NỖI BUỒN CỦA PHẤT
Tôi chơi với thằng Phất từ năm lên lớp bốn. Nhà nó ở xóm trên, lớn hơn tôi một tuổi, người gầy xọp, mắt luôn đổ ghèn và là thằng hay bị đám bạn chơi chung ức hiếp. Người ta dám ức hiếp Phất vì biết nó không có cha! “Cha mày chết lâu chưa?” - có lần tôi ngu ngơ hỏi. “Cha tao còn sống chứ chết hồi nào! Mà tao không biết mặt mũi ổng ra sao nữa? Chỉ nghe má tao nói, từ lúc chửa tao tới giờ thì ổng trốn đi biệt tích. Chắc do vậy nên má tao mới đặt cho tao cái tên Phất, mong tao sau này phất lên, không nghèo hèn và chịu tiếng đời như bả nữa” - nó trần tình.
Thằng Phất không được đến lớp! Vậy mà nó lại mừng rơn, ngày nào cũng lén trèo tường vào trường cấp một trêu tụi đi học như tôi không “may mắn” được ở nhà rong chơi như nó. Chẳng có con chữ, Phất lân la theo đám trai làng đi kéo lưới quát, rồi tập làm quen đi ghe lưới dệt, lưới cảng. Như con cá nhám mới chào đời tập đương đầu với từng con sóng, đến khi đủ cân, đủ ký, đủ vây, nó trở thành con cá mập dũng mãnh giữa biển khơi. Phất rành rẽ nghề đánh bắt cá “bò gù” (tên gọi khác của cá ngừ đại dương) khi chưa tròn 15 tuổi. Có lẽ đời nó chưa từng biết sợ bất kỳ con sóng dữ nào. Mấy năm đó, làng chài quê tôi trúng cá đậm. Những chuyến biển xa bờ dẫu chưa đầy một tháng mà ghe đã chở khẳm cá, mực, “bứt đá” băng băng về bờ.
Bẵng một thời gian xa quê, tôi nhận tin Phất cưới vợ. Nhưng ông Trời nào cho nó được một ngày hưởng trọn niềm hạnh phúc? Cưới vợ ra riêng, tiền đi biển không đủ cho nó mua một mảnh đất cắm dùi. Nhà vợ thương tình kêu về ở rể, cho vợ chồng nó miếng đất cất mái nhà tôn để có chỗ chui ra, chui vào. Có nhà mới, Phất chí thú làm ăn kiếm tiền trả nợ, lo cho xấp nhỏ có tương lai. Có chuyến biển nó đi biền biệt cả 2 trăng liền không về bờ. Những ngày cận Tết, Phất mượn chủ ghe ít tiền, tính chuyến này đi biển bỏ Tết, mong mua được vài bộ đồ mới cho con. Ngờ đâu, đó là chuyến xa bờ đi mãi không về của nó!
Theo lời bạn thuyền kể lại, khuya ấy trời nổi cơn giông! Biết biển đang giận giữ, nhưng phận thuyền viên phải nghe theo chủ cả, lại còn món nợ chực chờ và mong ước về một cái Tết no đủ cho con, Phất đành bấm bụng xuống thúng câu mực để chủ có mồi câu cá. Giữa biển khơi tối đen như mực, trong một chiếc thúng chỏng chơ, Phất vật lộn với từng đợt sóng hung tàn.
Con tàu mất tích một cách bí ẩn được ngư dân Indonesia tìm thấy, cứu được 2 thuyền viên, số còn lại thì... chưa biết ngày về!
“Lúc đấy sóng đánh mạnh làm lật thúng. Em cố hết sức bơi về ghe, còn anh Phất đuối sức, hướng mắt về em nói “Tùng “cò” ơi, đem xác tao về với con tao” rồi từ từ chìm xuống. Em gắng thòng sợi dây cước vào cổ ổng để kéo, rủi có gì còn xác trở về” - Tùng “cò”, một thuyền viên, ngấn lệ kể lại phút định mệnh. Vậy là lúc ngấp nghé cửa tử, Phất vẫn không quên 2 đứa con bé bỏng đang trông ngóng cha trở về!
Ngày về đất mẹ, cỗ quan tài được đưa đến trước cửa ngôi nhà mái tôn mới xây khoảng chừng mươi phút, để Phất nhìn lại lần cuối tài sản duy nhất mà nó tích góp được trong đời. Đám tang chỉ vỏn vẹn 10 người đi theo đưa tiễn, âm thầm và chóng vánh như cái cách mà cha của Phất đã trốn khỏi cuộc đời nó hơn 35 năm nay. Nỗi đau thấu tận tâm can! Nghe đâu, người cha vô trách nhiệm ấy đã được chính quyền báo tin, nhưng vẫn không đến để lần cuối nhìn mặt đứa con mà ai cũng nói giống ông ta như đúc. Phận đời ngang trái gặp cảnh trái ngang! Giờ đây, con đường phía trước của 2 cánh chim nhỏ lạc đàn, chắc chắn sẽ lại thêm gập ghềnh khi mất đi sự che chở từ cha nó - giống như tuổi thơ mà Phất từng hứng chịu.
BIỂN ƠI, VỀ ĐÂU?
Ở cái làng chài Đông Tác, khi phần lớn tư duy của các bậc cha mẹ xem trọng con cá hơn con chữ, thì sự học khó lòng đến nơi, đến chốn! Hồi đó, mới lên hết tiểu học, hết 80% bạn bè đồng trang lứa ở làng chài của tôi đã vứt bỏ cây viết để ra khơi cầm... dây lưới. Vừa lên được cấp ba, tôi cũng tính đường nghỉ học đi biển như bao trai làng để mỗi chuyến xa bờ về có tiền tiêu xài, nhất quyết không chịu thêm cảnh nhịn đói đến trường. Có đi thử một, hai chuyến biển mới biết, cuộc đời ông cha mình đã phải chịu bao sóng gió để gồng gánh kế sinh nhai cho cả gia đình.
Và để có tiền cho con đến lớp, là nỗ lực phi thường của một ngư phủ. Nghề biển là vậy, hạ bạc và đôi lúc để câu được con cá đem vào bờ, có những người đã phải “gửi thân” vĩnh viễn cho đại dương xanh thẳm. Đời thằng Phất khốn khổ từ đầu tới cuối. Nhưng so với nhiều ngư dân bị tai nạn mất tích trên biển, thì nó vẫn còn may mắn hơn vạn phần, vì còn xác để trở về. Chỉ trong tháng 11 và 12/2024, ở làng chài Đông Tác (thuộc P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã ghi nhận đến 4 trường hợp tai nạn bị chết hoặc mất tích trên biển. Mới nhất là vụ ghe và người bị mất tích, trôi dạt vào vùng biển của nước bạn Indonesia.
Theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia thì tàu cá có số hiệu “KIA PJ 24 TS” do anh Lương Công Hay làm thuyền trưởng rời cảng cá Đông Tác vào ngày 21/11/2024, sau đó bị hỏng động cơ và trôi dạt trên biển, may mắn được ngư dân Indonesia phát hiện, cứu sống 2 người gồm: Nguyễn Hữu Vinh và Phạm Ngọc Anh. Còn thuyền trưởng Lương Công Hay và thuyền viên Vũ Đình Tấn hiện vẫn đang bị mất tích.
Ngư dân Indonesia tìm thấy, cứu được 2 thuyền viên, số còn lại thì... chưa biết ngày về!
Trong một diễn biến khác, sự mất tích của chiếc tàu cá này cũng đã được gia đình anh Hay trình báo với Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên từ trước đó, khi họ nhận được cuộc gọi bộ đàm cầu cứu của anh Hay, báo rằng có thuyền viên mâu thuẫn, tấn công nhau. Sau đó, tàu cá mất tín hiệu cho đến khi được tìm thấy - như thông tin đã nêu trên. Nguyên nhân vụ việc liệu do tàu bị hỏng động cơ dẫn đến tai nạn hay đó là một vụ án mạng, chắc chắn sẽ được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ, kết luận trong nay mai.
Nhưng điều trăn trở nhất lúc này, chính là tương lai của người ở lại: Gia đình ngư dân nào cũng nghèo và con cái của họ đều đang tuổi đến lớp. Mất đi chỗ dựa từ người cha, liệu các cháu nhỏ sẽ đương đầu ra sao với sóng gió cuộc đời? Đến làng chài trong những ngày giáp Tết, biển trắng xóa và sóng đập từng nhịp tràn bờ, dòng nước sủi lên một màu u ám. Gió bấc lùa từng cơn lạnh tím tái. Quê nghèo mang một nỗi buồn thê lương! Tôi bất giác hướng mắt về từng con sóng dữ, nơi có những trai làng đang gửi phận ở khơi xa. Người xứ Nẫu có câu: “Ăn của biển, trả về cho biển”! Biển cho ngư dân cuộc sống, nhưng biển cũng lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu mảnh đời. Có những chuyến ghe ra khơi, người đi mãi không về...
Cần một “hướng rẽ” bài bản cho ngư dân
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam đạt gần 397 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Mấy ai hiểu được, để đạt được thành quả ấy là sự đánh đổi không chỉ có mồ hôi, nước mắt lao động mà còn có rủi ro thường trực với tính mạng dành cho các ngư dân? Những chuyến biển từ chỗ chỉ mất khoảng mươi ngày, nay do trữ lượng cá vơi đi nên có khi phải ròng rã vài tháng lên đênh, thuyền mới lại bến. Cũng vì thế mà những ngư dân xưa nay vốn hiền lành, giờ nhắm mắt làm liều vượt qua vùng lãnh hải của nước ta để đánh bắt, khiến cơ quan chức năng phải tốn công, tốn của mới có thể quản lý, giám sát được hoạt động của các ghe thuyền ngoài khơi xa.
Phương án giải quyết hữu hiệu vấn đề trữ lượng cá sút giảm, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ quá trình đánh bắt của ngư dân, còn là bài toán vĩ mô về kinh tế: Làm sao để nâng cao giá trị của con cá ngừ? Hầu hết các ngư dân đều mong muốn có một chợ đấu giá để cá ngừ có thể “ngẩng cao đầu”, không còn bị tiểu thương o ép như hiện tại. Định hướng mở chợ đấu giá cá ngừ cũng là điều mà các cơ quan hữu trách tại tỉnh Phú Yên đã nhìn thấy từ nhiều năm về trước. Cụ thể, vào tháng 11/2021, UBND tỉnh Phú Yên đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Kiyomura (Nhật Bản) nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương của tỉnh. Thỏa thuận hợp tác này là điều kiện để trao đổi các mô hình phát triển thủy sản, đặc biệt là tổ chức và phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương. Ngư dân, doanh nghiệp và nhà quản lý sẽ chia sẻ thông tin về các vấn đề như: Khai thác kinh tế và công nghệ, quản trị và marketing sản phẩm thủy sản, trong đó có mô hình chợ đấu giá cá ngừ.
Đây rõ ràng là cơ hội giúp cho nghề khai thác cá ngừ đại dương của Phú Yên nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập bền vững cho ngư dân. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khác nhau, mơ ước về một chợ cá đấu giá cá ngừ của ngư dân đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Đã đến lúc, các cơ quan hữu trách của tỉnh Phú Yên cần “lên dây cót” một cách bài bản để thiết lập đề án thành lập một chợ đấu giá đúng tiêu chuẩn, từ đó đưa con cá ngừ “bơi xa” hơn trên trường quốc tế, giúp ngư dân có thể làm giàu bền vững bằng chính cái nghề lắm gian truân của họ.