Đưa Nghị định 168 đi vào đời sống:

Bài 3: Nghiêm minh để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Thứ Bảy, 08/02/2025 22:00

|

(CATP) Mức phạt cao đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của Nghị định 168 mới đủ sức răn đe. Đây là biện pháp chế tài nghiêm để người dân phải chấp hành pháp luật giao thông (GT), là cơ sở để hình thành văn hóa GT văn minh, với mục đích cuối cùng là bảo vệ tính mạng, tài sản của chính người dân. Nhiều quốc gia khác cũng có mức phạt cao như vậy…

Nghị định 100 chưa đủ sức răn đe, cần có Nghị định 168

Khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực GT đường bộ đã được nâng lên từ 40 - 75 triệu đồng. Nhiều hành vi khác theo nghị định này cũng bị phạt cao, thậm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt cao như vậy những tưởng đã đủ sức răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm TTATGT. Tuy nhiên vẫn chưa đủ sức răn đe đối với một số hành vi và một số đối tượng không muốn chấp hành pháp luật. Tình trạng vi phạm TTATGT vẫn cứ tiếp diễn, ít chuyển biến.

Thực tế TNGT ở nước ta vẫn ở mức cao. Theo Ủy ban Quốc gia về An toàn GT Việt Nam công bố vào ngày 01/7/2024, đã có hơn 12.000 vụ TNGT xảy ra khiến hơn 5.300 người thiệt mạng trong vòng 6 tháng đầu năm 2024 - số liệu mới được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố. Bình quân mỗi ngày tại Việt Nam xảy ra 68 vụ TNGT, làm 30 người chết, 30 người bị thương và 22 người bị thương nhẹ - đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ TNGT nằm trong nhóm 30 nước cao nhất thế giới.

Tình trạng văn hóa GT bị xem nhẹ, thậm chí bị coi thường, làm cho tình trạng bảo đảm TTATGT ngày càng xấu đi. Đó là lý do Nghị định 168 ra đời với mức phạt tăng nặng.

Người dân nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT khi dừng chờ đèn đỏ ngay cả khi không có lực lượng CSGT

Theo đó, với xe ôtô, các lỗi như điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc; lùi xe trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc sẽ bị phạt lên tới 30 - 40 triệu đồng. Các lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu GT; đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều"; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển GT; vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg - 0,4mg/1 lít khí thở... bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng. Điều khiển xe chạy quá tốc độ trên 35km/giờ, dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định bị phạt từ 12 - 14 triệu đồng; điều khiển xe ôtô gắn biển số không rõ chữ, số hoặc gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp bị phạt tiền từ 20 - 26 triệu đồng...

Khi mức phạt vi phạm TTATGT được công bố theo Nghị định 168, dư luận, đặc biệt là trên mạng xã hội cho rằng mức phạt đó quá cao, vượt quá mức chịu đựng của người dân có thu nhập trung bình. Ngược lại cũng có dư luận ủng hộ mức phạt này, cho rằng "đánh vào túi tiền" của người tham gia GT vi phạm cao như vậy mới đủ sức răn đe, mới đưa pháp luật GT đi vào đời sống một cách hiệu quả nhất.

Nhiều quốc gia cũng có mức phạt rất cao

Kinh nghiệm dùng biện pháp phạt cao, thậm chí rất cao trong lĩnh vực GT nhiều quốc gia đã làm. Tại Mỹ, vi phạm tốc độ là một lỗi khá phổ biến. Theo thống kê của Forbes, năm 2020, các vụ TNGT liên quan đến vi phạm tốc độ chiếm 11.258 trong số 38.824 vụ TNGT gây tử vong. Ủy ban An toàn GT đường bộ Mỹ (NHTSA) cho biết năm 2022, vi phạm tốc độ đã gây ra cái chết cho 12.151 người, chiếm 29% tổng số các vụ TNGT trong năm đó tại Mỹ. Các mức phạt cũng thay đổi theo từng bang khác nhau, nhẹ nhất là 50 USD (khoảng 1,2 triệu VNĐ) và nặng nhất là 2.500 USD (khoảng 61 triệu VNĐ).

Luật pháp Na Uy cực kỳ nghiêm ngặt với hành vi chạy quá tốc độ. Quốc gia này có giới hạn tốc độ thấp nhất ở Châu Âu. Người vi phạm phải nộp phạt tối thiểu 790 USD (tương đương 19,4 triệu VNĐ) khi chạy quá tốc độ trên cao tốc. Khi chạy quá tốc độ 13 dặm/h (20km/h) trong khu dân cư, mức phạt lên tới 1.316 USD (khoảng 32 triệu VNĐ). Tốc độ mà người vi phạm sẽ quyết định việc GPLX của ngươi đó có bị tịch thu hay phải đối mặt với án tù hay không.

Thụy Sĩ là một trong số ít quốc gia ở Châu Âu đưa ra quy định sẽ đưa người điều khiển phương tiện vào tù vì vi phạm tốc độ. Quốc gia này nổi tiếng với các luật GT nghiêm khắc và việc thực thi giới hạn tốc độ. Giới hạn tốc độ ở khu dân cư dưới 19 dặm/h (30km/h), trong khi giới hạn tốc độ cao nhất trên đường cao tốc là 74 dặm/h (120km/h). Mức phạt nặng nhất 622 USD (khoảng 15 triệu VNĐ), được coi là một hình thức cảnh cáo và được áp dụng khi ai đó vượt quá giới hạn tốc độ 11 dặm/h (17km/h). Bất cứ vi phạm nào sau đó vượt quá mức này sẽ bị tịch thu GPLX trong 1 tháng và mức độ nghiêm trọng sẽ tăng dần, với việc chạy quá tốc độ tối đa 24 dặm/h (38km/h) sẽ bị tạm giữ GPLX trong 3 tháng. Trường hợp nghiêm trọng nhất sẽ đối mặt với án tù tối thiểu 1 năm. Ngoài ra, luật pháp Thụy Sĩ còn quy định mức phạt được tính dựa trên thu nhập chịu thuế và tài sản của người vi phạm.

Đưa các thông tin này cho thấy mức phạt vi phạm TTATGT của nhiều quốc gia rất cao. Người tham gia GT sợ nhất là bị tước bằng lái xe, vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ăn việc làm. Nhờ mức phạt này, nhiều quốc gia tiên tiến đã xây dựng được văn hóa tham gia GT văn minh.

Đó cũng là lý do UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết "Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực GT đường bộ trên địa bàn TP Hà Nội". Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01, cho phép HĐND TP.Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần mức phạt do Chính phủ quy định với một số vi phạm hành chính GT đường bộ.

UBND TP.Hà Nội đề xuất tăng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần đối với 107 hành vi vi phạm GT. Sau khi lấy ý kiến, Hà Nội dự kiến sẽ áp dụng từ tháng 7/2025. Theo đó, một số hành vi vi phạm GT theo quy định của Nghị định 168 có mức phạt thấp nên đề xuất tăng 2 lần, còn những hành vi có mức phạt cao thì kiến nghị tăng 1,5 lần.

Thay đổi hành vi khi tham gia giao thông

Với Nghị định 168, mức phạt dành cho những hành vi vi phạm TTATGT cao và rất cao, là biện pháp chế tài nghiêm để người dân phải chấp hành pháp luật GT. Với mức phạt như vậy, những người tham gia GT với tâm thức sẵn sàng vi phạm TTATGT thì lo lắng và bất an, còn đối với những người luôn chấp hành thì không có vấn đề gì, bởi nếu không vi phạm, làm sao bị phạt?

Khi Nghị định 168 có hiệu lực từ 01/01/2025, gần như ngay lập tức người tham gia chấp hành rất nghiêm. Quan sát tại TPHCM hay ở Hà Nội những hành vi như leo lề, dừng đèn đỏ cán vạch, quẹo phải khi không có đèn hiệu cho phép, lấn làn, chạy ngược chiều... giảm hẳn.

Theo đánh giá của Cục CSGT, trong 3 tuần thực thi Nghị định 168, số vi phạm GT bị xử phạt giảm hơn 18.100 trường hợp. Người dân đã tự giác chấp hành các quy định ngay cả khi không có lực lượng chức năng. Cũng trong 3 tuần đó, trên phạm vi toàn quốc, CSGT đã xử lý 230.672 trường hợp vi phạm, so với thời gian trước liền kề, số vi phạm bị xử phạt giảm 18.122 trường hợp (-7,3%); vi phạm tốc độ (giảm 28%), vi phạm nồng độ cồn (giảm 13,5%), vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng xe (giảm 34,5%).

Theo Đại tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục CSGT, kể từ 01/01, có thể thấy rõ bộ mặt GT đã thay đổi với những tín hiệu tích cực, tình trạng người lái xe vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều trên đường một chiều... đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn. Tại các nút giao, dễ dàng bắt gặp cảnh người tham gia GT đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu, kể cả khi không có lực lượng CSGT.

Phó cục trưởng Cục CSGT dẫn ý kiến của bà Angela Pratt - đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, bày tỏ hoan nghênh và đánh giá thành công của Việt Nam trong việc cải thiện an toàn GT là đã áp dụng một cách tiếp cận toàn diện đối với các vấn đề như luật pháp, thực thi pháp luật, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn an toàn phương tiện... "Các cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài đánh giá quyết tâm của Việt Nam trong thiết lập an toàn GT, khẳng định an toàn GT chính là một hình thức quảng cáo kêu gọi đầu tư nước ngoài, quảng bá du lịch, giữ chân khách du lịch và thúc đẩy khách du lịch quay trở lại" - Đại tá Phạm Quang Huy cho biết.

Tình hình thực hiện Nghị định 168 như vậy là tích cực. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng trong những ngày đầu thực hiện nghị định này cũng đã có những bất cập nhất định, đặc biệt về hạ tầng GT vẫn chưa thể cải thiện một sớm một chiều. Như các trụ đèn GT vẫn có nơi bị lỗi, làm người tham gia GT lúng túng. Một số khu vực ở TPHCM, Hà Nội xảy ra tình trạng ùn ứ GT cục bộ, nhất là trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ, trong giờ cao điểm lượng người tham gia GT rất đông. Đây là cái cớ để một số người thiếu thiện chí, thiếu tính xây dựng cho rằng Nghị định 168 là nguyên nhân gây ra ùn tắc GT. Thay vì quy chụp như vậy, cần thấy rằng hệ thống đường sá tại hai TP lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM vốn đã quá tải, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Hệ thống GT công cộng chưa phát triển đồng bộ. Xe buýt, tàu điện ngầm chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, khiến nhiều người vẫn phải lựa chọn phương tiện cá nhân, gây áp lực lên hệ thống đường sá. Ngoài ra còn thiếu các tuyến đường dành riêng cho người đi xe đạp, người đi bộ, khiến họ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, xung đột GT với các phương tiện cơ giới.

Thực tế mà ai cũng thấy, khi Nghị định 168 có hiệu lực, GT ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành trên cả nước đã thay đổi lớn, mang lại giá trị tích cực cho lực lượng chức năng trong việc quản lý công tác TTATGT. Vấn đề còn lại là nếu chúng ta tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật TTATGT và kiên quyết xử lý các vi phạm GT thì người dân sẽ thay đổi, dần dần hình thành văn hóa GT hiện đại và văn minh.

(Còn tiếp...)

Bài 2: Hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu bia
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang