Truyện ngắn:

Mây xưa

Thứ Bảy, 04/12/2021 16:21

|

(CATP) Cho đến năm tám tuổi, học lớp 3, cứ mỗi giờ ra chơi tôi lại chạy về phía cổng trường. Ở đó tôi luôn có mẹ. Mẹ thường ngồi dưới gốc cây khuynh diệp lớn, nón che nửa mặt, áo đầy mảnh vá và đi đôi giày vải rách. Một tay mẹ đặt lên thùng cà rem, tay kia rung cái chuông bé xíu leng keng. Học trò các lớp đổ xô đến, ồn ào giành giật mua cà rem. Chờ cho bớt đông, tôi chạy lại ôm cổ mẹ.

Như mọi ngày, mẹ lại cho tôi kem "ESKIMO" - loại kem đặc biệt, to gấp đôi kem thường, được bọc giấy kiếng, vỏ là sôcôla, ruột là sữa với dừa thơm phức. Kem này đắt gấp mười lần kem thường, chỉ có người lớn mới có tiền mua. Mỗi lần tôi ăn "ESKIMO", hàng chục đứa bạn bu quanh trố mắt nhìn thèm thuồng, tôi thấy mình giàu có, sung sướng nhất trên đời.

Thằng Tiến, con một ông bụng bự hay chở nó đến trường bằng xe Jeep, nói nhỏ vào tai tôi: "Hôm qua tao cho mày coi ké truyện Tin Tin đó, cho tao cắn miếng đi!". Thằng Hải "quăn" nuốt nước miếng ừng ực, coi bộ tôi khó tính, khó xin nên nó trề môi: "Mẹ tao là bác sĩ nói kem này có vi trùng, ăn vô đau bụng chết!". Thằng Châu lớn xác, đen thui, đá vào mông Hải rồi quay sang tôi cười nịnh bợ: "Nó chê kem của mày, tao đá nó rồi, thưởng cho tai cắn mí...". Tôi gật đầu hài lòng, đưa cây kem vào miệng Châu, nó chộp cả hai tay ấn vào cắn một miếng hết nửa cây kem. Thằng Phúc mút ngón tay, thì thầm với đứa con gái mặc áo đầm, cột hai bím tóc bên cạnh: "Mai mốt tao nói má tao đừng làm ca sĩ nữa, đi bán cà rem, có kem "ESKIMO" ăn cho sướng!".

Thùng! Thùng! Thùng! Trống báo hiệu hết giờ chơi, tôi nuốt vội miếng kem cuối cùng, vứt cây que, chùi tay vào áo mẹ xong chạy vào lớp. Mẹ uể oải đứng lên, lặc lè mang thùng cà rem lên vai đi bộ ra cổng trường với cái chuông lắc leng keng.

Tan học, mẹ quay sang đón tôi, lại dặn: "Cố học để mai mốt làm bác sĩ, bán cà rem như mẹ khổ lắm!". Tôi lắc tay mẹ phụng phịu: "Bác sĩ nói kem của mẹ có vi trùng, ăn đau bụng, con ghét lắm!".

Về đến căn nhà nhỏ, tối om trong hẻm sâu, mẹ đặt thùng, mở nắp và lấy trong đó không phải những cây kem mà là một túi gạo nhỏ, một bó rau. Mẹ đưa tôi mấy đồng cắc: "Con qua quán bà Ba mua gói tiêu, gói ớt, táng đường mẹ kho cá phèn cho con ăn". Nghe đến cá phèn kho tiêu, tôi thích quá ù chạy...

Một hôm, giờ ra chơi tôi không thấy mẹ ở gốc cây khuynh diệp, không được ăn kem... tự nhiên tôi buồn muốn khóc. Vào lớp một lúc, mẹ tôi tất tả chạy đến, bên nách cắp một bao to, mặt bơ phờ, mệt mỏi. Mẹ gõ cửa nói nhỏ với cô giáo mấy câu. Cô giáo gọi tôi ra, mẹ dắt đi. Dọc đường mẹ chùi nước mắt bảo: "Ông ngoại chết, mình về quê...".

Hai mẹ con đi nửa ngày xe đò, một chập xe ngựa, lội bộ thêm một quãng dài thì về đến nhà ngoại. Đó là ngôi nhà tranh, vách đất ba gian - nơi mẹ ra đời, lớn lên và ra đi vì ai đó đã làm tôi sinh ra không có cha. Ông ngoại chết, bà ngoại bỏ lỗi xưa cho mẹ về ở cùng. Tôi lại đến trường làng, vừa trông nhà vừa giúp mẹ và bà ngoại làm ruộng, vườn. Ngày đó, "nông dân con" như tôi, đến lớp quần vo tròn quá gối, dép dưới chân bữa có bữa không, được cái áo lành lặn cũng nồng nặc mùi bùn. Các thầy cô giáo từ Sài Gòn lên "khai hóa" cho đám học trò miền ngược, thỉnh thoảng không nhịn được cười vì những khuôn mặt không có thói quen soi gương trước giờ đến lớp.

Thời gian thấm thoát trôi, đầu năm lớp 9, thế giới cù lần này bất ngờ xuất hiện một "nàng tiên". Bạn ấy tên Vân, em của cô giáo dạy toán, dân Sài Gòn chính hiệu. Vân "sáng" lên giữa lớp bằng những lọn tóc vàng, nước da trắng cùng sống mũi cao quý phái. Quần áo Vân sạch sẽ thơm tho với hai màu hồng, trắng kiểu cách, đối lập với những bộ đồ giản dị, nâu đen mà nông dân quê tôi vẫn dùng cho con cái. Vân ngồi riêng một góc, cả lớp thường nhìn nhưng chẳng ai đến chơi. Vân cứ lạc lõng giữa những ánh mắt khó chịu của đám con gái và cách nhìn tò mò, lạ lẫm của đám con trai. Vân biết vậy cũng không vội làm thân với ai, mắt luôn nghiêm trang hướng lên bảng đen, chăm chỉ ghi chép và siêng năng trả lời những câu hỏi, bài tập khi cả lớp đã đầu hàng. Cả lớp ngạc nhiên nhưng không ai công nhận Vân giỏi, ai cũng muốn được như Vân nhưng không ai khen Vân đẹp. Vân chẳng có lỗi lầm gì, vẫn không dung hòa được với tập thể!

Cứ thế cho đến một ngày...

"Bộ ba" chúng tôi ngồi sau lưng Vân nên được lớp trao cho nhiệm vụ "trọng đại" đó...

Sáng thứ hai, giờ toán, im lặng trong tiếng giở sổ sột soạt. Một tên con trai được xướng lên. Cái gã học hành lôi thôi này đã làm cô giáo nhăn mặt... Cô gọi tiếp người thứ hai, lần này em gái cô được chọn! Mấy ngón tay vịn cạnh bàn của Vân thoáng chút run run, bước chân do dự đưa bạn ấy ngập ngừng về phía bảng đen. Cả lớp bất ngờ cười ồ. Vân quay lại ngơ ngác, những trận cười sôi động thêm, có người bò cả ra bàn rũ rượi... cô giáo thất sắc, rồi cô chợt hiểu, mặt cô tái vì tức giận. Riêng Vân vẫn loay hoay ngơ ngác giữa những trận cười, đâu biết ở thắt lưng mình phấp phới một cái đuôi bằng vải đen và trên vai lủng lẳng một tấm giấy viết chữ to đậm "Hàng mẫu đặc biệt".

Sự việc tiếp diễn bằng hành động đi ra cửa của cô giáo, còn em gái cô ào về chỗ ngồi... khóc ngất!

Vài phút sau thầy chủ nhiệm đến, thầy đập thước kẻ lên bàn rầm rầm, thét hỏi: - "Ai bày trò này?". Cả lớp im khe, lớp trưởng được chỉ đến tên, trả lời "không biết". Thầy chuyển ánh mắt cháy rực đến nơi cần "nghiên cứu" nhất. "Bộ ba" co rúm lại, có đứa tái ngắt, run lên... coi như thủ phạm đã "tự giác" nhận tội!

Cu Thắng được mời xoải tay lên bàn trước, thầy ướm thử độ dẻo của roi mây. Mỗi đứa được hưởng 5 roi. Mới roi thứ 2 Thắng đã òa khóc... Trong lúc chờ đến lượt mình, tôi nhìn xuống lớp (lạ thay!) chẳng có khuôn mặt nào tỏ vẻ đồng cảm với bọn "phạm nhân" cả. Tôi cảm thấy ê chề như kẻ cắp bị phơi bày giữa chợ. Xong Thắng đến Thục. Cậu này mang cả tính to mồm lên nhận "thưởng". Roi thứ nhất nó hét lên như bị điện giật. Thầy chưa kịp cho roi nữa nó đã lật nghiên run lẩy bẩy và lải nhải kêu oan. Nó đổ hết tội cho tôi với Thắng. Tôi nhìn nó khinh bỉ và tự nghĩ mình sẽ nghiến răng chịu đau. Nhưng bất ngờ.

- Thưa thầy...

Vân thương các bạn nên xin thầy đừng dùng roi mây nữa. Thế là thoát nạn! Không bị đòn nhưng xấu hổ biết bao. Tôi lủi thủi trở về chỗ ngồi và nhận được ở Vân ánh mắt lo âu, xót xa cùng một câu không bao giờ quên được: "Tha lỗi cho Vân!".

*

*    *

Tháng tư quê tôi có mưa đầu mùa kèm những cơn giông lụp đụp. Bốn góc chân trời mây kép về tụ đám chuẩn bị tặng cho ruộng vườn những trận mưa quý báu. Nhà nông xem lại giống má, trâu bò hết được nhởn nhơ, trẻ em bỏ học, cùng người lớn ráo riết làm việc vì cái ăn mùa sau. Đời sống nông thôn là vậy - trên hết là chuyện cấy gặt, mùa màng!

Những buổi học tẻ nhạt, lớp lèo tèo vài ba đứa, thầy ngán ngẩm thở dài, trò uể oải lục tìm bút vở... Tôi nghỉ học đến ngày thứ ba. Chiều hôm ấy đang cố gắng tỉa (gieo hạt) hết khoảng đất bên hông nhà để mai có thể đến lớp lại thì bất ngờ Vân đến với cái túi nhỏ có mấy trái cam. Thấy tôi tay lấm chân bùn đang quần thảo với cái cày và con bò trở chứng. Vân tròn mắt ngây cười:

- Sao bạn viết giấy phép nói bị bệnh? Bạn nói dối...

Tôi đang đánh trần với cái quần cộc, quýnh lên từ lúc thấy bạn gái, giờ bị cật vấn càng thêm lúng túng, cứ đưa tay cào cào mái tóc bờm xờm.

- Tay bẩn thế này mà gãi đầu, dơ...

Chưa dứt câu, Vân "đét" một cái rõ đau vào bắp tay tôi.

Kẻ có lỗi chỉ còn cúi đầu, nghe nóng rần trên má. May thay trong nhà tiếng mẹ vọng ra:

- Sao không mời bạn vô nhà uống nước?

Chúng tôi thân nhau ít ngày rồi mãi mãi không gặp nhau. Vân về Sài Gòn học tiếp lớp 9. Cái tập thể ghen tuông ích kỷ ngày nào giờ tiễn chân Vân với bao bịn rịn. Xe đò sắp chuyển bánh, bạn bè vây quanh Vân sụt sịt chúc tụng và hối hả nhét quà. Tôi tiu nghỉu đứng nhìn mà lòng xôn xao lạ! Vân đi rồi lớp cũ lại như xưa?

- Có gì tặng Vân không?

Vân cố làm vui hỏi tôi bằng giọng đùa, chả hiểu sao tôi buột mồm mếu máo:

"Sao tự nhiên Vân đến rồi tự nhiên Vân đi?". Im lặng một lúc lâu Vân mới thì thầm cắt nghĩa: "Trước bố mẹ ly dị, Vân lên ở với chị. Bây giờ... bây giờ... chị sắp lấy chồng, chồng chị không muốn Vân ở chung!".

"Ôi! Vân khổ thế sao?". Nghe cay cay sống mũi, tôi cắn môi thật đau nên giữ câu này trong cuống họng.

Mấy năm sau, tôi cứ ngóng mãi mùa hè, ngóng mãi tháng tư có mưa tuôn sôi đất, có cơn giông giằng xé hoàng hôn, có buổi bỏ học đi cày nhễ nhại mồ hôi... có bối rối với "cô tiên" thật thà và mấy quả cam thăm người đau giả. Song tôi chẳng nhận lại được gì ngoài những tiếc nuối vu vơ... Khi đã lớn tôi ước mình nhỏ lại. Chỉ một cây kem đổi một trời hạnh phúc. Và tôi cũng ước mình nhỏ lại, sống cái thuở học trò có tất cả cùng... "Mây xưa"!

Bình luận (0)

Lên đầu trang