Đối với doanh nghiệp, cơ sở đã không ngần ngại trộn nhiều thứ gạo với nhau đã khiến “hạt ngọc” mất đi lợi thế và thậm chí thua ngay trên sân nhà.
LÚA THƯỜNG VẪN "GIỮ NGÔI”
Thời gian qua, ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đã có nhiều thay đổi đáng kể từ việc cơ cấu giống, mùa vụ đến áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, thực hiện chuỗi liên kết và hình thành vùng nguyên liệu lớn với mong muốn tìm chỗ đứng. Tuy nhiên tại nhiều địa phương nông dân lại chuộng sản xuất các giống lúa chất lượng thấp.
Hiện nhiều nông dân vẫn chọn giống lúa chất lượng thấp để canh tác.
Vừa thu hoạch 1 héc-ta lúa hè thu giống OM 5451 bán với giá 5 ngàn đồng/kg, ông Nguyễn Thành Em (ngụ huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết: “Ở vùng này người dân chủ yếu trồng các giống lúa OM 4218, OM 5451, OM 6976, IR5004 chứ các giống lúa thơm chất lượng cao hơn như Jasmine, ST… chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lý do nông dân chuộng các loại giống có phẩm cấp thấp bởi dễ bán, ít sâu bệnh, năng suất cao, ít đổ ngã. Đối với trồng lúa chất lượng cao mà bán giá nhích hơn các giống lúa chất lượng thấp chỉ vài trăm đồng/kg trong khi đó năng suất lại thấp hơn 1 – 2 tấn thì tất nhiên nông dân phải lựa chọn hướng có lợi”.
Tương tự, ông Lê Văn Điền (ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên, An Giang) có 2 héc-ta lúa sản xuất 3 vụ/năm cho biết: “Cánh đồng này có diện tích 1.460 héc-ta nhưng cũng chủ yếu làm giống OM5451 chứ không trồng Jasmine vì ngắn hơn đến 20 ngày sẽ nhẹ phân, thuốc, không cháy lá, sâu bệnh lại được ưa chuộng. Nếu rủ nhau làm lúa chất lượng cao thì giá rớt xuống như chất lượng thấp mà thôi”.
Ngoài việc để lúa chất lượng thấp lên “ngôi” nông dân còn sử dụng phân, thuốc theo cảm tính. Gặp ông Nguyễn Văn Thành (ngụ xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang) đang tìm mua thuốc diệt rầy cho lúa tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp (VTNN) ở thị trấn Tri Tôn.
Được hỏi về kinh nghiệm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ông Thành cho biết: “Hiện lúa đang bị rầy gây hại vì thế ra cửa hàng VTNN mua thuốc về phun xịt. Họ đưa thuốc gì mình xài thuốc nấy”.
Nhận định về việc sử dụng thuốc BVTV hiện nay, ông Nguyễn Văn Gấu (một nông dân sản xuất giỏi của tỉnh An Giang) cho biết: “Bà con mua thường ghi nợ tại đại lý nên nơi bán muốn đưa thuốc thế nào thì đưa. Họ nói là thuốc tốt thì nông dân mang về phun, xịt chứ đâu có đọc được những tiếng nước ngoài trên vỏ chai”.
Nhiều nông dân ĐBSCL lạm dụng thuốc BVTV trong canh tác.
Theo tìm hiểu, từ mới gieo sạ xuống ruộng 2 ngày nông dân đã phun thuốc diệt mầm (cỏ), 15 ngày sau phun thêm thuốc diệt cỏ chát, lát. Lúa đẻ nhánh phun thuốc rầy, sâu cuốn lá và nếu không hết mua thêm loại thuốc khác độc tính mạnh hơn.
Sau khi bón thúc đồng nếu có rầy, đạo ôn xuất hiện trở lại tiếp tục phun thuốc. Đến giai đoạn lúa trổ đòng đòng xuất hiện bệnh khô vằn, lem lép hạt… sẽ phun liên tục. Nhiều nông dân còn tự ý tăng nồng độ thuốc BVTV cao hơn khuyến cáo hoặc trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun.
LÚA LẬU “TRÀN” QUA VỰA LÚA
Được cho là gạo “sạch” nấu cơm ngon cũng như bán có lãi cao, nhiều đầu nậu đứng ra tổ chức thu gom lúa Campuchia chở về Việt Nam tiêu thụ. Một ngày trung tuần tháng 8/2018, phóng viên tìm đến địa phận xã An Hiệp (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) thấy nhiều ghe, sà lan chở lúa đậu tấp nập trên sông Sa Đéc.
Sau khi dò hỏi những người đưa đò, chúng tôi tìm gặp vợ chồng chủ ghe Th. (quê ở Thới Lai, TP.Cần Thơ). Anh Th. cho biết: “Campuchia sản xuất các giống IR5004, Sóc Miên, Thơm Lài, Móng Chim, Sóc Ka-đôn… quanh năm. Bên đó họ làm gạo mùa 6 tháng/vụ chứ không phải như Việt Nam chỉ 3 tháng dẫn đến việc sử dụng nhiều loại phân, thuốc”.
Một ghe lúa lậu vừa cập bến xã An Hiệp để sấy và xay xát.
Tại đây, anh Th. chỉ cho chúng tôi phân biệt các ghe lúa đậu trên sông ghe nào lúa Campuchia, ghe nào lúa Việt. “Nhìn ghe nào có bao đỏ sọc xanh, xanh sọc đen chính là lúa Campuchia. Ghe, sà lan chở lúa Campuchia thường có trọng tải từ 120 – 220 tấn. Những sà lan thường lấy lúa xay xát bán cho các nhà máy để xuất khẩu chứ không bán nội địa. Những ghe chở lúa Campuchia sấy và xay xát nhà máy bên kia sông, sau đó chở qua nhà máy bên này bán”, anh Th. nói.
Ông M. (chủ nhà máy chuyên xay lúa Campuchia) cho biết: “Hiện lúa Việt Nam ít chỉ còn Campuchia. Bên đấy họ sợ lũ nên thu hoạch sớm. Mỗi ngày nhà máy xay xát công suất khoảng 400 tấn lúa”.
Nói về cách thức đưa lúa Campuchia về biên giới anh Th. bật mí: “Có nhu cầu ghe đến các vựa Tà Lơp, Tà Mau (huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo) để lấy hàng. Tôi mua hàng của chủ vựa lớn nên không sợ gì hết vì đường đi họ lo”.
Anh Th. còn cho biết thêm, lấy hàng xong chủ vựa cấp cho anh sổ đăng ký để qua trạm gác của Campuchia. Do đó, cứ đến 7 giờ tối anh sẽ đưa sổ đăng ký cho “cò” vô trình với trạm gác để được đi. Đối với việc đưa lúa vào nội địa thì phải “chung chi”. Trước đây, lúa Campuchia qua biên giới diễn ra ban ngày nhưng đến nay chỉ còn cách đi ban đêm. Với chuyến buôn trong trong 3 ngày vợ chồng anh đã có khoản lãi hơn 20 triệu đồng.
Thời gian qua, lực lượng chức năng ở các tỉnh ĐBSCL bắt giữ nhiều vụ buôn lúa lậu. Sau khi nhận được nguồn tin báo, tại địa bàn tỉnh Kandal (Campuchia) - khu vực đối diện ấp Tân Khánh (TT.Long Bình, H.An Phú, An Giang) thường xuyên có các ghe mang biển kiểm soát Việt Nam neo đậu lấy lúa từ các xe tải Camphuchia chở tới. Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình đã phối hợp Đội Kiểm soát hải quan An Giang triển khai lực lượng bí mật theo dõi hoạt động của những đối tượng mua bán lúa tại khu vực này.
Đối tượng có liên quan đến việc buôn lúa lậu và số tiền tang vật bị tạm giữ
Ngày 1-2-2018, lực lượng chức năng phát hiện chiếc ghe gỗ mang BKS: AG - 11875 đang nhận các bao lúa được bốc từ xe tải xuống ghe ngay tại khu vực nói trên. Khoảng 10 giờ cùng ngày, ghe đã được chất đầy lúa, sau đó chủ phương tiện điều khiển ghe di chuyển từ Campuchia lưu thông ngang cầu Long Bình về hướng xã Khánh Bình để vào địa phận Việt Nam. Lực lượng hải quan tiếp tục bám theo đến địa bàn xã Nhơn Hội, nhận thấy ghe này đã đi qua Trạm Kiểm soát Bắc Đai mà không ghé vào làm thủ tục nên tiến hành phối hợp truy đuổi.
Khi áp sát được phương tiện đã yêu cầu người chủ đưa ghe về trụ sở Chi cục Hải quan Bắc Đai làm việc. Người điều khiển phương tiện cho biết tên Nguyễn Thanh Hùng (SN 1974, ngụ ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, H.An Phú) nhận chở thuê số lúa trên cho bà Mười Cao (xã Quốc Thái) từ Campuchia về TP.Châu Đốc (giá 50 ngàn đồng/tấn). Việc vợ chồng ông Hùng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hàng hóa, lực lượng chức năng lập biên. Qua kiểm tra trên ghe có 1.233 bao lúa với khối lượng 75.066kg, trị giá hơn 375 triệu đồng.
MẤT LỢI THẾ TRÊN SÂN NHÀ?
Ngoài việc nhập lậu lúa, những năm gần đây còn xuất hiện tình trạng thương lái trộn lúa nội vào lúa ngoại. Chạy dọc theo tuyến đường cặp bờ kênh Vĩnh Tế có nhiều điểm thu mua lúa, gạo đang hoạt động tất bật.
Một điểm thu mua lúa trên kênh Vĩnh Tế
Chị Th. (thương lái) cho biết: “Hiện nay, các thương lái ở các tỉnh ĐBSCL có nhu cầu mua lúa Campuchia đem về đấu với gạo trong nước để bán giá cao”. Theo ước tính, mỗi ngày chị Th. thu mua hàng chục tấn lúa ngoại từ Campuchia trở qua. Sau khi xay xát, các chủ nhà máy tiến hành đấu với các giống lúa nội địa rồi cung cấp cho các chợ hoặc xuất khẩu.
Anh T. (người chuyên mua, bán lúa, gạo Campuchia hơn 20 năm) cho biết: “Tùy theo mỗi thương lái, nhà máy mà họ có tỷ lệ trộn giữa gạo hạt dài với gạo đặc sản khác nhau. Cụ thể có người trộn tỉ lệ 2/8, 3/7, 4/6, thậm chí trộn cả nếp. Với cách làm như trên, thương lái kinh doanh gạo đặc sản đã thu được một khoản lợi nhuận khá cao. Đây là “chiêu” mà cánh thương lái, doanh nghiệp kinh doanh gạo đặc sản thực hiện để qua mặt người tiêu dùng”.
Lúa “2 trong 1” theo kiểu nửa nội, nửa ngoại trên sẽ được các thương lái bán lại cho các doanh nghiệp lương thực khắp các tỉnh, thành với giá dao động ở mức 12 – 18 ngàn đồng/kg.
Gạo Việt chính hiệu đang chịu sự cạnh tranh của gạo ngoại. Nhiều năm nay, gia đình anh Lê Hoàng Vũ (TP.Cần Thơ) trở thành khách quen của hàng gạo nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài vì ở đây bán một số gạo đặc sản. Anh Vũ kể: “Nghe một số người bạn nói có loại gạo ngon lại ít phân, thuốc bảo vệ thực vật nên gia đình tôi tò mò mua về nấu thử. Sau khi dùng cả nhà thấy cơm mềm, dẻo lại thêm thông tin gạo sạch càng làm cho mọi người tin tưởng”.
Theo quan sát của PV, tại chợ Tịnh Biên (An Giang) rất nhiều cửa hàng bán gạo treo bảng “gạo sạch” để tăng yếu tố bảng bá. Tại đây chủ cửa hàng Động Lực cho biết: “Khoảng 8 năm trước, khi tôi mới kinh doanh cũng tổ chức bán gạo trong nước nhưng người dân biên giới ít ghé mua nên đành ra TP.Châu Đốc lấy gạo Campuchia về bán. Lý do người dân ăn gạo này bởi ngon, mềm, nở cơm lại không lo ngại về phân, thuốc”.
Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA): “Năm nay, thị trường gạo kim ngạch xuất khẩu tăng, sản lượng tăng và đặc biệt các loại gạo chất lượng cao đang chiếm lĩnh một số thị trường thế giới. Đối với những loại gạo buôn bán ngoài chợ thực tế là gạo Việt Nam nhưng nhãn lại ghi giống Mỹ, Nhật, Đài Loan…”. Ông Nguyễn Văn Hiền – Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật An Giang: “Diện tích trồng lúa của toàn tỉnh là 230.000 héc-ta. Lý do người dân ăn gạo ngoại bởi công nghệ giống của ta thua nước ngoài dẫn đến chất lượng không bằng nên nào ngon người dân ăn; công nghệ chế biến còn lạc hậu. Do vậy, nếu chúng ta làm được 2 lý do trên ngành lúa gạo tháo gỡ rất dễ dàng”. |