(CATP) Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, từ ngày 2 đến 8-6-2021, toàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ sạt lở đất ven sông, bờ biển với tổng chiều dài sạt lở 815m (trong đó, có 199m đường bê tông), làm thiệt hại 19 căn nhà, hư hỏng 3 căn nhà, 3 trại tôm giống, ngã đổ 2 trụ điện...
6 Tháng sạt lở 3km
Theo báo cáo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, địa phương có đặc thù với 3 mặt giáp biển, chiều dài bờ biển khoảng 254km. Những năm qua, do thiên tai và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Từ năm 2007 đến 2020, toàn tuyến bờ biển Cà Mau có khoảng 150km bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, mỗi năm sạt lở từ 20 - 50m và mất đi khoảng 450ha đất và rừng phòng hộ... 6 tháng đầu năm 2021, sạt lở diễn biến phức tạp, xảy ra từ tuyến lộ nông thôn cho đến đê biển tây.
Trung tuần tháng 6-2021, tuyến Kênh xáng Lộ Xe, đoạn từ cầu Tân Lợi đến cầu Tân Đức nằm trên trục đường ôtô về trung tâm xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau liên tục xảy ra sạt lở. Ngày 17-6, tại tuyến đường trên sạt lở với chiều dài 20m, khiến 1/3 mặt đường nhựa bị sụp hoàn toàn xuống sông. Vị trí sạt lở đang có dấu hiệu nghiêm trọng hơn khi xuất hiện thêm các vết rạn nứt kéo dài khoảng 100m, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa...
Báo cáo của UBND huyện Đầm Dơi, nơi đây thường xuyên chịu tác động bất lợi từ triều cường, biển dâng gây nên tình trạng sạt lở đất ven sông, ven biển, làm hư hại công trình kiến trúc, giao thông và nhà cửa của người dân. Chỉ riêng từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện này đã xảy ra 30 vụ sạt lở đất. Ngoài vị trí sạt lở nghiêm trọng trên tuyến về xã biển Tân Tiến, trên địa bàn huyện Đầm Dơi còn một số địa bàn thường xuyên xuất hiện sạt lở, như: Tuyến sông Trưởng Đạo thuộc xã Thanh Tùng và Ngọc Chánh; tuyến Kênh Khai Hoang thuộc xã Quách Phẩm và tuyến Hố Gùi thuộc xã Nguyễn Huân.
Sạt lở bờ sông diễn ra khắp nơi với diễn biến phức tạp. Từ ngày 2 đến 8-6, toàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ sạt lở đất ven sông, bờ biển với tổng chiều dài sạt lở 815m (trong đó có 199m đường bê tông), làm thiệt hại 19 căn nhà, hư hỏng 3 căn nhà, 3 trại tôm giống, ngã đổ 2 trụ điện... 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 71 vị trí sạt lở đất ven sông, với tổng chiều dài 1.440m, thiệt hại 31 căn nhà và 01 trại cua giống. Ước tổng thiệt hại khoảng 1,991 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân và Cái Nước.
Tại tuyến đê biển Tây, sạt lở lên đến mức báo động. Tại bờ Bắc vàm Lung Ranh có 1 đoạn kè rọ đá bảo vệ đê biển Tây bị hư hỏng chiều dài khoảng 100m. Theo người dân xã Ðất Mũi, họ chịu ảnh hưởng của thiên tai và tác động biến đổi khí hậu. Từ tháng 7 đến tháng 11 (dương lịch), gió thổi từ phía Ðông nên sóng biển va đập mạnh làm sạt lở chân đất ven biển, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh sống của người dân, nhiều đoạn tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Đai rừng phòng hộ ven biển bị sóng biển cuốn trôi, nhiều nhà cửa, tài sản, hệ thống đường giao thông bị sụp xuống sông, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh Cà Mau, do liên tiếp hứng chịu hoàn lưu bão kết hợp triều cường dâng cao nên hiện nay, phía bờ Tây Cà Mau xuất hiện ít nhất tám điểm sạt lở mới, tổng chiều dài hơn 9,1 km. Thời gian qua, sạt 3 đoạn đê biển Tây, bờ biển Đông với tổng chiều dài 1.520m Tại các vị trí sạt lở, bên ngoài đê, rừng phòng hộ rất mỏng, sóng biển uy hiếp thân đê, có những đoạn nguy cơ ảnh hưởng đến các khu dân cư, trường học, trạm y tế và đường điện trung thế, cao thế...
Tỉnh Cà Mau dùng rọ đá giữ rừng phòng hộ
Nguồn vốn hỗ trợ "nhỏ giọt"
Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, trước tình hình xói lở diễn ra hết sức nghiêm trọng tại bờ biển phía Đông của tỉnh, cuối năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông (trong đó, đã xác định cụ thể những vị trí sạt lở nghiêm trọng cần phải triển khai ngay các giải pháp công trình để bảo vệ), đồng thời đã lựa chọn danh mục công trình cần ưu tiên thực hiện để lập và phê duyệt dự án để triển khai thực hiện ngay.
Trên cơ sở nguồn vốn đã được phân bổ cho các dự án đã được phê duyệt (đã phân bổ 150 tỷ đồng cho 4 dự án được phê duyệt), đã triển khai thi công. "Thế nhưng, nguồn vốn phân bổ chưa thể đầu tư hết quy mô của từng dự án do đó chưa thể bảo vệ được các khu vực bị sạt lở nghiêm trọng theo như mục tiêu của dự án đề ra. Nếu không kịp thời đầu tư hoàn thiện các tuyến kè bảo vệ thì nguy cơ sẽ mất đất, mất rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và đời sống của người dân trong khu vực", ông Nam lo lắng.
Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn huyện Ngọc Hiển, Cà Mau bị thủy triều tấn công
Bên cạnh đó, việc chống sạt lở bảo vệ ven biển ở đê biển Tây từng bước khôi phục lại rừng phòng hộ rất xung yếu là nhiệm vụ khẩn cấp, cần phải có giải pháp căn cơ để ổn định lâu dài nhưng khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ. Từ năm 2012 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây mới được hơn 25 km kè ven biển, tổng kinh phí hơn 870 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).... Trong đó, các công trình kè biển bên bờ Tây đã hoàn thành hơn 20km.
Sau nhiều năm thi công, đến nay, tuyến đê biển Tây đã được nâng cấp với hơn 51,3 km, tổng mức đầu tư hơn 486 tỷ đồng. Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm, hiện bờ biển Tây đang sạt lở chiều dài khoảng 48 km; trong đó, có hơn 24 km sạt lở nguy hiểm; bờ biển Đông tỉnh Cà Mau đang sạt lở chiều dài khoảng 57 km; trong đó, có hơn 40 km sạt lở nguy hiểm. "Để bảo vệ tuyến đê biển, tỉnh đề xuất nguồn vốn hơn 550 tỷ đồng để thi công 23 km đê biển từ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời đến thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân. Nếu được Trung ương hồ trợ thì tỉnh sẽ không còn lo lắng sạt lở khi vào mùa mưa bão", ông Nam nói.
Trong buổi kiểm tra tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản trên tuyến đê biển Tây vừa qua, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu, nhất là các khu vực kè kiên cố để đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão năm nay.
Riêng tại các khu tái định cư, khu vực nào làm hoàn chỉnh cần khẩn trương đưa dân vào ở. Những khu vực đã giải phóng được mặt bằng thì đẩy nhanh tiến độ thi công. Khu vực nào còn vướng công tác giải phóng mặt bằng thì phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân nhận đền bù, để giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ. Ông Triều nhắc Chi cục Thủy lợi và Chi cục Kiểm lâm tỉnh cử lực lượng thường xuyên kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo vệ tuyến đê được an toàn, tránh trường hợp để người dân tái lấn chiếm.