Các ông trùm này đã tạo ra một hệ thống “tín dụng đen” đầy sức hút, hàng ngày dụ dỗ người dân lậm sâu vào vòng xoáy nợ nần bằng những thủ đoạn ma mãnh, tinh vi.
Một sơ đồ về các đường dây “tín dụng đen” nêu trên đã được phóng viên Báo CATP thiết lập sau quá trình thâm nhập, và tất cả đã được chuyển cho Công an Q.Tân Phú để đơn vị này làm nên một chuyên án đấu tranh, triệt phá.
Tiền của Cường “trọc”
Một ngày cuối tháng 1-2018 và cũng là ngày mà Tư và Trường phải “diện kiến” ông trùm để kết sổ cho vay. Địa điểm cuộc gặp là một quán nhậu nằm trên đường Phan Văn Hớn, Q.12. “Tháng này làm ăn sao rồi?” – một người đàn ông có tướng người hầm hố, với đặc điểm nhận dạng nổi bật chiếc là cái đầu được cạo trọc, hất hàm hỏi Tư và Trường. Đó là Cường “trọc”, người cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi với thành viên là các đối tượng cộm cán đến từ Bắc Ninh.
“Tháng này hơi chật vật vì có một số con nợ cù nhây…” – Tư than thở, chưa kịp dứt lời thì Cường “trọc” cắt ngang: “Đứa nào càng “cù nhây” thì phải dùng biện pháp mạnh. Làm nghề này “nhân từ là tự sát, tàn ác mới huy hoàng”! Nghe tới đó, Tư và Trường có vẻ gật gù.
Theo nguồn tin của chúng tôi, Cường “trọc” có tên đầy đủ là Trần Đình Cường (quê huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Từ giữa năm 2017, Cường rời Bắc Ninh vào TP.HCM, với “giấc mộng” sẽ thiết lập được một đường dây cho vay nặng lãi rộng khắp Sài Gòn – do những tay giang hồ đất Bắc quản lý. Thật ra Cường “trọc” không hề đơn độc bởi tên này còn có những “mối quan hệ đen” khác chống lưng khi mới chân ướt chân ráo “Nam tiến”.
Tuy nhiên, để tăng thêm vây cánh, Cường “trọc” thu nạp Tư và Trường. Vào Sài Gòn, Tư và Trường được đại ca hỗ trợ mọi đường nước từ nơi ăn, chốn ở đến cách thức hoạt động cho vay nặng lãi. Cường “trọc” cho Tư và Trường vay tiền với lãi suất 9%/tháng để sau đó, 2 đối tượng này cho hàng loạt con nợ vay lại, với lãi suất từ 15 đến 90%/tháng thông qua hình thức trả góp theo ngày.
Cường “trọc” (x), Trường (y), Tư (z) và các chân rết nằm trong băng cho vay nặng lãi đến từ Bắc Ninh
Cường “trọc” còn chỉ đạo cho tất cả các đàn em trong mạng lưới của mình khi ra đường phải xưng danh là “chuyên viên” của Cty Tài chính TNHH Một thành viên Quốc tế Việt Nam JACCS (tầng 15, Toà nhà Centec, số 72 Nguyễn Thị Minh Khai, P6, Q3 TPHCM). Nhưng trên thực tế, theo xác minh của chúng tôi thì đây chỉ là một hình thức mạo danh để lừa gạt người đi vay.
Điều đáng nói, do mang theo “bản thành tích” tiền án đầy rẫy nên Cường “trọc” luôn khuyến khích các đàn em sử dụng vũ lực đối với con nợ nào bất tuân. Tiền của y, khi đã được tung ra thì không có chuyện bị mất trắng, mà chắc chắn phải được sinh lời gấp đôi, gấp ba hoặc hơn thế nữa.
Trong giới “tín dụng đen” đất Bắc hoạt động tại TPHCM, ai cũng biết đến sự nguy hiểm, manh động trong lúc “hành sự” của các đối tượng nằm trong mạng lưới cho vay do Cường “trọc” cầm đầu. Thế nhưng, nếu tính về độ tinh quái thì dân anh chị lại nhắc đến một cái tên khác…
Những lần Long “râu” đi “thu hồi nợ”.
“Luật” của Long “râu”
Long “râu” tên đầy đủ là Nguyễn Huy Long (quê Hà Đông, Hà Nội), cũng là một ông trùm cầm đầu đường dây cho vay liên quận tại TPHCM – hiện đang cư ngụ tại chung cư Sơn Kỳ 2 (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú). Tên này có trong tay hàng chục đàn em thân tín là các đối tượng không có công ăn việc làm ổn định nhưng có lối sống đua đòi, thích hưởng thụ. Thêm vào đó, Long “râu” còn liên kết với một số đối tượng đồng hương khác với y, “giăng” ra một mạng lưới “tín dụng đen” liên quận, huyện.
Băng của Long “râu” được chia làm 2 nhánh: nhánh thứ nhất hoạt động tại các quận 5, 6, 10, 11, 12, Tân Phú, Tân Bình; nhánh thứ hai, hoạt động rải rác ở các quận 1, 2, 3, 4, 7, 8, 9, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Đây là băng nhóm có đường dây liên kết tội phạm rất rộng rãi và tổ chức vai trò khá bài bản, chặt chẽ nhưng thủ đoạn hoạt động lại rất khôn khéo và e dè.
Để đảm bảo cho đường dây của mình được an toàn, tránh bị công an phát hiện và dính líu đến luật pháp, Long “râu” đưa ra một “luật bất thành văn” là “chỉ đe doạ, tránh dùng vũ lực”! Theo phản ánh của nhiều nạn nhân thì mô hình và thủ đoạn cho vay của băng Long “râu” không khác mấy so với Cường “trọc”: lãi suất cắt cổ!
Sáng 15-1, vợ chồng anh C. (Q.Tân Phú) do cần tiền nên đã liên hệ qua số điện thoại của Long “râu” (được đăng tải công khai trên mạng) để hỏi hình thức vay. Chỉ 30 phút sau, Long “râu” cử một đàn em tên (tên thật là Lê Đình Hoàng) đến gặp để “hỗ trợ tài chính”. “Nhà này của 2 bạn à? Bên công ty mình chỉ cho vay đối với những người có nhà cửa đàng hoàng thôi” – với một phong cách rất lịch sự, Hoàng vừa nhòm ngó xung quanh, vừa hỏi.
Cuộc giao dịch được thực hiện, Hoàng xìa ra một bản hợp đồng vay nợ, trong đó có thể hiện nội dung vay là 5 triệu đồng, với lãi suất được tính là 3%/tháng. Tuy nhiên trên thực tế, số lãi suất mà vợ chồng anh C. phải trả là 20%/tháng. Đồng thời, toàn bộ giấy tờ tuỳ thân của anh C. và hợp đồng mượn nợ đều bị Hoàng “giữ lại”. Khi được anh C. thắc mắc thì đối tượng này nói “Thủ tục bên tôi là vậy. Giờ ông không vay thì tôi về!”. Cần tiền gấp, anh C. phải chấp nhận toàn bộ “quy trình” đầy bất thường này.
Cho đến hơn một tuần sau, số lãi “cắt cổ” ngày một chất chồng, đè nặng lên “đôi chân đang rệu rã” của vợ chồng anh C.. Dù anh C. hết lời năn nỉ, trình bày sự khó khăn của mình và hứa sẽ trả nợ đầy đủ nhưng Hoàng vẫn không chấp nhận, dùng những lời lẽ đe doạ đến an toàn của anh này cùng người thân. Lo sợ bị trả thù, anh C. và vợ phải dọn đồ tạm lánh đi nơi khác một thời gian.
Đàn em của Long “râu” đi lấy tiền góp các con nợ ở nhiều quận, huyện
Trong quá trình thâm nhập, nhóm phóng viên Báo CATP cũng ghi nhận được rất nhiều tư liệu về hoạt động cho vay nặng lãi của Long “râu” cùng các đàn em của y.
Mở ra một chuyên án
Phòng họp giao ban ngày đầu tuần của Đội CSHS Công an Q.Tân Phú hôm nay được nhường lại để các trinh sát nắm bắt một nội dung trái lệ. Đại uý Đoàn Hồng Phúc và thiếu tá Phạm Quốc Tuấn (cùng Đội phó Đội CSHS) đang tập trung cao độ vào màn hình của chiếc máy tính. Đó là những thước phim về hoạt động của 2 băng nhóm cho vay nặng lãi do Cường “trọc” và Long “râu” cầm đầu, do phóng viên Báo CATP cung cấp.
Trước đó, nhận được thông tin của Ban biên tập Báo CATP về hoạt động của 2 băng nhóm nói trên, đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn (Trưởng Công an Q.Tân Phú) đã nghĩ tới một chuyên án bóc gỡ thuyết phục. “Chứng minh hành vi cho vay nặng lãi là rất khó, và đối với các đối tượng phạm tội đến từ gốc Bắc thì chúng thừa thủ đoạn để qua mặt lực lượng công an. Nhưng khó không có nghĩa là chúng ta không làm được” – đại tá Tuấn kiên quyết.
Hoàng (đàn em Long “râu”) đang thực hiện cuộc giao dịch vay nợ với vợ chồng anh C. ở Q.Tân Phú - Ảnh: HH -T.V
Lúc này, cầm bản sơ đồ điều tra trên tay, đại uý Đoàn Hồng Phúc dường như đang dự tính trong đầu những bước đi tiếp theo. Một hồi sau, anh nói: “Hai băng này cũng đang nằm trong vòng theo dõi của chúng tôi. Và tôi rất mừng khi được báo cung cấp những tư liệu này. Với những chứng cứ bước đầu như thế, tôi tin nếu quyết tâm củng cố dày thêm nữa, chúng ta sẽ có những hướng đi sáng. Thật sự thì loại tội phạm này rất khó chứng minh, buộc tội chúng nên tất cả phải làm thật kỹ, thật chắc mọi bước điều tra, để triệt phá thành công và phục vụ tốt công tác tố tụng sau này. Nếu không sẽ rất dễ bị sẩy án!” – đại uý Phúc nhắc nhở các trinh sát đang có mặt.
Những lo ngại của vị chỉ huy trẻ là không hề dư thừa, bởi hành vi cho vay nặng lãi lâu nay luôn là một “điểm khó” đối với lực lượng cảnh sát, do một số khái niệm pháp luật về tội danh này còn gây ra nhiều “lấn cấn”. Vậy thì với những vướng mắc như vậy, lực lượng cảnh sát hình sự Công an Q.Tân Phú bằng quyết tâm của mình, liệu có triệt phá được những đường dây ma mãnh nêu trên?
(Còn tiếp)
Hai Đội phó Đội CSHS Công an Q.Tân Phú: Đại uý Đoàn Hồng Phúc và thiếu tá Phạm Quốc Tuấn đang xem và đánh giá tư liệu phóng viên Báo CATP cung cấp về 2 đường dây cho vay nặng lãi - Ảnh – HH
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an TPHCM: Tình trạng các băng nhóm hoạt động tại TPHCM đã gây bức xúc cho người dân trong thời gian dài. Việc các băng nhóm này đi đòi nợ, tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà người dân làm ảnh hưởng đến tình hình anh ninh trật tự và khiến lực lượng công an phải cực khổ rất nhiều. Những hành vi này lâu nay nếu có phát hiện, bắt giữ được thì cùng lắm chỉ xử phạt hành chính mà mức phạt cũng rất là nhẹ, rất khó khởi tổ vì luật đã quy định như vậy. Tình trạng này bắt đầu rộ lên trong vòng 3 năm qua. Bây giờ đi ngoài đường, chúng ta có thể thấy ở các trụ điện, bức tường đầy rẫy tờ rơi quảng cáo “cho vay không thế chấp”, “cho vay nhanh, thủ tục đơn giản”. Tôi đã có yêu cầu rất nhiều với các đơn vị nghiệp vụ nhưng mà kết quả chúng ta thấy là chưa có sự biến chuyển rõ ràng. Chuyên án 118C được Công an Q.Tân Phú phối hợp với Báo Công an TPHCM khám phá thành công đã đánh giá được sự nỗ lực, cố gắng của các đồng chí trong công tác phòng chống, đấu tranh với loại tội phạm nêu trên. Riêng vụ này, tuần sau tôi sẽ chủ trì một cuộc họp rút kinh nghiệm với các đơn vị PC45, PC44 và Công an Q.Tân Phú, để Ban giám đốc có chỉ đạo thực hiện nhân rộng ra cho các đơn vị khác trong Công an TPHCM; và thậm chí là chúng ta sẽ trao đổi lại với Viện kiểm sát một số khái niệm pháp lý bị vướng mắc lâu nay trong quy định pháp luật về tội danh này. |