Thấy gì trong những viện dưỡng lão ở Sài Gòn?

Kỳ 1: Những phận đời bị lãng quên

Thứ Năm, 18/10/2018 10:39

|

(CAO) Dù giàu hay nghèo, rồi ai cũng phải đối diện với tuổi già. Có người may mắn được con cái hiếu thuận, thương yêu chăm sóc, cũng có người cố tình bị… hắt hủi, lãng quên.

Xã hội luôn đau đáu về những người già bất hạnh và Nhà nước hàng năm, luôn có rất nhiều chính sách dành cho họ. Nhưng trên thực tế, câu chuyện làm sao để người già được chăm lo đầy đủ, lại luôn là bài toán khó, cả về lý lẫn tình. Lo cho tuổi già, đó là nỗi lòng mà bất cứ ai cũng phải dự liệu đến, thậm chí là với những người trẻ hiện nay.

Nỗi nhớ đêm mưa

Phố chìm trong sương đêm. Gió lạnh rít qua từng cơn, rồi trận mưa xối xả đổ xuống. Ông Đặng Văn Quá (72 tuổi) vẫn ngồi đấy, co ro nép mình trước mái hiên một căn nhà trên đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức. “Lại mưa!” – ông Quá nói bâng quơ, giọng nặng trĩu.

Người đàn ông này đã hơn 30 năm “ngủ lang” trên hè phố. Chuyện ông buồn hiu hắt! Vợ mất vì bạo bệnh, con thì bỏ rơi, kiếp không nhà của ông Quá bắt đầu cũng trong một đêm mưa như thế.

“Một ngày tôi lượm ve chai được mười mấy nghìn bạc. Có khi không đủ tiền ăn thì người này, người kia thương tình cho một ít” – ông Quá kể. “Vậy lỡ ngày nào không có người cho thì sao?”. “Thì nhịn đói!”.

Cuộc sống không nhà chẳng dễ dàng gì. Mùa nắng còn đỡ, chứ gặp mùa mưa, chẳng đêm nào ông được an giấc. “Những đêm mưa lớn, cứ hết hành lang nhà này, tôi chạy sang hành lang nhà khác. Chỗ nào bị nước tạt thì không thể ngủ được” – ông Quá thuật lại, nét mặt trầm ngâm.

Ông Đặng Văn Quá (bên trái) đã “ngủ lang” trên hè phố hơn 30 năm nay

Hệ quả của việc “ăn sương nằm gió” đã để lại di chứng nặng nề, ông bị tai biến, dù may mắn qua khỏi nhưng đến nay vẫn không thể nói chuyện lưu loát như người thường. Trong cảnh bĩ cực, hình ảnh về một mái ấm lại hiện lên mãnh liệt hơn bao giờ hết nhưng rồi qua cơn mơ, tất cả lại trở về thực tại.

“Ai mà không muốn có một mái ấm. Nhưng phận số tôi chịu vậy. Con bất hiếu nên mình phải sống cảnh lang thang để khỏi thấy cảnh đau lòng. Có đêm nhớ con lắm, mơ thấy gia định sum họp. Nhưng…” – ông Quá ứa nước mắt, giọng chững lại khi nói về ước mơ mà ông biết rằng, nó khó trở thành hiện thực.

Ông Đặng Văn Quá có lẽ không mấy xa lạ với bạn đọc Báo CATP. Câu chuyện về người đàn ông bất hạnh, nhưng vẫn luôn rực cháy ước mơ đầy nhân bản đã từng được chúng tôi kể lại trong một bài viết trước đó.

Nhiều độc giả đã bày tỏ sự xúc động khi phản hồi đến báo, và điều này chính là tiền đề để chúng tôi tiếp tục tìm đến các trung tâm xã hội dành cho người già để thực hiện một loạt phóng sự khác…

Chiếc radio tình thương

Đến Trung tâm dưỡng Lão Thị Nghè, Q.Bình Thạnh, TPHCM (gọi tắt là Viện dưỡng lão Thị Nghè), trước khi tiếp xúc với cán bộ quản lý, chúng tôi đã bắt gặp những câu chuyện hết sức cảm động. Đằng sau cánh cổng này, người ta gọi đấy là vùng đất của những phận đời bị gia đình lãng quên… Nhưng không hẳn vậy, ở nơi đó cuộc sống của các cụ bà, cụ ông vẫn trôi qua hết sức ý nghĩa cùng những nỗi niềm… ít ai biết đến!

Năm nay đã là năm thứ 3 bà Nguyễn Thị Lý (75 tuổi) về sống tại Viện dưỡng lão Thị Nghè. Ngày mới của bà bắt đầu bằng âm thanh quen thuộc phát ra từ chiếc radio nằm ở cuối giường. Nghe xong phần bản tin thời sự, bà Lý cẩn thận tắt chiếc đài nhỏ, rồi khẽ đánh thức người bạn phòng bên: “Bà ơi! Dậy thôi. Đi tập thể dục với tôi nào”.

Bà Nguyễn Thị Lý (đầu tiên bên phải) hủ hỉ tâm sự cùng “bạn già” ở Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè

Ngày mới vào đây, bà Lý ít nói, khó tính và hay khóc. Bà khóc vì những mong mỏi chưa kịp thực hiện. Khóc khi nhìn thấy màn hình vô tuyến chiếu cảnh một gia đình quây quần bên mâm cơm tối. Bà lão buồn, nhưng chẳng một lời than thở, bởi phận số bất hạnh không cho bà thiên chức được làm mẹ.

Đứa con nuôi vốn xuất thân từ một trại trẻ mồ côi, được 2 vợ chồng hết mực thương yêu, tạo điều kiện cho sang nước ngoài du học, với bao kỳ vọng ở tương lai. Nhưng chẳng ai có thể đoán trước được cuộc đời. Chồng bà Lý sau một cơn đột quỵ, đã không qua khỏi.

Bà sống lẻ loi suốt một thời gian dài để mong một ngày sum họp cùng con cháu. Vậy mà đợi mãi chẳng thấy đâu. Con nuôi đi bằng bẵng, rồi cuối cùng cưới vợ, định cư ở xứ người.

Một điều dưỡng đang chăm sóc cho các cụ cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè

Biết phận, bà xin vào trung tâm dưỡng lão để an hưởng tuổi già. “Không gì bằng gia đình mình, có con cháu sum họp thì hạnh phúc lắm. Nhưng sống ở đây có bạn bè, hằng ngày hủ hỉ tâm sự cũng vui” – bà Lý bộc bạch.

Tận sâu trong tâm khảm của bà lão giờ này, chắc chẳng còn thứ gì cao xa hơn một mái ấm. Bà nói rằng người già rất thích được nói chuyện. Chuyện gì cũng được, miễn là có người nghe. Và 146 người bạn già khác ở viện dưỡng lão này chính là món quà ít ỏi còn lại cho tuổi già xế bóng của bà.

Ông Nguyễn Văn Tư (71 tuổi) cũng là một trong những người khá đặc biệt của Viện dưỡng lão Thị Nghè. Ông Tư lúc trước từng là giám đốc một công ty xây dựng nổi tiếng ở TP. Cũng như ai, ông từng có một mái ấm đủ đầy, hạnh phúc.

Nghiệt ngã thay, một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng đã cướp đi vĩnh viễn mạng sống của đứa con trai độc nhất và người vợ. Kể từ đó, cuộc sống của ông Tư cứ lẳng lặng trôi đi trong cô quạnh.

Lãnh đạo Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè mỗi ngày đều đến thăm hỏi các cụ già

Không chịu nổi cảnh đơn côi, ông Tư tìm đến viện dưỡng lão để an hưởng phần đời còn lại. Ngày mới vào, ông lão bỡ ngỡ “toàn tập”. Ông ít nói, sống khép mình, tách biệt. Nhưng rồi cũng như cụ Lý, nhờ thấu hiểu hoàn cảnh nhau, những người bạn già đã san sẻ khó khăn để cùng hoà nhập ở một môi trường mới.

Dần dà theo thời gian, ông Tư bắt đầu nhận ra những điều trân quý xung quanh mình. Ông Tư thổ lộ: “Nay vô đây có mấy ông, mấy bà suốt ngày nói chuyện rôm rả, lại được chăm sóc nên bớt tủi thân hơn trước”.

Ai vào Viện dưỡng lão Thị Nghè cũng có cho một một nỗi niềm khó nói. Họ, mỗi người một cảnh nhưng tựu trung lại là đều thiếu thốn tình thương. Đó là thế giới riêng của những con người cần mái ấm. Chiếc radio của bà Lý không đơn thuần để nghe tin tức, mà còn được xem là một trong những “nhịp cầu” để kết nối những mảnh đời xa lạ đang bị tổn thương lại với nhau, để họ thấy rằng tình thương vẫn còn hiện hữu quanh đây…

Chuyện không của riêng ai

Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, Q12, TPHCM (gọi tắt là Trung tâm Thạnh Lộc), cũng là một viện dưỡng lão nuôi dưỡng các cụ già. Điều khác biệt, 314 cụ ông, cụ bà được đưa đến đây trước đó không những không có nơi nương tựa mà còn bị mắc các chứng bệnh về tâm thần, khiếm khuyết cơ thể. Cuộc sống của các cụ hằng ngày may mắn có sự trợ giúp hoàn toàn từ các y bác sĩ và điều dưỡng viên.

Theo lãnh đạo trung tâm, đa phần các cụ vào đây đều là đối tượng sống lang thang, được đưa đến từ các đơn vị bảo trợ xã hội khác. Về với trung tâm, tất cả được các bác sỹ, điều dưỡng tận tình chăm sóc, mang lại một cuộc sống mới.

Như bà Lê Thị Diệu (68 tuổi), hồi đó được người ta tìm thấy khi đang nằm co ro trong đêm lạnh ở dưới chân cầu Chợ Cầu, Q12. Không gia đình, không con cái, không chỗ ở, đó là tất cả thông tin mà Trung tâm Thạnh Lộc biết được về bà Diệu khi mới nhận về.

Các cụ cao tuổi được kiểm tra sức khoẻ đều đặn tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc

Mấy ngày đầu, bà Diệu như một đứa trẻ ngờ nghệch. Bà sợ tiếp xúc với người lạ, thậm chí cự tuyệt với ăn uống. Trước tình huống này, các bác sĩ, điều dưỡng của trung tâm đã tìm đủ mọi cách để điều trị, từ thuốc thang đến các biện pháp về tinh thần. Sau gần 1 năm ròng rã, cụ bà mới được kéo ra khỏi bóng tối, hoà nhập trở lại với cuộc sống và kể lại nỗi đau của mình.

Bà Diệu nhớ bản thân từng có một mái ấm hạnh phúc nhưng từ khi chồng chết đi, đời bà bắt đầu rơi vào bi kịch. Đứa con trai quý tử lại ham mê cờ bạc, bất hiếu.

“Mỗi lần hết tiền nó lại về bắt tôi đưa. Không có tiền, nó đánh đập tôi suốt. Chịu không thấu cảnh này, tôi cuốn đồ lên Sài Gòn kiếm sống. Nào ngờ…” – nước mắt bà Diệu cắt ngang dòng tâm sự. Có lẽ bà không muốn nói thêm về biến cố thứ 2 xảy đến khiến mình ra nông nổi này, vì nó đau đớn quá.

Bên trong Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc

Mà đâu chỉ riêng bà lão này, hàng trăm phận đời khác đến với Trung tâm Thạnh Lộc đều mang theo những câu chuyện đắng lòng. Vô gia cư và bị ngược đãi, đó là những quá khứ đầy ám ảnh mà không một ai ở trung tâm này muốn nhớ lại.

Nỗi ác mộng chỉ kết thúc khi họ được Nhà nước đưa đến nơi đây. Những ngày cuối đời của các cụ không những được chăm lo bằng bữa cơm ngon miệng, những bộ quần áo mới mà hơn thế nữa, đó là tình thương của những “đứa con” không cùng huyết thống.

Nhưng không phải người già bị hắt hủi nào ai cũng có may mắn được vào viện dưỡng lão để được quan tâm, chăm sóc. Bởi, còn đó những người như ông Đặng Văn Quá từng đêm co ro trong sương lạnh trên hè phố. Họ là ví dụ tiêu biểu cho cuộc sống không có dự tính về ngày mai. Và câu chuyện làm sao để người cao tuổi được chăm lo đầy đủ, lại luôn là bài toán khó cả về lý lẫn tình…

Bà Nguyễn Thị Hồng (sống tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè)

Tôi chưa từng nghĩ sẽ tới viện dưỡng lão để sống hết phần đời còn lại. Ai về già cũng mong sẽ có một mái ấm hạnh phúc, được con cái hiếu thuận, thương yêu. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Với tôi, khi cảm nhận bản thân trở thành ghánh nặng của con cái, tốt nhất ta nên tìm đến một cuộc sống mới, phù hợp hơn. Tôi tìm đến viện dưỡng lão sau suy nghĩ đó…

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang