Sài Gòn vào mùa... "đào lên, lấp xuống" (kỳ 1)

Thứ Sáu, 26/10/2018 11:17

|

(CAO) Ở TPHCM, chắc nhiều người từng nghe về mùa… “đào lên, lấp xuống”. Thật vậy, gần cuối năm, hàng loạt tuyến đường từ ngoại ô đến nội thành liên tục bị đào lên để thi công, lắp đặt “lô cốt” án ngữ lối đi.

Bất thường ở chỗ hễ đoạn đường nào bị đào lên, lấp xuống là y như rằng sau đó hư hỏng nhanh chóng khiến người dân hết sức ngao ngán.

KỲ 1: TÁI LẬP VỈA HÈ CẨU THẢ, VÔ TRÁCH NHIỆM!

Bỗng dưng mang… “sẹo”

Cách đây ít ngày, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có thông báo về việc tổ chức thi công phục vụ khoan khảo sát địa chất tại Q.4 và Q.7. Cụ thể, từ ngày 13-10 đến 24-10, tuyến đường Nguyễn Khoái và Tôn Thất Thuyết (Q4) sẽ được trưng dụng một phần phục vụ công trình, phần còn lại cho lưu thông rộng khoảng 5m.

Đây là hoạt động bình thường của đô thị và sẽ không gây lo ngại cho người dân nếu tình trạng đào, lấp vỉa hè, lòng đường những năm gần đây không diễn ra cảnh cẩu thả, vô trách nhiệm.

Vỉa hè đường Nguyễn Biểu (đoạn dưới chân cầu Chữ Y, Q.5) sau khi tái lập cẩu thả đã trở thành bãi rác

Hàng loạt tuyến đường hết lần này đến lần khác bị đào lên thi công, sau đó là tái lập theo kiểu lấy lệ, khiến người dân vô cùng bức xúc. Chỉ cần đi khảo sát một số tuyến đường, ai cũng phải lắc đầu ngao ngán.

Đáng buồn nhất là các tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố, như: Nguyễn Đình Chiểu, Trần Cao Vân, Nguyễn Du, Phạm Ngọc Thạch…, đâu đâu cũng thấy cảnh lòng đường, vỉa hè chắp vá. Từ chỗ đường đang bằng phẳng, chạy “êm re”, chỉ sau vài đêm thi công, mặt đường trở nên gồ ghề, xóc lên xóc xuống.

Vỉa hè đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q1) lồi lõm, gây nguy hiểm người đi bộ sau khi "đào lên lấp xuống"

Tối 18-10, phóng viên ghi nhận một nhóm công nhân đang tiến hành cắt vỉa hè tại giao lộ Huyền Trân Công Chúa - Nguyễn Du (P.Bến Thành, Q1). Nhóm thợ nhanh chóng rào chắn một đoạn dài rồi khẩn trương cắt, đào. Tiếng máy cắt đường vang lên chát chúa giữa đêm. 

Ghi nhận nhanh tại một số tuyến đường khác, như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tôn Đức Thắng, Võ Văn Kiệt (Q1)…, tình trạng tái lập sau thi công cũng không đâu vào đâu, vỉa hè bỗng dưng mang “sẹo”.

Nhóm công nhân đang tổ chức thi công trên tuyến vỉa hè Nguyễn Du - Huyền Trân Công Chúa, Q1

Hiện trạng bầy hầy do thợ để lại tại tuyến vỉa hè Nguyễn Du - Huyền Trân Công Chúa

Tại các tuyến đường có vỉa hè rộng, như: Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Văn Đồng, Phan Đăng Lưu, Lê Quang Định, Nơ Trang Long, Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh), Đặng Văn Bi (Q.Thủ Đức) và trên địa bàn các quận, huyện khác cũng rơi vào tình trạng xuống cấp, nhếch nhác do đào, lấp, tái lập cẩu thả.

“Đường đang đẹp, giờ ra nông nỗi như vậy. Không biết họ nâng cấp hay phá nát đô thị đây nữa?” - Chị Hoa (nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q1), ngao ngán nói.

Sống chung với... đào đường

Thực trạng đào, lấp đường sá, vỉa hè vô tội vạ gây ảnh hưởng cho người dân đến mức, bà con nghĩ ra nhiều sáng kiến để “sống chung với đào đường”. Tại nhiều nơi, bà con đang gồng mình đối phó với điệp khúc “đào - lấp” của các đơn vị thi công. Có nhà lắp đặt thêm các miếng ván kê vào những chỗ lồi, lõm trên vỉa hè để khỏi bị té khi di chuyển. Có gia đình bỏ tiền mua các thiết bị cách âm để không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ quá trình thi công.

Nhóm công nhân cắt vỉa hè và lòng đường tại giao lộ Hai Bà Trưng - Lý Tự Trọng, Q1

Có lần, chúng tôi vô tình chứng kiến cảnh cắt vỉa hè trên đường Trần Nhân Tông (Q5). Máy cắt vừa đặt xuống, lớp bụi tung mù mịt, âm thanh đinh tai nhức óc làm nhiều người dân sống gần đó nhăn mặt. Họ bị “tra tấn” bởi âm thanh này đến rạng sáng hôm sau.

“Ồn lắm! Tôi cũng có tuổi rồi, mà đêm nào cũng đào inh ỏi như thế sao chợp mắt nổi? Biết là công trình công cộng phải chấp nhận, nhưng có một tuyến đường mà hết ông này đến ông khác tới làm. Làm liên tục!” - Ông Nguyễn Văn Hai (nhà trên đường Trần Nhân Tông) than thở.

Công trình xây dựng trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1 “băm” nát vỉa hè

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, thông thường sau khi tái lập xong mặt đường sẽ có khoảng thời gian gọi là “tái lập tạm”. Nhưng quá trình này vẫn phải đảm bảo có một lớp bê-tông, nhựa đường để bảo đảm an toàn cho người dân trong lúc lưu thông.

Trong thời gian tái lập tạm, đơn vị thi công có nhiệm vụ quan sát, chờ lún mặt đường theo tiêu chuẩn rồi mới hoàn thiện công trình, trả lại mặt bằng đúng theo chất lượng cam kết.

Tuy nhiên, có một số đơn vị tái lập mặt đường không chấp hành đúng quy định, gây bức xúc cho người dân. Chắn chắn đơn vị quản lý giao thông của thành phố là Sở GTVT biết rõ công tác thi công, tái lập vỉa hè, lòng đường hiện nay đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân, làm xấu mỹ quan đô thị. Thế nhưng việc xử lý trách nhiệm và đề xuất phương án quản lý, giám sát để tránh tái diễn tình trạng này vẫn còn bỏ lửng.

Quản từ gốc không khó

Theo ông Lâm, thời gian qua, Sở GTVT đã phát hiện nhiều đơn vị thi công, tái lập lòng đường, vỉa hè ẩu, chẳng hạn như tổng công ty (TCT) cấp nước, điện lực… Họ để xảy ra sai phạm là do trong quá trình khắc phục, hoàn thiện, có bàn giao cho một số nhà thầu phụ đảm nhận. Áp lực thời gian, lưu lượng phương tiện… dẫn đến việc các nhà thầu này thực hiện thiếu trách nhiệm, sau quá trình sử dụng dẫn đến sụt lún, bong tróc lớp nhựa đường.

Để giải quyết vấn đề, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng thanh tra liên tục tổ chức kiểm tra nhằm nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo Thanh tra Sở này, chỉ trong quý I/2018, số vụ vi phạm trong lĩnh vực thi công công trình đường bộ tăng đến 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong vòng 3 tháng, lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản xử lý 171 vụ vi phạm, tổng tiền phạt 944 triệu đồng.

Vỉa hè đường Đặng Văn Bi (Q.Thủ Đức) bị cắt xẻ không thương tiếc, nhưng tái lập thì… thờ ơ

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, xử lý, có nhiều trường hợp vi phạm bị “tuýt còi” nhiều lần. Từ đầu năm 2017 tới nay, TCT Xây dựng số 1 TNHH MTV bị lập biên bản xử phạt 125 vụ vi phạm, trong đó có 44 biên bản xử lý vi phạm hành chính, tổng số tiền xử phạt là 234 triệu đồng.

Đơn vị này đã bị thu hồi giấy phép thi công trên các tuyến đường: Đỗ Ngọc Thạnh, Minh Phụng, Phạm Phú Thứ (thuộc địa bàn các quận 5, 6 và 11). Trong đó, tình trạng thi công "chui", không có giấy phép cũng khá nhiều.

Ông Nguyễn Bật Hận (Phó chánh Thanh tra Sở GTVT) từng thừa nhận, hiện đang có tình trạng nhiều nhà thầu, đơn vị thi công ẩu, nhưng vẫn tái phạm. “Theo quy định hiện nay, những nhà thầu vi phạm 3 lần, sau khi khắc phục xong lỗi và hoàn thành việc đóng phạt, vẫn tiếp tục được thi công. Tuy nhiên, việc này được cho là chưa đủ sức răn đe, bởi nhiều nhà thầu hoặc các đơn vị được thuê thi công vẫn tái phạm nhiều lần” - Ông Hận cho biết.

Tình cảnh nhếch nhác xảy ra tại vỉa hè đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh 

Nhiều bạn đọc thông qua Báo Công an TPHCM, đặt câu hỏi rằng tại sao Sở GTVT không có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi có tuyến đường bị đào lên thi công ngay từ đầu, tổ chức giám sát xuyên suốt để các đơn vị thi không không dám làm ẩu?

“Nếu có lực lượng giám sát từ lúc thi công đến lúc hoàn trả lại mặt đường, vỉa hè, có tiêu chí đánh giá, thì ai dám làm sai?” - bạn đọc Nguyễn Thanh Vinh góp ý.

Tình trạng bầy hầy tại các tuyến vỉa hè TP.HCM tồn đọng nhiều năm nay vẫn chưa được xử lý ổn thỏa

Trên thực tế, Sở GTVT cũng đã tính tới điều đó. Tuy nhiên, kế hoạch giám sát tận gốc đến nay không hiểu vì lý do gì mà vẫn chưa mang lại hiệu quả?

Không thể đổ lỗi cho việc có quá nhiều đơn vị quản lý “đụng tới” lòng đường, vỉa hè, dẫn đến tình trạng mỗi nơi một kiểu làm, “cha chung không ai khóc”, bởi Sở GTVT là đơn vị được thành phố phân công làm đầu mối giám sát quản lý đường sá, giao thông đô thị.

Theo nhiều chuyên gia, việc quản từ gốc như bạn đọc góp ý là đề xuất hợp lý, cần được lắng nghe và hoàn toàn không quá khó thực hiện, nếu chúng ta quyết tâm, có trách nhiệm và không vị nể.

Ngưng cấp phép thi công đào đường, vỉa hè tại Q.3

Thời gian qua, Công ty CP Cấp nước Bến Thành, Ban quản lý dự án (BQLDA) lưới điện phân phối TPHCM, Công ty Điện lực Sài Gòn, Trung tâm Viễn thông Sài Gòn, Trung tâm Viễn thông Chợ Lớn, BQLDA Tây thành phố... triển khai thi công lắp đặt ống cấp nước, ngầm hóa hệ thống lưới điện, viễn thông trên các tuyến đường thuộc Q3, như: Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan, Kỳ Đồng, Trương Định, Trần Quốc Thảo, Ngô Thời Nhiệm, Tú Xương, Cách Mạng Tháng Tám... Tuy nhiên, quá trình thi công, tái lập không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, khiến người dân bức xúc.

Trước tình trạng này, UBND Q.3 kiến nghị Sở GTVT ngưng cấp phép thi công đào và tái lập để lắp đặt hệ thống cấp nước, điện, viễn thông trên địa bàn quận, để phối hợp với quận kiểm tra, khắc phục những nơi nào tái lập mặt đường không đảm bảo chất lượng, gây mất an toàn giao thông.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang