KỲ 2: NHỮNG Ụ LÔ CỐT "LÌ LỢM"
Trong lúc người dân vẫn từng ngày loay hoay tìm cách thoát kẹt vào giờ cao điểm thì những ụ lô cốt vẫn cố tình “lì lợm”, bám trụ trên đường.
Nỗi buồn muôn thuở
7 giờ 30 sáng 19-10, dòng người trên đường Phạm Thế Hiển (đoạn qua địa bàn P.2, Q.8) gần như bất động. Xe máy, ô tô chen chút nhau, cố giành từng khoảng trống. Lẫn trong đám đông hỗn độn là một người phụ nữ chở theo đứa con nhỏ. Khuôn mặt cậu bé hiện rõ sự mệt mỏi vì khói bụi và tiếng ồn phát ra từ những khối động cơ.
Cách đó không xa, ngay tại giao lộ Dạ Nam – Phạm Thế Hiển, chiếc xe buýt tuyến 140 vì nóng lòng vượt qua đám đông kẹt cứng, không ngần ngại phi thẳng lên vỉa hè trước mặt. Thấy vậy, chiếc xe tải BS: 51D – 408.54 cũng đánh liều nối đuôi. Chứng kiến màn đánh “xiếc” của cánh tài xế, nhiều người đi đường không khỏi ớn lạnh.
Màn "đánh xiếc" khiến người đi đường ớn lạnh của 2 tài xế
Khoảng hơn một tháng trở lại đây, cảnh tượng sáng kẹt… chiều kẹt đã trở nên hết nỗi quen thuộc với các hộ dân sinh sống trên đường Phạm Thế Hiển. Nguyên nhân lý giải cho hiện tượng này đến từ những lô cốt kiên cố, nằm cố thủ ngay giữa mặt đường.
Dãy lô cốt kéo dài khoảng hơn 1 km, chiến trọn gần như toàn bộ diện tích mặt đường Phạm Thế Hiển khiến những ai di chuyển qua đây cũng phải lắc đầu ngao ngán.
“Ban đầu thì một hai cái lô cốt xong rồi một vài tuần lại mọc thêm ba bốn cái nữa. Cứ theo cái đà này, tôi sợ đến tết đường vẫn chưa làm xong thì khổ” – ông Nguyễn Hữu Hải, chủ một cửa hàng xe máy trên đường Phạm Thế Hiển nói.
Lô cốt kiên cố ôm trọn lòng đường Phạm Thế Hiển, Q8
Hiện những công trình tương tự như khu vực đường Phạm Thế Hiển mọc lên không đếm xuể trên khắp địa bàn TP.HCM. Tại đường Nguyễn Trãi (đoạn qua địa bàn P.3, Q.5), một lô cốt nằm mọc lên giữa đường khiến tình trạng giao thông cũng không khá hơn là bao.
Không khác quá nhiều so với trục đường Phạm Thế Hiển, đường Nguyễn Trãi đoạn có lô cốt chiếm đóng luôn trong tình cảnh xe đông di chuyển chậm trong giờ cao điểm. Dòng xe chen chút, nôi đuôi nhau khiến nhiều người chôn chân giữa đường.
“Đường Nguyễn Trãi một năm tu sửa, đào bới đến mấy lần. Vết lấp chỗ này còn chưa kịp cũ thì sát bên cạnh đã được tiếp tục bới lên để thi công” – bà Trần Thị Xuân, ngụ P.3, Q.5 ngán ngẩm chia sẻ.
Giao thông khó khăn do lô cốt “cố thủ” trên đường Nguyễn Trãi, Q.5
Tại khu vực trung tâm Q.1, đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ giao lộ Lê Duẩn kéo dài tới khu vực bến Bạch Đằng) ngày đêm mù bụi. Sau ngày giải toả hai hàng cây cổ thụ, người dân đặt kỳ vọng về một tuyến đường thông thoáng, bằng phẳng.
Tuy vậy, gần một năm kể từ ngày phóng đường, các hạng mục công trình trên tuyến Tôn Đức Thắng vẫn chưa được hoàn thiện. Mặt đường chằng chịt những vết vá, cát bụi mù mịt bao phủ, những dãy rào chắn mọc lên tứ phía là tất cả những gì còn sót lại trên cung đường từng một thời đẹp nhất thành phố.
Khảo sát nhanh của phóng viên Báo CATP còn ghi nhận thêm nhiều tuyến đường khác trên địa bàn TP.HCM cùng chịu chung tình cảnh đào – lấp không thương tiếc như Nguyễn Tất Thành, Q.4, Lạc Long Quân, Q.11... Câu chuyện này dù không còn mới mẻ suốt nhiều năm trời nhưng vẫn luôn trở thành đề tài nóng được dư luận quan tâm.
Khổ trăm lần vì dự án đào đường
Bắt đầu từ đầu tháng 8 năm nay, đường Phạm Thế Hiển (đoạn từ cầu Rạch Ông đến Cao Lỗ, hơn 1 km) bắt đầu xuất hiện bốn lô cốt do đơn vị thi công dự án cải thiện môi trường nước dựng lên. Do đây là tuyến đường huyết mạch của Q.8 nên tình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra, nhất là vào giờ cao điểm.
Cứ bước vào giờ cao điểm chiều, xe cộ lại bắt đầu ùn ứ, khiến việc đi lại của người dân gặp vô vàng khó khăn. Dòng xe kéo dài từ cầu Rạch Ông đến phía đường Dạ Nam kẹt cứng.
“Giờ còn chịu được chứ cách đây một tuần, khi lô cốt chỗ gần đường Dạ Nam chưa tháo dỡ thì còn khủng khiếp hơn” - chị Nguyễn Khắc Linh, nhân viên quán Cõi Mộc Café (80-82 Phạm Thế Hiển, Q.8) cho biết.
Giao thông gặp khó vì...lô cốt!
Theo chị Linh, khi lô cốt mọc lên, kẹt xe xảy ra thường xuyên thì những cửa hàng mặt tiền như quán của chị bị ảnh hưởng nặng nề. Những hàng quán vỉa hè, cửa hàng kinh doanh khu vực này cũng chung cảnh ngộ.
“Lô cốt này dựng được ở đây bốn tháng, lúc trước mỗi ngày tôi bán được 6 kg xôi, giờ thì mỗi ngày 3 kg đã là mừng lắm rồi, toàn người quen ủng hộ. Nhiều lúc tôi phải lấy xôi không bán hết đem cho bà con chứ không bỏ thì uổng. Cứ cố lúc nào hay lúc đó chứ không biết sao” - anh Dương Quốc Hùng, bán xôi ở khu vực này, than thở.
Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ được triển khai từ năm 2010 và dự kiến đến năm 2019 thì hoàn thành. Công trình được triển khai thi công trên địa bàn bảy quận, huyện của TP.HCM gồm các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh.
Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần chống ngập úng, giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của TP.HCM và vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Nhưng lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy trước mắt người dân sinh sống dọc theo tuyến dự án này ngày ngày cám cảnh vì tiếng ồn, bụi bẩn và kẹt xe. Trong khi mọi sinh hoạt thường nhật của người dân đều bị xáo trộn thì bên trong những công trình, cảnh thi công vẫn diễn ra hết sức…ì ạch.
Cần hành động cụ thể
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện toàn thành phố có hơn 100 vị trí rào chắn phục vụ thi công các công trình hệ thống thoát nước (sử dụng vốn ODA) và những dự án khác trên 50 tuyến đường. Trong đó, Q.1 có 9 vị trí; Q.4 có 16 vị trí; quận 5 có 8 vị trí; Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức có 16 vị trí; Q.8 có đến 18 vị trí.
Sở này còn cho biết, thời điểm cận tết Nguyên đán, số lượng lô cốt tăng giảm không đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn hộ dân trên 50 tuyến đường, từ nội thành đến ngoại thành sắp phải gánh chịu mùa kinh doanh cuối năm… hiu hắt.
Lô cốt án ngữ trên đường Nguyễn Tất Thành, Q.4
Ngoài việc gây ảnh hưởng trực tiếp đến những hộ buôn bán ở nơi mình án ngữ, hơn 100 lô cốt còn trực tiếp, gián tiếp đẩy tình trạng giao thông thành phố dịp cuối năm vào thế kẹt triền miên.
Hiện tại, tình trạng ùn ứ ngày càng nghiêm trọng ở các tuyến đường ra vào cảng. Với 16 lô cốt ở Q.2, Q.9, và Q.Thủ Đức, vô tình đẩy tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn trước cảng Phú Hữu) liên tục kẹt xe.
Ngay cả đại lộ Mai Chí Thọ (đoạn từ đường nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đến hầm vượt sông Sài Gòn) cũng bị ùn ứ theo. Tương tự, xa lộ Hà Nội (Q.Thủ Đức) ngày nào cũng kẹt do lượng hàng đổ về cảng Phước Long tăng đột biến.
Trước thực tế trên, nhiều hộ kinh doanh cũng như các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố cho rằng, thành phố nên xác định cuối năm là dịp ưu tiên cho mua bán, trao đổi hàng hóa, bởi lượng hàng lưu thông rất lớn.
Giao thông trên đường Lạc Long Quân (đoạn qua Q.11) gặp khó khăn vì bị các công trình rào chắn.
Nếu xác định ưu tiên cho mua bán, nhất thiết thành phố phải tính toán lại thời gian thi công sao cho “dừng hoàn toàn ít nhất hai tháng dịp cuối năm”. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, đã đến lúc chính quyền TP.HCM cần thực hiện triệt để quy định trong phối hợp đào đường giữa các “ông” điện – nước – thoát nước – chống ngập, nhằm tránh tình trạng mạnh ai nấy đào và họa lô cốt kéo dài không dứt, phải xử lý mạnh tay đối với những nhà thầu thi công bê bối.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Cách giải quyết tình trạng đào – lấp vỉa hè, lòng đường vô tội vạ trên địa bàn thành phố hiện nay đã được nhiều chuyên gia đô thị hiến kế. Từ việc đề cao vai trò của đơn vị quản lý chung, rút ngắn thủ tục quản lý, xây dựng đề án cải tạo mặt đường một cách đồng bộ… đều cần phải được quan tâm.
Nhưng theo tôi, vấn đề quan trọng nhất vẫn chính là ý thức trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu các đơn vị mà chúng ta vừa nêu. Chỉ khi họ ý thức được rằng, sự vô trách nhiệm sẽ gây phương hại đến xã hội, gây lãng phí tiền của nhà nước như thế nào thì lúc đó, tình trạng xấu mới được triệt tiêu.
Vì sao cuối năm lại đào đường?
Về việc có nhiều công trình thi công dồn dập vào thời điểm giáp tết, thậm chí một tuyến đường bị đào xới nhiều lần, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, nguyên nhân là do “quy trình”. Cụ thể, các công trình muốn thực hiện thì đầu năm phải lên kế hoạch, thiết kế, phê duyệt, ghi vốn theo quy định. Thường một dự án phải mất khoảng 9 - 10 tháng trở lên mới được duyệt vốn, giải ngân để thực hiện. Vì vậy, để hạn chế việc các công trình thi công dồn vào cuối năm thì cần phải thay đổi quy trình.
Khu Quản lý giao thông đô thị Số 4 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) đã có công văn nhắc nhở Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị (chủ đầu tư dự án xây dựng hệ thống cống bao), Ban Quản lý dự án lưới điện TPHCM (chủ đầu tư dự án đường dây 110kV Q.8 - Chánh Hưng) đẩy nhanh tiến độ thi công và khắc phục. Văn bản nêu rõ, đầu tháng 11 sẽ hết chặn lô cốt ở đường Phạm Thế Hiển. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các công trình tại khu vực này vẫn đang khá bề bộn.
Còn tiếp...