Hàng chục chiếc ghe cập bến sau chuyến đi ngắn ngày trước đó đã mang về một mùa đánh bắt bội thu. Với ngư dân, họ gọi đây là “lộc biển” đầu năm.
Thuyền về, tôm cá đầy khoang
Cảng Hòn Rớ (Nha Trang) những ngày đầu năm mới! Không khí rộn ràng khắp mọi nơi. Những ngư dân có làn da rám nắng đang tất tả trên thuyền, dưới bến với nụ cười nở rộ trên môi. Năm nay, ngư dân ở làng chài ven biển này trúng cá!
Đầu năm, nhờ trúng luồng cá gần 30 con cá ngừ đại dương vây vàng nên ngư dân Hoàng Văn Thành (ở Hòn Rớ - Nha Trang) luôn trong trạng thái vui mừng, phấn chấn.
Anh Thành nói: “So với những chuyến biển trước đó thì 30 con không phải là nhiều, nhưng với chuyến biển chuyển giao nhau giữa năm cũ và năm mới, như vậy là thành công mỹ mãn. Đầu xuôi đuôi lọt mà. Với giá 150.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 200 triệu đồng. Giờ về ăn Tết cùng gia đình, sau đó lại tiếp tục ra khơi”.
Những ngày đầu năm, ngư dân lại căng cờ ra biển lớn để mang về những chuyến cá xuất khẩu. Ảnh chụp tại cảng biển Phú Lạc (Phú Yên)
Vừa cập cảng và bán cho thương lái hơn 10 tấn cá ngừ đại dương, cá thu... ngư dân Đào Phước Hùng (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, tàu anh vừa trở về sau chuyến biển 12 ngày vươn khơi đánh bắt tại vùng biển Trường Sa.
“Cuối năm có bão, nên chuyến biển không thành công như mong đợi. Tuy nhiên, nhờ 'lộc biển' đầu năm nên sau khi trừ chi phí, mỗi bạn thuyền cũng được gần 10 triệu đồng để về ăn Tết cùng gia đình”, anh Hùng phấn khởi.
Ngay sát tàu anh Hùng, gần 10 người đang tích cực xay xát đá, chuẩn bị lương thực để ra khơi mở biển đầu năm. “Chuyến này sẽ ở biển khoảng 20 ngày, lương thực có bánh chưng, rau củ quả, kiệu hành đã chuẩn bị đầy đủ”, ngư dân Phan Thanh Tòng chia sẻ.
Nụ cười nở trên môi những ngư dân khi thuyền về, cá đầy ắp khoang
Theo Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, ở thời điểm hiện tại, giá cân bán tại bến đối với cá ngừ sọc dưa là 140.000-150.000 đồng/kg; cá thu 300.000-320.000 đồng/kg, cá dìa có giá 150.000 đồng/kg… Các loại hải sản nêu trên được thương lái tranh mua với giá cao. Nhiều ghe, thuyền sau một chuyến biển xa bờ về với đất liền trúng cá nên mang lại niềm vui, phấn khởi cho nhiều ngư dân.
Căng cờ vươn ra biển lớn
Đối với những ngư dân ở P.Phú Đông, TP.Tuy Hoà (Phú Yên), mùng 4 Tết được họ chọn là ngày mở biển - ngày quan trọng nhất trong năm của người làm biển. Điểm mới của ngày mở biển năm nay ở các tỉnh Nam Trung bộ là không chỉ có những tàu cá xuất bến ra ngư trường mưu sinh, bảo vệ biển đảo thân yêu, mà còn xuất hiện những tàu cá trở về sau một chuyển bám biển bỏ Tết.
“Lộc biển” đầu năm là những con cá ngừ đại, thành quả của ngư dân sau bao ngày bám biển. Giá cá ngừ đại dương hiện nay nằm vào khoảng 150.000 đồng/1 ký. Một con cá, ngư dân có thể bán được với giá lên đến gần 8 triệu đồng
Khác với trước, được sự hướng dẫn tận tình của cơ quan chức năng, các ngư dân đã có ý thức và chuyên nghiệp hơn trong quá trình đánh bắt, đảm bảo tính hợp pháp phục vụ cho việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế
Tàu cá PY90458 do anh Nguyễn Văn Láng (ngụ P.Phú Đông, TP.Tuy Hoà) vừa cập bến sau một tháng lênh đênh trên biển. Giữa những con sóng dữ trong mùa biển động, những ngư dân cần cù đã được “mẹ đại dương” ban cho “lộc biển” là 60 con cá ngừ đại dương. Một chuyến biển như vậy có thể nói là trúng đậm! Và vào thời điểm đầu năm mới thì niềm vui trúng cá không gì có thể so sánh bằng.
“Mới đầu năm mà câu được số cá như vậy là tuyệt vời. Vừa trúng cá, mỗi bạn thuyền chia được cũng hơn chục triệu đồng, vừa vào ăn Tết kịp, ai cũng vui!”, anh Nguyễn Văn Láng, chủ tàu cá PY 90458, hồ hởi nói.
Điều đáng nói, cá mà ngư dân mang về là từ chuyến biển khai thác có trách nhiệm - một thay đổi rõ rệt trong nghề cá Việt Nam thời gian gần đây. Nhiều tháng qua, ở các tỉnh Nam Trung bộ, một trong những nơi đứng đầu cả nước về khai thác xa, đánh bắt thuỷ hải sản bờ, các biện pháp từ tuyên truyền đến kiểm tra, giám sát được tăng cường nhằm ngăn chặn khai thác bất hợp pháp.
Và đã có sự thay đổi rõ rệt trong nghề đánh bắt cá của ngư dân kể từ đầu mùa khai thác này. Họ đã ý thức hơn, chuyên nghiệp hơn, tuân thủ đúng các quy định khai thác để cùng chung sức với cơ quan quản lý và các công ty xuất khẩu thuỷ, hải sản đưa con cá ngừ đại dương ra các “biển lớn” như Mỹ và EU.
“Nay đi ra ngư trường đánh bắt cá, chúng tôi đều ghi chép cẩn thận lịch trình của mình vào cuốn sổ nhật ký, theo đúng như hướng dẫn của lực lượng biên phòng. Mình phải làm như vậy thì thương lái họ an tâm thu mua cá. Và ngư dân nhờ đó mà cũng chuyên nghiệp hơn”, ngư dân Nguyễn Dương (ngụ P.Phú Đông), chia sẻ.
Cũng chính vì yêu cầu nghiêm ngặt đó nên với các vựa thu mua, mỗi khi tàu cập bến, họ đều kiểm tra cẩn thận lịch trình khai thác của ngư dân để đảm bảo số cá trên ghe được đánh bắt hợp pháp.
Ước vọng có từ ngàn đời trong ngày mở biển, với ngư dân là một năm no cá. Và ngày mở biển năm nay, với họ, cũng là ngày mở đầu cho một mùa khai thác có trách nhiệm. Ngày mở biển, ngư dân căng cờ ra biển lớn để mang về những chuyến cá xuất khẩu tràn đầy ý thức và niềm tin.
Ông Đặng Tấn Sum, chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thủy sản Mười Sum:
Đầu năm nay được mùa cá, ngư dân được chia đồng tiền lời sau một chuyến đi biển vất vả, nhất là khi họ mới trải qua một cơn bão kinh hoàng, là thương lái thật sự chúng tôi mừng cho bà con lắm. Có một tín hiệu khả quan hơn là khác với tập tục đánh bắt dân gian từ lúc trước, là gặp con nước đâu đánh đó, ngư dân bây giờ họ ý thức lắm rồi, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật.
Trong quá trình đánh bắt, chủ ghe sẽ ghi đầy đủ hành trình để làm cơ sở cho việc đánh bắt hợp pháp. Nếu ghe nào không ghi lịch trình đánh bắt vào nhật ký thì chúng tôi kiên quyết không mua, vì như vậy sẽ vi phạm quy định của thị trường quốc tế. Đánh bắt như vậy mới là chuyên nghiệp và tin rằng khi ngư dân ý thức được trách nhiệm pháp luật thì chúng ta sẽ trụ vững ở các thị trường xuất khẩu lớn.
(CAO) Chỉ trong một đêm ra khơi trong chuyến đầu năm mới Mậu Tuất 2018, nhiều tàu cá ngư dân Quảng Ngãi đã trúng đậm mẻ cá cơm ở ngư trường ven bờ.