Cần có biện pháp mạnh đủ sức răn đe đối với hành vi bấm còi xe 'vô tội vạ' trong đô thị

Thứ Ba, 03/12/2024 16:00

|

(CAO) Ô nhiễm tiếng ồn giao thông tại các đô thị lớn ở Việt Nam, nhất là TP.Hồ Chí Minh ngày càng đến mức báo động, nhất là tình trạng sử dụng còi xe 'vô tội vạ'. Dù nhiều giải pháp cho vấn đề này đã được đưa ra nhưng hầu hết chỉ mới dừng lại ở việc kêu gọi nâng cao ý thức, thiếu các chế tài đủ sức răn đe.

Theo thống kê, đến cuối năm 2023, TPHCM có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông, trong đó hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ tỉnh, thành khác di chuyển vào TP. Với lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn trong điều kiện hạ tầng đường sá chưa đáp ứng kịp nên ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, tiếng ồn từ động cơ và còi xe càng khiến không khí đường phố trở nên ngột ngạt.

Ùn tắc giao thông cộng hưởng cùng tiếng còi xe bấm inh ỏi khiến nhiều người đi đường cảm thấy như bị tra tấn

Đáng nói, thói quen xấu bấm còi xe bừa bãi là một vấn đề phổ biến trong văn hóa giao thông tại Việt Nam càng làm cho ô nhiễm tiếng ồn thêm trầm trọng. Tại TPHCM, nhiều tài xế sử dụng còi như một cách để thúc giục phương tiện phía trước hoặc giải tỏa căng thẳng khi gặp ùn tắc.

Một số người còn lắp còi không đúng chuẩn, đặc biệt là các loại còi hơi có âm thanh to, kéo dài, chói tai. Những loại còi này thường được gắn trên xe máy và ô tô với mục đích “chơi trội, thể hiện bản thân”, tạo sự chú ý hoặc để "dọa" những phương tiện khác phải nhường đường cho mình.

Anh Trần Minh Hùng (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết thật sự cảm thấy rất phiền phức và bực mình vì những tiếng còi xe bấm loạn xạ. “Trong điều kiện đường sá đông đúc, nóng bức, tiếng động cơ, khói bụi đã đủ làm người ta mệt mỏi, việc còi xe vang lên liên tục càng khiến chói tai, nhức óc, gây áp lực tâm lý”, anh Hùng bức xúc.

Việc bấm còi xe vô tội vạ khi lưu thông trên đường là hành vi thiếu văn hóa

Việc bấm còi bất chấp tình huống giao thông không chỉ gây phiền phức, căng thẳng mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Chị Trần Thị Hạnh (ngụ TP.Thủ Đức) vẫn chưa hết hoảng loạn khi nhớ lại vụ va chạm giao thông của mình cách đây chưa đầy 1 năm.

Theo đó, khi chị Hạnh đang điều khiển xe máy lưu thông trên đúng phần đường của mình, bất ngờ phía sau một chiếc xe tải bấm còi hơi inh ỏi và kéo dài khiến chị giật bắn người, loạng choạng tay lái rồi va vào xe người khác đi cùng chiều khiến cả hai cùng ngã xuống đường. “Dù may mắn không ai bị thương nặng, nhưng sự hoảng loạn và cảm giác bất an trên đường khiến tôi ám ảnh với tiếng còi xe từ ngày đó”, chị Hạnh chia sẻ.

Anh Hoàng Thanh Dương (ngụ Quận 1) chia sẻ thêm: "Tôi từng đi du lịch đến nhiều nước, nhưng chưa thấy ở đâu việc sử dụng còi xe nhiều như Việt Nam, thậm chỉ các nước xung quanh mình như Thái Lan, Lào, Campuchia họ cũng không bấm còi xe như mình, khi đường đông đúc thì họ tuần tự xếp hàng chờ lưu thông, không có tình trạng lạng lách, tranh giành đường, bấm còi inh ỏi như ở các đô thị Việt Nam".

Chuyên gia tâm lý tội phạm - Tiến sỹ Đoàn Văn Báu cho biết ô nhiễm tiếng ồn giao thông đặc biệt là tiếng còi xe là vấn đề nhức nhối hiện nay. Không chỉ ý thức sử dụng còi xe của một bộ phận người tham gia giao thông 'có vấn đề' mà những người này còn dùng chiêu trò đối phó với các trung tâm đăng kiểm bằng cách tháo bỏ các loại còi hơi trước khi đưa xe vào kiểm tra, sau đó lại lắp vào để tiếp tục 'tra tấn' người đi đường.

Tiến sỹ Đoàn Văn Báu chia sẻ

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn, còi xe còn là 'kẻ thù giấu mặt' ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân. Theo TS Vũ Xuân Đán – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, sau bụi.

WHO khuyến cáo tiếng ồn trung bình không vượt quá 40 decibel tại các khu vực dân cư vào ban đêm để phòng tránh sự tác động đến sức khỏe. Tiếng ồn gây ra sự tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người như: giảm thính lực, cao huyết áp, tim mạch, các bệnh đường tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, thay đổi chức năng miễn dịch…

Thời gian qua, nhiều giải pháp cho vấn đề ô nhiễm tiếng ồn giao thông đã được đưa ra. Khoản 2 Điều 21 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định “Không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi có âm lượng không đúng quy định; không sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ xe ưu tiên”.

Nhiều người cho rằng cần có chế tài mạnh tay, đủ sức răn đe đối với một số người thiếu ý thức trong việc bấm còi xe vô tội vạ trên đường. Cần học tập kinh nghiệm một số nước trong khu vực như Singapore khi việc sử dụng còi bừa bãi được coi là hành vi thiếu văn minh và bị xử phạt rất nặng.

Bên cạnh đó, sớm đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc bằng cách mở rộng các tuyến đường chính và xây dựng thêm cầu vượt. Đẩy mạnh phát triển, chuyển đổi các phương tiện hành khách công cộng sang sử dụng động cơ điện để vừa giảm phụ thuộc vào xe máy và ô tô cá nhân cũng như giảm tiếng ồn...

Bình luận (0)

Lên đầu trang