Truyện ngắn: Vết bớt hình con thạch sùng

Thứ Bảy, 11/07/2020 18:18

|

(CAO) Năm học lớp bảy, tuổi mười ba, gia đình tôi rời căn nhà cũ trong xóm vắng ở một thị trấn nhỏ, chuyển đến một căn nhà mặt phố bên tỉnh lộ. Sát một bên hàng rào nhà tôi là nhà vợ chồng cô Nhạn, anh Quý. Chúng tôi quen gọi như vậy không phải bởi cô Nhạn hơn chồng nhiều tuổi mà vì cô là giáo viên, sau dạy môn Văn lớp tôi, chồng cô là cán bộ nhà nước; cả hai gọi mẹ tôi bằng cô. Bố tôi đã mất từ một năm trước đó.

Lần đầu tiên cô Nhạn bước vào lớp, tôi nửa mong cô nhận ra mình là chỗ quen, nửa lại mong giá như cô giáo mới của tôi là người khác. Mong cô nhận ra để cô sẽ mở lòng, vui vẻ với tôi hơn vì tôi khá ngưỡng mộ cô từ cách nói năng, đi đứng, phong thái, lối ăn mặc rất nhã nhặn, lịch sự; nhưng băn khoăn vì cuộc sống của gia đình cô khá bí ẩn, ít giao lưu với hàng xóm; không muốn cô nhận ra do nhiều năm trước đó, hầu hết các thầy, cô giáo ở Hà Nội biệt phái vào Nam, đến thị trấn của chúng tôi dạy học đều thân thiết với gia đình tôi, rất hay đến nhà tôi chơi. Bố tôi trước là giáo viên, sau đó chuyển ngành, mẹ tôi buôn bán ở chợ. Có vài đứa trong lớp thấy thế không phục khi tôi và các anh chị mình liên tục là học sinh giỏi; tôi nhiều năm liền được các thầy, cô giáo chủ nhiệm giao làm lớp trưởng, cuối cấp một còn là Liên đội trưởng của trường; mấy đứa bạn nam hay quậy phá, bị tôi nhắc nhở thường chọc tôi "cậy quen cô giáo (thầy giáo)"! Tôi đã khổ sở vì điều đó suốt nhiều năm học.

Tuổi thơ. Ảnh internet

Sau mấy ngày đầu dạy cả lớp bình thường, đến buổi thứ ba hay tư gì đó, khi trả bài kiểm tra tập làm văn một tiết của cả lớp, cô Nhạn gọi tên tôi trìu mến: "Hà trả bài cho các bạn giúp cô". Tôi thấy cô rất thân thuộc, gần gũi và tình cảm. Đến một hôm, cô ra bài tập làm văn khác, chúng tôi còn khoảng non nửa thời gian nữa thì nộp bài, cô Nhạn nói với tôi: "Hà, tí nữa em thu bài của cả lớp, mang về nhà cho cô nhé. Cả lớp tập trung làm bài, cô có chút việc...".

Đó là lần đầu tiên tôi bước vào nhà cô Nhạn. Cô vui cười, niềm nở đón tiếp, trong khi anh Quý - chồng cô mặt mũi khó đăm đăm. Có lẽ anh không vui vì có một, hai lần sang hỏi mua đất nhà tôi để đất nhà anh rộng rãi hơn, nhưng mẹ tôi không bán. Sau này, khi tôi và các anh chị em trong nhà lớn lên đi học cấp ba, cả gia đình chuyển đến nơi khác, mẹ tôi đã chủ động gọi anh Quý để bán nhà đất cho anh.

Trở lại chuyện cô Nhạn. Những ngày sau đó, cô thường kiếm cớ gọi tôi qua nhà, những lúc chồng cô đi vắng, đặc biệt là vào các buổi tối. Vợ chồng cô Nhạn khi đó có hai con trai, đứa lớn tên gọi ở nhà là Mứt, khoảng gần 3 tuổi, đứa nhỏ tên Thèo Lèo, chừng 5-6 tháng. Thèo Lèo bụ bẫm, hai má phúng phính, đáng yêu vô cùng; trong khi Mứt doi người. Có những buổi tối cô Nhạn gọi tôi sang nhà, cho tôi đọc nhiều cuốn sách dạy viết văn rất hay mà chỉ các thầy cô giáo mới có nên tôi rất thích tủ sách nhà cô Nhạn, cứ rảnh là sang bên đó, vừa chơi với Mứt, Thèo Lèo, vừa đọc sách, mặc mẹ tôi luôn miệng gọi. Tôi thường "dạ" rõ to, nhưng mãi vẫn chưa dứt chân cẳng chạy về, mẹ tôi quát um cả xóm: "... Mày mang cái dạ của mày về đây!".

Lạ là những lúc như thế, cô Nhạn thường chỉ cười cười, không nhắc nhở tôi về hoặc nếu có bảo tôi về, cô lại nhờ tôi bế Thèo Lèo về nhà tôi luôn, bất kể ban ngày hay buổi tối, cô lấy lý do soạn bài, nấu cơm, chăm Mứt... Có khi cô múc vội chén bột hay tô cháo để tôi mang theo cho Thèo Lèo ăn. Mẹ tôi "điên" lắm mỗi khi thấy tôi lại "tha lôi cục thịt" về, nhiều lần quát tháo: "Mày ăn phải bùa, ngải gì nhà chúng nó mà cứ quắp thằng bé tối ngày như thế. Đẻ con ra thì nuôi chứ". Mỗi lúc như thế, bên nhà cô Nhạn, nếu có anh Quý ở nhà thể nào cũng có tiếng quát tháo hoặc tiếng chén bát, đồ vật bị ném loảng xoảng kèm những lời "mắng chó chửi gà"; cô Nhạn vội chạy sang bế Thèo Lèo về, lí nhí xin lỗi mẹ tôi hoặc anh Quý sang nhà, giật thằng bé trên tay tôi, chẳng chào hỏi ai.

Sau vài lần thì mẹ tôi không to tiếng nữa. Tôi cũng chả hiểu làm sao cô Nhạn cứ hay đẩy Thèo Lèo cho tôi, như thể tôi mới là mẹ của đứa bé vậy. Những buổi tối anh Quý vắng nhà, cô rủ tôi mang sách vở qua nhà cô học bài, dỗ Thèo Lèo ăn rồi ngủ lại hoặc bảo tôi mang Thèo Lèo về nhà tôi ngủ cùng khiến tôi vừa cả nể cô vừa sợ mẹ, không biết phải làm sao, cứ hành động theo bản năng; nhiều khi cãi mẹ một cách vô lý. Tôi đem nỗi nghi ngờ, hỏi cô Nhạn và cô đã kể một câu chuyện... rợn người, khó tin là thật.

Cô Nhạn kể rằng, năm Mứt được hơn một tuổi, vợ chồng cô bế con về quê chồng chơi. Được mấy ngày, người nhà anh Quý xảy ra chuyện, đứa con trai của một người em họ anh bị chết đuối. Đứa bé ấy tầm 3 tuổi. Cô Nhạn ngày đó còn trẻ, hay nhõng nhẽo, về quê đi đâu cũng theo chồng không rời nửa bước. Cô để Mứt ở nhà với ông bà nội, chạy theo chồng đến nhà đứa trẻ xấu số. Vừa đến nơi cũng là lúc người nhà đang thay áo, khâm liệm cho đứa bé, cô Nhạn cũng níu tay chồng vào xem. Cô nhìn thấy vết bớt hình con thạch sùng ngay sau vai đứa trẻ xấu số. Cô nhủ mình phải chăm sóc, bảo bọc Mứt kỹ hơn, sợ bé gặp chuyện gì xui xẻo.

Được ít ngày, gia đình ba người nhà cô Nhạn trở lại thị trấn. Sau đó cô Nhạn mang thai. Cả cô và chồng thầm ước, đứa con thứ hai trong bụng cô là một bé gái để "có nếp có tẻ". Ngày đó, việc siêu âm thai nhi rất hãn hữu, hầu như là không có phòng khám siêu âm xác định giới tính thai nhi. Mà như cô Nhạn nói, nếu có phổ biến, cô cũng không siêu âm, cứ âm thầm mong niềm ao ước của mình sẽ thành sự thật.

Đến lúc sinh Thèo Lèo, ôm cậu con trai thứ hai khoẻ mạnh, lành lặn trong vòng tay, cô Nhạn và chồng vui lắm, lại nghĩ trai, gái gì cũng tốt cả. Nhưng khi người nhà báo cho cô biết, đứa trẻ... có cái bớt hình con thạch sùng ngay bả vai, cô Nhạn nhớ ngay đến đứa cháu bên chồng mới mất chưa đầy năm, hoảng hồn sợ hãi: "không lẽ có chuyện người chết đầu thai vào nhà mình?".

Kiểm tra cơ thể Thèo Lèo, nhìn thấy vết bớt, cô Nhạn rùng mình, gai chạy dọc sống lưng, cô như thấy đứa trẻ năm xưa ở trước mặt. Kể từ đó, mỗi khi ôm Thèo Lèo trong tay, cô Nhạn sợ hãi, thậm chí không cho con bú khiến đứa trẻ quấy khóc suốt. Xót con, anh Quý chồng cô hết dỗ dành quay ra quát mắng vợ khiến gia đình xào xáo. Cô Nhạn vì trầm cảm bị mất sữa. Kể từ đó, đứa trẻ bú sữa ngoài mà lớn lên.

Thèo Lèo dễ nuôi, hầu như ai bế ẵm cũng được. Gần hai năm cô Nhạn là cô giáo dạy Văn lớp tôi thì cũng chừng đó thời gian tôi giúp cô chăm bẵm Thèo Lèo. Đứa trẻ càng lớn càng quấn quýt tôi, hễ nghe thấy tiếng tôi hay thấy tôi là mừng rỡ đòi bế. Tôi lúc đó nghe cô Nhạn kể, nửa nghi hoặc, nửa thấy tội nghiệp Thèo Lèo bị mẹ xa lánh nên tôi từ chỗ bị cô Nhạn nhờ vả mà cả nể chăm bẵm Thèo Lèo, sau thành ra quấn quýt, yêu thương không rời.

Mẹ tôi ban đầu rất bực mình vì tôi mải bế ẵm, dỗ dành, chăm con cô giáo mà chểnh mảng việc dọn dẹp nhà cửa, cơm nước mỗi khi mẹ tôi đi chợ về hay đến bữa chưa có cơm ăn. Mẹ còn la tôi "dở người, mới 13, 14 tuổi đầu mà chăm con hàng xóm như bận con mọn". Nhưng riết rồi thấy thằng bé ngoan ngoãn, dễ nuôi, mẹ tôi cũng phụ tôi chăm sóc mỗi khi vợ chồng cô Nhạn gửi gắm.

24 năm sau. Lúc này, gia đình tôi đã chuyển đến tỉnh khác sinh sống, cô Nhạn làm Hiệu trưởng trường cấp 2,3 phố huyện tôi khi xưa, chuẩn bị nghỉ hưu; hạn hữu tôi mới gặp lại cô, trong những lần tôi đưa mẹ tôi về thăm lại bà con lối xóm cũ; Thèo Lèo khi đó là sinh viên. Đến một ngày, cô Nhạn tìm tôi, đưa thiệp mời tôi và gia đình tôi về dự đám cưới của lần lượt Mứt và Thèo Lèo.

Thật tiếc vì cả hai lần tôi đang có chuyến công tác xa nhà, không về kịp chung vui với những chú "cún" đáng yêu năm nào, chỉ có thể gửi tặng quà cho các cháu. Tôi cảm nhận, cả cô Nhạn, anh Quý đều yêu thương hai đứa con nhất mực. Chúng đều lớn lên ngoan ngoãn, thông minh, có hiếu với mẹ cha.

Nhắc lại chuyện năm xưa, cô giáo cười hiền hậu, ngại ngùng: "Ngày đó, cô còn trẻ, thương yêu con lắm mà cứ sợ khi một mình bế nó hay những lúc đêm tối. Em thì trẻ con, vô tư và rất yêu quý con nít nên Thèo Lèo may mắn, chan chứa tình yêu thương. Cô và anh Quý cũng bớt căng thẳng. Cảm ơn em nhiều lắm!"

Trên tường nhà cô, bức ảnh Mứt, Thèo Lèo chụp chung với gia đình nhỏ, hai anh em có hai cậu con trai trạc tuổi, tôi như thấy lại hai đứa trẻ hàng xóm đáng yêu năm nào. Thấy tôi chăm chú ngắm nhìn bức ảnh, cô Nhạn lại gần, nói nhỏ: "Con thạch sùng sau vai Thèo Lèo mờ dần khi lớn Hà ạ. Lâu lắm rồi cô cũng đã quên!".

Bình luận (0)

Lên đầu trang