Hậu Giang “trải thảm” mời nhà đầu tư

Thứ Tư, 13/07/2016 20:39  | P.V

|

(CAO) Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long - MDEC 2016, đang diễn ra tại Hậu Giang, địa phương này đã công bố nhiều ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư.

Khơi thông chính sách thuế, xác định lợi thế trọng tâm thu hút đầu tư, đẩy mạnh chuỗi giá trị trong liên kết vùng, huy động nguồn lực thực hiện an sinh xã hội. Đây là 4 mục tiêu quan trọng trong xúc tiến đầu tư tại Hậu Giang, mà Bí thư Tỉnh uỷ Trần Công Chánh chia sẻ trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế MDEC Hậu Giang lần này.

Xác định hội nhập cụ thể

Ông Trần Công Chánh cho biết MDEC 2016 lần thứ 9 sẽ đẩy mạnh những lợi thế về du lịch, tiềm năng kinh tế nông nghiệp, các cơ chế chính sách đặc thù, vùng đất và con người Hậu Giang,...để từ đó thu hút các nhà đầu tư đến Hậu Giang ngày càng nhiều hơn.

Hiện nay MDEC- Hậu Giang 2016 đã có tới 1.000 gian hàng tham gia. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) dành cho Hậu Giang rất lớn.

Thông qua diễn đàn MDEC 2016 này, Hậu Giang sẽ xác định cụ thể là hội nhập chỗ nào, hội nhập ở đâu, hội nhập vì cái gì chứ không chỉ hô hào hội nhập trong khi hàng hóa tiêu thụ chưa nhiều, xuất khẩu ì ạch, cá da trơn bị thoái giá,...

Không đổ lỗi cho sự non trẻ của một Tỉnh mới vừa thành lập được hơn 10 năm, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang thẳng thắn nhìn nhận: Hàng hóa, nông sản lúa gạo của chúng ta chưa có đầu ra, trong khi hàng ngoại nhập tràn ngập thị trường. Sức cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ sản phẩm của chúng ta chưa đủ mạnh. Nếu làm chưa tốt việc này, sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Khách hàng tìm hiểu nông sản của Hậu Giang tại MDEC 2016 

Từ bài học cạnh tranh, lại thêm việc ứng dụng khoa học, công nghệ, việc đầu tư từ sản xuất đầu vào đến đầu ra cho hàng hóa, Hậu Giang chủ động, tính toán để từ hạt lúa có thể làm ra nhiều mặt hàng khác có giá trị cao hơn.

Một vấn đề đặt ra nữa là liên kết vùng. Chính liên kết này Hậu Giang có thể tách để đưa chuỗi giá trị vào từng mặt hàng cụ thể là một việc làm không hề đơn giản.

Nếu từng tỉnh chỉ liên kết một cách chung chung thì vẫn không hiệu quả, mà sự liên kết này nhà nước cần có chính sách cơ chế đặc thù cho vùng ĐBSCL.

Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, đây là chiến lược rất quan trọng về mặt cấp quốc gia, cần có sự chỉ đạo của Chính phủ thì địa phương mới triển khai chứ không phải nay liên kết chỗ này mai liên kết chỗ kia, vì đó chỉ là hợp tác làm ăn thôi.

Đây là một bài toán không dễ, phải có những nhà chiến lược ở tầm vĩ mô thì mới giải được bài toán này. Có như vậy Việt Nam mới giải quyết được căn cơ của nền nông nghiệp quốc doanh.

“Cởi trói” doanh nghiệp !

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết sẽ chia sẻ bớt gánh nặng với nhà đầu tư có dự án hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như: Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Phụng Hiệp, Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ bằng những ưu đãi thiết thực.

Cụ thể là miễn thuế thu nhập DN 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế; cho hưởng mức thuế suất thuế thu nhập DN là 10% trong vòng 15 năm đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới.

Các DN còn được miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động.

Trường hợp dự án đầu tư vào địa bàn này thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư thì sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 15 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động, tăng thêm 4 năm so với các dự án bình thường.

Với dự án đầu tư vào địa bàn này thuộc lĩnh vực ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư thì sẽ được miễn toàn bộ tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê.

Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Trần Công Chánh trả lời báo chí 

Trường hợp dự án đầu tư vào nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì ngoài các ưu đãi trên sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê.

Các DN còn được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất; được miễn nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định nếu dự án nằm trong quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;...

Ngoài ra, một hoạt động hết sức thời cuộc tại MDEC - Hậu Giang 2016 là tìm ra giải pháp kiểm soát nước mặn và dự trữ nước ngọt phục vụ trong sản xuất và đáp ứng được nhu cầu của nhân dân vùng ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng.

Để tìm ra nguyên nhân và khắc phục hiệu quả vấn đề này, thông qua MDEC, Hậu Giang mong muốn có những ý kiến đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp công trình và phi công trình dự trữ nguồn nước ngọt với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học & Công nghệ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang