Những chiêu "móc túi" mùa lễ hội tháng Giêng

Thứ Hai, 26/02/2018 10:34

|

(CAO) Tháng Giêng, người dân nô nức đổ về các khu lễ hội cầu an. Lợi dụng điều này, những đối tượng phạm pháp đã trà trộn vào chốn thiền tu, chực chờ sơ hở của khách hành hương để giở trò trộm cắp. Đó là chưa kể đến những thủ đoạn lợi dụng vào lòng tốt của du khách để hành nghề xin ăn… Tất cả, đang biến những lễ hội linh thiêng thành mảnh đất màu mỡ hòng trục lợi, kiếm chác.

Mùa “làm ăn” của “đạo chích”

Nói về lễ hội, không ở đâu đông bằng Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (ở Châu Đốc, An Giang). Cứ mỗi năm vào tháng Giêng, Miếu Bà lại đón một lượng khách thập phương đông đúc, đến hành hương để cầu bình an, may mắn. Nhưng có điều ít ai biết được, đây cũng chính là cơ hội “ngàn vàng” để bọn “đạo chích” ở khắp mọi nơi trà trộn về làm chuyện bất lương.

Một năm trước, cũng vào Vía Bà tháng Giêng, được sự hỗ trợ của Công an TP.Châu Đốc, phóng viên Báo CATP đã trực tiếp ghi nhận hiện tượng móc túi tại đây. Sau quá trình điều tra, chúng tôi biết được, trước mỗi lần ra tay, các đối tượng này sẽ tạo ra những tác động vào cơ thể bị hại, khiến họ bị mất cảm giác và nhờ đó chúng sẽ dễ dàng “cỡm” tài sản của “con mồi” trong tích tắc.

Không chỉ riêng ở Châu Đốc, vào mùa lễ hội tháng Giêng, tại TP.HCM, Bình Dương hay các tỉnh khác ở khu vực Nam Bộ, đâu đâu cũng có bóng dáng của “giặc hai ngón”.

Mùa lễ hội tháng Giêng cũng là cơ hội “ngàn vàng” để kẻ gian ở khắp mọi nơi trà trộn về chốn thiền tu làm chuyện bất lương. Ảnh chụp tại Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang).
Phóng viên Báo CATP đã tiếp cận và quay lại cảnh các “nữ quái” hành nghề đạo chích bên trong Miếu Bà Chúa Xứ hồi năm ngoái

Theo ghi nhận của Báo CATP, trong những năm gần đây, các băng móc túi lộng hành tại các địa điểm tâm linh, tín ngưỡng như: miếu, đình, chùa chiền đều là dân tứ xứ. Chúng không bao giờ có chỗ ở ổn định, rày đây mai đó rong ruổi theo các đoàn hành hương đi cúng bái; thậm chí chúng còn có cả một “cuốn sổ tay” ghi chép lại thời gian và địa điểm có tổ chức lễ hội từ Bắc đến Nam.

Một điều đặc biệt là hoạt động của những đối tượng này luôn có sự liên kết chặt chẽ. Khi đến một địa điểm nào đó “hành nghề”, chúng sẽ đi theo nhóm với số đông để tạo nên một lực lượng hùng hậu, dễ bề dàn cảnh gây án.

Có khi đó là cả một gia đình trộm cắp, cả người già và con nít. Trong quá trình phạm tội, “đội quân” này sẽ thống nhất với nhau những ám hiệu riêng, để tương trợ khi có “biến”.

“Cái bang” mở hội

Một vấn nạn nhức nhối khác là việc lợi dụng lòng tốt của du khách, hành nghề xin ăn tại chốn thiền tu. Sáng 21-2, phóng viên Báo CATP có mặt tại đường dẫn nơi dẫn vào chùa Bà Châu Đốc 2 và miếu Ngũ Hành (thuộc xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM).

Tại đây, có hẳn một đội quân “cái bang” với hơn chục thành viên ngồi la lết. Mỗi người một vẻ nhưng đa phần đều “hoá vai” một nhân vật với vẻ khắc khổ, đau bệnh, chực chờ khách viếng chùa rũ lòng thương bỏ tiền vào nón. Có điều mới hơn là do năm nay sợ cơ quan chức năng làm gắt, các đối tượng này áp chiêu “ve sầu thoát xác”, tức không xin ăn lộ liễu mà ai cũng cầm trên tay một cọc vé số, vừa bán vừa xin ăn, lại tránh bị đưa về đồn.

Đội quân “cái bang” tập trung trước đường dẫn vào chùa Bà Châu Đốc 2 và miếu Ngũ Hành (thuộc xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TPHCM). Để qua mặt cơ quan chức năng, những người này luôn cầm trong tay cọc vé số.

Bà Nguyễn Thị L. (quê Phú Yên) là một trong số đó. Đã 80 tuổi, ngày nào bà cũng tìm đến đây để “kiếm lộc”. Bà này kể, cứ mỗi năm vào tháng Giêng, bà hay lân la đến những điểm chùa tự để kiếm sống. Mỗi ngày làm “cái bang”, cao điểm bà cũng kiếm được gần 500 ngàn đồng. “Giờ già rồi, cứ tới mấy chỗ này xin ăn thì mới ra tiền mà sống” – bà L. phân trần. Chúng tôi hỏi lại: “Ngồi xin tiền ở đây bà có biết sẽ làm mất hình ảnh nơi tôn nghiêm không?”. Nghe thế bà L. không nói không rằng, lẳng lặng bỏ đi.

Bà Nguyễn Thị L. (80 tuổi – quê Phú Yên – người chìa tay) ngày nào cũng đến trước cổng chùa Châu Đốc 2 để xin tiền.

Trường hợp bà L. còn có thể khiến khách hành hương cảm thông về tuổi tác nhưng ít ai biết được trong số những “cái bang” ở đây, có đến hơn phân nửa là kẻ có sức khoẻ nhưng lười biếng lao động, lợi dụng lòng tốt của người dân để chuộc lợi, kiếm chác.

Nguyễn Thị Thu H. (30 tuổi – quê Châu Đốc, An Giang) là một trường hợp điển hình. Người đàn bàn này đã có chồng con và nguyên gia đình của chị ta sống chuyên bằng nghề giả dạng ăn xin.

Trưa 22-2, trong cái nắng oi ả, H. ngồi vật vờ trước cổng miếu Ngũ Hành. Thoáng thấy một nữ du khách tay đeo đầy vàng chuẩn bị đi vào cổng, nhanh như sóc, H. liền chạy tới khóc lóc ỉ oi, nói mình bị bệnh nan y, ngửa tay xin tiền. Thấy thế, người phụ nữ này thương tình, rút 50.000 đồng ra giúp đỡ.

Nguyễn Thị Thu H. (30 tuổi – quê Châu Đốc, An Giang), một người ăn xin chuyên nghiệp trước miếu Ngũ Hành, chuyên dàn cảnh đóng giả bệnh đau để lừa gạt khách hành hương. Trong ảnh, H. đang kể cho phóng viên Báo CATP nghe về thu nhập của mình.

Hết người này đến người khác, với kịch bản tương tự, chỉ trong vài giờ đồng hồ, người đàn bà này đã bỏ túi được khá nhiều tiền. Qua xác minh, chúng tôi biết được thu nhập một ngày của vợ chồng chị ta lên đến hàng triệu đồng. Tất cả, đều không hề biết bản thân mình là nạn nhân của trò lừa tinh quái.

Thượng tá Phạm Thành Mỹ, Trưởng Công an TP.Châu Đốc (An Giang):

Năm nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang về tăng cường công tác tấn công trấn áp tội phạm, thông qua kế hoạch về việc phối hợp giữa các đơn vị nhằm bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự cho mùa lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (trong đó, chủ công là Công an TP.Châu Đốc), chúng tôi ngoài việc triển khai các chốt trực 24/24 xung quanh khu vực miếu, còn phối hợp với ban quản trị miếu, lập riêng một chốt trực bí mật ngay bên trong miếu, do 19 cảnh sát hình đảm nhiệm.

Tổ công tác đặc biệt này có nhiệm vụ hoá trang để xử lý các hành vi trộm cắp, lừa gạt, chèo kèo, trấn lột khách hành hương, giữ gìn an ninh trật tự bên trong Miếu Bà.

Ngoài ra, năm nay Công an TP.Châu Đốc còn phối hợp với Ban quản lý Miếu Bà lắp đặt nhiều camera an ninh, trong đó có một đồng chí cảnh sát trực chiến theo dõi 24/24 mọi hoạt động xảy ra ở bên trong và bên ngoài Miếu Bà. Nếu thấy khách du lịch nào có khả năng bị bị xấu lợi dụng hoặc giở trò trộm cắp thì chúng tôi sẽ phát loa nhắc nhở ngay, đồng thời răn đe đối tượng có ý định xấu. Phương án đặt ra là phòng sẽ hiệu quả hơn chống.

Năm nay được dự báo là khách du lịch sẽ về rất đông, nên lực lượng công an chúng tôi phải càng quyết tâm hơn nữa, giữ vững tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đã được tái lập hơn 2 năm qua. Phải làm thế nào để du khách khi về Châu Đốc (An Giang) là cảm nhận được một môi trường du lịch hiếu khách, văn minh và an toàn.

Một trinh sát hình sự thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TPHCM:

Đa phần các đối tượng trộm cắp ở các khu linh thiêng đều có nhiều tiền án tiền sự nên rất lọc lõi, ranh ma. Thông thường, các băng móc túi sẽ đi một nhóm khoảng 5 đến 10 người. Khi nhắm đến “con mồi” nào đó, chúng sẽ không ra tay ngay mà chơi trò “nhấp nhử”, tạo ra những pha va chạm vào nơi có tài sản để thử xem nạn nhân có phản ứng hay không. Nếu thấy “ngon ăn”, sẽ có vài tên đi trước, dàn cảnh xô đẩy để đánh lừa cảm giác người bị móc, tên cuối cùng mới ra tay.

Thượng tá Phạm Thành Mỹ, Trưởng Công an TP.Châu Đốc.

Một đặc điểm khác để nhận biết đối tượng móc túi là chúng hay mặc áo khoác, áo dài tay, đội nón, đeo khẩu trang hoặc lấy áo che đi một cánh tay để dễ bề tung chiêu “2 ngón”. Ngoài ra, các đội tượng này còn hay sử dụng các thủ đoạn áp đảo tâm lý để “cưỡm” tài sản của người dân, như: cố tình dàng thành một hàng nhiều người, chặn đầu nhằm cản đường hoặc bao vây người tản bộ để gây bất ngờ, lo sợ. Sau đó, một tên trong số chúng sẽ thừa thời cơ để “khoắng” đồ.

Người dân đến các nơi có lễ hội đông đúc không nên đeo nhiều trang sức, hoặc để tài sản sở hở, như: bỏ bóp túi sau, đeo ba lô, giỏ sách ở phía sau, đeo điện thoại bằng bóp ngang hông… Đó sẽ là những điều kiện rất tuyệt vời để bọn móc túi ra tay.

Đại Đức Thích Quảng Thắng, Trụ trì chùa Xuân An, Bình Thuận:

Hiện nay, tình hình trộm cắp diễn biến rất phức tạp, các đối tượng phạm pháp không chừa cả chốn thiền môn. Những hành vi đó không đúng với điều phật dạy. Nhiều người có lòng hướng thiện, đi chùa cầu an nhưng do không cẩn trọng nên đã bị các đối tượng xấu lợi dụng vào đó để trộm cắp chiếm đoạt tài sản. Riêng đối với các đối tượng giải dạng ăn xin, ta có nhều vấn đề để xét: từ hoàn cảnh khó khăn, cộng thêm việc lười biếng lao động mới giả dạng đi ăn xin.

Đại đức Thích Quảng Thắng, Trụ trì chùa Xuân An (Bình Thuận).

Trên thực tế thì các đối tượng này hay chọn các chùa chiền, lợi dụng thương cảm của người dân, phật tử để thực hiện hành vi dối trá. Tôi khuyên ai trong tình huống đó thì phải nhìn lại, phải nghĩ cho kỹ trước khi làm một việc gì đó. Có nhìn lại thì chúng ta mới biết hành vi sai trái để quay đầu hướng thiện.

Khách viếng chùa, gặp những hoàn cảnh đó phải có nhìn nhận đúng đắn, tỉnh táo. Nếu muốn phát tâm thì phải suy nghĩ cho kỹ để biết được đối tượng nhận tấm lòng thiện nguyện của mình có đúng hay không. Đồng thời, khi phát hiện những hành vi lừa dối như thế, nên phối hợp với các vị sư, thầy trong chùa và phật tử, khuyên răn những con người đó quay về chánh thiện. Khi khởi tâm giúp đỡ thì phải làm họ tốt hơn, chứ không phải vô hình tạo điều kiện để họ xấu hơn.

Một nét đẹp cần nhân rộng

Ngay từ tháng Giêng, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo nằm trên đường Võ Thị Sáu (Q1, TP.HCM) bắt đồng thu hút đông khách thập phương đến viếng. Ghi nhận của phóng viên Báo CATP vào chiều 23-2 (mùng 8 Tết) cho thấy, tại đây không xảy ra hiện tượng ăn xin giả dạng hoặc các đối tượng chèo kéo khách mua hương, nhang, đèn, hành nghề bói toán, mê tín dị đoan; xe cộ của khách đến viếng được sắp xếp khá gọn gàng, có dây rào chắn để phòng chống việc bị mất cắp.

Những hình ảnh đẹp này một phần nhờ vào cách quản lý quản lý chặt chẽ, quy củ của ban quản lý đền. Vì vậy, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo luôn là chốn tâm linh mà người dân thành phố vào các tỉnh lân cận luôn tin tưởng mỗi khi đến hành hương.

Khung cảnh bình yên, ngăn nắp bên trong và bên ngoài đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, đường Võ Thị Sáu (Q3, TPHCM).

Bình luận (0)

Lên đầu trang