Gay cấn tranh ghế HĐQT Eximbank

Chủ Nhật, 08/05/2016 12:26

|

Bốn nhóm cổ đông nắm giữ hơn 40% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang vận động nhiều cổ đông khác phủ quyết những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của mình tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016

Nhóm cổ đông có đại diện làm thành viên HĐQT Eximbank có dấu hiệu ngăn cản các nhóm cổ đông khác cử người vào HĐQT. Từ đó, các nhóm cổ đông đang nắm giữ hơn 40% cổ phần Eximbank tìm mọi cách để bảo vệ quyền lợi của mình.

HĐQT “đong đưa”?

Bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Phạm Hữu Phương - đại diện 2 nhóm cổ đông nắm giữ 22,2% cổ phần - yêu cầu HĐQT bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT (Eximbank hiện có 9 thành viên HĐQT). Trong khi đó, nhóm cổ đông nước ngoài sở hữu 25,95% cổ phần, bao gồm Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản), Quỹ Đầu tư VOF Investment Limited, Quỹ Đầu tư Mirae Asset Exim Investments Limited và cổ đông Trần Công Cận lại kiến nghị giữ nguyên 9 thành viên HĐQT.

HĐQT Eximbank ra mắt trong đại hội cổ đông bất thường năm 2015

Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã nhóm họp HĐQT Eximbank với các nhóm cổ đông. Tại cuộc họp, HĐQT Eximbank cho biết họ có đủ sức điều hành, quản trị nên chưa cần thiết bầu thêm thành viên mới. Thế nhưng, các nhóm cổ đông phản bác vì cho rằng nếu đủ năng lực thì sao HĐQT Eximbank thuê 2 cố vấn là bà Ngô Thu Thúy, ông Đặng Phước Dừa?

Tuy vậy, Eximbank đưa vào chương trình đại hội cổ đông thường niên năm 2016 nội dung bầu bổ sung thành viên và số thành viên HĐQT. Theo đó, Eximbank trình đại hội cổ đông thông qua số lượng thành viên HĐQT tối đa là 9 người hoặc 11 người

Một số cổ đông cho rằng HĐQT trình đại hội cổ đông thông qua số lượng thành viên HĐQT một cách “đong đưa”, phòng hờ những diễn biến phức tạp có thể xảy ra. Nếu đại hội thông qua số lượng thành viên HĐQT là 9 người thì các nhóm cổ đông khác có thể phản ứng, làm cho không khí đại hội căng thẳng, kéo dài thời gian như đại hội cổ đông bất thường vào cuối năm 2015. Khi đó, HĐQT Eximbank có thể xoa dịu tình hình bằng phương án trình đại hội cổ đông thông qua số lượng thành viên HĐQT 11 người. Vì điều này, không ít cổ đông không tham dự, khiến đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 29-4 chỉ có 50,19% cổ phần đăng ký, không đủ điều kiện tiến hành đại hội.

Theo quy định của pháp luật, trong 30 ngày, Eximbank phải tổ chức đại hội cổ đông lần 2 và chỉ cần 51% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự là được phép tiến hành.

Nhiều điều chưa rõ

Theo hồ sơ của Eximbank, ngân hàng này hiện có 8 nhóm cổ đông đại diện 84,2% cổ phần, tương ứng với 8 người đại diện. Tuy nhiên, trong 9 thành viên HĐQT Eximbank chỉ có 4 thành viên làm đại diện cho 4 nhóm cổ đông, trong đó đáng chú ý hơn cả là ông Ngô Thanh Tùng - thành viên HĐQT, đại diện 10,1% cổ phần cho nhóm cổ đông gồm 5 doanh nghiệp và 2 cá nhân. Một số người trong cuộc đặt vấn đề: Các nhà đầu tư cử ông Tùng làm đại diện là để sau khi ông Tùng lọt vào HĐQT, họ sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của HĐQT Eximbank khi liên doanh đầu tư xây dựng trụ sở trên đường Lê Thị Hồng Gấm (quận 1, TP HCM). Riêng cố vấn HĐQT Eximbank - bà Ngô Thu Thúy - mua 4,3% cổ phần Eximbank từ 3 công ty liên quan đến bầu Kiên theo phương thức trả chậm. Tức là, bà Thúy chỉ đặt cọc 5% giá trị để 3 công ty này ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng (em ruột bà Ngô Thu Thúy) làm đại diện nhằm đủ điều kiện vào HĐQT Eximbank.

Trong khi đó, 5 thành viên HĐQT Eximbank là các ông Lê Minh Quốc, Nguyễn Quang Thông, Đặng Anh Mai, Lê Văn Quyết, Hoàng Tuấn Khải gần như không có người nào nắm giữ cổ phần Eximbank.

Một số lãnh đạo Eximbank cho biết hoạt động của ngân hàng này gần như bị chi phối bởi nhóm cổ đông nắm giữ 30% cổ phần, tương ứng với 3 thành viên HĐQT gồm các ông Naoki Nishizawa, Yasuhiro Saitoh (Nhật Bản), Ngô Thanh Tùng và bà cố vấn Ngô Thu Thúy, ông Lê Minh Quốc - thành viên độc lập (không nắm giữ cổ phần), chủ tịch HĐQT. Trong khi đó, ông Quốc là “người nhà” bà Thúy (ông Quốc là thành viên HĐQT Công ty Âu Lạc, bà Thúy là Chủ tịch HĐQT Công ty Âu Lạc). Như vậy, trong 9 thành viên HĐQT, chỉ có 3 người đại diện cổ phần nhưng lại điều hành toàn bộ hoạt động của Eximbank là không ổn.

Đây là nghịch lý khiến 4 nhóm cổ đông đại diện cho hơn 40% cổ phần không đồng hành với HĐQT Eximbank, dẫn đến đại hội cổ đông thường niên lần 1 năm 2016 bất thành. Các nhóm cổ đông cho biết họ đang vận động nhiều cổ đông khác phủ quyết mọi vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi mà HĐQT Eximbank trình đại hội cổ đông thường niên lần 2.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về đại hội cổ đông thường niên năm 2016 của Eximbank phải tổ chức lần 2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết các vấn đề liên quan đến HĐQT, cổ đông Eximbank đã phát lộ từ lâu. “Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách xử lý” - ông Hưng nói.

http://nld.com.vn/kinh-te/gay-can-tranh-ghe-hdqt-eximbank-20160506221156508.htm#first

Bình luận (0)

Lên đầu trang