Dù ngành giao thông vận tải thành phố (TP) thời gian qua đã có nhiều nỗ lực nhưng phải thừa nhận rằng, công tác quản lý còn tồn tại nhiều rối rắm. Từ đường sá, vỉa hè đến các bãi giữ xe, hễ đụng vào chỗ nào, người dân kêu ca chỗ đó. Vì đâu nên nỗi…?
“Bài ca” lấp - đào (!)
Văn bản chấn chỉnh thi công của Khu quản lý Giao thông đô thị số 4 (Sở GTVT TPHCM) sau trận ngập nặng trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q7) mới đây, có lẽ là một trong những “nốt nhạc” buồn cho “bài ca” lấp đào đường sá trong năm nay.
Chuyện là cơn triều cường xuất hiện khiến nước tù đọng vào sáng sớm ngày 7 và 9-10, đã làm chết máy nhiều chiếc xe, gây ách tắc giao thông trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q7), khiến nhiều phụ huynh không kịp đưa con đến trường.
Người dân thành phố đã quá ngán ngẩm với điệp khúc đường ngập sau mưa.
Đáng lý, dòng triều cường sẽ không gây ra tình trạng xấu đến vậy nếu tuyến đường này không bị thi công sai cách. Rõ ràng, “thủ phạm” tác động cho việc “ngập thêm ngập” lần này không phải chỉ do… ông trời, mà còn là do cơ quan quản lý gây ra.
Sau trận ngập “ná thở”, Khu quản lý Giao thông đô thị số 4 mới “xắn tay” vào làm rõ lý do vì đâu. Vậy tại sao trước đó, họ không thể hiện trách nhiệm giám sát chặt chẽ và kỹ lưỡng hơn để ngăn ngừa chuyện xấu?
Văn bản chấn chỉnh thi công của Khu quản lý Giao thông đô thị số 4 (Sở GTVT TPHCM) sau trận ngập nặng trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q7)
Người dân khổ sở vì đường ngập sau mưa và triều cường
Sẽ chẳng ai có thể lý giải nổi, vì những người trong cuộc không bao giờ đưa ra lời giải đáp. “Bài ca” đào - lấp rồi lại… lấp – đào bấy lâu nay làm nhếch nhác đường sá ở TP, đáng ra phải bị phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc, giờ lại trở thành một hình ảnh “quá đỗi thân quen”, khiến người ta dù muốn hay không cũng phải “cắn răng” chấp nhận.
Hết năm này qua năm khác, những tuyến đường bị “vá như mạng nhện” vẫn sờ sờ trước mắt của người dân, góp phần làm rối rắm bộ mặt đô thị của TP.
Tuyến đường Huỳnh Tấn Phát (Q7) bị ngập nặng mà một trong những nguyên nhân là các đơn vị thi công ẩu
Phóng viên Báo CATP đã tìm đến những tuyến đường như thế. Đường Đặng Văn Bi (đoạn qua khu vực P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức), từ chỗ là tuyến đường có mặt nền bằng phẳng, đẹp nhất nhì quận này, sau nhiều lần đào bới, lắp đặt hệ thống cống thoát nước, đã xuống cấp thấy rõ. Mặt đường lồi lõm, loang lổ những vết chắp vá, gây mất mỹ quan đô thị.
Mặt đường Đặng Văn Bi bị rào chắn để phục vụ thi công, sửa chữa gây khó khăn cho người dân trong quá trình di chuyển.
Người dân sống trên tuyến đường thấy thực cảnh này dù khá bức xúc nhưng cũng không biết phản ánh tới ai.
“Đường đang đẹp, hết ông này tới ông khác tới đào đào, xúc xúc, giờ ngày càng nham nhở. Đào lên để làm gì tụi tôi không cần biết, nhưng tái lập phải trả lại như cũ chứ, sao giờ ra vầy” – ông Nguyễn Văn Thiện, một người dân, vừa thất vọng nói vừa chỉ vào những mảng vá trồi sụp trên tuyến đường này.
Những vết vá chằng chịt “đè” lên mặt đường Đặng Văn Bi sau mỗi lần được thi công.
Còn bà Nguyễn Ngọc Hoa, chủ một quán cơm trên đường này thì kể rằng vài ba bữa lại có người tới thi công khiến việc đi lại, kinh doanh của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Bà phàn nàn với ánh mắt ngán ngẩm: “Hết xe của trung tâm chống ngập tới thi công, lắp đặt ống cống, rồi lại có người của công ty viễn thông tới đào lên cho dây cáp xuống. Mặt đường đang đẹp, mấy ổng đào lên, lấp xuống như một “điệp khúc”. Đến khi trả lại thì… thôi rồi!”.
Những "vết sẹo" loang lổ trên mặt đường mà người dân không hề mong muốn nhìn thấy - Ảnh chụp trên đường Đặng Văn Bi.
Tại đường Đỗ Xuân Hợp, Tăng Nhơn Phú (Q9), tình trạng thi công, đào lấp cũng diễn ra nhộn nhịp không kém. Đường sá ở khu vực này liên tục được thi công, sửa chữa. Mà ngặt nỗi, cứ sau một lần như vậy là lại thảm hại hơn. Người dân ở đây thấy thế đã đặt cho nó một tên gọi ví von khác: con đường đau khổ.
“Chúng tôi đã phản ánh tình trạng này đến chính quyền nhưng chất lượng con đường vẫn không được cải thiện. Chỗ hư thì mấy ổng không sửa, cứ đè vào chỗ đang đẹp để đào lên - lấp xuống” – một tổ trưởng dân phố ở P. Phước Long B (Q9), phản ánh.
Việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn vì những “ông”
lô cốt mọc giữa đường nhiều ngày
Đường Tăng Nhơn Phú ngày một xuống cấp sau những lần đào - lấp
Khảo sát của chúng tôi còn ghi nhận nhiều con đường khác ở nội đô cũng rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” vì chuyện đào – lấp. Các tuyến đường như: Tôn Đức Thắng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Đình Chiểu (Q1), Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận)… là những ví dụ tiêu biểu cho hàng loạt tuyến đường khác chịu chung cảnh bỗng dưng… “mang sẹo”.
Chỉ cần sau một đêm, con đường mộng mơ ngày nào lại hằn lên một “vết sẹo” - Ảnh chụp trên đường Tôn Đức Thắng chiều 9-10
Thực tế trên đã cho thấy sự vô trách nhiệm trong công tác quản lý. Chính sự vô trách nhiệm đó đã làm lãng phí rất lớn nguồn ngân sách mà Nhà nước đầu tư vào hạ tầng đường sá và vô hình chung, “kéo” ước mơ về một đô thị hiện đại, thông minh của lãnh đạo và người dân TP ngày một xa hơn…
Bao giờ tiến tới đô thị 4.0?
Đường thì bị lấp – đào, vậy vỉa hè có thoát nạn? Câu trả lời là không! Báo CATP trước đây đã có rất nhiều loạt phóng sự phản ánh về tình trạng nhếch nhác trong công tác quản lý vỉa hè ở TPHCM, nhưng hồi âm mà chúng tôi nhận được từ cơ quan quản lý (đặc biệt là Sở GTVT TPHCM) thì… vô cùng giới hạn!
Trung tâm TP còn quá thiếu bãi giữ xe
Theo khảo sát của phóng viên Báo CATP, hiện nay tại khu vực Q1 (TPHCM), có 13 tuyến đường thu phí giữ xe. Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, UBND Q1 đã giải quyết cấp phép cho 1283 trường hợp giữ xe có thu phí trên vỉa hè. Tuy nhiên, con số này trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giữ xe tại khu vực trung tâm của người dân.
Có thể thấy, năm nào vỉa hè cũng bị “ông” thi công “sờ” tới. Từ việc lát đá mới, nâng chấp, sửa chữa hệ thống dây cáp, điện ngầm hay lắp đặp lại ống cống…, tất cả đều có liên quan đến vỉa hè và một khi đơn vị thi công “động tay” vào đó thì chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến “nguyên hình, nguyên dạng” trước đó.
Vỉa hè ở nhiều tuyến đường thành phố bị băm nát không thương tiếc.
Điều đáng nói là theo xác minh của chúng tôi, hiện nay có rất nhiều đơn vị có liên quan đến quản lý, giám sát vỉa hè, đường sá đường tại TPHCM, từ Sở GTVT TPHCM đến UBND các quận, huyện… Rối hơn, việc thi công những hạng mục có liên quan đến vỉa hè, lòng đường tiếp tục được các đơn vị quản lý này phân chia cho những công ty khác nhau.
Vỉa hè trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh loang lổ dấu vết do các công trình xây dựng để lại.
Thế nhưng, quá trình giám sát lại không được thực hiện chặt chẽ dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, để rồi cứ sau mỗi đợt thi công, vỉa hè lại bị đắp thêm một “miếng vá cẩu thả” vào “chiếc áo” vốn đã quá bầy hầy, chắp nối.
Thực trạng trên còn tạo nên áp lực với một số đơn vị chức năng. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo CATP về tình trạng xanh bị tác động xấu bởi các yếu tố đô thị, ông Nguyễn Khắc Dũng, nguyên Trưởng phòng quản lý Công viên - Cây xanh (Sở GTVT TPHCM), đã thẳng thắn thừa nhận một thực trạng đáng báo động.
Cây xanh cũng trở thành "nạn nhân"...
“Việc vỉa hè trên thành phố bị “xẻ đi – khâu lại” quá nhiều lần trong năm, sau đó việc trả lại nguyên trạng sau thi công không được thực hiện nghiêm túc là một nguyên nhân làm chết cây xanh và khiến không gian đô thị này xấu đi” - ông Dũng bộc bạch
...vì những lần đào, bới trên vỉa hè.
Ước mơ về một đô thị thông minh luôn là nỗi canh cánh trong lòng của biết bao thế hệ lãnh đạo và người dân TPHCM. Nhưng thực trạng trước mắt lại cho thấy bức tranh tương phản! Vài câu chuyện mà chúng tôi nêu ra chỉ là thiểu số trong hàng loạt những bất cập, rối rắm cần được nhìn nhận để đưa ra giải pháp tốt hơn trong công tác quản lý đô thị hiện nay.
Nhiều tuyến đường ở TP.HCM bị ngập nặng vì đơn vị thi công làm ẩu.
Đường Nguyễn Kiệm bị án ngữ bởi một lô - cốt. Sau mỗi lần đào – lấp, lại ngày càng bầy hầy
Chỉnh trang, nâng cấp, đường sá, vỉa hè và các hạng mục có liên quan đến đô thị hạ tầng, là một việc làm cần được ủng hộ để thành phố hiện đại và văn minh hơn. Tuy nhiên, nếu buông lỏng khâu giám sát, quản lý, để từ đó tạo điều kiện cho các đơn vị thi công biến những không gian đô thị này thành một “chiếc áo” chắp vá chằng chịt theo thời gian, rõ ràng là một “lỗng hổng” đầy tai hại. Điều đó cần được sớm nhìn thấy và khắc phục để giúp thành phố sớm “chạm tay” đến ước mơ đô thị 4.0 ở tương lai.
“Chúng ta đang quản lý đô thị ở phần ngọn”
Hôm nay (11-10), Thành uỷ TPHCM phối với Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề mang tên “Quản lý đô thị trên địa bàn TPHCM – Thực trạng, vấn đề và giải pháp”.
Trước thềm hội thảo này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) để lấy ý kiến của chuyên gia này về thực trạng quản lý đô thị hiện tại của TPHCM:
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam).
Phóng viên: Thưa ông, liên quan đến thực trạng đào – lấp, tái thiết mặt đường theo kiểu chắp vá hiện nay ở TPHCM, ông có nhận xét gì?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên: Cốt lõi vấn đề chính là khả năng quản lý vĩ mô. Đơn cử, như trên một tuyến đường lại tồn tại đến 6 hoặc 7 đơn vị như: điện lực, chiếu sáng, trật tự đô thị… cùng quản lý. Mà các đơn vị lại không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến câu chuyện hôm nay người này đào, ngày khác người kia đào.
Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, việc đào - lấp mặt đường một cách vô tội vạ còn gây hao hụt rất nhiều nguồn ngân sách của thành phố, vì tất cả mọi khâu đều phải tốn kinh phí.
Phóng viên: Vậy có cách nào để giải quyết vấn đề này tồn đọng này?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên: Cách giải quyết thì trước đây, nhiều chuyên gia đô thị đã từng hiến kế cho TPHCM. Từ việc đề cao vai trò của đơn vị quản lý chung, rút ngắn thủ tục quản lý, xây dựng đề án cải tạo mặt đường một cách đồng bộ… đều cần phải được quan tâm.
Nhưng theo tôi, vấn đề quan trọng nhất vẫn chính là ý thức trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu các đơn vị mà chúng ta vừa nêu. Chỉ khi họ ý thức được rằng, sự vô trách nhiệm sẽ gây phương hại đến xã hội, gây lãng phí tiền của nhà nước như thế nào thì lúc đó, tình trạng đào - lấp vô tội vạ sẽ được triệt tiêu.
Phóng viên: Không chỉ mặt đường, về công tác quản lý, sử dụng vỉa hè ở TP hiện nay, theo ông đã được triển khai hiệu quả chưa?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên: “Chiến dịch” lấy lại vỉa hè cho người đi bộ đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả. Nguyên nhân thì có nhiều lắm, nhưng cốt yếu vẫn là bài toán về gia tăng dân số. Dân số ở thành phố hiện đang ở mức quá tải. Khi dân số lượng người càng đông thì họ phải tìm tới những diện tích còn trống để thực hiện những nhu cầu sinh hoạt thường nhật, thực hiện nhu cầu mưu sinh.
Chúng ta không thể mãi hô hào khẩu hiệu, thực hiện các vấn đề ở ngọn mà không tập trung giải quyết nguyên nhân căn cơ. Cần phải linh hoạt sử dụng phần đất được ví như “vàng” để vừa phát huy công năng của nó, vừa đáp ứng thu nhập cho người dân cần nó, chứ không phải là đi xử lý phần ngọn.
Phóng viên: Triều cường gây ngập cũng là câu chuyện thời sự mấy ngày nay. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân đi kèm theo là do quản lý đô thị chưa khoa học bấy lâu nay. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên: Đúng là nguyên nhân nằm ở chỗ quy hoạch đô thị có vấn đề, cộng thêm việc gia tăng dân số tự nhiên và cả cơ học, đó cũng là nguyên nhân. Để giải quyết vấn đề này, cần phải mất nhiều thời gian. Chúng ta cần định hình những việc cần phải ưu tiên hàng đầu để giải quyết trước.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục duy trì các biện pháp mang tính “chữa cháy” như: lắp đặt siêu máy bơm, xây dựng các hệ thống cống thoát nước, nạo vét kênh rạch cũng sẽ giải quyết được phần nào khó khăn mà chúng ta đang gặp phải.
Phóng viên: Cảm ơn ông!