Hầm Hải Vân nguy cơ đóng cửa vì... nợ tiền điện

Chủ Nhật, 28/10/2018 19:33  | Hoàng Quân

|

(CAO) Hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, nằm trên QL1A - tuyến đường xương sống quốc gia đang có nguy cơ đóng cửa do thua lỗ, bị ngành điện ráo riết đòi nợ.

Chủ đầu tư và đơn vị vận hành khai thác đường bộ cũng như ngành điện đã có văn bản cầu cứu Bộ GTVT chi tiền để giải quyết sự việc.

Hầm đường bộ Hải Vân (giáp ranh Đà Nẵng với Thừa Thiên – Huế) do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả quản lý. Tại dự án hầm Hải Vân 1, theo phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt (Quyết định 3107 ngày 5-10-2016), trạm thu phí Nam Hải Vân (địa phận Đà Nẵng) sẽ được thu phí từ ngày 1-1-2017 để nhà đầu tư có nguồn kinh phí quản lý vận hành và hoàn vốn cho dự án nâng cấp hầm Hải Vân trị giá 1.200 tỷ đồng và dự án nâng cấp QL1A qua đèo Hải Vân.

Hầm đường bộ Hải Vân có nguy cơ đóng cửa vì thiếu kinh phí, nợ tiền điện.

Tuy nhiên, sau đó, Bộ GTVT phê duyệt phương án sử dụng chung trạm Bắc Hải Vân (địa phận Thừa Thiên – Huế) để thu phí hoàn vốn cho cả 2 dự án nên phương án tài chính theo công ty quản lý là mất cân đối.

Việc hụt thu này và các dự án đang nợ hơn 2,6 tỷ đồng tiền điện nên hầm Hải Vân đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động và có thể bị cắt điện. Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng ngày 26-10 có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định: Đến nay, Công ty CP quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) chưa thanh toán tiền điện (hơn 2,6 tỷ đồng) dù đã nhiều lần có văn bản đốc thúc.

Đây là vi phạm Luật Điện lực và hợp đồng đã ký kết. Tiền điện dự kiến phát sinh đến ngày 31-12-2018 là hơn 3,9 tỷ đồng. Theo ngành điện, nếu chậm trễ thanh toán thì sẽ buộc phải ngừng cung cấp điện.

HAMADECO là đơn vị khai thác hầm Hải Vân cũng có văn bản đốc thúc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đề nghị thanh toán chi phí quản lý vận hành và bảo dưỡng. Nếu quá ngày 1-10-2018, do không có kinh phí dẫn đến không thanh toán được tiền điện, lương công nhân… làm gián đoạn công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 thì HAMADECO không chịu trách nhiệm.

Văn bản của Công ty CP quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) gửi Công ty CP đầu tư Đèo Cả

Trước nguy cơ trên, Công ty CP đầu tư Đèo Cả đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí để đảm bảo quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1 qua đèo Hải Vân từ ngày 5-11-2018; nếu không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra cắt điện, công nhân vận hành nghỉ làm, các thiết bị an toàn trong hầm dừng hoạt động,… dẫn tới gián đoạn và không đảm bảo an toàn cho việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ sau ngày 5-11-2018 trở đi thì... Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm!

Bình luận (0)

Lên đầu trang