Thấy gì bên trong những viện dưỡng lão ở Sài Gòn?

Kỳ 2: Nước mắt chảy xuôi

Thứ Năm, 18/10/2018 11:49

|

(CAO) Có trực tiếp nghe được những câu chuyện đầy ngang trái phía sau hoàn cảnh của các cụ già ở viện dưỡng lão, chúng tôi mới thấy mình may mắn vì còn mẹ, còn cha! Có theo chân những hộ lý, điều dưỡng đang ngày ngày gắn bó tại các viện dưỡng lão, mới cảm nhận hết sự khó nhọc của công việc đặc thù này.

Một ngày ở viện dưỡng lão, là một ngày chúng tôi ngộ ra nhiều giá trị của con người, của tình thương…

Nỗi đau “nghịch tử”

Đêm tháng Chạp. Gió bấc trườn qua truông núi gom theo cái lạnh lùa vào một căn nhà dột nát nơi miền sơn cước. Bà Nguyễn Thị Phóng (80 tuổi – ngụ ở xã Bình Thành huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), gắng gượng toàn bộ sức lực còn lại, lết đi và cố gọi to tên người bạn già để tìm sự trợ giúp. Bà Phan Thị Gái (64 tuổi – hàng xóm) nghe thấy, vội vàng mở cửa chạy ra thì đã thấy bà Phóng nằm run rẩy phía dưới mái hiên nhà mình, bên hông là một giỏ xách đựng đầy quần áo.

“Cái gì thế này? Sao mà ra nông nổi vậy hả bà Phóng?” – bà Ảnh hốt hoảng. Nước mắt chảy dài, bà Phóng nói trong cơn nấc nghẹn: “Con tui nó không chịu nuôi tui, tui phải đi rồi bà ơi”. Hai bà lão chỉ biết dìu tay nhau đi tìm trạm xá trong màn đêm mịt mờ.

Cụ bà Nguyễn Thị Phóng bạc mệnh bị các con bỏ rơi

Bà Phóng vốn thuộc diện hộ nghèo nhất nhì ở xã nghèo này - hiện đang sống ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (gọi tắt là Trung tâm Thạnh Lộc). Cái nghèo đeo bám, bà cụ quanh năm chỉ biết làm lụm cật lực, mong nuôi nấng ba đứa con nên người.

Dựng vợ gả chồng cho chúng xong, bà lão lại chia cho mỗi đứa một mảnh đất để chuyển ra ở riêng. Tình thương bao la của người mẹ đã dặn lòng bà không về ở chung với tụi nhỏ, vì lo trở thành gánh nặng cho chúng.

Cách đây vài năm, người con trai cả của bà xung phong nuôi mẹ lúc ốm đau. Nhưng điều kiện là mẹ phải để lại cho con phần đất còn lại. Cả gia đình, ai cũng phản đối, mâu thuẫn suốt một thời gian dài nhưng cuối cùng, thương con, bà Phóng cũng bị xiêu lòng. Một tờ giấy chuyển nhượng chủ sở hữu quyền sử dụng đất mới toanh đã nằm trong tay người con cả. Người mẹ thì cứ mơ về những ngày cuối đời được con mình báo hiếu.

Người thân của cụ bà xấu số rớt nước mắt khi nhắc lại thảm cảnh đau lòng này

Ấy vậy mà dòng đời nghiệt ngã! Từ ngày về ở chung, vợ chồng người con cả thường xuyên “bán cái” mẹ mình cho họ hàng, anh em thân thích chăm nom giúp với lý do “làm ăn xa”. Cho đến một ngày nọ, người con út của bà lên nhà nhờ chị dâu tìm sổ hộ khẩu cũ, thì cả 2 nảy sinh mâu thuẫn kịch liệt.

Không tìm được tiếng nói chung, đưa con dâu cả đã dụ mẹ chồng xuống nhà em chồng ở. Đứa con út cũng không chịu nhận phần thiệt về mình, anh cùng vợ, đùn đẩy việc phụng dưỡng, lập kế “đẩy” mẹ già quay trở lại nhà anh cả. Chẳng ai chịu ai, cuối cùng người mẹ phải nuốt nước mắt ra đi giữa đêm rét buốt. Hôm ấy là ngày mùng 8 tháng Chạp năm Ất Dậu (2015).

Bỏ mẹ sao đành?

Ở Trung tâm Thạnh Lộc không thiếu những trường hợp cha mẹ bị con cái đổi xử tệ bạc, ruồng bỏ. Đằng sau những bi kịch gia đình là nước mắt của các đáng sinh thành. Đến với trung tâm, chúng tôi còn nghe về hoàn cảnh đầy cay đắng của cụ bà Trần Thị Sòng (82 tuổi – ngụ Q.Thủ Đức).

Cũng như ai, cụ Sòng trước đây từng có một mái ấm gia đình hạnh phúc, một người chồng mẫu mực và một đứa con trai biết nghe lời. Nhưng khi chồng khuất núi, bi kịch lại không ngừng ập đến. “Con đi làm suốt nên mẹ vào viện dưỡng lão để có người chăm sóc nha. Ở đó có bạn có bè vui lắm” – đứa con thủ thỉ.

Phóng viên Báo Công an TP.HCM trực tiếp nghe các cụ trải lòng về những câu chuyện gia đình.

Chẳng đặng đừng, vì thương con, cụ phải gật đầu đồng ý vì không muốn trở thành gánh nặng. Nơi đầu tiên mà cụ tới là một viện dưỡng lão tư nhân ở Q7, TPHCM, với mức phí gần 15 triệu đồng/tháng. Bà Sòng khi ấy nhận được lời hứa sẽ thường xuyên lui tới của đứa con trai yêu quý.

Tuy vậy, chỉ sau 2 tháng đóng tiền đầy đủ, người con bỗng “lặn” mất tăm. Mọi liên lạc đều bị cắt đứt một cách nhẫn tâm. Dù phía viện dưỡng lão đã nhiều lần gọi điện, nhờ địa phương hỗ trợ nhưng kết quả nhận lại chỉ là… những cái lắc tay.

Nhiều trường hợp cha mẹ bị con cái bỏ rơi phải tìm đến các trung tâm dưỡng lão tại TP.HCM - Ảnh chụp tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc.

Một thời gian không nhận được được tiền phí, dù không muốn nhưng phía viện dưỡng lão cũng đành phải làm đơn, chuyển cụ Sòng tới Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, để bà tiếp tục chăm sóc.

Ngày rời đi, cụ Sòng không nói năng gì, chỉ lủi thủi xách theo chiếc túi nhỏ, trong đó có di ảnh của người chồng đã khuất. Đêm ấy, bà lão không thôi trăn qua trở lại. Cụ bà nước mắt chảy dài. Giọt nước mắt trong đêm thâu cứ thế chảy thầm lặng và cam chịu, như chính nỗi bất hạnh của người mẹ bị con mình “bán” đi mà bà lão đã trót mang theo.

Những “đứa con” không cùng huyết thống

Những trường hợp mà chúng tôi vừa nêu trên thực tế, là tình huống khó xử mà các trung tâm dưỡng lão công và cả dân lập đang mắc phải hiện nay.

Theo ông Nguyễn Quốc Uy (Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè), chuyện các con, các cháu đưa cha mẹ, ông bà tới các cơ sở chăm sóc người cao tuổi rồi cắt đứt mọi thông tin liên hệ, phó thác chuyện chăm sóc cho Nhà nước không phải hiếm. “Nói về lẽ đời, thì họ đã “bán” cha, mẹ của mình. Và điều đó đã gây ra khó khăn rất lớn cho người làm công tác chăm sóc người cao tuổi”.

Các điều dưỡng viên, hộ lý ở viện dưỡng lão là những “đứa con” của các cụ già bị bỏ rơi, dù họ không cùng chung huyết thống.

Không phải lúc nào nguồn kinh phí của các viện dưỡng lão công lập cũng đủ để giúp hết các trường hợp cơ nhở, lang thang. Như ở Viện dưỡng lão Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), dù rất thương các cụ, lãnh đạo của viện phải nhờ phía địa phương can thiệp. “Nếu trường hợp không tìm được thân nhân, chúng tôi buộc phải chuyển các cụ tới các cơ sở bảo trợ người cao tuổi vô gia cư, không nơi nương tựa ổn định” – ông Uy bộc bạch.

Hơn thế nữa, chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở bảo trợ xã hội luôn được xem là công việc kén người. Có người chỉ vừa thử việc được một ngày đã vội khăn gói rời đi. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng theo các điều dưỡng, hộ lý nhiều năm gắn bó với Viện dưỡng lão Thị Nghè, thì cái chính nằm ở yếu tố tâm lý.

Số tiền lương ít ỏi hàng tháng là lý do khiến nhiều người không mấy người mặn mà với công việc này. Nói chung, ngoài trách nhiệm thì lòng bao dung là “chìa khoá” then chốt để giúp họ gắn bó với nghề.

Những người không cùng huyết thống được chăm sóc như người trong gia đình

Để đào tạo một điều dưỡng, hộ lý thành thạo công việc, phải mất từ hai đến ba năm. Có trường hợp điều dưỡng vô tình làm sai ý các cụ, ngay lập tức bị chửi mắng hoặc có khi là nhận cả… những cái tát vào mặt. Những lúc như vậy, anh chị em dù rất buồn nhưng tự bản thân họ động viên nhau, tìm cách vượt qua.

“Chắc chắn rằng, chúng tôi phải xem các cụ ở đây như cha, mẹ của mình, dù không cùng huyết thống. Mấy cụ khi “trái tánh, trở trời” thì mắng chửi là chuyện bình thường. Nhiều lúc rất tủi thân, nhưng hiểu tâm lý nên chúng tôi cứ cười xề xoà thôi. Phải hết lòng và hết trách nhiệm, chứ không thì mang tội với người lớn lắm” – chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên điều dưỡng Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, trải lòng.

Y sĩ Dương Văn Tươi (Phó trưởng phòng Y tế Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè) chia sẻ rằng, công việc chăm sóc người cao tuổi được xem là việc đặc thù mà sách vở chưa hẳn đã đề cập cụ thể. Ông Tươi thổ lộ: “Chỉ có khi nhân viên yêu với nghề, có sự cố gắng trong công việc thì khi ấy, những khó khăn mới biến thành kinh nghệm quý báu, tạo thành động lực để gắn bó với công việc.

Các hoạt động vui chơi được nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc tổ chức thường xuyên cho các cụ già, để họ vơi bớt nỗi tủi thân

Ví dụ như việc truyền dịch cho các cụ cũng yêu cầu có sự kinh nghiệm để thực hiện. Thông thường khi về già, việc tìm ven máu trên tay để truyền dịch cho các cụ là không thể do chứng suy giãn tĩnh mạnh. Qua quá trình chăm sóc, chúng tôi nhận thấy ở vùng cổ có thể tiếp cận, lấy ven truyền dịch nên bắt đầu áp dụng.

Chính những sự quan tâm thầm lặng đó đã cho các điều dưỡng, nhân viên của trung tâm trở thành “đứa con” của những người xa lạ dù không cùng chung huyết thống”.

Có tận tai nghe những câu chuyện đầy ngang trái phía sau hoàn cảnh của các cụ già, chúng tôi mới thấy bản thân mình còn may mắn vì còn mẹ, còn cha! Có theo chân những hộ lý, điều dưỡng đang ngày ngày gắn bó tại các viện dưỡng lão mới cảm nhận hết sự khó nhọc mà phải đối diện trong công việc đặc thù.

Chuyện về y sĩ Tươi hay điều dưỡng Ngưn tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè… là minh chứng sinh động nhất về sự hi sinh cho nghĩa cử. Đó chính là nét đẹp đáng được quý ở cuộc sống còn quá nhiều ganh đua…

Chị Nguyễn Ngọc Ngưn, Phó trưởng phòng Y tế Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè

Con người khi về già sẽ có nhiều thay đổi về tâm lý dẫn đến những thay đổi về ứng xử. Khó tính, dễ hờn dỗi… điều thường thấy ở người già. Trong quá trình sinh hoạt, các cụ thường xuyên tạo những bất đồng, nếu điều dưỡng như chúng tôi không khéo léo phân xử, sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực xảy ra. Biết đặc tính này, con cái nên thông cảm và tìm cách chiều ý cha mẹ, để các cụ không phải buồn phiền.

Còn tiếp ...

Bình luận (0)

Lên đầu trang