Mặt đường
Quốc lộ 91 cũ bị sạt lở vào sáng ngày 27-5.
Người dân mất ăn mất ngủ
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực sạt lở có rất nhiều nhà dân nằm phía bên trong. Do vậy để di chuyển qua khu vực này, họ phải đi ngang dãy hàng rào hoặc lực lượng chức năng phải làm một số đoạn đường dã chiến.
Gom góp số tiền tiền tích góp mấy chục năm làm ruộng và vay ngân hàng hơn nửa tỷ đồng để cất lại căn nhà. Tuy nhiên trận sạt lở ngày 27-5 đã khiến gia đình ngồi trên lửa vì vị trí sạt lở diễn ra cạnh sân.
Đang ngồi trong nhà với vẻ mặt thất thần vì nhiều ngày qua mất ăn mất ngủ, ông Lê Bá Tròn (45 tuổi, ngụ ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết: “Gia đình sống tại đây 3 thế hệ rồi. Nhà tôi đang nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm. Cách nay 2 năm, gia đình dành số tiền hơn 500 triệu đồng cất lại căn nhà để 6 người ở. Mấy bữa trước thì thấy vết nứt, ngày nào cũng dòm chừng thấy vết nứt mở rộng, khiến ai cũng mất ăn mất ngủ”.
Theo ông Tròn, khoảng hơn 5 giờ 20 sáng 27-5, ông thức dậy đi ra xem thấy vết nứt rộng hơn. Thời điểm đó, nhiều người hàng xóm cùng đứng ra xem, bất ngờ thấy mảng lớn mặt đường nghiêng, rồi sụp đổ xuống sông Hậu. “Tôi cầu trời cho chỉ sạt lở bao nhiêu đừng lở nữa, bởi nhà mới cất nợ chưa trả xong” – ông Tròn buồn bã nói.
Lo lắng khi mặt đường có dấu hiệu tiếp tục lở, ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ tại địa phương) cho biết: “Sạt lở hết phía trên giờ lại đến phía dưới khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, không thể làm ăn. Ngoài ra việc đi học của học sinh gặp rất nhiều khó khăn vì phải chen rào”.
Quốc lộ 91 nhiều lần bị cuốn xuống sông Hậu vào năm 2010, 2019 và đầu năm 2020.
Như Báo Công an TPHCM điện tử thông tin, khoảng 5 giờ 30 phút ngày 27-5, Quốc lộ 91 cũ (đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ) xảy ra sạt lở, khiến 1/3 mặt đường nhựa, với chiều hơn 40m bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu. Vụ sạt lở đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 27 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Nguyên nhân sạt lở bước đầu được xác định là do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng, nền đất yếu gây ra hiện tượng răn nứt.
Trong buổi làm việc bàn giải pháp khắc phục sự cố sau sạt lở, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã giao Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT), UBND huyện Châu Phú xác định lại vùng đặc biệt nguy hiểm để tiến hành di dời các hộ dân, bố trí tái định cư tạm. Đối với dự án nạo vét, chỉnh dòng chảy là giải pháp căn cơ, không thể làm gấp, không sử dụng trường hợp khẩn cấp, giao Sở TN&MT, Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) liên hệ với Bộ TN&MT, NN&PTNT để có hướng dẫn.
"Sau khi có chủ trương, phương án nạo vét phải làm như thế nào để bảo vệ trụ điện vượt sông, hết sức thận trọng để tránh làm trái với quy luật tự nhiên…" - ông Thư nhấn mạnh.
Kiến nghị được xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy
Trước đó, ngày 8-5-2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký công văn số 489/UBND-KTN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để bảo vệ Quốc lộ 91 (khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú).
Theo UBND tỉnh An Giang, dự án đầu tư xây dựng kiên cố hóa sạt lở Quốc lộ 91 (đoạn đi qua địa phận tỉnh An Giang) đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lập dự án. Trong đó kinh phí dự toán để kiên cố hóa là khoảng 500 tỷ đồng. Sau đó, Bộ GTVT đã giao lại tuyến Quốc lộ bị sạt lở ở xã Bình Mỹ cho tỉnh An Giang triển khai phần xử lý và kiên cố hóa đoạn có nguy cơ sạt lở dài hơn 2km, với tổng kinh phí trên 160 tỷ đồng. Hiện địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện.
“Tuy nhiên nếu chỉ xử lý và kiên cố hóa đoạn sạt lở trên thì không đảm bảo lâu dài vì chiều rộng lòng sông Hậu (đoạn qua xã Bình Mỹ) kéo dài 3km bị thắt hẹn, còn khoảng 300m so với đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600m, làm gia tăng vận tốc dòng chảy gây xói bờ.
Công trình bảo vệ bờ Quốc lộ 91 làm giảm thêm tiết diện mặt cắt ướt dòng chảy, làm tăng thêm nguy cơ xói lở. Chỉnh trị dòng chảy sẽ làm giảm chi phí gia cố bờ bảo vệ QL91. Để xử lý đoạn sạt lở Quốc lộ 91 một cách căn cơ lâu dài, do ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn nên UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xã hội hóa dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu” - nội dung văn bản kiến nghị thể hiện.
Theo đó, việc nạo vét mở rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3km. Đơn vị thực hiện chỉnh trị chịu chi phí lập dự án, chi phí đền bù đất bãi bồi bờ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân và nạo vét mở rộng dòng chảy kết hợp với tận thu cát.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện.
Liên quan đến vấn đề sạt lở Quốc lộ 91 và đề xuất xã hội hóa dự án chỉnh trị dòng chảy, trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM điện tử, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nguyên cứu độc lập các hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: Nguyên nhân sâu xa của việc sạt lở là dòng sông thiếu cát, phù sa làm đáy sông sâu hơn và nước bị “đói”.
Còn tại điểm cụ thể này thì dòng sông cong và hẹp nên lực quán tính đẩy dòng chảy sát vào bờ bên lõm. Ở đây dòng chảy vừa chảy tới vừa chảy xoắn, ăn vào chân bờ ở đáy sông. Do vậy, làm kè sẽ khó hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, khi làm kè chống sạt lở ở một đoạn nào đó thì điểm sạt lở sẽ dịch chuyển về phía hạ lưu gần đó. Như vậy, vô hình chung, chúng ta chỉ dịch chuyển vấn đề chứ không giải quyết được vấn đề.
Trong tình hình thiếu hụt cát và phù sa, mọi chọn lựa chỉ là giải pháp đối phó tình huống. Trong các giải pháp đối phó thì làm kè khó hiệu quả như đã nói, rút lui cũng khó vì ở đây có nhiều nhà cửa dân cư, cho nên phương án chỉnh trị dòng chảy như tỉnh An Giang đề xuất là khả dĩ nhất. Tuy nhiên, với phương án chỉnh trị dòng chảy, một loạt vấn đề cần được cân nhắc.
“Việc nắn dòng đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật rất cao trong thiết kế, tính toán. Có thể cần có công trình hướng dòng chảy ở đáy sông, chứ không đơn thuần đưa xáng múc nạo vét cát là xong. Cần phải tính tới khả năng cát tái bồi lấp luồng mới nạo vét. Cần tính tới khả năng khi đưa dòng chảy sang bờ kia có thể gây sạt lở bờ kia để bồi thường cho dân.
Ngoài ra, phương án xã hội hóa theo đề xuất của An Giang giúp giải quyết vấn đề kinh phí. Tuy nhiên, điều băn khoăn là khi thực hiện xã hội hóa và cho doanh nghiệp tận thu cát thì lại tạo thêm sự thiếu hụt cát và làm sao quản lý việc tận thu cát” – chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh và lưu ý.
Báo Công an TPHCM điên tử thông tin trước đó, tối ngày 31-7 và rạng sáng 1-8-2019, trên tuyến Quốc lộ 91 đã liên tục xảy ra sạt lở đất, khiến 1/2 mặt đường nhựa với chiều dài 85m về phía hạ lưu bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, 26 hộ dân phải di dời. Tại vị trí sạt cách bờ 70m có hố xoáy -25m. Địa điểm sạt lở này cách địa điểm sạt lở vào năm 2010 khoảng 100m. Riêng vụ sạt lở tháng 3-2010 đã khiến toàn bộ mặt đường cùng 51 trụ chắn và hàng trăm rọ đá mất hút xuống lòng sông trong lúc đang khắc phục sự cố. Vụ sạt lở làm thiệt hại 6 căn nhà và hàng chục căn khác phải tháo dỡ di dời khỏi vùng nguy hiểm. Sau sự cố, cơ quan chức năng đã mở thêm một tuyến đường mới vòng qua khu dân cư với chiều dài 400m để các phương tiện lưu thông an toàn... |