ còn trơ khung với nhiều cái không. Đa phần các xe này thuộc dòng xe dream, xe cub hết niên hạn sử dụng được các tiệm sửa xe “độ” và gắn thêm một số bộ phận để nâng số lượng tải trọng có thể chuyên chở. 

Chiếc xe máy trơ khung, không còi, không gương, không biển số, không đèn… đang được tài xế dùng để chở hàng trên đường Phạm Văn Khỏe (phường 2, quận 6, gần khu vực chợ Bình Tây) - Ảnh: Nguyên Huy.

Tại các khu vực chợ ở trung tâm thành phố như chợ Bình Tây (quận 6), chợ Kim Biên, An Đông (quận 5), tình trạng các chủ cửa hàng sử dụng xe “mù” để chuyên chở hàng hóa diễn ra khá phổ biến. Cụ thể, ở trước các cửa hàng này, luôn được để sẵn từ 1 đến vài chiếc xe mù để phục vụ việc chở hàng. Các tài xế ở đây cho biết, họ chỉ là người làm công, được chủ hàng giao xe để chở hàng hóa nên chỉ biết làm đúng công việc được giao.

Chị Hiệp (Bán hàng nước trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5) cho biết, các loại xe chế, “độ” thường tập trung ở các chợ. “Những loại xe này thường chở hàng hóa, nước giải khát cồng kềnh ở phía sau xe. Những chiếc xe này lúc nào cũng chất hàng cao ngập đầu, cồng kềnh nhưng không khi nào họ dùng dây buộc cho chắc chắn khi lưu thông.Đáng nói hơn, các tài xế lái xe này lại hay rú ga phóng xe rất ẩu trên đường làm ai thấy cũng cảm thấy sợ” – chị Hiệp lo lắng nói.

Hàng hóa chất cao trên xe tự chế, gây cản trở tầm nhìn trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức - Ảnh: Quốc Bảo.

Trong khi đó, một thợ sửa xe trên đường Vĩnh Viễn (quận 10) cũng cho biết, các loại xe máy cũ sau khi được nâng cấp, hàn thêm khung sườn, gắn thêm phuộc để có thể chở được từ 200kg-hơn 300kg hàng hóa. Đặc biệt, nếu “độ” thêm thùng hàng phía sau có thể chở được đến 500kg hàng hóa.

“Đa phần các loại xe cà tàng chỉ còn nước bán lấy sắt vụn này có giá rất bèo. Giá chỉ khoảng từ vài triệu/chiếc. Mua xong, người ta bỏ vài trăm nghìn “độ”, sửa các kiểu nữa là chở hàng tốt. Tuy nhiên, nếu bị cảnh sát giao thông phát hiện và giữ xe thì coi như bỏ luôn vì giá trị tiền phạt tương đương, thậm chí là cao hơn giá trị của chiếc xe” – Người này cho biết.

Là dân chuyên chở hàng thuê ở khu vực chợ tạm Bình Tây (quận 6), N.V.Q (SN 1993) cho biết: “Hầu hết các chủ cửa hàng, hộ buôn bán ở khu vực này đều có những chiếc xe cũ để dùng chở hàng hóa từ chợ ra bến xe hoặc đến các đại lý. Trường hợp nếu bị cảnh sát giao thông phát hiện và giữ xe thì bỏ luôn xe vì giá trị tiền phạt có khi còn lớn hơn cả giá trị chiếc xe cà tàng”.

Trong đợt ra quân xử lý các trường hợp điều khiển xe máy không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông vào tháng 1/2016, Trung tá Hà Văn Hùng – Phó Đội trưởng Đội CSGT Chợ Lớn (Phòng Cảnh sát đường sắt, đường bộ - Công an TP.HCM) cho biết, đơn vị phụ trách quản lý địa bàn có hai chợ lớn (chợ Kim Biên, chợ Bình Tây).

Khu vực 2 chợ này tập trung nhiều cửa hàng, kinh doanh buôn bán và nơi giao thương hàng hóa các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ do đó lượng phương tiện trung chuyển rất nhiều. Ngoài ra, nhiều cửa hàng sử dụng xe máy quá cũ, không có còi, đèn, phanh… để chở hàng cồng kềnh nên có nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Công tác xử lý các trường hợp vi phạm gặp rất nhiều khó khăn và tốn thời gian xác minh vì hầu hết các xe bị tạm giữ không đúng số khung, số sườn, biển số không do cơ quan chức năng cung cấp.“Đối với những trường hợp nào không có giấy tờ hoặc số sườn, số máy không khớp với số đăng kí xe thì chúng tôi sẽ làm hồ sơ chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh số sườn số máy xem các xe này có dính vào các vụ trộm cắp hay vụ án nào không rồi sau đó mới có biện pháp xử lý cụ thể”, trung tá Hùng cho hay.

“Cần câu cơm” mang tên xe tự chế

Theo tìm hiểu và ghi nhận của PV, hầu hết những xe máy “độ”, tự chế đang được sử dụng bởi những người lao động có thu nhập thấp. Đối với họ, các phương tiện này được xem như là sinh kế là “cần câu cơm” để đảm bảo cuộc sống.

Ông L.V.N (ngụ quận Tân Phú) cho biết, ông buôn bán mũ, nón bảo hiểm trên vỉa hè hơn 20 năm. Phương tiện giúp ông chuyên chở những chiếc nón đến nơi để bán mỗi ngày là chiếc xe cũ kỹ được “nâng cấp” phần baga ở yên sau. Nhờ đó, việc chở đồ trở nên dễ dàng hơn và cũng chắc chắn hơn, không sợ bị rơi xuống đường gây ảnh hưởng đến người lưu thông.

“Nếu cấm xe tự chế thì tôi không biết có thể làm gì khác. Nguồn sống cả nhà tôi sống phụ thuộc vào những chiếc nón bảo hiểm này. Nếu giờ bắt cấm thì tôi cũng không buôn bán được. Như vậy thì sẽ rất khó để gia đình tôi đảm bảo cuộc sống” – ông N. chia sẻ và hy vọng nên có quy định “dễ thở” hơn với xe tự chế, như việc cho phép lắp thêm baga dài ra thêm một khoảng nhất định. Chỉ nên xử phạt những ai chế phần thân ra quá dài, chở nhiều đồ cồng kềnh gây ảnh hưởng giao thông.

Chiếc xe máy cũ và những chiếc mũ bảo hiểm là sinh kế của gia đình ông L.V.N - Ảnh: Đức Thiện.

Trong khi đó, chị Võ Thị Lành (ngụ quận Thủ Đức) cho hay, chị đã hàng rong hơn 1 năm ở chợ Thủ Đức bằng chiếc xe máy được gắn thêm bộ khung sau để tiện việc chở trái cây. Sinh kế của gia đình chị cũng trông chờ vào việc chị kinh doanh hàng ngày. “Xe này mà bị cấm lưu thông thì tôi cũng không biết làm gì vì hiện tại gia đình tôi cũng không có vốn để đăng ký bán ở trong chợ. Nếu có cấm, tôi rất hy vọng sẽ được hỗ trợ một chỗ bán hoặc một công việc khác để nuôi gia đình” – chị Lành nói.

Cùng quan điểm trên, anh Nguyễn H. T., nhân viên chở hàng cho một cửa hàng kinh doanh nước giải khát trên đường Lâm Văn Bền (quận 7) cho biết, anh làm công cho cửa hàng này được 2 năm và được giao xe để chở hàng. “Chiếc xe được hàn thêm bộ khung phía sau để để thùng nước, nó là phương tiện để tôi làm việc. Phương tiện này rất tiện lợi để giao hàng ở cự ly gần. Nếu bị cấm thì không biết dùng phương tiện gì thay thế để chuyển hàng cho kinh tế” – anh T. cho hay.

Nghị định 107/2014/NĐ-CP ngày 17-11-2014 của Chính phủ quy định, các hành vi “Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe” sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô; từ 1,6 - 2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang