Cả xóm khóc ròng vì bị giật 500 tấn gạo nếp

Thứ Sáu, 08/06/2018 19:03  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Người dân ở nhiều xã thuộc huyện Phú Tân, An Giang bán hơn 500 tấn lúa nếp với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù hơn 1 năm trôi qua, họ vẫn chưa nhận được tiền.

Đóng cửa lò sấy, bỏ xứ trốn nợ

Mới đây, Báo CATP nhận được đơn cầu cứu của 12 hộ dân ở các xã như: Phú Thọ, Phú Hưng, Phú Xuân, Phú An… thuộc huyện Phú Tân, tố cáo các bà: Đặng Thị Lệ (ngụ ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ), Đặng Thị Thủy (ấp Phú Trung, xã Phú Thọ), Đặng Thị Phở (em bà Thủy, ngụ ấp Hưng Thới 1, xã Phú Hưng) do liên quan đến việc hơn 500 tấn nếp của họ trị giá trên 4 tỷ đồng bị chiếm đoạt.

Người dân gửi đơn cầu cứu báo chí và cơ quan chức năng tỉnh An Giang

Trong đơn người dân trình bày: Họ đều vay mượn tiền nhiều nơi và cả ở ngân hàng để đầu tư lò sấy, mua nếp trữ lại, chờ được giá cao bán cho thương lái lấy lời. Chuyện đó ai cũng biết và nhiều người đã bán nếp cho chị em Thủy - Phở. Việc mua, bán thông qua 2 người làm thuê là bà Lệ ( nếp) và bà Mai (người coi cân) để được hưởng hoa hồng.

Từ năm 2016 – 2017, sau khi cân xong hơn 500 tấn nếp, được vận chuyển về các lò sấy: Ba Luân, Bảy Mỹ… để xử lý bán giống cho người dân trong vùng gieo sạ hoặc xay xát. Mỗi lần nếp đến lò là chị em bà Thủy nhận hàng, còn bà Mai đem sổ về cho 2 người này kiểm tra. Sau đó, họ đem tiền đưa cho bà Lệ thanh toán cho các hộ dân.

Ban đầu, sau mỗi lần mua bán, bà Thủy - Phở trả 1/3 tổng giá trị số nếp nhận. Sau đó họ sẽ lần lượt cân tiếp hàng trăm tấn nếp rồi bất ngờ không trả tiền cho dân.

“Khi số tiền mua nếp lên cao chúng tôi đòi thì bà Thủy - Phở liền đổ trách nhiệm cho bà Lệ. Họ nói không biết gì và đã thanh toán hết cho bà Lệ, nên không có trách nhiệm với chúng tôi nữa”, người dân buồn bã cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, 12 hộ dân cân nếp bán với số tiền bị giật từ 60 - 800 triệu đồng/hộ. Hiện ai cũng như ngồi trên lửa và nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần, bỏ xứ ra đi.

Là chủ lò sấy hơn 10 năm nay, Bùi Thị Mỹ Hạnh (ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ) cho biết: “Đến nay số tiền bán nếp hơn 682 triệu đồng tôi chưa nhận được. Từ ngày bị giật nợ lò sấy phải đóng cửa và 10 công nhân phải mất việc. Thị trường mua nếp ngày xưa tới giờ các nhà máy nếp lấy mẫu đem về coi xong sẽ đưa ra giá thỏa thuận, sau đó “cò” đến cân hàng, viết biên nhận, lấy tiền từ nhà máy trả cho người bán”.

Bà Đặng Thị Đẹp (ngụ ấp Phú Quới, xã Phú An) cho biết: “Gia đình vay 1 tỷ đồng của ngân hàng để đầu tư lò sấy và làm vốn. Mỗi tháng thuận lợi kiếm được vài chục triệu đồng, nhưng từ ngày bị giật 520 triệu đồng khiến nợ ngân hàng không thể trả được. Chúng tôi làm đơn gửi lên huyện rồi tỉnh, sau đó tỉnh lại chuyển về huyện giải quyết đến nay chưa có câu trả lời”.

Từ việc bị giật tiền mà nhiều trường hợp phải bỏ xứ đi trốn nợ. Cụ thể là trường hợp của bà Mai Thị Ngọc Phượng (TT.Chợ Vàm) phải bán 10 công đất và cả nhà 4 người kéo lên Bình Dương bán vé số. Tương tự trường hợp của anh Nguyễn Viết Hiệu bị giật số tiền hơn 800 triệu đồng gia đình rơi vào cảnh trắng tay phải ra Phú Quốc làm công nhân…

Bị giật tiền, nhiều lò sấy đóng cửa và người dân bỏ đi trốn nợ

“Cò” nếp gửi đơn cầu cứu vì sợ… “ôm xô”

Cho rằng chủ nhà máy đổ hết trách nhiệm, tháng 9-2017, bà Lệ có đơn cầu cứu gửi ngành chức năng huyện Phú Tân và tỉnh An Giang. Nội dung đơn bà trình bày: Khoảng 5 năm nay, bà chuyên làm trung gian (cò) mua bán nếp ở huyện Phú Tân cho chị em Thủy - Phở. Thực chất mua nếp nhưng bà chỉ bỏ công tìm mối bán nếp, sau đó lấy mẫu về cho bà Thủy xem. Sau khi bà Thủy cho giá sẽ đến thương lượng với người bán.

“Tôi đứng ra trực tiếp cân hàng rồi vận chuyển về nơi bà Thủy yêu cầu. Tiền mua hàng bà Thủy giao cho tôi trả cho người bán, nếu không trả người này kêu tôi lãnh nợ thay”, bà Lệ trình bày trong đơn cầu cứu.

Là người chuyên chở nếp cho bà Thủy và Phở gần 10 năm nay, anh Nguyễn Trí Hiền (ngụ ấp Thuận 2, TT.Phú Mỹ) cho biết: “Theo lời bà Thủy tôi lấy nếp của 12 hộ dân kéo về các lò sấy: Ba Huân, Ba Lơ, Út Phục, Bảy Mỹ… Sau đó chị này đứng ra kiểm đếm số lượng và căn cứ vào sổ cân mà trả tiền vận chuyển cho tôi với giá 65 ngàn đồng/tấn. Mọi việc vận chuyển cho ai, số lượng bao nhiêu đều được tôi ghi vào sổ”.

Nói về vụ việc, thượng tá Lê Văn Thông - Phó trưởng Công an huyện Phú Tân cho biết, vào tháng 4-2017, 12 nguyên đơn làm đơn tố cáo bà Lệ có liên quan đến bà Thủy - Phở trong việc mua bán nếp, rồi giật tiền không trả. Lúc đầu, Cơ quan CSĐT xác định đây là hợp đồng dân sự, nên đề nghị người dân gửi đơn đến tòa án giải quyết. Không đồng ý, người dân kéo nhau phản ánh nhiều nơi. Từ đó, Cơ quan CSĐT yêu cầu nguyên đơn cung cấp tài liệu chứng minh dấu hiệu phạm tội nhưng họ không có, bởi việc mua bán trên được thực hiện bằng miệng.

Đến tháng 11-2017, sau khi đối chiếu chứng từ đơn vị đã đưa vụ việc vào tin tố giác tội phạm. Đến tháng 1-2018, ba ngành pháp luật họp bàn và xác định có dấu hiệu tội phạm, nên Cơ quan CSĐT chính thức vào cuộc.

“Qua điều tra cho thấy, từ năm 2016 – 2017, 12 hộ dân có bán nếp trực tiếp cho bà Lệ tổng cộng 55 lần, với số tiền 9,1 tỷ đồng. Sau đó bà này có trả cho người dân với số tiền gần 5 tỷ đồng. Nghi can vụ việc là bà Lệ vì trực tiếp mua hàng, còn việc giao dịch giữa bà này và bà Thủy - Phở không thể hiện. Bà Lệ thu mua nếp của các hộ dân rồi đưa đi bán khắp nơi. Hiện vụ việc này đã điều tra xong và đang hoàn chỉnh báo cáo gửi về tỉnh vì số tiền vượt quá 500 triệu đồng”, thượng tá Thông cho hay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang