Bảo vệ con khỏi vấn nạn lạm dụng tình dục

Thứ Sáu, 18/03/2016 08:31

|

(CAO) Trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài.

Bảo vệ con như thế nào trước vấn nạn lạm dụng tình dục là một trong những nội dung nhiều phụ huynh quan tâm.

Chuyện đau lòng từ những đứa trẻ bị xâm hại

Lạm dụng tình dục thường không để lại những dấu vết có thể nhìn thấy được trên cơ thể. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, con số trẻ em bị xâm hại tình dục khá cao.

Thế nhưng, thường các bậc phụ huynh không nhận biết được sớm con mình có dấu hiệu bị lạm dụng cho đến khi có những hậu quả về tâm lý như hoảng sợ, trầm cảm, có ý định tự tử… Thậm chí, nhiều em chỉ được phát hiện và điều trị tâm lý khi các em được chuyển đến Khoa Cấp cứu bởi một tổn thương rõ rệt, có em chỉ được phụ huynh phát hiện khi đã mang thai.

Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài. Ảnh minh họa

Khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM từng điều trị cho một cô bé 6 tuổi bị lạm dụng. Cháu chỉ vẽ độc hình ảnh một cô bé mặc váy. Chiếc váy với rất nhiều vệt màu đỏ lem luốc...

Cháu được gia đình đưa đến bệnh viện vì có dấu hiệu đau đầu, thường xuyên khóc thét và sợ hãi. Phải sau vài tháng điều trị tại khoa Tâm lý, cháu mới kể cho các chuyên gia tâm lý chuyện cháu bị một người gia sư xâm hại tình dục. Bức tranh kia là nỗi đau đớn âm thầm mà cháu phải chịu đựng suốt một thời gian dài.

Con số hơn 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục mỗi năm cho thấy mức độ nghiêm trọng của xâm hại tình dục trẻ em (theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).

Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần nổi của các vụ việc đã được phát hiện, xử lý. Còn rất nhiều vụ mà cơ quan chức năng chưa phát hiện do nạn nhân và gia đình không hợp tác, tự giải quyết thương lượng; một số vụ việc chỉ khi thương lượng không thành mới nhờ chính quyền can thiệp.

Mặt khác, vì sợ dư luận xã hội ảnh hưởng đến tâm lý trẻ về sau nên nhiều gia đình không tố giác vụ việc.

Những vết sẹo cuộc đời

Hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ không chỉ gây tổn thương cơ thể và những hậu quả nhất thời mà còn có thể ảnh hưởng rất lâu dài về sau này.

Không phải lúc nào trẻ bị xâm hại tình dục cũng thể hiện ra bên ngoài những tổn thương về tâm lý. Ảnh minh họa

Những hậu quả lâu dài của lạm dụng tình dục ở trẻ em biểu hiện từ nhẹ nhàng cho đến những rối loạn rất nặng nề không chỉ liên quan đến sức khỏe sinh sản mà con liên quan đến khả năng học tập, khả năng hòa nhập gia đình và xã hội cũng như đối với sức khỏe tâm thần của trẻ.

Chưa kể tới tình trạng này còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững của xã hội. Theo điều tra xã hội học có rất nhiều trường hợp nạn nhân của lạm dụng tình dịch lúc nhỏ lớn lên hành nghề mại dâm, tội phạm, trốn nhà, lạm dụng chất gây nghiện…

Dấu hiệu cho thấy con bị xâm hại tình dục

Theo các chuyên gia tâm lý, nếu tinh ý và dành thời gian quan tâm đến con, cha mẹ rất dễ nhận thấy những dấu hiệu bất thường nếu bị xâm hại.

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, Bệnh viện Nhi đồng 1, khi bị xâm hại tình dục, trẻ thường có những dấu hiệu lâm sàng như: bị rối loạn giấc ngủ (trẻ thường gặp ác mộng, có thể bị thức giấc giữa đêm với tâm trạng hoảng sợ, la hét, khóc thét). Trẻ thường gặp rối loạn ăn uống (nôn mửa, chán ăn hoặc ăn uống vô độ).

Ngoài ra, trẻ thường gặp chứng lo âu hoặc ám sợ như: không chịu cởi quần áo, không chịu đi vệ sinh ở trường học, trẻ có xu hướng làm sạch thái quá trong cách lau chùi, sợ đàn ông. Trẻ thường tự nhốt mình tròng phòng, sợ bị đụng chạm vào người ngay cả với người thân, tỏ ra hoài nghi với người khác….

Nếu tinh ý và dành thời gian quan tâm đến con, cha mẹ rất dễ nhận thấy những dấu hiệu bất thường nếu bị xâm hại. Ảnh minh họa

Triệu chứng trầm cảm, được biểu hiện ra bên ngoài như hay buồn bã, thiếu tự tin, thu mình, tự đánh giá thấp bản thân, khóc không rõ lý do, có ý định tự tử hoặc tự làm đau mình.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể gặp phải chứng rối loạn hành vi tổng quát như hay tranh cãi với người lớn. Hành vi trưởng thành giả tạo cũng được xem là một trong những dấu hiệu của sự lạm dụng tình dục. Ví dụ như khi chơi, trẻ thường thích đảm nhận vai trò làm người lớn như làm mẹ, làm vợ…

Rối loạn thể chất: Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, tiểu dầm, ỉa đùn, đau hoặc ngứa bộ phận sinh dục hoặc hậu môn, nhức đầu, choáng váng...

Khó khăn trong học tập: Triệu chứng thất bại học đường, có kết quả học giảm, mất tập trung chú ý, mất động cơ học, mất hoạt động vui chơi, sáng tạo, thái độ chống đối thầy cô, sự tự cô lập trong lớp…

Đặc biệt, có những dấu hiệu bị lạm dụng rất dễ nhận thấy ở con mình mà các bậc cha mẹ nên lưu ý như trẻ quan tâm quá mức tới những gì liên quan đến tình dục; có những hình vẽ bất thường…

Điều đáng ngại là không phải lúc nào trẻ bị xâm hại tình dục cũng thể hiện ra bên ngoài những tổn thương về tâm lý. Đôi khi, cơn sang chấn tâm lý phải sau nhiều năm xảy ra sự việc mới thể hiện ra. Phụ huynh đừng suy nghĩ rằng con “bình thường” có nghĩa là con ổn.

Ứng xử với con như thế nào?

Theo theo PGS TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, chấp nhận điều không may xảy ra với con mình là sự đã rồi, nhưng chính cách ứng xử trước tình huống đó và với trẻ mới quan trọng hơn nhiều.

Sự quan tâm của cha mẹ sẽ khiến trẻ yên tâm để bày tỏ vấn đề. Ảnh minh họa

Trong trường hợp trẻ bị lạm dụng tình dục, theo PGS TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, điều quan trọng nhất là phụ huynh cần giúp trẻ được giải thoát khỏi những ám ảnh, cảm xúc tiêu cực… bằng cách thể hiện sự tin tưởng, vì trẻ đã phải dằn vặt rất nhiều trước khi quyết định nói ra cũng như sợ người lớn quở trách, kết tội hoặc không tin. Đừng tỏ ra nghi ngờ, trẻ sẽ khép lòng lại. Ngược lại, sự tin tưởng sẽ góp phần giúp con vượt qua sang chấn, giảm nỗi đau.

Khi biết chuyện, các ông bố đừng nổi cơn thịnh nộ, các bà mẹ đừng la hét hoặc bật khóc vì sẽ làm cho trẻ căng thẳng hơn. Đồng thời, phải chăm chú lắng nghe những gì trẻ muốn nói, khuyến khích, động viên trẻ nói ra những suy nghĩ, cảm giác của mình. Nên làm trẻ vững dạ bằng câu nói: “Bố mẹ sẽ ở bên cạnh con nếu con muốn”, “Bố mẹ sẽ cùng con giải quyết chuyện này”. Phụ huynh cần khẳng định với con trẻ rằng sự việc xảy ra hoàn toàn không phải do lỗi của trẻ.

Để giúp con em phòng tránh việc bị lạm dụng, phụ huynh cần giáo dục giới tính sớm cho trẻ em, giáo dục sức khỏe sinh sản cho tuổi vị thành niên, cha mẹ làm gương về lối sống lành mạnh, thận trọng với những sinh hoạt vợ chồng trước mặt con cái, dành thời gian chia sẻ và tìm hiểu tâm lý con mỗi ngày, tạo môi trường an toàn cho trẻ…

Bình luận (0)

Lên đầu trang