Phí đường bộ hầm Hải Vân tăng kịch khung, cao nhất 280.000 đồng/lượt

Thứ Tư, 28/04/2021 09:45  | Hoàng Quân

|

(CATP) Phí đường bộ qua hầm Hải Vân tăng gấp 3 lần so với mức bình thường; Bộ GTVT đã đồng ý với chủ đầu tư và áp dụng từ ngày 1-5-2021. Nhiều người dân, nhất là các doanh nghiệp vận tải phản ứng vì cho rằng mức phi tăng lên quá cao.

Tăng phí... kịch khung

Từ ngày 1-5-2021, mức phí đường bộ qua hầm Hải sẽ tăng tối đa: xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn; xe buýt tăng vé lượt từ 70.000 đồng lên 110.000 đồng; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn tăng từ 90.000 đồng lên 160.000 đồng/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn tăng từ 140.000 đồng lên 200.000 đồng/lượt; xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở container 20 feet từ 180.000 đồng lên 210.000 đồng/lượt; xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet tăng từ 240.000 đồng lên 280.000 đồng/lượt.

Từ ngày 1-5-2021, mức phí qua hầm đường bộ Hải Vân (ranh giới Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế) được thu qua trạm thu phí Bắc Hải Vân sẽ tăng tối đa, cao gấp 3 so với mức bình thường.

Mức tăng trên là kịch khung giá tối đa cho dịch vụ hầm đường bộ được quy định trong Thông tư số 60/2018/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án (DA) đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.

DA hầm Hải Vân 2 khánh thành ngày 11-1-2021 do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) làm chủ đầu tư. Tập đoàn Đèo Cả là chủ đầu tư các hầm: Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân 2 (vốn đầu tư của 4 hầm theo công bố là khoảng 26.154 tỷ đồng). Hầm Hải Vân 2 dài 6,2km là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, vốn đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng.

Việc tăng phí qua trạm thu phí Bắc Hải Vân (với giá thu thấp nhất cho một lượt xe là 110.000 đồng, cao hơn gấp 3 lần so với các trạm thu phí thông thường khiến dư luận dậy sóng, phản ứng. Từ trung tâm Đà Nẵng xe dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt tăng vé lượt từ 70.000 đồng lên 110.000 đồng đi qua khỏi trạm thu phí Bắc Hải Vân dài 30km sẽ mất 220.000 đồng 2 lượt đi và về. Và từ trạm Bắc Hải Vân, đi thêm 30km nữa sẽ chịu thêm 35.000 đồng tại trạm thu phí BOT Phú Bài mới đến được TP.Huế.

Xe qua hầm Hải Vân 2.

"Không muốn đi hầm thì đi đường đèo..."

Trả lời báo chí, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, mức giá mới nằm trong lộ trình hợp đồng đã được ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người dân không muốn đi qua hầm Hải Vân thì có thể đi đường đèo không mất phí hoặc đi cao tốc La Sơn - Túy Loan (dự kiến hoàn thành tháng 6-2021).

Theo hợp đồng, hầm Hải Vân 2 thu phí hơn 27 năm với điều kiện có phần vốn nhà nước hỗ trợ cho DA hầm Đèo Cả (1.180 tỷ đồng), nhà đầu tư được thu phí đường La Sơn - Túy Loan. Nhưng từ 2018 đến nay nhà đầu tư và Bộ GTVT nhiều lần kiến nghị vẫn chưa được giải quyết nên tự huy động vốn để bù cho khoản 1.180 tỷ đồng nhà nước chưa hỗ trợ ở hầm Đèo Cả nhằm hoàn thành hầm Hải Vân 2. DA này, nhà đầu tư còn nợ tiền giải phóng mặt bằng và nợ nhà thầu xây lắp. Ngoài ra, việc tăng giá phí lúc này cũng do áp lực tín dụng của nhà đầu tư.

Có thể thấy, lấy lý do tự huy động vốn (bằng việc tăng thu phí) tại một DA với mức kịch khung như vậy để bù lỗ cho DA khác là chưa thỏa đáng bởi người dân, phương tiện qua lại ở DA tăng phí chịu nhiều thiệt thòi. Áp lực tín dụng của nhà đầu tư là câu chuyện với các Bộ, ngành liên quan, không thể "đổ lên đầu" người dân. Trong khi, từ năm 2012, các trạm thu phí của nhà nước đồng loạt được tháo dỡ, bởi việc thu phí đường bộ áp dụng thu theo đầu xe (lúc làm hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng, sở hữu xe), qua đăng kiểm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong ngày khánh thành công trình hầm Hải Vân 2 vào ngày 11-1-2021.

Chủ đầu tư các hầm Hải Vân nhiều lần đưa ra những đề xuất bị phản ứng. Năm 2018, chủ đầu tư "dọa" đóng cửa hầm Hải Vân 1 do thua lỗ, không đảm bảo kinh phí vận hành và nợ tiền điện (nợ Điện lực Đà Nẵng đến ngày 31-12-2018 hơn 3,9 tỷ đồng).

Ngoài ra, trong lễ khánh thành hầm Hải Vân 2 ngày 11-1-2021, chủ đầu tư đưa ra phương án: dự kiến các phương tiện lưu thông qua hầm Hải Vân 2 trong 20 ngày vào dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 1 đến 21-2-2021). Sau đó, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành để chờ cơ quan nhà nước giải quyết các kiến nghị. Khi các kiến nghị này đến nay chưa được giải quyết, thì chủ đầu tư tăng phí lên gấp 3 lần bình thường.

Nhiều doanh nghiệp vận tải, tài xế bức xúc cho biết, mức phí mới này cao kịch khung, quá cao vì bình thường giá vé qua trạm Bắc Hải Vân đã cao gấp đôi các trạm thu phí khác trên QL1A. Tuyến QL1A là giao thông huyết mạch, việc người dân gánh quá nhiều phí tại địa bàn một tỉnh là bất hợp lý.

Việc tăng giá vé trong bối cảnh hiện nay là quá đắt đỏ, tốn kém đối với người dân. Các tỉnh miền Trung 2 năm vừa qua liên tiếp gặp tai ương khi bão lũ dồn dập, đại dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều doanh nghiệp (đặc biệt kinh doanh vận tải đường bộ, du lịch, dịch vụ...) và người dân lao đao, khốn đốn; chưa kịp phục hồi...

Hầm đường bộ Hải Vân 2 do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) làm chủ đầu tư.

Bình luận (0)

Lên đầu trang