Chủ hàng nhận bản án thích đáng
Theo đó, về tội “ buôn lậu”, chủ mưu Hoàng Duy Tiến (SN 1985, ngụ quận Bình Tân) bị tuyên 12 năm tù; đồng phạm của Tiến gồm: Huỳnh Thị Quỳnh Trang (SN 1984), Phan Minh Tuấn (SN 1987), Nguyễn Bảo Châu (SN 1994), Nguyễn Thanh Bình (SN 1994), Lâm Hồng Đào (SN 2000), Trần Hoàng Lợi (SN 1997), Nguyễn Trung Thuận (SN 1996), Đinh Văn Hiên (SN 1985), Trần Xuân Duận (SN 1975), Dương Mạnh Linh (SN 1989), Võ Hoài Đức (SN 1995), Cao Đăng Minh (SN 1992), Dương Quốc Hòa (SN 1995), Trần Đình Hùng (SN 1996), Trần Tấn Long (SN 1987), Trịnh Hoàng Phước (SN 1998), Mai Đức Tài (SN 1994), Đinh Quang Triều (SN 1992), Võ Văn Đông ( SN 1967), bị tuyên mức án từ 5-11 năm tù.

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo là chủ hàng gồm Vũ Văn Tuấn (SN 1984), Nguyễn Mạnh Toàn (SN 1975), Nguyễn Thị Mai Phương (SN 1973), Nguyễn Đình Thiều (SN 1968), Phạm Toàn (SN 1982), Lê Văn Thành (SN 1984) bị tuyên từ 7-9 năm tù.
Vụ án này, TAND TP.HCM từng xử sơ thẩm, tuyên phạt Hoàng Duy Tiến 13 năm tù. Các bị cáo khác là nhân viên đồng nghiệp của Hoàng Duy Tiến, giám đốc, giám định viên Công ty giám định Đại Minh Việt, một bị cáo chủ hàng bị tuyên mức án từ 2 năm đến 8 năm tù; 5 bị cáo là chủ hàng bị tuyên phạt 1,5 tỉ đồng.
Bản án sơ thẩm bị Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM kháng nghị. Theo đó, Viện kiểm sát cho rằng tòa sơ thẩm cho 5 bị cáo là chủ hàng được phạt tiền là không đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng đề nghị tăng hình phạt đối với 8 bị cáo khác.
Tại phiên xử phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM rút kháng nghị đối với 1 chủ hàng. Tuy nhiên, TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt tiền đối với các bị cáo là chủ hàng, đồng thời Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM rút kháng nghị với 1 bị cáo là không chính xác. Do đó, cấp phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm lần đầu.
Lập hàng chục công ty để phục vụ buôn lậu
Theo cáo trạng, Hoàng Duy Tiến có quen biết với một số cá nhân là chủ cơ sở kinh doanh máy móc, thiết bị cũ; cũng như biết nhóm người này có nhu cầu tìm người có khả năng nhập khẩu máy móc thiết bị cũ về tiêu thụ trong nước.
Đồng thời, do am hiểu các quy định về hải quan và nắm bắt được chính sách của Nhà nước chấp thuận cho nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ phục vụ sản xuất của chính doanh nghiệp; Tiến đã thỏa thuận với các chủ hàng, thông qua các doanh nghiệp do Tiến thành lập, để nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng bằng hình thức kê khai gian dối là hàng nhập khẩu nhằm mục đích đưa vào sản xuất.
Sau đó, Tiến sẽ giao hàng lại cho các chủ hàng. Chi phí các chủ hàng trả cho Tiến là 78 triệu đồng – 90 triệu đồng/container hàng tùy theo thời điểm. Trong đó, Tiến sẽ lo toàn bộ chi phí đóng thuế, trả tiền vận chuyển hàng về kho, chi phí trả cho công ty giám định, chi phí cho cán bộ kiểm hóa của hải quan…
Để phục vụ cho hoạt động buôn lậu của mình, Tiến đã thuê một số đối tượng giúp Tiến trong việc làm thành lập các công ty, làm hồ sơ nhập khẩu, làm thủ tục hải quan, giao dịch thanh toán chi phí cho các hoạt động liên quan...
Theo quy định về điều kiện nhập hàng theo chính sách là hàng hóa nhập có thiết bị, máy móc cũ được sản xuất không quá 10 năm, nhưng các chủ hàng hầu hết nhập các máy móc, thiết bị cũ để sản xuất trên 10 năm (giá rẻ hơn, về Việt Nam bán có lời hơn).
Do vậy, Tiến chỉ đạo các nhân viên khi làm hồ sơ hải quan nhập các container hàng về Việt Nam thì chỉnh sửa năm sản xuất của hàng hóa trên hồ sơ đều dưới 10 năm, đủ điều kiện nhập. Đồng thời, để giảm chi phí đóng thuế, Tiến chỉ đạo khai trị giá hàng nhập thấp hơn rất nhiều giá trị thật.
Do quy định doanh nghiệp được mang hàng hóa máy móc thiết bị đã qua sử dụng về kho bảo quản chờ kết quả giám định đủ điều kiện mới cấp thủ tục thông quan nên Tiến chỉ đạo nhân viên sau khi nhận hàng ở cảng đã cho vận chuyển hàng hóa giao cho các chủ hàng đã thuê Tiến nhập về, để tiêu thụ ngay mà không chờ giám định. Để cấp thủ tục thông quan cho các container hàng máy móc thiết bị cũ được nhập về Việt Nam theo quy định, Tiến đã thỏa thuận với Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt cấp chứng thư giám định khống cho các container hàng với giá là 2,8 triệu đồng- 3,2 triệu đồng/01 chứng thư tùy theo thời điểm.
Ngày 24/5/2021, Tiến cùng các nhân viên của Tiến, sử dụng pháp nhân của 3 công ty do Tiến lập ra (gồm các Công ty Đại Lợi, Hoàng Kim, Gia Cát Thành), đăng ký mở 7 tờ khai hải quan, làm thủ tục nhập khẩu trái phép một lượng lớn hàng hóa là máy móc, thiết bị cũ trong 7 container hàng, khai báo mục đích là sử dụng sản xuất, nhưng thực tế là nhập khẩu thuê cho một số đối tượng (các chủ hàng) tại Việt Nam.
Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM phối hợp với Chi cục hải quan Cảng Sài Gòn khu vực I tổ chức dừng thủ tục thông quan hàng hóa các container hàng trên để kiểm tra, lập biên bản ghi nhận sự việc và tạm giữ toàn bộ hàng hóa, chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Kết quả điều tra, trong thời gian dài, Tiến và 25 đồng phạm đã thực hiện hành vi nhập lậu một số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam.
Mặc dù biết rõ Chính phủ quy định chặt chẽ về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyển công nghệ đã qua sử dụng vào Việt Nam nhưng Tiến vẫn móc nối với các chủ hàng để nhập khẩu trái pháp luật các máy móc, thiết bị cũ tại Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam để kinh doanh mua bán, nhằm hưởng lợi bất chính.
Để thực hiện hành vi của mình, Tiến và các nhân viên của Tiến đã thành lập 47 công ty, trực tiếp sử dụng pháp nhân của 45 công ty để làm thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.
Toàn bộ các hợp đồng ngoại thương, hóa đơn, chứng từ liên quan đến các lô hàng hóa đều được Tiến và đồng phạm điều chỉnh nội dung, làm giả, lập khống để hợp thức hóa hồ sơ.
Để hàng hóa đủ thủ tục thông quan theo quy định, Tiến đã móc nối với Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt lập các biên bản hiện trường giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung khống cung cấp cho cơ quan hải quan cho đủ thủ tục thông quan theo quy định.
Đối với các bị can là nhân viên Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt, mặc dù không thỏa thuận với Tiến về việc nhập khẩu hàng hóa máy móc, thiết bị cũ về Việt Nam để tiêu thụ nhưng các bị can là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng giám định, giám định viên hoàn toàn biết rõ và buộc phải biết các quy địnhcủa Chính phủ. Tuy nhiên, các bị can đã bất chấp các quy định của pháp luật, lập khống các biên bản, cũng như cấp khống các chứng thư giám định, bỏ mặc hậu quả xảy ra để Tiến và nhân viên của Tiến hợp thức hóa hồ sơ thông quan hàng hóa trót lọt.
Đối với các bị can là chủ hàng của Tiến, do có nhu cầu mua bán các mặt hàng máy móc, thiết bị cũ để kiếm lời, các bị can đã móc nối, thỏa thuận với Tiến để nhờ Tiến nhập lậu hàng hóa về Việt Nam; sau đó giao lại cho các bị can để kinh doanh mua bán kiếm lời, không có máy móc, thiết bị nào được nhập về để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cáo trạng xác định, Tiến là chủ mưu, từ khoảng tháng 9/2019 đến ngày 24/5/2021, Tiến đã sử dụng pháp nhân của 45 công ty, mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.287 container hàng, với tổng trị giá tài sản hàng hóa nhập lậu hơn 217 tỷ đồng.