Mía ngập trong lũ, hàng trăm nông dân khóc ròng

Thứ Sáu, 28/09/2018 14:49  | Nguyễn Nhân

|

Hàng trăm nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) mong đến ngày thu hoạch để có tiền chi trả chi phí sản xuất. Tuy nhiên, đến nay nhiều ruộng mía bị nước lũ đe dọa nhưng chẳng thấy thương lái, may mắn số hộ bán với giá rẻ.

Người trồng mía “ngồi trên lửa”

Nông dân trồng mía ở Hậu Giang đang rất buồn bã khi giá thu mua mía nguyên liệu được các nhà máy thông báo thấp hơn so với giá thành sản xuất. Theo tìm hiểu thực tế, việc thu mua mía tại huyện Phụng Hiệp diễn ra khá trầm lắng. Thay vào đó, đi dọc các xã Tân Long, Hòa Mỹ, Long Thạnh sẽ không khó bắt gặp những ruộng mía chết vàng đồng, nước ngập thân cả mét.

Nhiều ruộng mía bị thiệt hại vì nước dâng cao.

Ngồi buồn vì số tiền bán mía không đủ trả chi phí, ông Cao Văn Quyến (ngụ ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp) cho biết: “Một công mía chỉ thu hoạch được 7 tấn, bán với giá 700 đồng/kg thấp hơn cùng kỳ năm trước 200 đồng/kg. Bán xong vụ mía chỉ đủ trả tiền nhân công chứ còn khoản phân, giống phải nợ lại”.

Đôn đáo chạy tìm thương lái cứu 15 công mía đang bị nước lũ đe dọa, ông Phạm Văn Luyến (61 tuổi, ngụ ấp Long Phụng, xã Tân Long) buồn bã nói: “Đến nay ruộng mía đã bị ngập nước 1/3 thân cây và hầu như chết hơn một nửa. Mấy ngày nay tôi chạy khắp nơi tìm thương lái nhưng ai cũng từ chối mua. Một công mía đầu tư chi phí trên 7 triệu đồng trong khi giờ nhiều người bán chưa đến 4 triệu đồng. Với tình hình này nông dân trồng mía trở thành con nợ hết”.

Ông Phạm Văn Luyến đứng bên ruộng mía bị ngập.

Có 4 công mía chỉ bán được giá 500 đồng/kg, anh Ngô Thanh Mộng (ngụ cùng xóm ông Luyến) cho biết: “Giờ toàn bộ ruộng mía ngập chết sạch và khô hết rồi. Mía bán giá 500 đồng/kg trong khi đó tiền đốn đã 200 đồng/kg. Tính ra hết diện tích trên bán chỉ được 6 triệu đồng trong khi đó mía giống đã 9 triệu.

Vì vậy tiền thuê người chăm sóc, phân bón, lên liếp chỉ còn cách đi làm thuê mới thể trả được. Mía đã có người mua nhưng thiệt hại sẽ còn tăng vì hơn 10 ngày nữa mới thu hoạch trong khi nước lũ ngày một dâng cao”.

Theo lời anh Mộng, trước đây anh có hợp đồng bao tiêu với nhà máy giá 800 đồng/kg và sẽ thu hoạch vào tháng 8, trong khi đó nay đã cuối tháng 9. Ngoài việc bán giá rẻ việc tìm nhân công thu hoạch không phải dễ bởi mía chết rất ít người nhận đốn.

Ông Đặng Văn Hồng Minh - Trưởng ấp Long Phụng cho biết: “Toàn ấp có trên 120 héc-ta mía, trong đó có 95 héc-ta bị ngập. Diện tích mía bị thiệt hại từ 70% đến mất trắng là gần 20 héc-ta”.

Mía bị ngập nông dân bán giá chỉ từ 400 - 700 đồng/kg.

Tự tìm đường cứu mình

Những năm đường được giá, mới bước vào tháng 8 các nhà máy đã tiến hành thu mua khiến chính quyền địa phương phải lên tiếng vì tình trạng bán mía non. Thế nhưng năm nay, gần đến cuối tháng 9 nhiều nhà máy chưa chịu khỏi động ngay cả ký hợp đồng bao tiêu mía với nông dân trong vùng nguyên liệu của mình. Trước tình trạng “bỏ con giữa chợ”, nông dân chỉ còn tự tìm cách cứu lấy mình bằng cách bán mía nước hoặc đốn chở đến nhà máy đường.

Không tìm được thương lái nông dân tự thu hoạch chở đến nhà máy.

Vợ chồng đang ngồi trong nhà ngóng tin nhà máy đường “kêu tên”, ông Đặng Minh Tình (60 tuổi, ngụ ấp Long Phụng, xã Tân Long) cho biết: “Thấy mía được giá nên vợ chồng đi chạy hỏi tiền để lên liếp 10 công đất. Năm đầu tiên, mía bán được giá 900 đồng/kg nghĩ năm nay sẽ cao hơn nào ngờ chẳng có người mua”.

Theo lời ông Tình, toàn bộ ruộng mía của ông bị nước lũ gây ngập gần 2 tháng nay và chết toàn bộ. Do không tìm được thương lái vợ chồng quyết định mướn nhân công thu hoạch được 52 tấn rồi bỏ thêm 6 triệu nữa để thuê chiếc ghe chở đến nhà máy đường ở TX.Long Mỹ chạy đường.

“Một số người còn được thương lái trả giá mua 300 – 500 đồng/kg còn ruộng mình chẳng ai ngó ngàng gì tới. Do vậy để vớt vát lại phần nào chi phí bỏ ra chỉ còn cách tự thu hoạch. Tôi chở mía xuống 3 ngày rồi nhưng điện hỏi nhà máy họ nói còn 80 ghe nữa mới tới lượt. Gia đình rất lo vì mía để càng lâu sẽ càng hao hụt. Năm nay, chẳng gì khổ như nông dân trồng mía”, ông Tình thổ lộ.

Bà Nguyễn Thị Hoa tâm sự: “Khổ nhất là đứa con trai lớn Đặng Minh Trí bởi bỏ vợ đang mang thai cùng đứa con nhỏ để lên Bình Dương phụ hồ kiếm tiền trả nợ. Trước đó, để có tiền lên liếp 6 công đất trồng mía và mua giống vợ chồng đi vay tiền tính ngày thu hoạch xong sẽ trả nợ nào ngờ…”.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết: “Diện tích trồng mía của toàn huyện là 7.500 héc-ta, trong đó diện tích được bao tiêu là 3.840 héc-ta với giá 800 đồng/kg. Diện tích mía đã thu hoạch bán mía nước khoảng 200 héc-ta, còn mía bao tiêu hiện chưa được nhà máy thu mua”.

Mía ngập chểt được thu hoạch nhưng thương lái chưa chịu đến cân.

Theo thống kê, Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Niên vụ 2018 – 2019 đã xuống giống 10.600 héc-ta. Đến thời điểm này không chỉ có các diện tích mía ở huyện Phụng Hiệp bị nước lũ gây thiệt hại mà còn ở TX.Ngã Bảy, TP.Vị Thanh. Hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 3 nhà máy đường nhưng chỉ có 1 nhà máy ở TX.Long Mỹ hoạt động.

Lý do các nhà máy chưa tiến hành thu mua mía bởi lượng đường tồn từ niên vụ trước còn nhiều, kho chứa quá tải và đang gặp khó khăn về tài chính. Nông dân mong mỏi 2 nhà máy ở Vị Thanh và Phụng Hiệp sớm đi vào hoạt động để mía kịp thu hoạch chạy lũ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang