(CATP) Chính phủ vừa gửi báo cáo lên Quốc hội (QH) về triển khai thực hiện Dự án (DA) đầu tư (ĐT) xây dựng (XD) đường Vành đai (VĐ) 3 TPHCM.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, QH khóa XV đã thông qua Nghị quyết 57/2022/QH15 (gọi tắt NQ57) ngày 16/6/2022 quyết định chủ trương ĐT dự án trên, với nội dung: Tổng chiều dài 76,34km theo quy mô đường cao tốc cấp 100, phân kỳ 4 làn xe và đường song hành 2 bên, sơ bộ tổng mức 75.378 tỉ đồng. Tiến độ chuẩn bị ĐT, thực hiện DA từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026. Dự án được chia thành 8 dự án thành phần (DATP) gồm 4 DATP xây dựng và 4 DATP giải phóng mặt bằng (GPMB), giao UBND TPHCM (UBNDTP), UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản, triển khai theo hình thức ĐT công. Theo đó, UBNDTP làm cơ quan chủ quản DATP 1 (dài khoảng 47,11km, sơ bộ tổng mức ĐT khoảng 22.412 tỉ đồng) và DATP 2 (bồi thường - BT, hỗ trợ - HT, tái định cư - TĐC đường VĐ3 đoạn qua TPHCM, sơ bộ tổng mức ĐT khoảng 25.610 tỉ đồng).
Với các cơ chế đặc thù được QH thông qua, sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương; sự thay đổi lớn trong phương thức lãnh đạo, cách nghĩ, cách làm của các cơ quan, đơn vị; với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hết sức trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong triển khai thực hiện; sự nỗ lực, cố gắng, tập trung hoàn thành công việc của các chủ đầu tư (CĐT), đơn vị tư vấn; sự vào cuộc của hệ thống chính trị các địa phương trong công tác GPMB, đến nay DA đã được triển khai đúng quy định, bám sát tiến độ yêu cầu. Đặc biệt, việc tổ chức triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu, BT, HT, TĐC và khởi công các DATP theo cơ chế đặc thù đã rút ngắn thời gian thực hiện từ 1,5 - 2 năm so với các dự án XD đường cao tốc trước đây, từ thời điểm QH phê duyệt chủ trương ĐT cho đến khi khởi công cần khoảng 1 năm.
Dự án
đường Vành đai 3 TPHCM là tuyến huyết mạch kết nối TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và vùng Đông Nam Bộ
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thi công còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể: DA khởi công từ tháng 6/2023, công tác triển khai thi công các DATP 3 (Đồng Nai) chậm; công tác lựa chọn nhà thầu DATP 3 (Đồng Nai) đến tháng 8/2024 mới hoàn thành và khởi công gói thầu xây lắp cuối cùng. Công tác GPMB tỉnh Đồng Nai chậm, hiện mới đạt 80% diện tích tương đương 60% chiều dài, các tỉnh, TPHCM, Bình Dương, Long An chưa hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng...
Chính phủ cũng cho biết, hiện DA đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, tiến độ triển khai công tác GPMB còn chậm, chưa hoàn thành 100% theo yêu cầu của Chính phủ, đặc biệt là tỉnh Đồng Nai. Công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là điện cao thế còn chậm, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Nguồn cung cấp vật liệu cát đắp nền gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do khu vực ĐBSCL hiện đang triển khai đồng loạt nhiều DA, công trình trọng điểm có quy mô lớn. Chính phủ đã tổ chức họp, chỉ đạo các địa phương liên quan bố trí đủ nguồn cung cấp cho DA, tuy nhiên thủ tục phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp.
Để bảo đảm việc triển khai DA theo đúng yêu cầu tại NQ57, Chính phủ kiến nghị QH tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện DA; nêu ý kiến với Đoàn Đại biểu QH các địa phương có DA đi qua và các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, kịp thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện DA. Bên cạnh đó, có ý kiến với UBND các tỉnh, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác GPMB, TĐC, di dời hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là nguồn cung vật liệu XD nhằm đáp ứng tiến độ thi công các DATP; tăng cường công tác phòng ngừa vi phạm, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực...