TPHCM: Trạm thu phí BOT Phú Hữu chính thức thu phí từ ngày 17/9

Thứ Năm, 12/09/2024 09:48

|

(CAO) Trạm thu phí BOT Phú Hữu để hoàn vốn dự án xây đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu sẽ chính thức thu phí từ ngày 17/9 với mức phí từ 14.000 đến 110.000 đồng tùy vào từng loại xe.

Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (nhà đầu tư) vừa thông báo thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, TP.Thủ Đức từ 0h ngày 17/9.

Theo đó, giai đoạn từ khi bắt đầu thu phí tới 31/12/2024, giá vé lượt thấp nhất 14.000 đồng, cao nhất 110.000 đồng. Vé tháng từ 420.000 đồng đến 3,3 triệu đồng. Vé quý 1.134.000 đồng-8.910.000 đồng.

Từ 1/1/2025 đến 16/9/2025 xe qua trạm sẽ đóng phí cao hơn. Trong đó, vé lượt áp dụng 15.000-120.000 đồng. Vé tháng từ 450.000 đồng đến 3,6 triệu đồng. Vé quý từ 1.215.000 đồng đến 9.720.000 đồng. Sau giai đoạn trên, mức phí qua trạm tiếp tục được điều chỉnh với giá vé lượt thấp nhất 17.000 đồng, cao nhất 133.000 đồng. Vé tháng 510.000 đồng đến gần 4 triệu đồng; vé quý từ 1.377.000 đồng tới 10.773.000 đồng.

Trạm thu phí BOT Phú Hữu chính thức thu phí từ ngày 17/9

Trạm sẽ miễn thu phí với các đối tượng được quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 và Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ GTVT. Ngoài ra, ô tô dưới 12 ghế không sử dụng cho mục đích kinh doanh của hộ dân thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng trong phạm vi tuyến đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu cũng sẽ được miễn phí qua trạm. Chủ sở hữu sử dụng các phương tiện này phải sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC), có hồ sơ xác nhận cư trú của địa phương và xác nhận không sử dụng phương tiện để kinh doanh của Sở Giao thông Vận tải.

Việc trạm BOT Phú Hữu đưa vào hoạt động khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa qua cảng Tân Cảng - Phú Hữu và cảng SP-ITC lo lắng vì đây là tuyến đường độc đạo đi vào 2 bến cảng trên nên sẽ khiến chi phí bị đội lên. Theo đó, Bến Tân Cảng - Phú Hữu là một phần của cảng Cát Lái, cảng container lớn nhất Việt Nam; bến cảng SP-ITC chính là cảng xuất nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai tại TPHCM, là cửa ngõ để tiếp nhận và trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho các bến cảng ở Cái Mép, cảng nước sâu lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Do đó hàng hóa được vận chuyển từ các tỉnh phía Đông-Tây TP.HCM vào 2 cảng này, các phương tiện sẽ phải đóng tiền giá dịch vụ sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm BOT Xa lộ Hà Nội (155.000 đồng/lượt đối với xe tải >18 tấn và cont 40ft), Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (163.000 đồng/lượt/container rỗng, 342.000 đồng/lượt/container có hàng). Hàng hoá được vận chuyển từ các tỉnh phía Nam vào TP.HCM sẽ nộp giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT cầu Phú Mỹ (80.000 đồng/lượt xe); trạm BOT đường Nguyễn Văn Linh (35.000 đồng/lượt xe tải 18 tấn).

Khi hàng hóa vào các cảng Tân Cảng - Phú Hữu và cảng SP-ITC, dự kiến các phương tiện vận chuyển phải tiếp tục đóng giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Phú Hữu. Ngoài phải nộp giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các Trạm nêu trên, các doanh nghiệp còn phải đóng phí hạ tầng cảng biển khi đưa hàng vào cảng, rời các cảng Tân Cảng - Phú Hữu và cảng SP-ITC với mức phí 250.000 đồng/container 20 feet và 500.000 đồng/container 40 feet.

Mới đây, TPHCM đã kiến nghị HĐND TP xem xét giảm phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển đối với hàng hóa vào và rời Tân Cảng – Phú Hữu và cảng container quốc tế SP-ITC bằng đường bộ để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang