Phó Thủ tướng có ý kiến về phương án, phương thức làm cao tốc TPHCM-Chơn Thành

Chủ Nhật, 02/07/2023 08:54

|

(CAO) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có ý kiến về phương án, phương thức thực hiện dự án đường cao tốc TPHCM-Chơn Thành.

Theo đó, đối với đề nghị của UBND tỉnh Bình Dương và ý kiến của các bộ liên quan, UBND TPHCM về phương án, phương thức thực hiện dự án đường Cao tốc TPHCM -Chơn Thành, tại Văn bản số 4850/VPCP-CN, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có ý kiến như sau:

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp thu ý kiến các bộ, phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước xác định sự cần thiết và làm rõ cơ sở pháp lý, phương án giao tỉnh Bình Phước làm chủ quản đầu tư khi tách dự án đoạn qua tỉnh Bình Phước thành dự án độc lập và sử dụng vốn đầu tư công; rà soát chi phí đầu tư đảm bảo tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư, xác định nguồn vốn còn thiếu của các dự án thành phần; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải để thống nhất về sự phù hợp với Quy hoạch toàn tuyến Cao tốc theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 và cơ chế điều phối triển khai thực hiện Dự án.

Ảnh minh hoạ

Quy mô Dự án đường Cao tốc TPHCM-Chơn Thành từ đường Vành đai 3 đến tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 60,4km; trong đó đoạn từ đường Vành đai 3 đến ranh tỉnh Bình Dương-Bình Phước dài khoảng 53,3km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài 7,1km.

Dự án được giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch với lộ giới 60m và đầu tư đường cao tốc hoàn thiện có 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp và bao gồm các nút giao.

Dự án có đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ đường Vành đai 3 đến cầu Khánh Vân, phường Khánh Bình, thành phố Tân Uyên, có chiều dài khoảng 7,7km được giữ nguyên hiện trạng đã được đầu tư thuộc dự án ĐT.743 và ĐT.747B, có tổng bề rộng nền từ 36m-38m (giữ quy hoạch với lộ giới 60m).

Đoạn từ cầu Khánh Vân đến ranh tỉnh Bình Dương-Bình Phước có chiều dài khoảng 45,6km được giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch (lộ giới 60m) và đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ (có làn dừng khẩn cấp suốt tuyến); có đầu tư đường gom khoảng 9,15km không liên tục.

Giai đoạn 2 của dự án được đầu tư đường cao tốc hoàn thiện với quy mô 6 làn xe cao tốc cho đoạn từ đường Vành đai 3 đến ranh tỉnh Bình Dương-Bình Phước với chiều dài khoảng 53,3km.

Địa điểm đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 bao gồm thành phố Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng.

Việc thực hiện Dự án đường Cao tốc TPHCM-Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 dự kiến theo phương thức đối tác công tư (PPP) (hợp đồng BOT: xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Tổng mức đầu tư dự án đoạn qua tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 dự kiến khoảng 16.196 tỷ đồng; trong đó giải phóng mặt bằng 7.388 tỷ đồng và xây lắp 8.808 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà đầu tư PPP và vốn khác.

Dự kiến thời gian thực hiện đầu tư hoàn thành Dự án trước năm 2030.

Đề nghị bổ sung hơn 113 tỷ đồng để làm đường gom cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp mới đây đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận bổ sung hơn 113 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường gom (đường dân sinh).

Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ (giai đoạn 1), đoạn qua địa bàn xã An Khánh và An Phú Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, vì thiếu hệ thống đường gom dọc hai bên cao tốc nên việc lưu thông và sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân gặp khó khăn.

Để giải quyết tình trạng này, mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận bổ sung hơn 113 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường gom (đường dân sinh).

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn, năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đề nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường gom hai bên dọc tuyến cao tốc.

Xét tiến độ dự án và nguồn vốn đầu tư tại thời điểm đó, dự án chỉ xem xét đầu tư hệ thống đường gom một bên và xen kẽ để tạo điều kiện đi lại cho người dân trong vùng dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án đã phát sinh các vấn đề khó khăn như: không có đường đi qua đất canh tác, lưu thông hàng hóa, không có đường nước tưới tiêu; đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực gặp nhiều khó khăn vì theo thiết kế chỉ có đường gom một bên và bố trí xem kẽ.

Đa số các thửa đất mà đường cao tốc đi qua bị cắt chia thành hai thửa đất theo tuyến rất dài, nhưng lại không có đường dân sinh. Khi đường cao tốc hoàn thành, người dân không có lối đi vào đồng ruộng để sản xuất, đồng thời, không có cầu đi qua các kênh, rạch...

Dự án đường Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ (giai đoạn 1) qua huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp với chiều dài 10,44km; trong đó, đoạn cao tốc qua địa bàn xã An Khánh dài khoảng 6,4km.

Hiện nay, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 139 hộ; trong đó, 85 hộ dân có đất bị ảnh hưởng trực tiếp, 54 hộ dân có đất bị ảnh hưởng gián tiếp. Còn đoạn cao tốc qua xã An Phú Thuận dài khoảng 4,04 km, có 64 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó, 49 hộ có đất bị ảnh hưởng trực tiếp, 15 hộ có đất bị ảnh hưởng gián tiếp.

Ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết, nhằm giảm bớt khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án, giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân trong quá trình sản xuất, sinh hoạt và đi lại thuận lợi sau khi thực hiện dự án thì việc đầu tư bổ sung đường gom dân sinh đối với các đoạn còn lại dọc theo tuyến cao tốc là rất cần thiết.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quan tâm, hỗ trợ để đầu tư xây dựng hệ thống đường gom thuộc dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, đoạn quan huyện Châu Thành.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề xuất xây dựng bổ sung 5 đoạn đường dân sinh (xã An Khánh 2 đoạn và xã An Phú Thuận 3 đoạn), tổng chiều dài trên 7km, với quy mô đường giao thông nông thôn nền rộng 5m, mặt rộng 3,5m.

Cùng với đó là xây dựng 12 cống trên tuyến đường gom (bao gồm 3 cống hộp và 9 cống tròn) tương ứng với các vị trí, quy mô và loại cống đã đầu tư trên tuyến chính của dự án; xây dựng mới cầu Xẻo Lò trên đường gom, tải trọng tối thiểu 8 tấn. Tổng kinh phí xây dựng hệ thống đường gom bổ sung (đường, cầu, cống và bồi thường, giải phóng mặt bằng) là hơn 113 tỷ đồng.

Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ (giai đoạn 1) có tổng chiều dài gần 23 km, vốn đầu tư hơn 4.826 tỷ đồng, qua địa bàn hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long.

Dự án này do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, khởi công tháng 2/2021 và kế hoạch hoàn thành trong năm 2023. Đây là công trình trọng điểm Quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong kết nối giao thông, phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bình luận (0)

Lên đầu trang