(CAO) Rất đông người đồng bào dân tộc thiểu số xã Ia Khai (huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã vượt hơn nghìn km ra TP.Hải Phòng học và tham gia thi sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) ô tô.
Học 2 tuần thay vì 6 tháng!
Cứ đến mùa thu hoạch hạt điều xong, qua hoạt động môi giới sẽ có rất nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã vùng sâu Ia Khai (huyện Ia Grai) khăn gói ra TP.Hải Phòng học và thi GPLX ô tô. Nhận thấy sự bất thường này, công an và chính quyền địa phương đã vào cuộc xác minh.
Dù kinh tế rất khó khăn nhưng người đồng bào DTTS vẫn chấp nhận bỏ ra chi phí rất cao để ra Hải Phòng thi lấy bằng lái ô tô
Ông A Huân - Phó trưởng phụ trách Công an xã Ia Khai cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã cử công an viên thống kê số người dân có GPLX ô tô trên địa bàn xã. Theo thống kê ban đầu, hiện có 93 người dân trên địa bàn có GPLX ô tô, trong đó có đến 40 người học ở TP.Hải Phòng, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số (39/40 trường hợp). Nhiều trường hợp đi học nhưng không biết chữ. Đây chỉ mới là những số liệu được công an viên nắm, còn thực tế con số có thể lớn hơn.
“Khi chúng tôi khảo sát những trường hợp đi học GPLX ở Hải Phòng, thì họ bảo học ngoài đó dễ hơn, còn học ở Gia Lai khó hơn nhiều. Khi ra học ở Hải Phòng, người dân có được học sơ qua, sau đó thi và cấp GPLX. Cứ đến mùa thu hoạch điều xong, có người từ Hải Phòng về lôi kéo cho người dân theo học GPLX ô tô. Những người này đến địa bàn nhưng cũng không thông qua chính quyền địa phương”, ông A Huân cho biết thêm.
Anh Rơ Chăm Huyh ở làng Jăng Krái 2 – người vừa được cấp GPLX hạng C. Anh Huyh thi đạt điểm lý thuyết tuyệt đối 30/30. Anh Huyh chia sẻ: Mình nghe một số người nói học GPLX ở Gia Lai chi phí cao, học lại khó hơn, trong khi những người đi học ở Hải Phòng về bảo ngoài đó học phí thấp, thi dễ nên mình đăng ký. Mình đi học vào tháng 9-2018, sau 2 tuần là thi, giờ trung tâm TP.Hải Phòng đã gửi hồ sơ và GPLX hạng C về theo đường bưu điện. Mình đóng 14 triệu tiền học phí, tiền ăn ở, đi lại thầy lo một phần, mình lo một phần.
Kết quả thi của anh Huyh đạt khá cao
Còn anh Rơ Lan Tinh - làng Jăng Krái 1 tham gia kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe ô tô hạng C tại Hải Phòng vào ngày 27-9-2018. Anh Tinh đạt số điểm thi lý thuyết tuyệt đối là 30/30, kỹ năng lái xe trong hình đạt 95/100. Cầm trên tay GPLX, anh Tinh khẳng định bằng mình là thật.
“Mình nghe người ta nói học ở Hải Phòng dễ hơn nên mình đăng ký. Đợt mình đi có tất cả 17 người trong xã. Mình đóng học phí hết 16 triệu đồng, tiền chi phí trong 2 tuần để học và thi hết khoảng 10 triệu”.
Theo số điện thoại trên cạc visit mà những người dân cung cấp, chúng tôi đã nhờ 1 người địa phương gọi vào số điện thoại trên đó để đăng ký học GPLX hạng C. Người này tên Đ.Đ.B. (nhân viên Trung tâm dạy nghề lái xe N.T.).
“Tôi sẽ lo cho anh tất cả trọn gói từ lý thuyết, hồ sơ và hình là 10 triệu. Tiền xe, tiền ăn là người học tự lo. Về lý thuyết, tôi hỗ trợ 100% đỗ và hỗ trợ tay lái trong hình luôn. Học ở đây nó dễ hơn và cơ chế cũng thoáng hơn. Xã Ia Khai ra đây thi nhiều lắm, tôi vào đó mấy lần rồi. Nếu nộp hồ sơ cứ gọi cho tôi”, ông B. trả lời qua điện thoại.
Anh Rơ Lan Tinh ra Hải Phòng thi vì cho rằng ngoài đó dễ đỗ hơn
Theo một cán bộ trường lái tại Gia Lai, cùng một quy trình học và thi sát hạch như nhau nhưng người dân ở Tây Nguyên ra Hải Phòng chi phí bỏ ra cao gấp gần 3 lần thi tại Gia Lai. Ngoài ra, học GPLX ô tô hạng C đúng quy định là 6 tháng, trong khi người học nói chỉ học và thi 2 tuần như vậy liệu có đảm bảo chất lượng?”.
Lời hứa thi là đỗ
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phương - Bí thư Đảng ủy xã Ia Khai cho biết: Người đồng bào ngại thi cử, trong khi người môi giới khẳng định 100% thi là đỗ nên người dân ra Hải Phòng học. UBND xã cũng có tuyên truyền học ở địa phương cho đỡ tốn chi phí, nhưng bên môi giới cam kết thi đỗ, còn mình không ai dám cam kết như vậy. Cách đây khoảng 2 tháng, UBND xã có nắm được thông tin nên giao Công an xã thống kê và nắm tình hình.
Khi chúng tôi chụp 2 GPLX của anh Rơ Lan Tinh và Rơ Chăm Huyh gửi cho Sở GTVT Gia Lai kiểm tra, thì được kết quả GPLX ô tô thật. Ông Tăng Xuân Kiên - Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi nắm thông tin, Sở sẽ tiến hành kiểm tra thực hư, đồng thời có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị làm rõ những nội dung thắc mắc.