Viết tiếp bài "Tan hoang rừng phòng hộ Sơn Động":

Vô tư phá rừng phòng hộ vì có "xi nhan"?

Thứ Năm, 08/02/2018 11:07

|

(CAO) Lâm tặc nói việc phá rừng đã được “bảo kê” vì đã “bôi trơn”, còn cán bộ hạt kiểm lâm nói không. Nhưng thực tế cho thấy, rừng bị phá tại một số nơi ở huyện Sơn Động diễn ra công khai, có tổ chức với quy mô lớn, ác liệt hơn những gì dư luận phản ảnh. Vậy ai đã “bảo kê” cho lâm tặc phá rừng trong thời gian dài?

Gỗ bị đốn hạ ở Sơn Động, tập kết để chuyển đi

LÂM TẶC PHÁ RỪNG CÓ “XI NHAN”?

Nắm được vị trí hoạt động của lâm tặc, chúng tôi quyết định nhập vai ăn dầm ở dề trong rừng Sơn Động để tận thấy cảnh phá rừng tàn khốc tại đây. Sáng 21-1-2018, đoàn “ngựa sắt” của lâm tặc tiếp tục theo hướng từ trục chính trung tâm một số xã tiến sâu vào rừng. Tại đây, nhiều lâm tặc mang theo cưa máy, rựa phát, đồ nấu nướng… bắt đầu cuộc phá rừng từ sáng tới chiều tối. Phát hiện chúng tôi, nhóm lâm tặc ngừng cưa cây, chạy sộc ra “hỏi thăm”. Một lâm tặc luống tuổi tiến đến, hất hàm hỏi: “Tụi mày đi đâu vào đây?”. Chúng tôi bình thản: “Tụi em vào kiếm ít cây cảnh, chim rừng chơi Tết”. Thấy người lạ, một lâm tặc khác chen ngang: “Từ đâu đến mà biết ở đây có?”. Khi chúng tôi nói có người quen ở xã Thanh Luận chỉ tới, nhóm lâm tặc bớt nghi ngờ và còn "nhiệt tình" chỉ cho những khu có cây cảnh và chim.

Qua trò chuyện, một lâm tặc tên T. "bật mí" cho chúng tôi biết những "góc khuất" để nhóm này được vô tư san ủi, chặt phá cây trong rừng phòng hộ. T. than thở, làm cây cũng chẳng được mấy do phải thuê máy múc vào san ủi, mở đường vận chuyển gỗ lậu và “bôi trơn” mất nhiều. “Chi phí làm cây nhiều lắm. Ngoài bỏ tiền mở đường thì phải “bôi trơn” cho mấy "ông"  mỗi tháng hàng chục triệu, không thì làm sao họ cho mình làm được”, T. tiết lộ. Nói xong, T. cùng với nhóm lâm tặc tiếp tục chặt cây trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi. Loại gỗ chủ yếu mà lâm tặc “khai tử” tại đây chủ yếu là gỗ lim xanh.

Chiều cùng ngày, chúng tôi men theo đường “độc đạo” mà lâm tặc thường xuyên vận chuyển gỗ qua khu vực giáp ranh xã Thanh Luận và Long Sơn. Tại đây, có nhiều cây gỗ bán kính lớn bị lâm tặc “xẻ thịt” trước đó, nhựa đã thâm đen. Con đường nhỏ chạy qua nhiều quả đồi này hàng ngày phải oằn mình ghánh xe tải chở gỗ. Khoảng 15 giờ, chúng tôi đi sâu hơn vào rừng thì bị chặn lại bởi nhóm lâm tặc khác đang vận chuyển một xe ô tô gỗ về “thủ phủ” tập kết. Nhóm lâm tặc này chỉ cho chúng tôi đi khi biết chúng tôi có quen biết với nhóm của lâm tặc T.

Qua theo dõi, con đường nằm phía sau các xã Long Sơn, Thanh Luận, An Lạc được lâm tặc chuyên vận chuyển gỗ. Khi những xe gỗ rừng được đưa về tới khu dân cư sẽ được tập kết trực tiếp tại nhà lâm tặc, đêm đến sẽ chuyển đi. Theo tiết lộ của một lái xe, tất cả gỗ này sẽ được đưa vào xưởng chế biến lâm sản trên địa bàn. Việc phá rừng, tập kết gỗ diễn ra trong nhiều ngày, nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương lại "không biết" để lâm tặc tác oai tác quái?

Theo tiết lộ của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Động Hoàng Văn Nguyên thì việc phá rừng có bàn tay ở dưới địa bàn “xi nhan”, vụ việc đang được điều tra. Còn ông Hoàng Thạch – Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Động, sau khi xem xong hìnhq ảnh do phóng viên cung cấp về việc lâm tặc nói mỗi tháng phải “bôi trơn” 10 triệu cho cán bộ kiểm lâm đã khua tay nói đây chỉ là thông tin một chiều. Nhưng, thực tế cho thấy, phá rừng tại một số nơi ở huyện Sơn Động diễn ra với quy mô lớn, công khai, ác liệt hơn những gì dư luận phản ảnh. Vậy liệu có ai đã “xi nhan” cho lâm tặc phá rừng?

CON QUAN CŨNG “XẺ THỊT” RỪNG

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Động cho biết, năm 2017, kiểm lâm huyện Sơn Động đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản, xử lý nhiều vụ vi phạm lâm luật, nhưng khi xem clip phóng viên cung cấp ông rất bất ngờ vì việc phá rừng vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng, mặc dù rừng đã được giao cho một số đơn vị trực tiếp quản lý, trong đó có cả chính quyền địa phương. Năm 2017, xử lý, lập biên bản 175 vụ vi phạm lâm luật với tổng khối lượng gỗ vi phạm 92,635 m khối gỗ các loại. Phá rừng tại đây diễn biến phức tạp, năm 2017 xảy ra nhiều hơn năm 2016 tới 86 vụ phá rừng. Trong đó, đã chuyển nhiều vụ vi phạm cho Công an và đã khởi tố, đưa ra xét xử nhiều vụ. Đặc biệt, đã kỷ luật nhiều cán bộ kiểm lâm địa bàn vì đã để xảy ra tình trạng phá rừng xảy ra tràn lan.

Những quả đồi ở Sơn Động bị cạo trọc

Trong những vụ phát hiện, xử lý phá rừng gây xôn xao dư luận Sơn Động vừa qua nổi cộm lên việc cán bộ thị trấn Thanh Sơn phá cả chục ha rừng. Từ tố cáo của người dân về việc ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động để cho con là Phạm Văn Cương - Cán bộ tư pháp thị trấn phá hơn 26.000m2 rừng, năm 2016, Hạt Kiểm lâm Sơn Động ban hành quyết định thành lập Tổ xác minh nội dung tố cáo ông Phạm Văn Thắng. Tổ xác minh kết luận việc người dân tố cáo ông Thắng phá rừng tự nhiên trái pháp luật là có cơ sở. Tuy nhiên, nhân vật chính trong việc tổ chức phá rừng lại là con trai ông Thắng, tức Phạm Văn Cương. Tổng diện tích rừng bị phá là 26.056m2.

Trước vụ việc gây bức xúc dư luận, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Nguyễn Quang Ngạn cho rằng, việc công dân tố cáo hộ gia đình ông Phạm Văn Thắng tự ý phá 26.056m2 rừng tự nhiên tại khu vực Khe Lê, xã Tuấn Mậu, thị trấn Thanh Sơn khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là đúng. Hành vi này vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, vị Chủ tịch huyện yêu cầu làm rõ trách nhiệm đối với lãnh đạo và nhân viên Hạt Kiểm lâm Sơn Động vì đã để xảy ra việc phá rừng diễn ra trong một khoảng thời gian dài nhưng không phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Nguyên cho biết, vụ việc đã được kiểm lâm Sơn Động lập Tổ xác minh và chuyển thông tin, hồ sơ sang cơ quan Công an huyện từ thời điểm ông Nguyễn Văn Hiệu còn làm Hạt trưởng. “Thời điểm xảy ra vụ việc, tôi chưa về nhận nhiệm vụ Hạt trưởng. Hiện cơ quan Công an vẫn đang điều tra, xử lý theo thẩm quyền”, ông Nguyên cho hay. Còn ông Đinh Quang Hiệp – Trưởng Công an huyện Sơn Động xác nhận đã nhận hồ sơ từ kiểm lâm huyện Sơn Động. Công an huyện vẫn đang làm rõ những vấn đề liên quan.

HỆ LỤY KHÔN LƯỜNG TỪ PHÁ RỪNG

Những năm gần đây, tại các tỉnh phía Bắc liên tiếp xảy ra các vụ lũ quét, sạt lở nghiêm trọng khiến hàng trăm người mất mạng, nhà cửa, ruộng vườn và hoa màu bị lũ quét, lũ ống tàn phá nghiêm trọng, mà nguyên nhân chủ yếu là do phá rừng dẫn tới thay đổi dòng chảy, thay đổi độ che phủ dẫn tới lũ quét, lũ ống diễn ra nhanh, bất thường. Điển hình là các đợt lũ ống, lũ quét xảy ra liên tiếp tại nhiều huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn – Nghĩa Lộ, Trạm Tấu (Yên Bái), Tân Lạc và Đà Bắc (Hòa Bình), Mường La (Sơn La)… đã cướp đi sinh mạng hàng chục người và cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu, tài sản của người dân. Nguyên nhân quan trọng được xác định là do rừng đầu nguồn bị tàn phá dẫn tới hệ lụy đau lòng trên.

Bắc Giang hiện nay là một trong những tỉnh có nhiều rừng. Thực trạng phá rừng tại đây khiến tài nguyên này đang cạn kiệt. Nếu cứ để tình trạng phá rừng phòng hộ, rừng bảo tồn diễn ra tràn lan, chẳng mấy chốc, rừng tại đây cạn kiệt, nguy cơ bị thiên tai hoành hành là khó tránh khỏi. Trước phản ánh của phóng viên Báo CATP về tình trạng phá rừng tại Sơn Động, ông Nguyễn Văn Khái – Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang cho hay sẽ chỉ đạo điều tra, làm rõ vụ việc phá rừng như phóng viên nêu.

Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật”.

Clip phá rừng kinh hoàng ở Sơn Động:

Rừng phòng hộ ở Sơn Động bị đốn hạ vô tội vạ, mở đường vào khai thác như đại công trường, tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường trong tương lai không xa

Bình luận (0)

Lên đầu trang