Cảnh báo:

Nhiều bệnh nhân bỏ tiền mua... "thuốc độc" uống

Thứ Sáu, 09/03/2018 15:27

|

(CAO) Như Báo Công an TP.HCM thông tin, ngày 2-3, mười bệnh nhân bệnh tiểu đường bị biến chứng nặng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ. Những bệnh nhân này tự ý uống thuốc hạ đường huyết “gia truyền” (thuốc Tàu hoặc thuốc tể) dạng viên tròn có màu xanh, đỏ hoạc xám trong thời gian dài, gây biến chứng suy đa tạng.

Đến nay đã có 4 bệnh nhân tử vong. Theo lời người thân của bệnh nhân, ngày 5-3, các cơ quan chức năng kiểm tra Cở sở bán thuốc gia truyền tại nhà bà Lâm Kim Xuyến (72 tuổi, ngụ P.Phước Thới,Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ), thu hồi hơn 114.000 viên thuốc không rõ nguồn gốc.

Ngành chức năng thu giữ số lượng lớn thuốc đông dược không rõ nguồn gốc

Chiều 7-3, các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra Cở sở bán thuốc gia truyền tại nhà bà Lê Kim Hoa (52 tuổi, ở ấp Thới Tân A, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ), thu hồi lượng khổng lồ: 312.000 viên thuốc đông dược không nguồn gốc. Điều đáng lưu ý, thuốc thu hồi tại nhà bà Hoa giống y chang nhãn hiệu thuốc tại nhà bà Xuyến.

Chân dung “lương y” miệt vườn

Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra Cơ sở bán thuốc gia truyền tại nhà bà Hoa, người dân địa phương không mấy ngạc nhiên. Làm việc với cơ quan chức năng, bà Hoa cho biết, số thuốc trên do con gái bà Đinh Thị Bích Tuyền (28 tuổi) cùng chồng là Nguyễn Văn Hòa (44 tuổi) tổ chức mua bán. So với những hộ khác, bà Hoa thuộc dạng kinh tế khó khăn.

Mấy năm trước, vợ chồng Hòa phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Thời gian gần đây, Tuyền nghỉ làm thuê. Tờ mờ tối, vợ chồng Tuyền đóng sập cửa lại. Liền sau đó có vài người ra vào y như bán… “ma túy”. Ban đầu, hàng xóm tò mò, sau mới biết vợ chồng Hòa kinh doanh thuốc gia truyền chữa bệnh tiểu đường.

Ngành chức năng làm việc, lập biên bản việc kiểm tra, thu giữ thuốc không rõ nguồn gốc

Những lúc vui vẻ với hàng xóm, Tuyền khoe: “Thuốc chữa trị tiểu đường của chồng tôi bê-tông còn hết huống gì... tiểu đường. Thuốc hay lắm. Bán sỉ không kịp, nhưng cứu người tôi mới bán”. Kiểm tra cơ sở trên, cơ quan chức năng xác định, chưa có chứng chỉ hành nghề cũng như không cấp phép hoạt động và số thuốc trên không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần thuốc.

Tại đây, đoàn phát hiện 312.600 viên thuốc đông dược thành phẩm, không rõ thành phần thuốc và nguồn gốc xuất xứ. Thuốc đóng thành nhiều gói mang tên “Thuốc gia truyền trị tiểu đường Chánh Đức, lương y Thích Thiện Tinh”, có tên chuyên viên là Nguyễn Văn Hòa. Đồng thời tiến hành thu giữ số thuốc trên cùng 3 máy ép cầm tay, 1 máy ép bọc, màu thực phẩm, hai con dấu tên “Nguyễn Văn Hòa” và “Cơ sở thuốc gia truyền Chánh Đức”.

Ông Võ Văn Bút đang điều trị tại bệnh viện

Làm việc với cơ quan chức năng, Hòa khai nhận không biết số thuốc trên của ai sản xuất. Sau khi nhận hàng về, Hòa cùng người thân phân ra thành những gói lớn, dán keo lại, bán cho những người có nhu cầu. Ngay thời điểm lực lượng kiểm tra, phát hiện nhiều hóa đơn chuyển hàng đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành như: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Tiền Giang, TP.HCM…

Giống như Hòa, bà Xuyến hành nghề mua bán thuốc gia truyền của chồng là ông Út Chắc. Người dân địa phương kể lại, trong một lần đến Thất Sơn, ông Út Chắc gặp lương y Thích Thiện Tỉnh chuyên bào chế từ nguồn thảo dược tự nhiên. “Do nhân duyên nên ông Út được vị lương y đồng ý phân phát thuốc để cứu người. Nhiều năm liền, ông Út bán thuốc cho các bệnh nhân bệnh tiểu đường bác sỹ chê uống thuốc gia truyền sẽ hết”, một người dân nhớ lại.

Vì vậy, tên tuổi ông Út Chắc bán thuốc gia truyền nổi tiếng chợ Giáo Dẫn (thuốc khu vực Bình An, P.Phước Thới, Q.Ô Môn). Một năm trước, ông Út qua đời. Bà Xuyến nối nghiệp của chồng. Bệnh nhân bị tiểu đường đến đây sẽ nhận 3 gói thuốc, với 3 màu (đỏ, xanh và xám), giá 100.000 đồng.

Loại thuốc bệnh nhân phản ánh đã mua tại cơ sở của bà Xuyến

Khi giao thuốc cho bệnh nhân, bà Xuyến dặn người bệnh uống thuốc trước khi ăn; mỗi lần uống 2 viên màu xám, 1 viên màu xanh và 1 viên màu đỏ. Người bệnh cứ vô tư ăn uống, không kiêng cữ, không hạn chế ăn cơm. Sau thời gian dùng thuốc, lượng đường trong máu sẽ bình ổn.

Hết thuốc, bà Xuyến gọi điện thoại cho người cung cấp thuốc ở An Giang rồi thuê xe ôm lên mua thuốc. Công thức bào chế, tác hại của thuốc, bà Xuyến lắc đầu không biết. Ngoài ra, bà Xuyến còn mua ở An Giang, chuyên trị bệnh viêm thấp khớp, đau bao tử, viêm mũi,…

Nạn nhân lên tiếng

Năm năm qua, ông Võ Văn Bút (49 tuổi, ngụ quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) bị chứng bệnh tiểu đường hành hạ. Ban đầu, ông tìm đến các cơ sở y tế điều trị bệnh thuyên giảm. Ông Bút cho biết, khoảng một năm nay, qua giới thiệu của người quen, ông Bút đã tìm đến mua thuốc đặc trị tiểu đường tại cơ sở ở P.Phước Thới (quận Ô Môn) để điều trị.

Bà Xuyến (thứ 2 từ trái sang phải) đang làm việc với cơ quan chức năng

Loại thuốc này có dạng viên tròn màu xanh, đỏ hoặc xám. Khi uống vào đường trong cơ thể ổn định ngay. Hai tháng trước, ông Bút lên cơn đau bụng và ói ra máu nên gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Khi được chuyển vào bệnh viện, ông Bút được bác sĩ phát hiện tình trạng bệnh đã chuyển hoá nặng, rơi vào cơn ngưng tim. Thời điểm đó, các bác sĩ phải hồi sức tích cực, chống sốc, thở máy, lọc máu liên tục, lọc thận và cứu sống bệnh nhân.

Theo lời vợ của ông Bút, ban đầu khi phát hiện bệnh gia đình có điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, sau đó người thân có giới thiệu thuốc hạ đường huyết “gia truyền” ở An Giang và có bán tại Cần Thơ nên mới tìm mua về uống, thấy hiệu quả thật sự. Mỗi lần lấy thuốc khoảng 100.000 đồng và uống được gần 2 tháng. Nhiều người thân quen ở Ô Môn cũng mua và sử dụng loại thuốc này.

“Em thấy cả xóm ai bệnh tiểu đường điều sử dụng thuốc này. Vả lại, ảnh uống thuốc thấy có hiệu quả ai ngờ biến chứng khủng khiếp. Lần này, em không dám cho chồng em uống nữa mà khuyến cáo người thân đừng mua thuốc gia truyền bậy bạ nữa…”, một người nhà bệnh nhân nói.

Người thân của bệnh nhân Phùng Thị Hạnh (81 tuổi, ngụ Vĩnh Long) đang tổ chức tang lễ. Do tuổi cao, sức yếu lại mắc căn bệnh tiểu đường, mấy năm liền, sức khỏe bà Hạnh sa sút. Trong một lần dự đám giỗ của người bạn tại TP.Cao Lãnh, bà Hạnh được giới thiệu thuốc chữa bệnh tiểu đường gia truyền.

“Lúc đầu, mẹ em uống thấy có giảm. Gia đình ai cũng mừng. Uống được sáu tháng, bệnh của mẹ em càng nặng. Khi đưa mẹ em nhập viện, em mới giật mình biến chứng nặng do thuốc gia truyền. Hai ngày sau, mẹ em qua đời”, chị T., con bà Hạnh nói.

Các cơ quan chức năng kiểm tra tại nhà bà Hoa

Tiếp xúc với chúng tôi, một số người thân của bệnh nhân không giấu bức xúc. “Họ không biết tác dụng của thuốc, nguồn gốc của thuốc lại đi bán. Chúng tôi muốn người thân khỏi bệnh nên tin tưởng mua ai ngờ chuốc họa vào thân. Tôi đề nghị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật”, ông T., nói.

“Thần dược” -  độc dược

Nói về các bệnh nhân biến chứng do uống thuốc gia truyền đặc trị bệnh tiểu đường, bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ cho biết, hấu hết các bệnh nhân có tiền sử bị bệnh tiểu đường nhưng khi nhập viện đã bị suy đa tạng, thậm chí có người mất mạng.

Những bệnh nhân này có chung đặc điểm dùng thuốc đông dược hạ đường huyết được bán trôi nổi trên thị trường trong một thời gian dài. Loại thuốc các bệnh nhân sử dụng thường gọi là thuốc Tàu hoặc thuốc tể, có dạng viên tròn màu xanh, đỏ hoặc xám. Thuốc này có tác dụng ổn định đường huyết, bệnh nhân sử dụng một thời gian khi đến bệnh viện xét nghiệm lại cho kết quả đường ổn nên họ tiếp tục dùng.

Số thuốc gia truyền và hóa đơn của cơ sở ông Hòa thể hiện chuyển thuốc  đi các tỉnh

Tuy nhiên, sử dụng lâu dài thì dẫn đến một số biến chứng như tình trạng toan chuyển hóa nặng, bệnh nhân tuột huyết áp, nguy cơ tử vong cao. Một số bệnh nhân đến viện sớm còn có cơ hội lọc máu lọc thận để điều trị rối loạn kiềm toan nhưng khả năng điều trị thành công cũng khó tiên lượng, chi phí rất tốn kém. Có một số trường hợp vô viện đã bị ngưng tim hẳn, bác sĩ không thể cứu bệnh nhân được.

Về nguồn gốc của những loại “thần dược” trên, các bác sỹ cho rằng trong thuốc có có chứa thành phần là Phenfoxmin. Đây là dược chất cực độc chứa chất gây nhiễm acid lactic gây toan chuyển hóa nặng, tử vong, chết hàng loạt. Phenfoxmin cũng đã bị cấm lưu hành nhưng được bán lén lút từ nguồn sản xuất của Trung Quốc.

Bác sĩ Phụng cũng khuyến cáo, người bệnh tiểu đường không nên sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là các loại thuốc gia truyền chưa được kiểm định về tác dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng…

Theo Thanh tra Sở Y tế TP.Cần Thơ, trên địa bàn có khoảng 1.000 cơ sở kinh doanh các loại thuốc đông dược cổ truyền. Hàng năm, Thanh tra Sở Y tế đều có kế hoạch kiểm tra nhưng số lượng quá lớn nên không thể kiểm tra hết từng cơ sở. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc trôi nổi, bài thuốc dân gian truyền miệng. Người này uống chỉ cho người kia và ngộ nhận loại thuốc này hiệu quả nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như các biến chứng có thể gây ra.
Bác sĩ Lưu Ngọc Trân, Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ, khuyến cáo: Người bệnh cần cảnh giác trước các lời khoe khoang thuốc này hay thuốc kia chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường. Điều này hoàn toàn sai và không có cơ sở khoa học. Người bệnh đái tháo đường nên đến các BV có bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được tư vấn về chế độ ăn, tập thể dục, điều trị và phòng ngừa các biến chứng của bệnh, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ giúp cho việc điều trị đạt kết quả tốt, giảm các biến chứng, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình, xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bình luận (0)

Lên đầu trang