Vụ tranh chấp đấu giá đất dự án KDC Hòa Lân: Hủy cả hai bản án

Thứ Tư, 24/11/2021 18:49

|

(CAO) Theo quyết định giám đốc thẩm vừa mới được TAND cấp cao tại TPHCM ban hành, việc đấu giá không đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, dẫn đến Nhà nước thất thoát số tiền đặc biệt lớn. Để bảo vệ lợi ích Nhà nước trong việc thu hồi nợ, tòa quyết định hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Như Báo Công an TPHCM từng có nhiều bài viết về vụ tranh chấp cũng như các phiên xử vụ án “Yêu cầu huỷ kết quả đấu giá và tranh chấp hợp đồng tín dụng” liên quan đến khu đất gần 50 hecta tại dự án khu dân cư Hòa Lân (Bình Dương) giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú, bị đơn là Công ty CP Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn. Vụ án này từng kéo dài hai năm, nhiều lần tạm hoãn, tạm dừng vì sự bức xúc của các bên liên quan.

Trong phiên sơ thẩm tại TAND Q7, các đương sự đã gây náo loạn, hàng chục nhân viên Công ty CP Địa ốc Kim Oanh - đơn vị mua trúng đấu giá dự án Hòa Lân đã căng băng rôn, la ó bên ngoài tòa khiến HĐXX phải gọi điện nhờ công an tăng cường thêm lực lượng hỗ trợ vãn hồi trật tự.

Đám đông căng băng rôn, la ó bên ngoài tòa

Nội dung vụ án thể hiện, từ năm 2001 đến 2007, Công ty Thiên Phú vay của Agribank Chợ Lớn số tiền 305 tỷ đồng và 18.643,3 lượng vàng để thực hiện dự án KDC Hòa Lân tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Dự án Hòa Lân do Nhà nước giao đất có tổng diện tích hơn 49 ha, trong đó có 24,3ha có thu tiền sử dụng đất và hơn 24,6ha không thu tiền sử dụng đất đã được thế chấp để vay.

Tuy nhiên, dự án không triển khai được, Công ty Thiên Phú không trả được nợ và phát sinh nợ xấu vào năm 2008. Ngày 17/4/2015, Công ty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn ký biên bản thỏa thuận đồng ý giao dự án Hòa Lân cho Agribank Chợ Lớn bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Ngày 17/6/2015, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng bán đấu giá tài sản dự án Hòa Lân với Công ty Nam Sài Gòn. Ngày 25/5/2017 tại phiên đấu giá lần thứ 13 thì đấu giá thành, Công ty CP Xây dựng A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh TPHCM) trúng đấu giá với giá là 1.353 tỷ đồng. Ngày 1/7/2017, Công ty Nam Sài Gòn ký với Công ty CP Xây dựng A Đông Hải hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá thành số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG do Văn phòng Công chứng Thành Phố Mới chứng thực.

Sau khi trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh nhiều lần liên tục vi phạm cam kết nghĩa vụ thanh toán trong thời gian khoảng 2 năm, đến ngày 21/5/2019 mới thanh toán đủ số tiền. Cho rằng, việc tổ chức bán đấu giá dự án Hòa Lân của Cty Nam Sài Gòn còn nhiều khuất tất, phía Agribank dung túng cho việc chậm thanh toán của đơn vị trúng đấu giá làm ảnh hưởng quyền lợi của mình nên Công ty Thiên Phú khởi kiện.

Xét xử sơ thẩm, TAND Q.7 tuyên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Cty Thiên Phú phải trả tiếp cho Agribank Chợ Lớn số tiền lãi vay tín dụng hơn 609 tỷ đồng; không chấp nhận yêu cầu của Thiên Phú về việc hủy kết quả bán đấu giá và yêu cầu về việc vô hiệu hợp đồng mua bán tài sản đấu giá dự án Hòa Lân.

Sau bản án sơ thẩm, ngày 27/11/2020, Cty Thiên Phú và các cá nhân có quyền lợi liên quan cũng như Agribank kháng cáo. Ngày 24/3/2021, TAND TPHCM xử phúc thẩm đã quyết định đình chỉ xét xử đối với kháng cáo của Cty Thiên Phú và những cá nhân có quyền lợi liên quan. Chấp nhận kháng cáo của Agribank Chợ Lớn, sửa một phần bản án sơ thẩm liên quan đến việc tính lãi các hợp đồng tín dụng giữa Agribank và Cty Thiên Phú về các khoản vay tín dụng thế chấp dự án Hòa Lân. Theo đó, Cty Thiên Phú phải trả tiếp cho Agribank Chợ Lớn số tiền lãi hơn 1.111 tỷ đồng; các nội dung khác của bản án sơ thẩm được giữ nguyên.

Tháng 6-2021, qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, VKS cấp cao xét thấy việc Agribank Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay vốn có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Hai phiên xử “không làm rõ những vi phạm nghiêm trọng của Agribank Chợ Lớn, Công ty Nam Sài Gòn, Công ty Thế hệ mới, Phòng công chứng… đã sử dụng chứng thư hết hạn, vi phạm nguyên tắc định giá tài sản; vi phạm điều cấm của luật trong việc thế chấp, đấu giá và chuyển nhượng là quyền sử dụng đất mà Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Tòa đã bỏ lọt những vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cũng không đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, gây thất thoát của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng”…

Dự án Hòa Lân đang tranh chấp

Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TPHCM ký kháng nghị giám đốc thẩm. Theo kháng nghị, từ năm 2002, khả năng tài chính của Công ty Thiên Phú yếu kém, việc đầu tư của công ty hoàn toàn là vốn vay.

Mặt khác, trước khi có quyết định giao đất của cơ quan chức năng, ngân hàng đã phê duyệt và cho vay tổng số tiền là 592 tỷ đồng. Toàn bộ việc trả lãi vay đều lấy từ nguồn vay để trả nợ ngân hàng và sử dụng vốn vay để chi trả cho các hoạt động khác của công ty. Thực chất, công ty không có vốn tham gia dự án nhưng vẫn được ngân hàng giải ngân, trong khi đó nội dung của các hợp đồng đều có điều khoản cam kết yêu cầu công ty phải có vốn tự có tham gia dự án. Việc làm nói trên cho thấy có dấu hiệu thông đồng giữa cán bộ ngân hàng và Công ty Thiên Phú để rút vốn vay ngân hàng.

Thanh tra Chính phủ xác định việc Agribank Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay vốn có dấu hiệu tội phạm vi phạm các quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, cần chuyển cho Cơ quan điều tra xử lý theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên đến nay, vi phạm này chưa có kết quả xử lý và cần tiếp tục kiến nghị xử lý theo đúng pháp luật, kháng nghị nêu rõ.

Kháng nghị nêu, Agribank Chợ Lớn biết rõ Thiên Phú mất khả năng trả nợ chỉ còn dự án Hòa Lân, ngân hàng phải có trách nhiệm trong việc tổ chức đấu giá khách quan, công bằng, thẩm định giá đấu giá đúng với giá đất nhà nước quy định... đảm bảo thu hồi đến mức tối đa số nợ của Công ty Thiên Phú về cho nhà nước.

Tuy nhiên, Argibank Chợ Lớn cùng với Công ty Nam Sài Gòn đã thực hiện đấu giá không khách quan, tổ chức thẩm định giá không phù hợp với giá đất thị trường và giá đất Nhà nước quy định; giảm giá đấu giá thiếu căn cứ dẫn đến Nhà nước (Agribank là đơn vị 100% vốn Nhà nước) chỉ thu về được 1.353 tỷ đồng từ Công ty Kim Oanh, số nợ còn lại là hơn 1.111 tỷ đồng mà tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc Công ty Thiên Phú phải trả cho ngân hàng là không có khả năng thi hành án. Đây là những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến lợi ích Nhà nước.

Từ những phân tích trên, VKS cấp cao nhận thấy hai cấp tòa không làm rõ những vi phạm nghiêm trọng của Agribank Chợ Lớn, Công ty Nam Sài Gòn, Công ty Thế Hệ Mới, Văn phòng công chứng Thành Phố Mới trong các việc: Sử dụng chứng thư thẩm định hết hạn, vi phạm nguyên tắc định giá tài sản; vi phạm điều cấm của luật trong việc thế chấp, đấu giá và chuyển nhượng là quyền sử dụng đất mà Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; vi phạm Luật công chứng; tính sai giá và diện tích của tài sản đấu giá; cố tình bao che và không có biện pháp xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán của đơn vị trúng đấu giá...

Tòa án hai cấp căn cứ kết luận thanh tra để cho rằng những vi phạm, sai sót trong việc bán đấu giá tài sản của Agribank Chợ Lớn và các đơn vị liên quan chưa đến mức cần thiết hủy kết quả đấu giá và hợp đồng bán đấu giá tài sản là không xem xét, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, khách quan, bỏ lọt những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đồng thời cũng không đánh giá được tính chất, mức độ của những vi phạm đã xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, gây thất thoát của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Việc cấp tín dụng, thế chấp, đấu giá, chuyển nhượng dự án Hòa Lân của Agribank Chợ Lớn là những vi phạm nghiêm trọng trong việc phê duyệt quy hoạch dự án cho Công ty Thiên Phú của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tỉnh Bình Dương cũng không được tòa án xem xét đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, nên không làm rõ hậu quả là dự án không được triển khai, kéo dài, gây thất thoát, lãnh phí tài sản của Nhà nước ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.

Những vi phạm này có dấu hiệu hình sự, đã được kiến nghị xử lý nhưng đến nay chưa có kết quả, do đó cần thiết phải tiếp tục kiến nghị xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, việc tòa án cấp phúc thẩm chẳng những không xem xét đánh giá các vi phạm pháp luật nghiêm trọng nêu trên của bản án sơ thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm mà còn tính sai số tiền lãi Công ty Thiên Phú phải trả ngân hàng, tổng cộng là 2.687 tỷ đồng nhưng bản án phúc thẩm chỉ xác định số tiền tổng cộng là 2.561 tỷ đồng, tức là thiếu hơn 125 tỷ đồng nên khi tuyên buộc Công ty Thiên Phú phải trả cho Agribank Chợ Lớn số tiền hơn 1.111 tỷ đồng là không chính xác, dẫn đến việc tính án phí liên quan nghĩa vụ trả nợ cũng không chính xác.

Như vậy, căn cứ khoản 2 Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự có cơ sở để hủy toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ tranh chấp đúng quy định pháp luật..

Sau khi nhận kháng nghị của Viện KSND cấp cao, TAND cấp cao tại TPHCM mở hội đồng giám đốc thẩm theo kháng nghị nêu trên. Quá trình xem xét toàn bộ nội dung kháng nghị và hồ sơ có trong vụ án, hội đồng giám đốc thẩm kết luận có nhiều vi phạm trong việc Ngân hàng cấp tín dụng, thế chấp, xử lý tài sản, vi phạm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, công bằng.

Ngân hàng nông nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước, sau khi xử lý toàn bộ tài sản của Công ty Thiên Phú, ngân hàng vẫn thu không đủ số nợ, thiếu hơn 1.237 tỷ đồng. Công ty Thiên Phú không còn hoạt động và không có khả năng thi hành án nên Nhà nước bị thất thoát số tiền đặc biệt lớn này.

Để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tòa cấp cao đã chấp nhận toàn bộ quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thầm đã từng công nhận Công ty Kim Oanh trúng đấu giá đất tại dự án Hòa Lân, giao cho Tòa án quận 7 xử lại sơ thẩm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang