Khi mặt đường ‘kêu cứu’

Thứ Ba, 08/08/2017 09:53

|

(CAO) Bị đào và tái lập cẩu thả, nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM đang trong tình trạng chắp vá, lồi lõm gây mất mỹ quan đô thị và nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia lưu thông.

Dù được phản ánh và xử lý nhiều lần, nhưng chuyện đào rồi tái lập ẩu tả biến đường phố đang bằng phẳng thành những con đường “đau khổ” giữa trung tâm thành phố vẫn đang tiếp diễn.

Những mặt đường “kêu cứu”

Đường Nguyễn Trãi đoạn từ điểm giao với đường Trần Bình Trọng đến giao lộ Trần Phú (quận 5) từng có thời mặt đường bằng phẳng, phương tiện di chuyển dễ dàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau khi các đơn vị thi công hệ thống cáp ngầm triển khai ở đây, con đường ở nội đô thành phố bỗng dưng biến dạng với nhiều lằn phui (phui đào dưới lòng đường, lề đường, vỉa hè, hẻm để lắp đặt, sửa chữa và bảo trì công trình ngầm).

Cụ thể, có nhiều đoạn ở một nửa con đường này đã xuất hiện đến 3 lằn phui đào. Tuy nhiên, sau khi đào để thi công, khi tái lập lại mặt đường, các đơn vị lại khiến những lằn phui này không đồng bộ với mặt đường vì có phui lõm xuống, phui lại đội cao lên nhấp nhô như gợn sóng.

Đường Nguyễn Trãi xuất hiện nhiều làn nhấp nhô gợn sóng chỗ cao chỗ thấp sau khi được đào để thi công và tái lập sau đó - Ảnh: Nguyên Huy.

“Họ đến dựng lô cốp ở đường này rồi khoan khoan đào đào. Có cái lô cốp họ dựng ở giữa đường rất lâu. Chỗ này sau khi đào xong họ lắp lại, nhưng sau đó chỗ lắp bị sụt lún, chỗ kìa thì nhóm khác đến đào rồi lại cho lắp làm nhô cao lên. Con đường vốn bằng phẳng giờ thì xuất hiện nhiều chỗ chắp vá. Nhiều khi lái xe không cẩn thận dễ trượt bánh khi chạy vào những rãnh bị lún đó” – Anh Phạm Văn Hùng (nhà trên đường Nguyễn Trãi, quận 5) cho biết.

Trưa ngày 6-8, khi có dịp đi qua đường Nguyễn Trãi (thuộc địa bàn quận 1), PV tiếp tục ghi nhận tình trạng đơn vị thi công đang dùng nhiều tấm kim loại để lót trên đường với phần đường nham nhở, mất mỹ quan và gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện khi lưu thông.

Những gì đơn vị thi công để lại sau một đêm làm việc trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: Nguyên Huy.

Một người dân ở đấy cho biết: “Khu vực con đường này được một nhóm công nhân đào lên và thi công trong đêm để trả lại mặt bằng khi trời sáng cho người đi đường. Có lẽ do thi công không kịp nên người ta dựng biển báo và lót tấm kim loại cho phương tiện tạm thời di chuyển và đợi tối đến sẽ thi công tiếp”.

Trong khi đó, một phần mặt đường Trần Quốc Thảo từ điểm giao với đường Kỳ Đồng đến cầu Lê Văn Sỹ gần đây cũng xuất hiện một lằn phui dài. Sau khi đào và cho tái lập lại, lằn phui này hiện đang nhô lên so với mặt đường. Ngoài ra, một số đoạn trên đường Lê Văn Sỹ cũng xuất hiện tình trạng nhiều lằn phui với chỗ bị lõm xuống, chỗ nhô lên gây khó khăn cho người di chuyển.

Tương tự, các tuyến đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận), Nguyễn Biểu (quận 5), Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh); Lê Quang Định, Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh),…. cũng đang lâm vào cảnh bị đào và tái lập không theo nguyên trạng. Việc tái lập mặt đường gồ ghề, có chỗ bị lõm sâu khiến nhiều người đi xe máy qua rãnh loạng choạng tay lái tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hiểm hoạ tiềm ẩn

Vấn đề đào và tái lập mặt đường cẩu thả vốn dĩ đã được các cơ quan truyền thông phản ánh trong một thời gian dài. Dù vậy, sau một thời gian vào cuộc xử lý của cơ quan chức năng, tình trạng này vẫn tái diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đơn cử, khoảng 6 giờ 30 sáng 17-3-2017, chị Nguyễn Thị Bích Vy điều khiển xe máy chở con mình là cháu Hồ Trà My (5 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) đi trên đường Hoàng Minh Giám (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) thì bị sụp rãnh sâu làm 2 mẹ con ngã nhào xuống đường.

Cháu My bất tỉnh và được đưa vào Bệnh viện 175 cấp cứu rồi chuyển sang Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn Ito điều trị. Ghi nhận tại hiện trường, công trình này thi công hệ thống cáp ngầm để xây dựng cầu vượt nhưng đơn vị thi công tái lập mặt đường một cách sơ sài, tạo rãnh sâu khoảng 10cm, vắt ngang đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Vị trí 2 mẹ con chị Vân bị ngã - Ảnh: Tiến Mạnh.

Đại diện đơn vị thi công cho biết, địa điểm hai mẹ con chị Vân té ngã à do đơn vị thi công hệ thống cáp ngầm. Sau khi tái lập mặt đường thì gặp trận mưa lớn nên mới xảy ra sự cố trên. Đơn vị này cũng cử người thăm hỏi, hỗ trợ mẹ con chị Vân.

“Nhiều đoạn mặt đường bị đào rồi lấp lại nhưng vẫn bị lõm xuống, nếu không cứng tay lái mà chạy xuống mấy rãnh đó thì dễ bị trượt bánh rồi lạc tay lái rất nguy hiểm. Chưa kể khi mưa xuống, nước đọng làm người ta không biết chỗ nào bị lõm, nếu chạy xe gặp sẽ rất dễ gặp tai nạn” – Ông Trịnh Minh Hoà (tài xế xe ôm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển) bày tỏ ý kiến.

Theo một số liệu của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM trên báo chí, từ đầu năm đến đầu tháng 5-2017, đơn vị đã lập biên bản xử phạt 162 trường hợp liên quan đến tái lập mặt đường không theo nguyên trạng, thi công không giấy phép, không thu dọn vật dụng, vật liệu sau khi thi công…, với tổng số tiền phạt hơn 1,1 tỉ đồng.

Cũng theo Thanh tra Sở GTVT TP, nhiều đơn vị thi công tái lập mặt đường ẩu tái phạm nhiều lần trên một công trình và ở nhiều công trình khác nhau trên địa bàn TP. Thậm chí, có đơn vị bị xử phạt 4-5 lần trên cùng một công trình.

Lằn phui với chỗ nhô cao, chỗ tạo rãnh trên đường Lê Văn Sỹ  - Ảnh: Nguyên Huy.

Theo tìm hiểu, trong thời gian tới, các ngành điện lực, viễn thông, cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng sẽ có kế hoạch triển khai các dự án liên quan đến ngầm hoá điện lưới, cáp quang và cải tạo ống nước ở các quận trung tâm thành phố.

Chính vì thế, UBND TP đã từng có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị liên quan khi đào đường phối hợp với nhau để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa các đơn vị vẫn còn tồn tại những mặt chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng một tuyến đường bị đào nhiều lần. Thậm chí, nhiều đơn vị sau khi đào đường đã không thực hiện tái lập mặt đường đúng với nguyên trạng gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và sự an toàn của người an toàn giao thông như đã nói ở trên.

Từ đây cho thấy cần có những giải pháp căn cơ bền vững, trước hết là sự phối hợp của các đơn vị liên quan để tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề.

Bình luận (0)

Lên đầu trang