(CAO) Hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước tưới, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, nơi lưu giữ các nguồn gen thủy sản quý,… đang bị bức tử dẫn tới nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều loại cá, thủy sinh chết không rõ nguyên nhân.
Hồ Suối Hai đang chết dần
Hồ Suối Hai nằm ở dưới chân núi Ba Vì với lưu lượng nước khoảng 45 triệu m3, không chỉ là nguồn nước tưới cho trên 7.000 ha đất nông nghiệp mà còn là nơi lưu giữ của hàng trăm nguồn gen thủy sản quý hiếm, cùng sự đa dạng sinh học trong lòng hồ.
Nhờ vẻ đẹp của hồ mà nhu cầu phát triển du lịch gia tăng, đem lại nguồn lợi lớn cho địa phương. Tuy nhiên hệ sinh thái này đang dần bị biến mất, nguồn nước trong veo dần bị thay thế bởi những dòng nước đen ngòm, thiếu sức sống.
Toàn cảnh khu xử lý rác thải Xuân Sơn
Men theo đường mòn từ hạ nguồn lên thượng nguồn hồ Suối Hai, phóng viên ghi nhận có sự xuất hiện một rãnh nước trải dài từ khu xử lý rác thải thuộc bãi rác Xuân Sơn đưa ra hồ nguồn nước có màu vàng đục, mùi hôi thối khó chịu. Bên cạnh rãnh nước, là đường dẫn nước thải của trại lợn quy mô lớn ngày ngày thải ra nguồn nước đen kịt vào hồ Suối Hai.
Nước từ hai nguồn này thải ra khiến nhiều loại cá nằm chết phơi bụng bên vệ hồ, nhiều loài sinh vật trong hồ đang bị phân hủy thối rữa, thậm chí những loài cá quen sống trong môi trường nước bẩn như cá rô phi, cá dọn bể… cũng không thoát khỏi “án tử”.
Người dân tại thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cho biết, từ trước tới nay hàng trăm hộ trong khu vực chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt cá trên hồ Suối Hai. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong sản xuất nông nghiệp vì nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng không thể sản xuất. Đi sâu vào phía thượng nguồn, mức độ ô nhiễm càng lớn hơn, hôi thối tăng cao, ruồi nhặng bu khắp nơi.
“Đá bóng” trách nhiệm (!?)
Tại khu xử lý rác thuộc xã Xuân Sơn, những núi rác khổng lồ trùng điệp được che đậy cẩn thận nhưng vẫn không giấu được nguồn nước rỉ rả vàng đục chảy vào các rãnh trong khu xử lý. Nguồn nước này có màu giống với nước được đưa ra hồ Suối Hai tại hệ thống rãnh mà phóng viên ghi nhận.
Đi sâu vào rãnh nước ở thượng nguồn, chúng tôi phát hiện có ít nhất một đầu ống dẫn nước thải từ trạm xử lý nước rác Sơn Tây chĩa thẳng ra kênh dẫn đổ ra hồ Suối Hai. Bên cạnh đó, một số hệ thống xử lý nước thải tại đây như nằm “bất động”.
Một số hạng mục xử lý rác thải như “bất động”
Trong khi thủ phạm bức tử hồ Suối Hai còn chưa tìm ra thì các đơn vị liên quan “đá bóng” trách nhiệm. Ông Bùi Văn Quân - Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, cho biết đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình và báo cáo với lãnh đạo TP.Hà Nội về vụ việc. Tuy nhiên, ở góc độ thẩm quyền của xã, sau khi lập biên bản hiện trạng xong sẽ đề nghị với nhà máy xử lý rác thải không xả thải, nước thải ra phải bảo đảm.
Ông Quân nói: “Khi cơ quan chức năng về kiểm tra thì nước luôn đủ tiêu chuẩn xả thải”. Còn ông Hoàng Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cũng phải lắc đầu ngán ngẩm khi xã dường như cũng bất lực trước những gì đang diễn ra.
Hồ Suối Hai đẹp thơ mộng đang như cái “xác” không hồn
Theo ông Vân thì bãi rác được đặt trên đồi cao, là nơi tập trung rác của nhiều quận, huyện, thị xã, mỗi ngày tập trung hàng trăm tấn rác, phần lớn là chôn lấp và xử lý bằng công nghệ đốt. Trời mưa, nước không được xử lý cứ vô tư chảy xuống hồ Suối Hai của huyện Ba Vì và cả hồ Xuân Khanh của thị xã Sơn Tây.
Những ngày nắng, gió thổi khiến mùi hôi từ bãi rác tỏa ra khắp nơi, thậm chí đứng cách xa hàng nghìn mét vẫn có thể cảm nhận thấy. Mặc dù địa phương cũng đã có những biện pháp hỗ trợ cho người dân để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường như hỗ trợ vỉ diệt ruồi, khử mùi quanh bãi rác, nhưng môi trường vẫn không đảm bảo.
Trả lời vấn đề liên quan, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh Xuân Sơn (URENCO 6) và Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Sơn Tây đều cho rằng việc mình đưa nước từ bãi xử lý ra hồ Suối Hai là đúng quy trình, có sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị liên quan.
Ông Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc URENCO 6 cho biết, việc đưa nguồn nước sau khi xử lý ra hồ có sự giám sát của các cấp chính quyền địa phương thấp nhất là đơn vị thôn, xóm. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Sơn Tây “đá ngược”: “Việc xả thải làm gì có sự giám sát của địa phương. Như thế là không đúng quy trình”.
Nguồn đưa nước của khu xử lý rác thải Xuân Sơn ra hồ Suối Hai có màu y hệt nước bị ô nhiễm trong hồ
Rãnh đưa nước ra hồ Suối Hai do 3 đơn vị xử lý rác thải khác nhau cùng “xài” chung nên đã xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc” giữa các đơn vị với nhau. Hai đơn vị URENCO 6 và công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Sơn Tây đều “đá bóng trách nhiệm” có ý cho rằng, hồ Suối Hai ô nhiễm liên quan đến nguồn thải của trại lợn bên cạnh khu xử lý rác thải.
Biên bản kiểm tra hiện trường sau khi nước hồ Suối Hai có màu lạ thường được đại diện UBND xã Tản Lĩnh, UBND xã Xuân Sơn, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đại diện URENCO 6 và Trạm xử lý nước rác Sơn Tây cùng tham gia chứng kiến thiếu thuyết phục khi không thể chứng mình nguồn nước ô nhiễm là từ trại lợn nào. Điều lạ là cuộc kiểm tra không có mặt của đại diện trại lợn, hay sự có mặt của lực lượng Công an môi trường trên địa bàn, việc kiểm tra chỉ dừng lại ở phía bên ngoài tường rào của trại lợn nêu trên.
Nhiều loại cá và thủy sinh đang chết dần chết mòn tại hồ Suối Hai
Hồ Suối Hai đang bị ô nhiễm, thảm thực vật và các loài thủy sinh có nguy cơ bị khai tử. Trong khi đó, các đơn vị liên quan vẫn không tìm ra được nguyên nhân cụ thể, hồ điều hòa thuộc loại đẹp hàng đầu Hà Nội đang đứng trước nguy cơ trở thành “xác chết” không hồn.