TPHCM: Muôn kiểu vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Thứ Hai, 23/10/2023 12:14  | Hải Văn

|

(CATP) Bất chấp các quy định của Luật Giao thông đường bộ, nhiều người điều khiển xe môtô, xe gắn máy vẫn vô tư chở hàng hóa cồng kềnh, phóng nhanh vượt ẩu, đi ngược chiều, sai làn, sai tuyến, leo vỉa hè, điều khiển xa máy đẩy xe khác...

Giờ cao điểm, đường Nguyễn Tất Thành (Q4, TPHCM) xe cộ đông nghịt. Để vượt qua "rừng" xe chen chúc nhích từng mét trên đường, không ít người đi xe máy đã phải leo lên vỉa hè, luồn lách hết đoạn này đến đoạn khác khiến đá lát vỉa hè nứt bể, bong tróc nham nhở, có chỗ tạo thành những "ổ gà” lổm nhổm khó coi.

Không chỉ vỉa hè 2 bên đường, vỉa hè 2 bên cầu cũng bị lấn chiếm không thương tiếc. Để tiết kiệm thời gian và rút ngắn quãng đường đi lại, nhiều người đi xe máy chọn cách "chặt góc" một đoạn khoảng vài chục mét ở đầu thành cầu Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức) rồi leo lên vỉa hè dành cho người đi bộ của cây cầu này chạy bon bon.

Sáng ngày đầu tháng 10/2023, giao thông qua cầu Tân Thuận 2 - nối quận 4 và quận 7 kẹt cứng. Để nhanh chóng băng qua cây cầu này, nhiều người ngang nhiên chạy lên hành lang bộ hành của cầu khiến người đi bộ không còn lối đi. Anh Lê Văn Đông (ngụ ở quận 4) bức xúc: "Vào những lúc giao thông ùn tắc, người đi bộ 2 bên cầu Tân Thuận 2 thường xuyên bị người đi xe máy "đá” văng xuống đường hoặc ép sát vào lan can cầu. Do lối đi bộ khá nhỏ, lại bị xe cộ chen chúc nhau theo kiểu mạnh ai nấy chạy nên người đi bộ thường xuyên bị xe đụng phải. Lúc va quẹt, có người quay lại xin lỗi, nhưng có người rồ ga chạy tiếp xem như không có chuyện gì, thậm chí có người còn lớn tiếng nạt nộ như thể mình chiếm đường của họ vậy. Thật hết biết ý thức chấp hành giao thông của họ để đâu?".

Chạy xe máy lên lối bộ hành cầu Tân Thuận 2

Không chỉ leo vỉa hè để tiết kiệm thời gian, rút ngắn quãng đường đi, nhiều người còn ngang nhiên chạy ngược chiều, cúp cắt qua khoảng trống giữa các con lươn. Các khu vực có người chạy ngược chiều nhiều nhất là ở ngã ba Trạm Hai, chân cầu vượt ngã tư Bình Phước, trước mặt Công ty cân Nhơn Hòa (TP.Thủ Đức), đường Trường Chinh (Q.Tân Bình)... Theo quy định, xe gắn máy 2 bánh vận chuyển bình gas phải có giá đỡ chắc chắn, bình gas luôn ở vị trí thẳng đứng, van hướng lên trên, số lượng chở không được vượt quá 2 bình.

Quy định là vậy, nhưng có không ít nhân viên chở gas bằng xe gắn máy ngó lơ quy định này, họ đặt bình nằm ngang hoặc nằm xéo, tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường. Lưu thông trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận, TPHCM), người đi đường không khỏi ái ngại khi một nhân viên giao gas sử dụng chiếc xe máy cà tàng để chuyển 2 bình gas to tướng. Một bình, anh ta đặt nằm ngang sau yên xe, không ràng buộc kỹ càng, van bình gas chỉa thẳng vào người đi đường hai bên, bình còn lại được buộc hờ trên một xe lôi tự chế phía sau xe gắn máy. Vận chuyển 2 bình gas "khủng", nhưng anh ta phóng vù vù trên đường bằng 1 tay, tay còn lại dùng để giữ bình gas. Khi gặp ổ gà hoặc chạy qua những chỗ đường xấu, những chiếc bình gas bị sàng qua sàng lại hoặc "nhảy" cà tưng làm người đi đường nhiều phen "xanh mặt".

Tương tự, lưu thông trên nhiều tuyến đường như: Quang Trung, Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 13 (TP.Thủ Đức)... người đi đường thường xuyên gặp nhân viên giao gas chở, kéo những chiếc bình gas to tướng loại 12kg hoặc 45kg bằng xe máy phóng vù vù trên đường. Do các bình gas khá to, nặng, cồng kềnh khiến chiếc xe cứ liên tục hết đảo bên này lại sang bên kia. Mỗi lần qua đoạn đường gồ ghề, các bình gas bị xốc nảy tâng tâng hoặc bập bênh lên xuống khiến người đi đường cảm thấy bất an.

Xe chở rác, xe ba gác "làm xiếc" trên đường

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ, nhưng hiện tình trạng chở hàng cồng kềnh diễn ra khá phổ biến, nhất là những tuyến đường nằm ở "cửa ngõ” thành phố. Ngoài xe ba gác, người đi đường còn không khỏi ái ngại khi gặp nhiều xe rác cũ kỹ "làm xiếc" trên đường. Không chỉ sử dụng phương tiện quá date, nhiều người còn nối thùng xe, móc các bao tải, thùng phuy vào 2 bên để "cõng" cả "núi" rác. Vừa vận chuyển, nhân viên gom rác vừa lục lọi, phân loại rác ngay trên thùng xe làm rác rưởi vương vãi trên đường, nước bẩn nhễ nhại, có lúc bắn vào người đi đường và bốc mùi hôi thối kinh khủng. Thu gom rác thải là góp phần bảo vệ môi trường, nhưng với kiểu thu gom kém an toàn, phản cảm này khiến người dân, nhất là người tham gia giao thông không khỏi bức xúc.

Điều khiển xe máy đẩy xe khác có thể bị phạt tiền từ 400 - 600 ngàn

Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định, xe môtô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét; Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét. Nghị định 100/2019 quy định, phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.

Ngoài ra, người chở hàng cồng kềnh, vượt quá giới hạn mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Bên cạnh đó, nếu xe chở hàng hóa cồng kềnh vi phạm và gây tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Pháp luật quy định là vậy, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa nghiêm túc chấp hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang