Báo động tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở An Giang

Thứ Hai, 26/03/2018 22:31  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tuấn Khanh - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm học đến ngày 1-3-2018, theo báo cáo của các đơn vị trường và Phòng GD&ĐT, số học sinh (HS) bỏ học giữa chừng trên toàn tỉnh là 3.076 em.

Muôn vàn lý do xa mái trường

Năm nào cũng vậy, cứ sao Tết Nguyên đán là nhiều HS trên địa bàn tỉnh An Giang “đua nhau” bỏ học. Thực trạng trên đã ảnh hưởng đến công tác giảng dạy tại các huyện trên địa bàn, nhất là khu vực biên giới. Theo Phòng GD&ĐT các huyện, tình trạng HS bỏ học giữa chừng có rất nhiều nguyên nhân. Thông qua quá trình tìm hiểu và phân tích HS bỏ học theo cha mẹ, anh chị để đi làm ăn xa chiếm đến trên 80%.

Được biết, huyện An Phú là một trong những địa bàn có số lượng HS bỏ học đứng đầu. Đây là huyện biên giới đầu nguồn, người dân chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thủy sản, làm ruộng. Nhiều người quan niệm chỉ cần cho con em biết đọc, biết viết là đủ, khiến tỉ lệ bỏ học của học sinh nơi đây rất cao.

An Giang là tỉnh có tỉ lệ học sinh bỏ học đứng đầu miền Tây

Tìm về gia đình có 2 HS bỏ học hơn tháng nay, ông Huỳnh Văn Bật (ngụ tổ 8, ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông) cho biết: “Hai đứa cháu ngoại học lớp 6 và 4 nghỉ học từ Tết tới giờ. Tôi thấy đi học cũng có cái lợi nhưng khuyên con cháu không nghe đành chịu chứ sao! Trước đây, cha nó đậu trung cấp nhưng chỉ học được thời gian rồi nghỉ ngang, giờ đời con cũng thế. Hiện cả nhà kéo qua tỉnh bạn làm công nhưng cái gì cũng đóng thuế mãi chẳng có dư”.

Theo lời ông Bật, con gái và con rể của ông làm nghề sửa xe đạp ở Phnôm Pênh, Campuchia, đến nay đã được 4 năm. Vợ chồng anh này bỏ xứ đi lập nghiệp bởi ở quê không có điều kiện làm ăn hoặc 5 – 7 ngày mới có người thuê làm nương rẫy. Sau khi về quê ăn Tết với gia đình, 2 đứa cháu vì quá nhớ cha mẹ nên quyết định mang theo cùng.

Thầy Nguyễn Anh Huy - Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Hội Đông (H.An Phú) cho biết: “Đầu năm trường có 757 HS (nghèo và cận nghèo là 333 em) nhưng đến nay chỉ còn 724 HS. Nguyên nhân HS bỏ học do phụ giúp gia đình, coi em và chiếm tỉ lệ đông nhất vẫn là theo cha mẹ lên thành phố làm ăn. Thường kinh tế gia đình của họ khó khăn, không có sự tính toán lâu dài và nhận thức chưa cao”.

Theo lời thầy Huy, năm học 2016 – 2017 trường có 64 HS bỏ học nhưng năm nay giảm còn khoảng 50%. Trước mắt là giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình để đến nhà vận động. Đối với những trường hợp khó khăn về kinh tế, ham học sẽ phối hợp với nhà hảo tâm tìm cách hỗ trợ.

Ngoài việc bỏ học theo người thân lên thành phố sinh sống, nhiều trẻ em nông thôn thiếu sự quan tâm của gia đình dẫn đến chán học. Anh Dương Thành Nhứt cha của Dương Thành Nhựt (6A2, Trường THCS Vĩnh Hội Đông) cho biết, gia đình không đất vườn lại là hộ nghèo nên đành đi Đồng Nai làm công cho các công trình xây dựng.

Ra đó anh thuê nhà trọ ở với chi phí gần 1 triệu đồng/tháng. Đặc thù công việc là suốt ngày làm việc ngoài nắng, nặng nhọc nên muốn con trai học tập tốt để có việc ổn định sau này. Thế nhưng, do thiếu sự quan tâm, quản lý dẫn đến việc học dang dở. “Gửi nó lại cho bà ngoại để lo cho đi học nhưng do tính ham chơi dẫn đến học kém. Bà ngoại nó đã lớn tuổi rồi đâu theo sát mỗi ngày được nên đành cho nghỉ. Giờ cho ở nhà đưa rước đứa em đi học mẫu giáo nhưng sợ nó sa chân vào con đường tội lỗi”, anh Nhứt tâm sự.

Ở nhiều địa phương, tâm lý chung của phụ huynh là cho con học đại học, cao đẳng xong cũng chỉ thất nghiệp ngày càng nhiều. Do vậy họ quyết định cho con nghỉ học sớm để đi làm tại xí nghiệp, còn nếu chưa đủ tuổi sẽ ở nhà trông nhà, giữ trẻ nhỏ…

Em Huỳnh Văn Kết (lớp 9A2 Trường THCS Vĩnh Hội Đông) cho biết: “Vừa qua, em nghỉ học cùng cha và anh hai ra Phú Quốc làm hồ. Mỗi ngày, em được trả tiền công 270 ngàn đồng. Cha em nói học nhiều nữa cũng thất nghiệp như nhiều anh chị trong xóm nên cho nghỉ đi làm kiếm tiền vẫn hơn. Thế nhưng được thầy, cô giáo nhiều lần vận động cha chở em về đây học lại. Nghĩ lại số em còn may mắn hơn nhiều bạn cùng trang lứa”.

Nhiều học sinh biên giới bỏ học đi lao động từ rất sớm

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT An Giang, số lượng HS đi học lại ngày đầu sau Tết trên toàn tỉnh giảm khoảng 9.600 HS so với trước Tết. Trong đó, các huyện, thị, thành phố đều có số HS chưa trở lại trường từ 500 em trở lên như: An Phú 2.020, Chợ Mới 1.046, Châu Đốc 1.069, Tân Châu 1.061; Châu Phú, Phú Tân và Tri Tôn từ 700 - gần 1.000 HS. Trước tình trạng trên, ngày 28-2-2018 lãnh đạo Sở GD&ĐT có công văn số 274/SGDĐT-VP yêu cầu các đơn vị trường học tăng cường công tác huy động và duy trì sĩ số HS sau Tết.

Ông Trần Tuấn Khanh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho biết, đến ngày 1-3-2018, số HS đi học là 415.892/418.968, vắng 3.076 em. HS bỏ học tập trung nhiều ở các địa phương như: An Phú, Châu Phú, Phú Tân và TP.Châu Đốc; trong đó 1.685 HS ở bậc THCS, 419 ở bậc THPT...

Cần nhiều giải pháp tiếp sức trẻ đến trường

Sau Tết nguyên đán, nhà trường áp dụng đủ mọi cách cũng như xây dựng kế hoạch để cố gắng duy trì sĩ số ở các lớp, nhưng tỉ lệ bỏ học cũng chỉ giảm ở mức khiêm tốn. Hiện nay, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các trường tích cực kết hợp với địa phương, gia đình vận động học sinh trở lại lớp.

Ngoài việc vận động, các trường còn chủ động làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài như: tặng tập, sách, xe đạp, học bổng cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em đến trường thuận lợi. Cô Trần Minh Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A2 Trường THCS Vĩnh Hội Đông cho biết: “Việc vận động HS trở lại trường sau Tết rất khó, bởi đây là địa phương biên giới học thức của người dân thấp, nhiều gia đình đi làm ăn xa và mang con theo do không yên tâm để lại 1 mình. Dù vậy mình cũng thường xuyên giữ liên lạc nên cũng có trường hợp được vận động trở về học lại. Những trường hợp này sẽ được tăng cường phụ đạo, kèm cặp để các em theo kịp chương trình”.

Theo lời cô Phương, công tác vận động được tổ chức bất kể thời gian. Hết vận động bằng cách điện thoại sẽ tiến hành đi thực tế, kể cả địa bàn bị chia cắt. Đối với những em thuộc gia đình khó khăn đột xuất nhà trường tạo điều kiện bằng cách đưa vào diện thất thu.

Ông Phan Văn Sương - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết thực trạng học sinh bỏ học

Một thầy giáo dạy tiểu học còn cho biết: “Nhiều em ở cách xa trường đến hơn chục cây số, đường núi hoặc bị chia cắt đi lại vất vả. Thế nhưng giáo viên vẫn kiên trì vượt đèo, băng đồng để thuyết phục. Nhiều em cũng quyết tâm đi học lại nhưng được vài hôm rồi nghỉ. Đôi khi giáo viên đến nhà vận động các em bỏ trốn hoặc gia đình từ chối gặp mặt”.

Xu hướng rời làng quê đi lao động tại các khu công nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… vẫn còn diễn ra nên việc HS theo gia đình là chuyện rất khó khắc phục. “Khi HS vì hoàn cảnh nghèo không đến lớp nhà trường tiến hành vận động, hỗ trợ bằng mọi cách để các em đến trường. Tuy nhiên nếu họ buộc con cái đi theo hoặc các em không có ý thức học tập coi như… bó tay!”, một lãnh đạo phòng GD&ĐT chia sẻ.

Ông Bảy Thới (ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) - người chuyên vận động kinh phí giúp đỡ HS nghèo cho biết: “Năm nay, tôi biết khu vực này có hơn 30 em HS bỏ học giữa chừng. Sau đó chúng tôi có cùng chính quyền địa phương, nhà trường vận động các em đi học lại nhưng đều bị từ chối. Hiện tình trạng bỏ giữa chừng tăng do các cháu muốn đi làm kiếm tiền và được sự đồng tình của gia đình, đáng báo động”.

Ông Phan Văn Sương - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn (An Giang) thông tin: “Năm nay số lượng HS bỏ học sau Tết vẫn còn nhiều nhưng giảm hơn so với những năm trước. HS bỏ học chiếm phần lớn là theo cha mẹ lên thành phố. Trong số này cũng có trường hợp lên đó tiếp tục học nhưng rất khó thống kê do ngoài tỉnh. Đối với trường hợp HS nghỉ học đi lao động sớm không đáng kể, bởi giờ việc chăn nuôi ở địa phương giờ rất hạn chế”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang