(CATP) Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm 2015, tình hình an toàn giao thông đường sắt trở nên phức tạp và nghiêm trọng. Cụ thể, có 169 vụ tai nạn xảy ra (tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước), 67 người chết (tăng 21,82%), bị thương 108 người (tăng 40,26%).
Trong đó, có 78 vụ ôtô đâm vào tàu lửa, 17 vụ có người chết và bị thương... Tai nạn xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, gây thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản.
Tai nạn là... chết
Ngày 1-7-2015, do thiếu quan sát, anh H. (37 tuổi, ngụ xã Nghi Diện, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) điều khiển xe tải băng qua đường ngang dân sinh (đoạn thị trấn Quán Hành) đã bị tàu hỏa chở hàng mang số hiệu 232 chạy hướng Vinh - Hà Nội tông tử vong tại chỗ.
Người dân vô tư đi trên đường ray
Sáng 10-6, tàu hỏa mang số hiệu SE25 (chạy tuyến Quy Nhơn - Sài Gòn) chạy đến đoạn giao nhau giữa đường sắt và đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận, TPHCM) thì bất ngờ anh Nguyễn Quang Trung Nhiệm (35 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) đứng giữa đường ray. Mặc dù lái tàu bấm còi inh ỏi, thế nhưng anh Nhiệm vẫn đứng im, nên bị tông chết tại chỗ.
Trưa 24-5, tại Km 41+100, trên tuyến Quốc lộ 1A song song với đường sắt Bắc - Nam (đoạn qua xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa khiến hai anh em họ tử vong tại chỗ. Nhân chứng tại hiện trường cho biết, hai người đàn ông chạy xe máy BS: 30X6-7225 về hướng Khu công nghiệp Đồng Văn 2, băng qua đường sắt ngay thời điểm tàu hỏa lao tới và bị tàu tông trực diện.
Biển báo cấm “mất hiệu lực” với những người này
Chiều 17-5, xe tải BS: 60L-5557 cố vượt qua đường sắt Bắc - Nam (đoạn qua ấp Thọ Trung, xã Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đã va chạm với đầu tàu hỏa. Vụ tai nạn khiến đầu tàu hư hỏng nặng, lái tàu Đặng Quang Hiển (30 tuổi) bị gãy hai chân, kẹt trong buồng lái, chiếc xe tải bị lật nghiêng. Phải mất hơn 2 giờ, lực lượng cứu hộ phải dùng đến mỏ hàn để cắt sắt đưa lái tàu ra ngoài trong tình trạng mất nhiều máu.
Nhiều người phơi đồ, trồng rau trong hàng rào đường ray
Thờ ơ với biển cảnh báo
Chạy dọc tuyến đường ray tàu lửa trong nội ô TPHCM, chúng tôi chứng kiến nhiều điểm giao nhau giữa đường ray tàu lửa và đường dân sinh thiếu an toàn. Địa phận quận Thủ Đức, mỗi ngày có vài chuyến tàu chạy dọc theo đường Kha Vạn Cân cắt ngang nhiều đường dân sinh.
Mặc dù có rất nhiều biển cảnh báo “Cấm vượt hàng rào băng ngang đường sắt”, thế nhưng vẫn có rất nhiều người phớt lờ. Để tiện lợi, họ chỉ cần ngó nghiêng từ xa rồi nhanh chân leo qua hàng rào, băng qua đường ray.
Chạy xe máy dọc đường ray chưa đầy 5 phút, chúng tôi chứng kiến hơn chục người băng ngang rào chắn, vượt qua đường ray. Có đoạn, nhiều người cùng “nối đuôi” nhau leo rào, ung dung đi bộ ngang đường ray.
Dọc đường Bình Lợi (quận Bình Thạnh), nhiều người phơi quần áo, trồng rau... ngay trong hàng rào đường ray, trông rất nguy hiểm. Ngoài thời điểm nghe tiếng còi hú inh ỏi báo hiệu đoàn tàu đang đến, người dân sống quanh đây thường xuyên ra - vào hàng rào để sinh hoạt. Việc đi dọc theo đường ray cũng là chuyện bình thường.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cả nước có 5.000 đường ngang dân sinh tại các địa phương, do người dân tự mở ra. Tại đây, không có người gác và tín hiệu nên rất nguy hiểm.
Dù rào chắn đang kéo xuống, người đàn ông vẫn cố chạy xe qua
Trao đổi với phóng viên, chị Dương Thị Lan (SN 1988) - nhân viên gác tàu, chắn Lê Văn Sỹ Km1725+142 cho biết: “Mỗi ngày có từ 15 đến 20 chuyến xe lửa chạy ngang tuyến này. Chỉ có tàu chở người thì cố định giờ mỗi ngày, còn tàu chở hàng thì có sự biến đổi, nên chúng tôi phải thường xuyên quan sát lịch tàu đi, đến và trực điện thoại 24/24, để kịp thời nhận thông tin khi tàu di chuyển đến.
Riêng những buổi chiều, giờ tan ca, vẫn có nhiều người chen lấn, tranh thủ chui qua hàng rào khi chúng tôi đang hạ chắn xuống để xe lửa đi ngang. Việc làm này rất nguy hiểm!”.