Sóc Trăng: Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở các cồn trên sông Hậu

Thứ Năm, 27/05/2021 10:55

|

(CATP) Ngày 26-5, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết nơi đây vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Kế Sách. Theo đó, UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm tại các cồn trên Sông Hậu, gồm: khu vực cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ), cồn An Tấn, cồn An Công (xã An Lạc Tây), bờ sông Rạch Phụng An từ UBND xã An Mỹ - Cầu Sập.

UBND tỉnh yêu cầu huyện Kế Sách có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai cắm biển cảnh báo, khoảnh vùng sạt lở bờ sông nơi khu vực sạt lở nguy hiểm; tuyên truyền, phổ biến tình trạng sạt lở bờ sông, khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở; vận động người dân di dời đến nơi ở khác (đối với các nhà có nguy cơ sập, lún), khẩn trương di dời vật dụng, không để người già và trẻ em ngủ lại vào ban đêm. Khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, chuẩn bị phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hỗ trợ người dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Tình trạng sạt lở cũng diễn ra đáng lo ngại ở bờ tây sông Hậu thuộc huyện An Phú (An Giang). Hồi đầu năm, một đoạn sạt lở với chiều dài khoảng 50m ăn sâu vào đất liền khoảng 60m. Vụ sạt lở đã ảnh hưởng đến một số hộ dân, buộc phải di dời khẩn cấp.

Những năm qua, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn huyện Kế Sách, trung bình mỗi năm sạt lở chiều dài khoảng 2km. Sạt lở ăn sâu vào lộ bê-tông, vườn cây ăn trái từ 3-10m. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay đã có 13 đoạn bờ bao sạt lở, tổng chiều dài 525m, nhiều đoạn đê trên sông Hậu bị sạt lở với tổng chiều dài 714m, ước tổng thiệt hại trên 7 tỷ đồng. Không chỉ riêng Kế Sách, tình hình sạt lở cũng xảy ra nghiêm trọng ở huyện Cù Lao Dung, địa phương nằm cuối lưu vực Sông Hậu, giữa 2 cửa biển là Định An và Trần Đề, tiếp giáp Biển Đông. Với bốn bề sông nước, hệ thống sông rạch chằng chịt, Cù Lao Dung có trên 362 kênh rạch lớn nhỏ và khoảng trên 200km đê bao sông chưa được đầu tư, nâng cấp. Có 24km đê bao biển và 81km đê bao Tả - Hữu.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện này, do cao trình đê bao Tả - Hữu Cù Lao Dung còn thấp, những đợt triều cường dâng cao thường xuyên gây ngập tràn qua đê, nhiều đoạn đê đã xuống cấp. Ngoài ra, hiện có 13 điểm sạt lở trên địa bàn 2 xã Đại Ân 1 và An Thạnh Đông chủ yếu dọc theo tuyến đê bao Tả hữu với chiều dài 800m đang trong giai đoạn vừa thiết kế, vừa thi công do tỉnh làm chủ đầu tư. Điểm đầu cồn An Thạnh 1 sạt lở hơn 1.000m. Khu vực Bến phà An Thạnh 3 qua Trà Vinh sạt lở khoảng 100m.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết: "Mùa này, khu vực xã Đại Ân 1 bị sóng đánh trực tiếp. Mùa chướng thì xã An Thạnh Đông. Hiện đã tiến hành khảo sát 13 điểm đó, khoảng 800m, đã có lưu vốn, đang thiết kế, khu vực nào nguy cấp sẽ ưu tiên làm trước". Theo ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, tình hình sạt lở diễn biến hết sức phức tạp, tạo nên một số điểm nóng trên địa bàn các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung... Nguyên nhân sạt lở đến từ quá trình biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy tại các con sông lớn; mới nhất là việc sạt lở do các dòng sông thiếu phù sa và thiếu lưu lượng nước.

Sạt lở gây sụt lún nhà dân

Ngành Nông nghiệp đã tham mưu lãnh đạo tỉnh về nguy cơ về sạt lở, cảnh báo với các địa phương thống kê điểm sạt lở trên địa bàn, cảnh báo người dân không được chủ quan với hiện tượng sạt lở ở khu vực mình sinh sống, cắm biển báo để cho mọi người dân có ý thức phòng tránh. Ngành cũng tăng cường đi kiểm tra và cảnh báo đối với người dân và thực hiện biện pháp khắc phục những điểm sạt lở xung yếu.

Tỉnh Sóc Trăng đã giao Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở bờ sông để cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình cấp quyết định đầu tư thẩm định và phê duyệt phương án; huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, phổ biến tình trạng sạt lở bờ sông, khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở; vận động nhân dân di dời đến nơi khác (đối với các nhà có nguy cơ sập, lún), đối với các nhà liền kề thì khẩn trương di dời vật dụng, không để người già và trẻ em ngủ lại vào ban đêm; khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Ngoài ra, cần phối hợp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn để hỗ trợ chính sách cho các hộ dân bị sạt lở, phải di dời nhà ở theo quy định. Thường xuyên theo dõi mọi diễn biến, nắm bắt tình hình, kịp thời tổng hợp đầy đủ thông tin, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời xử lý các tình huống cấp bách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang