Rao con giữa chợ… đời

Thứ Ba, 16/01/2018 16:39

|

(CAO) Trong số những đứa bé ấy, có đứa đã biết ăn biết nói, cũng có đứa còn đỏ hỏn trên tay. Các em hằng ngày lẫn vào dòng người tấp nập trên đường phố dưới cái mác “con trẻ phụ gánh mưu sinh”.

Chẳng đặng đừng, vì nghèo túng, người ta mới để con mình lăn ra đường kiếm sống. Nhưng cũng có những kẻ vì đồng tiền mà dùng con trẻ làm “bức bình phong” để đội lốp xin ăn. Dù thế nào đi chăng nữa thì các em vẫn đang là nạn nhân của người lớn, của chợ đời đầy rẫy thiệt hơn.

Người phụ nữ bế một em bé sơ sinh đi bán vé số giữa trưa nắng gắt tại giao lộ Trần Cao Vân – Hai bà Trưng (Q3). Ảnh chụp vào sáng 25-12-2017

“Màn kịch” lúc hoàng hôn

Ánh chiều tà bắt đầu hắt lên những tuyến phố. Đường Điện Biên Phủ (P25, Q.Bình Thạnh) ngày hôm nay ngùn ngụn xe cộ đổ về từ khắp phía. Giữa dòng xe tấp nập, một người phụ nữ có nước da đen nhẻm, dáng người nhỏ thó, ẵm một em bé sơ sinh trên tay, ngồi lọt thỏm vào một góc ngã tư đang đông đúc người qua lại. Lúc ấy là 17 giờ 30 phút, cơn đói giờ tan tầm thôi thúc tôi lướt nhanh qua cô ta như bao cuộc chạm mặt khác trong ngày. Nhưng… có điều gì đấy đã níu bước chân tôi dừng lại. Có lẽ là ánh mắt! Ánh mắt lờ đờ và dường như đang lịm dần của đứa bé.

“Sao chị lại ngồi đây? Bé có bị sao không?” – tôi hỏi dồn dập. Với vẻ mệt mỏi, người phụ nữ ngước ánh mắt buồn thiu nhìn tôi, miệng thỏ thẻ nhát gừng: “Cháu nó bị sốt anh à! 2 mẹ con tôi bỏ quê lên Sài Gòn hơn 2 ngày nay, giờ không có tiền về nên mới ngồi đây”. “Thế ba cháu đâu?”.

“Tôi bị chồng bạo hành nên mới dẫn con bỏ trốn” – người phụ nữ mắt ngấn lệ khi nghe tôi nhắc đến chồng mình. Trước mắt tôi bây giờ là số phận của 2 mẹ con tội nghiệp và yếu ớt. “Họ sẽ sống sao ở Sài Gòn trong vài ngày nữa nếu tiếp diễn tình trạng này?” – câu hỏi cứ bám lấy suy nghĩ của tôi, nó thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó để giúp đỡ họ, chí ít là đưa 2 mẹ con đến bệnh viện để cứu vãn tình hình cho đứa bé. Người mẹ có vẻ bối rối trước lời đề nghị này nhưng vẫn đi theo.

Chuyến xe taxi đầu tiên đưa chúng tôi vào một phòng khám đa khoa nằm trên đường D1 (Q.Bình Thạnh). Sau những chẩn đoán, bác sĩ nhìn tôi với vẻ mặt ái ngại và câu trả lời là cháu bé không bị sốt. Vẫn chưa hài lòng, chuyến xe tiếp theo tức tốc đưa chúng tôi lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) khi trời vừa chập tối.

Lúc này, sau khi làm nhiều bước chẩn đoán, một nữ bác sĩ đã gặp riêng tôi, “nói nhỏ” rằng không có dấu hiệu nào cho thấy cháu bé bị sốt và việc cháu ngủ li bì bị nghi là do được cho uống thuốc an thần trước đó. Nghe tới đây, linh tính nghề nghiệp mách bảo tôi rằng có thể mình đã bị đưa vào một “vai diễn” trong “màn kịch” quá hoàn hảo của người phụ nữ kia.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi kết thúc tại đây. Và để kiểm chứng mọi nghi ngờ, tôi đã âm thầm bám theo cô ta. Hơn 1 giờ sáng ngày hôm sau, hành trình theo dấu của tôi cũng đến đích cuối cùng là một dãy nhà trọ nằm sâu trong khu ổ chuột kế bên chợ Xóm Củi, Q8.

Cũng trong đêm, tôi được công an phường cho biết người phụ nữ kia là một đối tượng nghiện hút thuộc dạng có thâm niên trên địa bàn họ đang quản lý, và nghề “kiếm ăn” chính của ả là lừa đảo để xin ăn!

Những đứa con đường phố

Theo điều tra của Báo CATP, nhiều bậc cha mẹ vì mưu cầu kiếm tiền, đã “hoá vai” con của mình thành những diễn viên thực thụ trên đường phố. Nghiêm trọng hơn, còn có cả những đường dây cho thuê con trẻ khá bài bản, tinh vi.

Trong số những đứa bé ấy, có đứa đã biết ăn biết nói, cũng có đứa còn đỏ hỏn trên tay. Các em hằng ngày lẫn vào dòng người tấp nập trên đường phố dưới cái mác “con trẻ phụ gánh mưu sinh”.

Một bà cụ dắt theo bé trai đi bán vé số tại ngã 6 Phù Đổng, Q1. Ảnh chụp vào chiều 25-12-2017

Chẳng đặng đừng, vì nghèo túng, người ta mới để con mình lăn ra đường kiếm sống. Nhưng cũng có những kẻ vì đồng tiền mà dùng con trẻ đội lốp xin ăn. Dù thế nào đi chăng nữa thì các em vẫn đang là nạn nhân không hơn không kém của người lớn, của chợ đời đầy rẫy thiệt hơn.

Để thực hiện bài viết này, nhóm phóng viên đã nhiều ngày theo dấu nhiều trường hợp “bồng con đi lao động” tương tự như thế. Tiếp xúc với các em, những số phận đang được người lớn “rao bán thương cảm”, mỗi ngày, chúng tôi lại chứng kiếm thêm nhiều câu chuyện khó thể lột tả hết bằng lời.

Đêm ấy, chúng tôi bắt gặp em Nguyễn Như An trong một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) trong khi nhiều đứa trẻ khác đang được cha mẹ dắt đi đón giáng sinh. Lủi thủi hết bàn này đến bàn khác, An vẫn còn nguyên cọc vé số trên tay. Mắt An buồn ruời rượi!

Em Nguyễn Như An (quê Phú Yên) cầm trên tay cọc vé số mời khách trong quán nhậu. Tết này, An có khả năng phải ở lại xứ người do nhà bị sập sau cơn bão số 12

An kể, em năm nay 11 tuổi, nhà ở tận xứ Nẫu khô cằn, nắng gió. Hơn 2 tháng trước, một cơn bão đi qua, quét sạch tất cả. Nhà em trơ mái, ba mẹ “hết đường” nên cả nhà dắt díu nhau bỏ xử vào Nam, dù lúc đó An đang học đang học dang dở lớp 5. “Chiều đó em đi mà cả lớp kéo lại nhà. Em hẹn tụi nó Tết em lại về. Mà hôm qua nghe má nói chắc Tết năm nay ở lại” – nghe An nói mà mẹ em đứng ngoài quán nước mắt chảy lưng tròng.

Thế là An “bỗng dưng” trở thành một cư dân “nhí” của đường phố theo cách không thể nào bất đắc dĩ hơn. Mà không chỉ An, trên đường phố Sài Gòn, hằng ngày, tại nhiều tuyến đường, chúng ta luôn dễ dàng nhìn thấy hàng trăm trường hợp trẻ em đi bán sức lao động cùng người lớn.

Một bé gái khác đang loay hoay bán cọc vé số trong một quán cà phê ở Q1. Lúc này là 11 giờ trưa và em vẫn chưa được ăn cơm. Ảnh chụp vào ngày 2-1-2018

Một buổi trưa nắng gắt khác, chúng tôi bắt gặp 4 đứa nhỏ đầu trần, chân đất theo “mẹ” đi bán vé số. “Con bán tới mấy giờ mới về?” – chúng tôi hỏi. Một bé gái đáp lời hồn nhiên: “Chưa về đâu chú, còn bán ca tối nữa. Ba má con dặn đến 9 giờ mới được về nhà”. Khi ấy, hình ảnh người phụ nữ ngồi phía sau, tay cầm cọc tiền đếm vội, ánh mắt vô hồn khi nghe những lời xé lòng từ con nít, đã khiến chúng tôi ray rứt suốt đường về.

Người phụ nữ đếm tiền phía sau các em nhỏ đang mệt nhừ cầm vé số rao bán trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức. Ảnh chụp ngày 1-1-2018

Bước đệm nào ở tương lai?

Trao đổi với phóng viên Báo CATP, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ((LĐTB&XH) TP.HCM cho biết, hiện nay tại TP.HCM có khoảng 1,4 triệu trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó có 16.000 trường hợp có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong những năm qua, cụ thể là năm 2017, Sở đã phối hợp các đơn vị chức năng thành phố, các quận huyện để tập trung chăm lo vật chất lẫn tinh thần cho số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này.

Cũng trong năm 2017, Sở đã phát hiện 20 trường hợp trẻ em ăn xin trên các nẻo đường của thành phố và tiến hành đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Trước tiên, các phòng ban nghiệp vụ của Sở đã tiến hành xác minh, phân loại danh tính cũng như nơi cư trú.

Một người phụ nữ điệu theo một em bé sơ sinh bán vé số ở Q5. Ánh mắt trong sáng của em đã làm chạnh lòng khá nhiều khách đi đường. Ảnh chụp vào sáng 3-1-2018

Đối với các trường hợp có thông tin rõ ràng sẽ trả về lại địa phương còn các trường hợp còn lại sẽ gửi lại các trung tâm bảo trợ để nuôi dưỡng, chăm sóc. Ngoài ra, cũng trong năm 2017, Sở LĐTB&XH TPHCM cũng phối hợp với Sở Ngoại vụ TPHCM, Tổng Lãnh sự Quán Campuchia để trả về hơn 10 trường hợp trẻ em lang thanh, cơ nhỡ đang hành nghề ăn xin trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang trong thời gian thí điểm cơ chế đặc thù theo Nghị quyết Quốc hội số 54 và Kết luận 21 của Bộ Chính trị cũng như các nghị quyết của Thành ủy về việc xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt “Văn minh, hiện đại, văn hóa, nghĩa tình”.

Đồng hành chiến lược này, Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; nâng cao nhận thức để các bậc phụ huynh không đẩy con em mình vào hoàn cảnh bị bạo hành, lạm dụng sức lao động. “Để tình trạng “rao con giữa chợ đời” như Báo CATP đặt ra không tiếp tục tái diễn, chúng tôi sẽ cố gắng hoạt động hết vai trò của mình; Đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc và bảo trợ quyền trẻ em”, Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM khẳng định.

Cũng theo Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.HCM, công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn TP.HCM là vấn đề được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm và có cả “Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em” được thành phố triển khai từ năm 2011. Những sự quan tâm cùng hành động thực tiễn này đã thúc đẩy và đặt nền móng cho việc bảo vệ trẻ em.

“Qua 5 năm triển khai chương trình, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định, các dịch vụ bảo vệ trẻ em phát triển đa dạng, hệ thống bảo vệ trẻ em được củng cố với các thành phần cơ bản. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm; trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp nhiều hơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển tốt hơn”, một lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.HCM thông tin.

Những thông tin nêu trên quả thực là một chỉ dấu đáng mừng, đánh giá được sự vào cuộc có hiệu quả mà cơ quan hữu trách mang lại. Một thực tế phải ghi nhận là trong 2 năm vừa qua, hiện tượng ăn xin công nhiên, bóc lột trẻ em trên đường phố đã được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ và đạt được nhiều thành công.

Tuy nhiên, với nền tảng xã hội muôn màu, muôn vẻ của thành phố thì việc chấm dứt hoàn toàn hình ảnh lợi dụng sức lao động trẻ em để ăn xin, buôn bán trên đường phố, có lẽ không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Ngoài sự cố gắng của các nhà quản lý, cũng đòi hỏi ý thức của các bậc phụ huynh. Có được sự kết hợp đồng bộ này thì bước đệm cho tương lai của trẻ em thành phố sẽ ngày thêm vững chắc.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM:

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 6 trung tâm bảo trợ xã hội chuyên chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, sống lang thang cơ nhỡ với tổng số trẻ đang nuôi dưỡng khoảng 100 em. Trong năm 2018, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban nghành, đơn vị quản lý nhà nước để thực hiện các công tác chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em; đặc biệt là các trẻ nằm trong diện sống lang thang, cơ nhỡ và các đối tượng nằm trong diện có nguy cơ rơi vào diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bà Trần Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam - Cơ quan Thường trực phía Nam:

Bà Trần Thị Thu Hà, Chánh Văn Phòng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Cơ quan Thường trực phía Nam trong một lần trao học bổng cho trẻ em tại tỉnh Bến Tre. (Ngoài cùng bên trái, áo đỏ)

Trong năm 2018, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Cơ quan thường trực phía Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục. Kế tiếp sẽ cố gắng phát huy tối đa vai trò được pháp luật quy định trong công tác giám sát thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng. Ngoài ra, hội cũng sẽ kiểm tra lại tất cả những vụ việc còn tồn đọng để tiến hành gửi đề xuất tới Bộ LĐTB&XH và các cơ quan đoàn thể tại Trung ương.

Hà Giang (ghi)

Bình luận (0)

Lên đầu trang