(CAO) Hiện nay, một số cầu đã phải dừng khai thác vận tải đối với toàn bộ, hoặc một số phương tiện giao thông.
Ngày 13/9, Bộ Giao thông vận tải cho biết, nhằm khắc phục hậu quả bão lũ, liên tục những ngày qua, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác ứng trực, sẵn sàng phương tiện máy móc khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, tính đến sáng 13/9, trên các tuyến quốc lộ khu vực phía Bắc (các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc) vẫn còn 239 điểm bị chia cắt và ách tắc, hệ thống biển báo hiệu đường bộ bị hư hỏng nhiều. Bộ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các vị trí nguy hiểm, khẩn trương thông đường trong thời gian sớm nhất.
Nước lũ dâng cao trên sông Hồng, đoạn qua
cầu Long Biên
Ngoài cầu Phong Châu nằm trên Quốc lộ 32C, bắc qua Sông Hồng tại tỉnh Phú Thọ bị sập 2 nhịp, một số cầu khác đã phải dừng khai thác vận tải đối với toàn bộ, hoặc một số phương tiện giao thông như cầu Long Biên, cầu Đuống, cầu Chương Dương.
Về giao thông đường sắt, các tuyến Hà Nội - Phủ Lý, Gia Lâm - Hải Phòng, Đông Anh - Quán Triều, Tuyến Kép - Hạ Long - Cái Lân, Yên Viên - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Tuyến Kép - Lưu Xá, Mai Pha - Na Dương, Chí Linh - Phả Lại chịu nhiều thiệt hại như gãy cột, đứt cáp, cây xanh đổ vào đường ray, ngập nước, sạt lở, mất chiếu sáng, hư hại rào chắn, ngập nước,...
Hiện tại, ngành đường đắt đã phải dừng chạy tàu qua cầu Việt Trì, cầu Long Biên, cầu Đuống, cầu Bắc Giang và ảnh hưởng tới giờ chạy tàu ở nhiều tuyến còn lại.