Những cuốn sách mang tầm trí tuệ lớn

Thứ Năm, 27/09/2018 14:38

|

(CAO) Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một trí thức sinh thời đã dày công viết nhiều cuốn sách quý. Riêng năm 2015, Nhà xuất bản CAND chúng tôi đã ấn hành 5 quyển sách quý của ông tập hợp cả một sự nghiệp nghiên cứu khoa học và chỉ đạo thực tiễn.

Đời một con người trước khi từ biệt cõi trần để lại một cuốn sách thì đã quý. Nhưng như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại cho đời đến 5, 6 cuốn sách dày dặn cũng có thể nói là một kỷ lục.

Ngoài cuốn “Những vấn để cơ bản về công tác công an” gồm 526 trang chủ yếu thuộc lĩnh vực nghiệp vụ, bạn đọc còn biết đến 2 cuốn sách quý khác có hàm lượng trí tuệ cao là cuốn “Nhân dân cội nguồn sức mạnh bảo vệ An ninh Tổ quốc” (399 trang) và “Không gian mạng - Tương lai và hành động” (198 trang).

Đại tướng, giáo sư, tiến sĩ Trần Đại Quang thời điểm làm Bộ trưởng Bộ Công an

Tôi nhớ là cách đây 3 năm, nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2015); 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2015) và 10 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2015), Đại tướng, GS.TS. Trần Đại Quang, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã xuất bản cuốn sách “Nhân dân cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Cuốn sách gồm 44 bài viết, bài phát biểu của ông về công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Đọc cuốn sách, chúng tôi hiểu sâu sắc thêm rằng, Đại tướng Trần Đại Quang đã quán triệt và làm mới mẻ quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Tác giả đã dẫn những câu nói nổi tiếng của Bác về sức mạnh của nhân dân thành sợ chỉ đỏ xuyên suốt tập sách: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”; "Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân"; "thắng lợi của cách mạng là do sự phấn đấu hy sinh và trí thông minh sáng tạo của hàng triệu nhân dân", "quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân", "việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Sinh thời, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ông đã cùng với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề mang tính chiến lược về đường lối, chủ trương, chính sách, nguyên tắc, phương châm, biện pháp xây dựng và tổ chức phong trào, đưa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc lên một tầm cao mới, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân vững chắc, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngay trong bài viết đầu tiên “Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Đại tướng Trần Đại Quang đã dẫn ra những nhận định mang tính đúc kết về quan điểm cơ bản, cốt lõi, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai thắng được lực lượng đó”.

Cuốn sách "Không gian mạng - Tương lai và hành động"

Trong một số bài viết khác, Đại tướng, GS.TS. Trần Đại Quang đặc biệt nhấn mạnh phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tác giả chỉ rõ: phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những phong trào cách mạng của Đảng cần phải được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến cơ sở xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình….

Mỗi cán bộ đảng viên có trách nhiệm tự giác thực hiện, đồng thời chủ động tuyên truyền, giáo dục vận động gia đình và nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Muốn vận động quần chúng tốt, phải làm công tác dân vận thật tốt, ông nhắc nhở cán bộ chiến sỹ công an: Những công việc mà lực lượng Công an nhân dân đã và đang làm không chỉ bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân mà nó còn hàm chứa mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lực lượng Công an với nhân dân.

Đặc biệt trong nhiều bài viết và chỉ đạo thực tiễn, Đại tướng Trần Đại Quang luôn nhấn mạnh sự quan hệ phối hợp giữa lực lượng quân đội và công an, giữa Công an nhân dân với các ban, ngành: lực lượng Công an nhân dân phải có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả với Quân đội nhân dân, các bộ, ban ngành, đoàn thể, phát huy những nguồn lực như đội ngũ trí thức, đội ngũ báo chí, thanh niên, sinh viên, nhất là người có uy tín tiêu biểu ở các địa phương trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Qua cuốn sách, được thấy Đại tướng, GS. TS. Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã đi nhiều, có nhiều cuộc tiếp xúc, tìm hiểu thực tế, gặp gỡ, thăm hỏi, khích lệ động viên các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, nhiều người dân ở hầu khắp các địa phương. Từ nhiều vùng miền trong cả nước, từ Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng đồng bào Công giáo và các tôn giáo khác, từ miền xuôi đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi....

Đến Tây Bắc, ông khẳng định: “cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân về vị trí, vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xác định rõ công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chiến lược gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương”.

Về với Tây Nguyên, ông nói: “Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là “cánh tay nối dài”, giúp lực lượng Công an nắm bắt kịp thời để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, bọn phản đồng FULRO”. Muốn phát huy vai trò tích cực của họ, ông chỉ đạo cụ thể: “Chăm lo bồi dưỡng người có uy tín về chính trị, pháp luật, phương pháp vận động quần chúng; thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương, trong nước và trên thế giới cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số; đồng thời quan tâm bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh để người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số nhận thức rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, nhất là hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân…”.

Tôi nghĩ với những chỉ dẫn như thế, một cán bộ bình thường nhất làm công tác vận động quần chúng lúc nào cũng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đặc biệt, Đại tướng Trần Đại Quang đã dành phần lớn công sức để chỉ đạo về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo ở nước ta. Phát biểu kết luận hội nghi toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về việc “Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ An ninh tổ quốc vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa trong tình hình mới 1994-2014), đồng chí khẳng định: “Chúng ta đều thống nhất nhận thức, Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo với hàng chục triệu tín đồ… Đồng bào các tôn giáo nói chung và đồng bào theo đạo Thiên chúa nói riêng đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tiếp đó tác giả Trần Đại Quang chỉ đạo cụ thể: “Cùng với việc quan tâm giải quyết kịp thời những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng, tín đồ, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo”…

Nếu cuốn sách “Nhân dân cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc’’ có tính chất tổng kết về vai trò của quần chúng nhân dân nước ta trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, thì cuốn sách quý thứ hai “Không gian mạng - Tương lai và hành động” của Đại tướng Trần Đại Quang lại đột phá đến một vấn đề mới mẻ, có tính chất toàn cầu là không gian mạng.

Với tư duy sắc sảo, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược của người có bề dày kinh nghiệm trong lãnh đạo, đặc biệt là trên lĩnh vực an ninh quốc gia, đồng chí Trần Đại Quang đã đưa ra cách nhìn mới, từ đó luận giải biện chứng, khoa học những vấn đề phức tạp, còn nhiều tranh luận trong cuốn sách “Không gian mạng - Tương lai và hành động’ (Nhà xuất bản CAND ấn hành năm 2015, tái bản năm 2016).

Cuốn sách không chỉ đề cập về tác động của không gian mạng đối với xã hội loài người, mà lần đầu tiên đưa ra quan điểm về bản chất xã hội của không gian mạng, làm rõ những nội hàm phong phú, phức tạp của không gian mạng liên quan đến lợi ích, an ninh quốc gia của các nước, thời cơ và thách thức của phát triển không gian mạng đối với nước ta.

Tác giả nêu vấn đề: Cần có cái nhìn tương lai để xác định hành động cho hiện tại và cảnh báo: “Đây phải là một cuộc cách mạng, bởi chúng ta đang đứng trước những nguy cơ mới, đa dạng hơn, đa chiều hơn, tiềm tang hơn, gay gắt hơn những nguy cơ chúng ta đã từng đối mặt. Nguy cơ có thể đến nhanh chóng từ việc mất kiểm soát về an toàn, an ninh, thông tin mạng, các thông tin xấu, xâm hại đời sống văn hóa tinh thần, thách thức các giá trị truyền thống, các giá trị lịch sử, lai tạp các giá trị mới không phù hợp, niềm tin và lý tưởng bị phai nhạt, các giá trị cộng đồng bị xem nhẹ, nguy cơ suy thoái tư tưởng chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khó lường hơn; những thách thức “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ và lệ thuộc vào bên ngoài rõ nét hơn”.

Từ những phân tích, luận giải như trên, ông chủ động khẳng định: Muốn làm chủ không gian mạng, điều đầu tiên là cần phải xây dựng chính sách pháp luật trong thế giới kết nối:“ vì vậy, cần bắt đầu từ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế”. Bởi như ông từng cảnh báo:“ Nếu tình trạng một người có thể mang rât rất nhiều thực thể ảo, hoàn toàn khác nhau, thậm chí ẩn danh trên không gian mạng như hiện nay không được giải quyết thì nguy cơ về xã hội trong xã hội, nhà nước trong nhà nước, hay chính là sự mất kiểm soát sẽ ngày càng gia tăng. Sự hợp nhất thực- ảo này có thể bắt đầu từ chính sách của một quốc gia nhưng phải hoàn thành bởi tất cả các quốc gia”.

Trong quá trình biên tập và xuất bản cuốn sách, tôi và Nhà xuất bản CAND nhận được nhiều sự chỉ đạo rất sâu sắc, cụ thể của đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang. Bản thảo biên tập được chuyển tận tay ông, ông đọc rất kỹ, sửa chữa từng câu, từng chữ, nét chữ mềm mại, dễ đọc giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy vậy, lần tái bản cuốn sách “Không gian mạng - Tương lai và hành động” của Đại tướng Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước, ông đã cẩn trọng chính lý, bổ sung một số vấn đề trước khi in. Vậy mà đội ngũ biên tập chúng tôi đọc đi đọc lại, tưởng là đã “ngon” lắm nhưng để sót một vài chữ. Đọc lại lần cuối, may mà Chủ tịch nước phát hiện ra. Ông ân cần nhắc nhở chúng tôi. Đó là bài học kinh nghiệm của người làm nghề “săn chữ”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang