Những "hồn ma" trong lễ "chia tay" người chết của đồng bào J'rai

Thứ Hai, 02/04/2018 15:59  | Việt Anh

|

(CAO) Tháng 3 hàng năm là mùa lễ hội, nông nhàn ở miền đất Tây nguyên, trong các gia đình, những hũ rượu cần được ủ từ nhiều năm tỏa hương thơm cũng là lúc người J'rai chuẩn bị làm Pơ Thi (lễ bỏ mả) để đưa tiễn các linh hồn của những người đã khuất về với tổ tiên, gắn kết cộng đồng trong các làng lại với nhau.

Đây là lễ lớn và đông vui nhất của người J'rai tại tỉnh Gia Lai. Nhà anh Rơ Châm Mhil cùng với 9 hộ khác ở làng Plei Ploi (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) vừa thu hoạch mùa vụ trong thắng lợi nên lập tức tổ chức Pơ Thi một cách hoành tráng để mọi người khắp nơi đến chứng kiến.

Tìm hiểu từ anh Rơ Châm Mhil được biết, người J'rai theo chế độ mẫu hệ, có quan niệm “sống cùng một nhà, chết chung một mồ” nên có tập tục chôn chung những người cùng họ mẹ. Vì vậy, khi chết đi, kể cả đàn ông cũng được đem về chôn cất tại nhà mồ của dòng họ phía mẹ.

Người J'rai không lập bàn thờ cúng tổ tiên mà chỉ dựng cây cột gưng (tượng trưng cho sự kết nối giữa người và thần linh) để thờ Yàng. Họ quan niệm người thân của họ sau khi chết đi sẽ về với Yàng, thờ Yàng cũng coi như là đã thờ tổ tiên.

Trước khi làm lễ Pơ Thi, khu đất nhà mả chỉ được đánh dấu một cách đơn sơ. Hàng ngày, thân nhân của người chết thường ra “nuôi” mộ: quét dọn, đốt lửa sưởi ấm và thậm chí là trò chuyện với linh hồn người chết. Việc này, theo lý giải của anh Rơ Châm Mhil là nếu người chết nhưng chưa được làm lễ bỏ mả thì linh hồn vẫn chưa đoạn tuyệt trần gian để về Plei Atâu (làng ma) nên vẫn phải có thời gian “nuôi” mộ.

Chính vì vậy, Pơ Thi là một nghi thức tang ma đặc biệt của người J'rai, ghi dấu sự đoạn giao giữa người sống với người chết. Sau khi làm lễ giải phóng, người sống không còn ràng buộc gì với người thân đã chết.

Cũng theo anh Rơ Châm Mhil, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình, dòng họ mà đồng bào sẽ làm lễ Pơ Thi sau khoảng thời gian người chết bao nhiêu năm. Lễ bỏ mả có thể tiến hành theo quy mô nhỏ cho một người hoặc chung cho cả nhà mồ.

Thân nhân của 10 hộ trên, người mới nhất thì ra nhà mả được 3 năm, người có thâm niên nhất cũng đã hàng chục năm. “Người ra nhà mả này sớm nhất không ai còn nhớ nữa, chỉ biết là đã rất lâu rồi họ và phía nhà mình chưa làm lễ bỏ mả. Do đó, lễ bỏ mả này, 10 hộ chúng mình quyết định làm thịt con bò để mọi người cùng đến uống rượu chứng kiến”, anh Rơ Châm Mhil nói.

Lễ hội không chỉ có sự tham gia của gia đình thân nhân người chết mà còn có sự đóng góp của cả buôn làng. Người thì ghè rượu, người ít gạo, con gà. Khách đến tham dự là bà con trong buôn làng và cả làng lân cận, người thân, bạn bè ở khắp tỉnh. Pơ Thi thường diễn ra trong 3 ngày và phải trải qua ba bước như: dựng nhà mồ, lễ bỏ mả và lễ rửa nồi (giải phóng linh hồn).

Tại lễ hội, già làng sẽ phân công nhiệm vụ cho mọi người. Trai tráng thì lên rừng lấy gỗ về làm nhà mả và điêu khắc tượng nhà mồ, phụ nữ thì chuẩn bị đồ ăn. Sau khi phần nghi lễ kết thúc, mọi người cùng ăn uống linh đình, say sưa, tấu cồng chiêng, lũ làng sẽ kéo thân nhân của người chết ra cùng nhảy múa vũ điệu xoang và đặc biệt đây cũng là dịp để các nam thanh nữ tú tìm đến với nhau.

Không khí lễ Pơ Thi càng náo nhiệt khi xuất hiện những chàng trai trần truồng từ trong rừng chạy ra, thân thể phủ đầy bùn đất, đeo mặt nạ bằng đất, cây lá, bẹ chuối… trang trí bằng hình thù rất “quái dị” với những kiểu đi khác thường như những hồn ma. Trẻ em trông thấy vừa tò mò vừa sợ phát khiếp. Theo người dân, họ tượng trưng cho hồn người chết về vui chơi, múa xoang cùng lũ làng trước khi chia tay vĩnh viễn.

Sau Pơ Thi, các linh hồn sẽ về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi mới, tách biệt giữa người sống với người chết, thân nhân người chết sẽ chấm dứt thời gian ra thăm mộ. Đây cũng là lúc những người chồng góa và vợ góa sẽ được người trong buôn đưa ra suối tắm rửa, cắt tóc thay quần áo mới và thực hiện tục nối dây.

Có nghĩa là, từ đây, người chồng góa sẽ được phối hôn với chị hoặc em gái của vợ và người vợ góa thì được phối ngẫu với anh hoặc em trai chồng. Việc này không chỉ làm sợi dây huyết thống trong gia đình trở nên bền chặt, con cái không cảm thấy bơ vơ khi có cha mới, mẹ mới mà còn giúp những người góa không còn cảm thấy cô đơn trong chặng cuối đường đời...

Bình luận (0)

Lên đầu trang