Thế nhưng hiện nay, vẫn còn rất nhiều người dùng vàng mã với những mục đích khá buồn cười. Với họ, vàng mã không chỉ là vật lễ, bái mà còn là cách “làm ăn”, thể hiện cái ngông của người sống dành cho những người đã khuất.
Sống dựa vào… người chết!
Cũng như bao nghề sống nhờ “cõi âm” khác, nghề làm hàng mã dựa vào người chết để tồn tại thông qua những người còn sống. Hàng năm, có biết bao ngày lễ, tết, giỗ, kỵ của những người đã khuất. Vì thế, nghề làm hàng mã tự nhiên phát đạt.
Ông Nguyễn Hữu T., có hơn 50 năm trong nghề buôn bán hàng mã ở Chợ Thiếc (Q11) cho biết: Làm hàng mã phải theo thời, mùa nào thức ấy. Đầu năm thì làm Tam Tôn: Thiên, địa, tử vi (trời, đất và thần vận mạng) để cầu an. Tháng giêng làm thuyền Long Châu giải hạn, ra hè làm thuyền giải oan.
Rằm tháng 7 âm lịch làm quần áo, mũ mão cho “cô hồn các đảng”… Với dân làm hàng mã, mùa đắt hàng nhất vẫn là rằm tháng 7. Ngoài ra, những tháng khác trong năm, họ cũng kiếm được “lai rai” nhờ phục vụ cho “sinh hoạt” của người đã… chết.
Thu nhập bình quân của những người làm hàng mã từ mấy chục năm trước đã trỏm trẻm vài triệu đồng/tháng, nay con số ấy còn tăng lên gấp chục lần. Điều đó cho thấy, nghề này có thể gọi là “ngồi mát ăn bát vàng”.
Se sua hàng mã thời thượng
Câu nói “Vén tay áo sô đốt nhà táng giấy” của người xưa nhằm chê bai thói hoang phí đốt hàng mã, đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Một gia đình ở Q.Bình Thạnh có đứa con trai quý tử là thành viên của “đội đua xe tử thần”. Năm trước, chẳng may cậu ta tử vong.
Mới đầu xuân, bà mẹ nằm chiêm bao, nói con mình báo mộng rằng cậu ta nói ở dưới “âm ti” thiếu một chiếc xe Suzuki Sport đời đầu còn “trong hộp”. Thế là qua mùng 10 Tết, bà này đến một cửa hàng đồ mã nổi danh trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q5) để “sắm” ngay một chiếc như thế bằng giấy, về đốt gửi xuống cho con mình… đua tiếp.
Nhiều người trẻ cũng gia nhập "phong trào" đốt vàng mã - Ảnh: Nhật Phạm
Một chuyện khá buồn cười về sự lãng phí, mê tín dị đoan, đó là thực trạng mà không ít gia đình hiện nay đang vướng phải. Có mặt tại Chợ Thiếc (Q11) vào trưa 1-3-2018, chúng tôi chứng kiến cảnh kẻ mời, người mua tấp nập. Chị H. (chủ một cửa hàng lâu năm tại đây) cho biết, gần rằm tháng Giêng là cả ngày tiệm mình tiếp khách không dứt, chưa kể “khách ruột” đặt hàng từ trước đó.
Nhìn những đồ vật mô phỏng bằng giấy ở đây, cái nào cũng trông rất giống hàng thật, hầu như món nào cũng có. Nếu như hồi xưa người ta thích mũ cánh chuồn, võng, ngựa, thuyền rồng, vàng, bạc… thì ngày nay, những “cư dân âm phủ” hay “bậc bề trên” được hậu sinh tưởng nhớ, trang cấp cho đồ vật hiện đại hơn, từ những bộ trang phục tân thời, tivi vài chục ngàn, đến nhà lầu, xe Audi Q5 năm 2018 cáu cạnh vài trăm ngàn, kể cả một… nàng “mi-nơ” (người hầu gái) xinh đẹp giống như người thật giá đến bạc triệu.
Tất cả yêu cầu khắt khe nhất của “thượng đế”, chỉ cần đến những tiệm này đều được đáp ứng một cách hài lòng nhất, miễn là có… tiền! Người nào càng có của thì dùng hàng mã càng sang trọng, cầu kỳ. Họ quan niệm trên dương trần có cái gì thì dưới “cõi âm” cũng cần có cái ấy.
Vấn đề đáng suy ngẫm
Khi mà người dân kiếm được tiền, bắt đầu dư dả về kinh tế thì tự khắc lại vọng tưởng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ…, những mong bày chút lòng thành kính cho người khuất mặt. Đó là giá trị tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Nhưng ngặt nỗi, điều này cũng có mặt trái của nó.
Từ sự tưởng nhớ, có người còn muốn mưu cầu danh lợi, khoe khoang, hợm hĩnh, cứ thế mặc nhiên cho rằng, nếu “hối lộ” được càng nhiều cho người khuất thì những gì họ mong muốn ở chốn dương gian ắt sẽ được phù trợ như thế.
Hàng mã được bán ở khu kinh doanh “đồ âm phủ” tại chợ Thiếc (Q11) - Ảnh: Xuân Nghĩa
Đó là suy nghĩ lệch lạc! Trên thực tế, không ít người biết được rằng tục đốt vàng mã không phải là quan niệm của đạo Phật, cũng không phải là tín ngưỡng văn hóa người Việt Nam, mà có nguồn gốc từ Trung Hoa thời xa xưa, với quan niệm: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” (nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn) và cho rằng người chết vẫn có những nhu cầu như kẻ còn sống về tiền bạc, nhà cửa, thực phẩm...
Nên khi nhà vua băng hà, quan lại phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua xuống dưới “cõi âm” tiêu dùng. Sau đó, quan bắt chước vua và rồi dân bắt chước quan. Về sau, từ quan đến dân, thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Dần dần việc đốt vàng mã trở thành tập tục, biến tướng theo chiều hướng xấu như hiện nay.
Có đến dự những buổi tế lễ của những kẻ lắm tiền mới thấy, hầu như tất cả đều cầu xin cho những ước nguyện có chủ đích, sau khi đã dùng hàng mã để “hối lộ” người khuất mặt (?!). Thực tế, không phải ở đâu cũng diễn ra tình trạng đốt vàng mã vô tội vạ. Tại TPHCM, ghi nhận tại một số ngôi chùa như Phổ Quang (Q.Phú Nhuận), Thiện Mỹ (Q.5)…, việc đốt vàng mã không được khuyến khích, khách đến viếng chùa chấp hành rất tốt tinh thần của những chốn thiền môn này.
Theo Cảnh sát phòng cháy - chữa cháy (PCCC) TPHCM, dịp giáp Tết Đinh Dậu 2017, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ cháy do đốt vàng mã, làm 20 người chết, nhiều người khác bị thương. Trung tá Huỳnh Quang Tuyến (Phó phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TPHCM) cho biết: Dịp tết, từ ngày đưa ông Công, ông Táo về trời (23 tháng Chạp), sau đó là các nghi lễ cổ truyền như: cúng tất niên, rước ông bà, đưa ông bà..., người dân thường đốt vàng mã nhiều, dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao. Đặc biệt là nguy cơ cháy nổ tại các khu dân cư, khu đô thị.
Qua vài góc nhìn nêu trên, chúng ta thấy được mặt trái của tập tục đốt vàng mã. Có thể khẳng định, cúng, tế, lễ, bái là tập tục lâu đời của người Việt, đó cũng là nét văn hóa cổ truyền cần gìn giữ, nhưng lợi dụng điều này để mê thực hiện, lan truyền mê tín dị đoan, tiêu phí tiền bạc một cách phù phiếm vẫn còn là hiện tượng xã hội tiêu cực khá phổ biến, cần được đẩy lùi.
Đại đức Thích Lệ Minh - Ủy viên Ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Thiện Mỹ (Q5, TPHCM): Với quan niệm sau cái chết, con người cũng có nhu cầu như khi đang ở dương thế, một số người sắm đủ thứ vàng mã đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ như rằm tháng 7, Tết Nguyên đán... để người đã chết sử dụng ở “cõi âm”. Hiện nay, người ta còn sắm cả vàng mã với hình dáng nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, ĐTDĐ, tiền mô phỏng đôla… để đốt cho người đã chết. Nhiều người cho rằng, đốt nhiều vàng mã thì sẽ càng được phù hộ độ trì, làm ăn phát đạt. Nhưng thực tế, đã có nhiều vụ cháy xảy ra do người dân đốt vàng mã, làm cháy lan sang những đồ vật khác. Đại đức Thích Lệ Minh Thay vì mua vàng mã để đốt, chúng ta hãy dùng số tiền này đi giúp cho người nghèo, người kém may mắn hơn mình rồi hối hướng cho người đã mất. Nếu làm được như vậy thì cả người sống và người chết đều có phước. Muốn được về nơi an ổn sau khi chết, không có cách nào khác là tu dưỡng nội tâm, thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý và làm nhiều việc lành. |
Khuyến cáo bỏ thủ tục đốt vàng mã Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Theo đó, nhằm tạo điều kiện cho các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi chung là tự viện) phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chư tôn đức tăng ni cần nêu cao tinh thần bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo cùng các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo Việt Nam. Công văn ngày 21-2-2018 của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng cho rằng, ở một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ. Cục Văn hóa cơ sở đề nghị có biện pháp kịp thời thu gom tiền lẻ, tiền đặt lễ; hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định... |