KỲ 3: NHỮNG CUỘC ĐÒI NỢ LÚC... 0 GIỜ!
Khi ông chủ vừa bước vào trong thì tiếng la thất thanh của anh tài xế vang lên: “Anh H. ơi! Cướp, có người cướp xe!”. Đó thực ra không phải là một toán cướp, mà là cuộc siết nợ của nhóm nhân viên của ngân hàng (NH)…
Xử lý nợ kiểu… ăn cướp (?)
Ai nấy vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra! Khoảng 8 người đàn ông lạ mặt ùa đến, khống chế anh tài xế vừa hô hoán. Nghe ồn ào, vừa kịp chạy ra thì 2 người trong đám lạ mặt đã nhanh chóng leo vào chiếc xe hơi, khẩn trương rú ga chạy đi và ngước lại lớn tiếng: “Ai dám cản đường thì cán chết bỏ!”. Trước cổng nhà, vẫn còn lại 7 người lạ mặt. Ông chủ nhà hoảng hốt hỏi những người còn lại: “Ai cướp?”. Đám người dõng dạc trả lời: “Chúng tôi là người của N.H.M. đi thu hồi tài sản”.
Để siết nợ, các công ty thu đòi nợ không tiếc tay sử dụng mọi thủ đoạn.
Bấy giờ, ông chủ nhà mới biết rằng, mình vừa bị siết nợ! Thấy hành vi của đám người trên quá liều lĩnh, manh động, ông H. đã bí mật khóa trái cổng ngoài, “cầm chân” được 3 người vừa tiến vào trong và nhanh chóng gọi lực lượng chức năng đến ứng cứu. Bên ngoài, những tiếng chửi bới, đe dọa của 4 gã đàn ông còn lại vẫn vang lên không ngớt…”. Đến khi cảnh sát có mặt, mọi việc mới được can thiệp, xử lý.
Đó là một đêm cách đây vài năm về trước. Câu chuyện được các trinh sát hình sự Công an Q.Bình Thạnh kể lại không khác gì phim hành động. Khổ chủ trong vụ việc này tên đầy đủ là Huỳnh Văn H., chủ căn nhà nêu trên. Ông H. vốn là giám đốc của một công ty có trụ sở nằm ở P.Bến Thành, Q1, TPHCM. Để thuận lợi cho việc đi lại trong làm ăn, ông có mua một chiếc xe AUDI 5 chỗ ngồi, với giá 4 tỉ đồng và cho cháu của mình là Trần Thanh H. đứng tên chủ quyền.
Một nhóm thu hồi nợ công khai tên tuổi và hình ảnh con nợ giữa nơi công cộng.
Làm ăn thua lỗ, ông H. cùng người cháu đã quyết định làm hợp đồng thế chấp chiếc ô tô với ngân hàng, số tiền thế chấp là 2 tỷ đồng, hình thức trả góp. Vì kinh tế khó khăn nên ông H. chỉ thực hiện việc trả góp đầy đủ trong 5 tháng đầu tiên, còn lại 16 tháng trả góp, với lãi suất 21,2%. Trong lúc đang tìm cách để thanh toán đủ phần còn lại cho ngân hàng thì gia đình ông “dính” phải vụ việc hy hữu trên.
“Hợp đồng của tôi và ngân hàng có thời hạn trong vòng 5 năm, vì kinh tế khó khăn nên tôi có phần trễ nải trong việc chi trả theo hợp đồng quy định. Nhưng, tôi sai một thì bên quản lý nợ sai đến mười. Bởi lẽ, tôi vẫn cố gắng để thanh toán, vẫn sử dụng xe theo đúng quy định trong hợp đồng, vẫn làm việc và cư trú bình thường chứ có chạy nợ đâu. Nếu tôi sai thì họ có thể khởi kiện tôi ra tòa, chứ không thể nào tổ chức siết xe vào lúc đêm hôm như thế” – ông H. bức xúc.
Ném đá giấu tay
Không chỉ siết nợ một cách công khai, để ép con nợ phải trả tiền, nhiều công ty đòi nợ thuê ngoài đe doạ, uy hiếp, còn sử dụng thủ đoạn “ném đá giấu tay”. Chị Nguyễn Thị Ngọc N. (ngụ Q10 – chủ một doanh nghiệp và cũng là một con nợ) đã kể lại cho phóng viên Báo CATP nghe tường tận câu chuyện kinh hoàng xảy đến với bản thân và gia đình cách đây không lâu.
Người phụ nữ này cho biết, trước đây vài năm, do cần tiền xoay xở chuyện làm ăn, chị có vay của bà Hồ Thị Anh Ng. (ngụ Q8, TPHCM) số tiền 700 triệu đồng. Trong vòng 2 năm, chị liên tục trả cho chủ nợ cả lời và lãi với số tiền lên tới hơn 2 tỷ đồng. Tuy vậy, đến đầu năm 2017, chủ nợ vẫn không chịu buông tha mà thuê 6 tên lưu manh tìm đến gia đình chị. Chúng yêu cầu chị phải ký giấy nợ 9,4 tỷ đồng với lý do hết sức hoang đường: chậm trả “lãi mẹ” trên nên “đẻ” ra “lãi con”.
Nhà riêng và cơ sở kinh doanh của chị N. bị nhóm đòi nợ huy hiếp tinh thần bằng cách tạt sơn, ném vật lạ.
Cho rằng đây là khoản tiền phạt vô lý nên chị N. không chấp thuận làm theo. “Không chịu trả hả? Vậy thì ráng mà chịu hậu quả” – một tên trong nhóm côn đồ, nghiến răng uy hiếp.
Y như rằng, chỉ một ngày sau, các cơ sở kinh doanh cũng như nhà riêng của chị N. liên tục bị người lạ ném sơn và mắm tôm vào. Chúng liên tục giở trò đó trong một thời gian dài để uy hiếp, khủng bố tinh thần chị. Trước sức ép ngày một lớn, người phụ nữ khốn khổ đã phải nuốt nước mắt đặt bút ký vào tờ giấy nợ 9,4 tỷ đồng, dù chị biết rằng có ki cóp cả đời cũng không trả hết nợ.
Bà Ng. bắt chị mỗi tháng bà phải chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản riêng của bà. Từ tháng 1-9 năm 2017, chị N. đã chuyển tổng cộng 6,3 tỉ đồng vào tài khoản bà Ng. để trả nợ. Đến cuối tháng 10-2017, bà Ng. lại tiếp tục thuê các đối tượng cộm cán đến nhà chị N., bắt chị ký thêm giấy nợ 4,2 tỉ đồng. Bỗn cũ soạn lại, nếu chị không làm theo “yêu sách” của chúng, sẽ không được yên thân.
Nhà riêng của bà N. bị các đối tượng sử dụng búa và gỗ tấn công.
Theo chị N., tới đầu năm 2018, có nhóm người lạ mặt tự xưng là Công ty dịch vụ thu hồi công nợ T.D (có địa chỉ tại Q.12, TP.HCM) mang giấy ủy quyền của bà Ng. đến nhà gặp chị để đòi tiền. “Tôi không chấp nhận cách tính lãi cắt cổ bà Ng. nên không trả. Sau đó, cứ từ 12 giờ đêm trở đi thì các cửa hàng, nhà riêng của tôi bị người lạ ném sơn, thuốc trừ sâu, khiến ai cũng hoang mang”.
Chưa dừng lại, nhà riêng và các cửa hàng buôn bán của gia đình mỗi ngày đều có người lạ theo dõi 24/24. Ngay đến sinh hoạt, di chuyển của các thành viên khác trong gia đình chị đều có người “lặng lẽ” bám đuôi. “Đến tới điểm hiện tại, gia đình tôi toàn hoàn bất lực trước các thủ đoạn “ném đá giấu tay” của các công ty đòi nợ thuê. Hằng ngày ngoài chuyện kinh doanh, buôn bán, tôi còn phải đối diện với hàng trăm thứ trời ơi đất hỡi” – chị N. mệt mỏi.
Cửa kính cường lực nhà chị N. bị các đối tượng lạ mặt ném bể
Vật dụng được các đối tượng để lại sau khi tấn công nhà chị N.
Chuyện của chị N. là đơn cử của hàng loạt người dân phải sống dở chết dở vì bọn đòi nợ thuê. Phóng viên Báo CATP ghi nhận trường hợp của chị Huỳnh Đỗ Thanh Th. (SN 1987, quốc tịch Anh - ngụ P.Phú Hữu, Q9), cũng đang bị bọn xã hội đen “hành” dù không nợ nần với ai.
Chị Th. kể, khoảng nửa cuối tháng 4-2018, trước cổng nhà chị tự dưng xuất hiện một nhóm người dữ tợn. Họ cho biết là nhân viên của Công ty đòi nợ H.T (có địa chỉ tại Q.Bình Thạnh - Công ty mà Báo CATP đã phản ánh trong số báo trước), đến để lấy nợ cho bà N.T.H (quê Thanh Hoá). Đến lúc này, chị Th. Mới vỡ lẽ ra là mẹ mình đã mượn của người ta hơn 1 tỷ đồng nhưng chưa trả được.
Trước đề nghị vô lý của những của nhóm người lạ, chị Th. kiên quyết khước từ. Đêm một vài ngày sau, hơn 15 người đàn ông xăm trổ đi ô tô đến đậu trước cửa nhà chị Th. đập cửa, la hét yêu cầu trả nợ. Quá hoảng sợ, chị gọi điện trình báo cảnh sát khu vực thì nhóm người này mới chịu bỏ đi. Nhưng đêm tiếp theo, họ lại tiếp tục “ghé thăm”.
Màn cảnh cáo được cho là do công ty đòi nợ H.T "dành tặng" cho nhà chị Th.
Lần này không đao to búa lớn như trước, nhưng hậu quả thì tai hại hơn nhiều. Những vệt sơn đỏ đã bị ném vương vãi trước cổng nhà và xe ô tô của chị Th., kèm theo những lời đe doạ lạnh sống lưng. Sự việc khiến chị Th. cùng 2 con nhỏ và cha già rất hoảng sợ. Chị Th. nói gấp gáp qua điện thoại với phóng viên: “Không ổn rồi! Gia đình tôi phải đóng cửa đi nơi khác ẩn nấp để mới được yên thân”.
Đúng thật vậy! Chiều 2-10, phóng viên Báo CATP tìm đến nhà của chị nhưng cửa đã khoá trái, điện thoại mất liên lạc. Hỏi người dân sinh sống xung quanh thì mới biết, cả gia đình chị đã lẳng lặng dọn đi để thoát khỏi bọn lưu manh.
Màn tạt sơn để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với gia đình khổ chủ.
Nhắc đến đòi nợ thuê, người ta nghĩ ngay đến những hoạt động phức tạp và hiển hiên là chả ai dám “dây” vào đó. Mỗi công ty đòi nợ một cách thức tồn tại nhưng tựu trung lại, chúng chuyên dùng những thủ đoạn hèn hạ, bỉ ổi để đưa con nợ vào tâm lý hoang mang, từ đó phải trả nợ.
Những hành vi trên chắc chắn là nằm ngoài khuôn khổ pháp luật và làm khổ lực lượng công an rất nhiều trong công tác bảo vệ an ninh trật tự. Nhưng điều đáng lo ngại là nó vẫn nghiễm nhiên diễn ra trong cuộc sống, gây bất an cho người dân.
Thực tế nhức nhối này đã được các cơ quan chức năng ghi nhận đầy đủ, dẫn đến văn bản kiến nghị “chặn” dịch vụ đòi nợ thuê mới đây của UBND TPHCM. Và đó chính là tiếng chuông để hình thành một quyết sách cứng rắn đối với hoạt động phức tạp này trong nay mai…
Công an Q1 “khoá chặt” các đối tượng đòi nợ thuê
Sau 2 bài viết đầu tiên của loạt phóng sự “Những thủ đoạn kinh hoàng của các dịch vụ đòi nợ thuê” đăng trên Báo CATP, Công an Q1 đã có những phản hồi tích cực. Đơn vị này cho biết, trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát hình sự đã liên tục tăng cường giám sát, giáo dục, răn đe với các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Nhờ việc “khoá chặt” hoạt động phia pháp của các đối tượng này, Công an Q1 đã ngăn ngừa rất nhiều hành vi, mầm mống phạm tội trên địa bàn quận.
Chuyện thầm kín” của dân đòi nợ thuê
Với dân đòi nợ thuê, miễn lấy được tiền thì mọi việc cũng có thể làm. Từ làm phiên, khủng bố, tới đe doạ, làm nhục, cưỡng đoạt tài sản… con nợ và người thân của họ, chúng đều không chừa thủ đoạn nào. Nhưng cũng phải nhớ, chẳng một dân đòi nợ thuê nào muốn “đụng dao đụng búa” với những con nợ để “tiền mất tật mang”. Lấy được tiền mà êm xuôi, luôn là ưu sách được đặt lên hàng đầu.
Khi nhận bất kỳ một phi vụ đòi nợ nào, nhóm đòi nợ phải xác định được con nợ đó là ai? Có dễ “đụng” vào hay không? Nếu gặp đối tượng yếu bóng vía, chúng sẽ cử ngay “đội quân” đến để “hàng cho ra bã”. Còn nếu gặp kẻ “thứ thiệt” thì “chính sách” được đưa ra là mềm mỏng, ôn hoà, hoặc thậm chí là quay sang dùng… nướt mắt để năn nỉ! Riêng với những con nợ “biết tỏng” điểm yếu này thì dù số nợ có bao nhiêu cũng đành… “bó phép”!
Cũng có những băng nhóm đòi nợ theo kiểu “2 mang”. Cầm giấy uỷ quyền bên này, nhận công tác phí hàng chục triệu đồng của chủ nợ, nhưng khi đến gặp con nợ, lại thoả thuận “cưa đôi, cưa ba” số tiền nợ để “lờ” đi vụ này. Nhiều chủ nợ sau khi phát hiện sự việc cũng “ngậm đắng nuốt cay chứ không dám hé răng vì sợ hiền phức. Đó là những “chuyện thầm kín” mà dân đòi nợ chắc chắn dân không muốn lộ ra.
(Còn tiếp…)