Việc giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước còn phụ thuộc vào công tác chuẩn bị

Thứ Sáu, 28/09/2018 12:04  | Hải Triều

|

(CAO) Việc giới thiệu nhân sự vào chức danh Chủ tịch nước để Quốc hội bầu là một việc hết sức hệ trọng của quốc gia nên phải được chuẩn bị một cách hết sức chu đáo, cẩn trọng.

Trong cuộc họp báo trước thềm Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, diễn ra vào sáng nay 28-9, trả lời câu hỏi về nhân sự cho chức danh Chủ tịch nước có được Trung ương đưa ra xem xét tại Hội nghị lần thứ 8 dự kiến khai mạc vào ngày 2-10 hay không, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh chia sẻ, việc giới thiệu nhân sự vào chức danh Chủ tịch nước để Quốc hội bầu là một việc hết sức hệ trọng của quốc gia nên phải được chuẩn bị một cách hết sức chu đáo, cẩn trọng.

“Thông tin chi tiết cụ thể về việc Trung ương có xem xét hay không sẽ thông báo sau. Nhưng chắc chắn sẽ xem xét” - ông Vĩnh thông tin.

Ông Lê Quang Vĩnh thông tin tại buổi họp báo

Theo ông Vĩnh, chúng ta vừa trải qua những ngày hết sức đau buồn với sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước, theo Hiến pháp, là được thực hiện một cách liên tục, do đó Bộ Chính trị đã phân công Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đảm nhiệm chức vụ quyền Chủ tịch nước.

Bà Thịnh là người đại diện cho Nhà nước cả về đối nội và đối ngoại. Còn việc Trung ương xem xét quyết định giới thiệu nhân sự tại kỳ họp này hay không còn phụ thuộc vào quá trình chuẩn bị của các cơ quan liên quan.

Trước đó, hôm 23-9, Thường vụ Quốc hội đã có thông báo về việc thực hiện quyền Chủ tịch nước đối với bà Đặng Thị Ngọc Thịnh. Theo đó, căn cứ Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội và kết luận của Bộ Chính trị về việc phân công Uỷ viên Trung ương Đảng giữ quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông báo bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Theo quy định tại Hiến pháp Việt Nam, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước.

Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước.

Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang