Hẹn nhau vào một buổi chiều muộn khi ánh nắng Sài Gòn đã chuyển sang màu vàng vọt, lau vội những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt, anh Trần Hùng Nghĩa (tên gọi khác là Công, SN 1985, ngụ phường 4, quận 10, TPHCM) bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện đời mình.
Vươn lên từ một quá khứ lầm lỗi, dù rằng cuộc sống hiện tại cũng không mấy dư giả nhưng anh đã có một mái ấm gia đình thật hạnh phúc. Anh dí dỏm cười bảo: “Tôi có được ngày hôm nay là nhờ vào chuyện tình với cô nàng bán gà chiên”.
Một lần trót dại
Hôm chúng tôi đến, Nghĩa vẫn đang hăng say làm việc. Đặt bao đá lên xe, Nghĩa bảo: “Anh chị ráng đợi em vài phút thôi nha! Em chở đá cho mối quen ngay đây rồi về liền.”. Cơ sở bỏ đá khá nhỏ chỉ tầm 15m2 trên đường Nguyễn Tri Phương được Nghĩa thuê lại để kinh doanh chính chiếc “cần câu cơm” của cả gia đình từ nhiều năm nay.
Vươn lên từ một quá khứ lầm lỗi, dù rằng cuộc sống hiện tại cũng không mấy dư giả nhưng anh đã có một mái ấm gia đình thật hạnh phúc
Tại một quán nước ven đường, Nghĩa dốc cạn lòng mình khi nhớ lại khoảng thời gian đen tối của cuộc đời. Bản án cho tội “cướp giật tài sản” đã xảy ra cách đây gần 10 năm, nhưng cho đến giờ Nghĩa vẫn nhớ như in. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ba chạy xích lô, mẹ bán hột vịt lộn; 3 chị em của Nghĩa phải bỏ học từ sớm để phụ giúp gia đình trang trãi cuộc sống. Vì vòng xoáy “cơm, áo, gạo, tiền” nên ba mẹ không có nhiều thời gian dành cho các con. Có lẽ vì thiếu sự bảo ban, dạy dỗ ngay từ nhỏ nên từ một cậu bé hiền lành, Nghĩa bỗng chốc trở thành một kẻ ngỗ ngược, ngang tàng, suốt ngày tụ tập đánh nhau.
Ngày qua ngày, Nghĩa trở thành một thanh niên hư hỏng. Vào một ngày định mệnh, lúc ấy Nghĩa bước sang tuổi 23. Tuổi trẻ bốc đồng và nông nỗi nên muốn có một món quà tặng cho bạn gái nhân ngày lễ tình nhân nhưng trong tay lại không có tiền, Nghĩa đã nghĩ đến chuyện phi pháp. Anh mượn chiếc xe Wave của gia đình rồi rủ một chiến hữu đi “bay”. Nghĩa cầm tài chở đồng bọn rảo quanh các tuyến đường quận 10 để tìm “mồi”. Khi đến đoạn Trần Nhân Tông, gần Trường phát thanh truyền hình, cả hai phát hiện một phụ nữ điều khiển xe máy, phía trước có để một giỏ xách nên lập tức bám theo. Nghĩa chạy xe áp sát để đối tượng ngồi sau nhanh tay giật giỏ rồi nhanh chóng rồ ga tẩu thoát chạy về hướng quận 5. Chọn một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, cả hai chia nhau “thành quả”.
Tối đó, Nghĩa cầm cả chiếc giỏ xách cùng hơn 1 triệu đồng vừa cướp được đến quán karaoke để chung vui cùng bạn gái và nhóm bạn. Khi cuộc chơi chưa kết thúc thì lực lượng Công an bất ngờ ập vào bắt giữ Nghĩa về hành vi “cướp tài sản” trong sự ngạc nhiên của cả nhóm. Bạn gái Công khóc không thành tiếng.
Năm 2008, TAND Quận 10 đã đưa vụ án cướp giật tài sản do Nghĩa và đồng bọn ra xét xử. Cả hai cùng nhận bản án 4 năm 9 tháng tù giam. Hôm đó, bạn gái Nghĩa cũng có mặt. Khi chứng kiến khuôn mặt hốc hác đến khổ sở của ba mẹ, những giọt nước mắt chảy dài không ngớt của các chị và người yêu, Nghĩa thấy lòng thắt lạ, rồi lặng lẽ cúi đầu rời khỏi tòa. Những ngày thụ án, Nghĩa đã nhận ra thời gian qua mình đã chọn một cách sống sai lầm để giờ phải trả giá quá đắt. Giữa bốn bức tường giam, nỗi đau đó lại gặm nhấm từng ngày. Nghĩa đã tự nhủ sẽ cố gắng học tập, cải tạo thật tốt để sớm trở về bên vòng tay của người thân để làm lại cuộc đời. Chưa kịp nói lời ăn năn và xin lỗi với bậc sinh thành, hai năm sau, Nghĩa nhận được hung tin người cha đã qua đời vì bạo bệnh. Còn đau đớn nào hơn khi là con trai duy nhất trong nhà nhưng Nghĩa không được thọ tang cha. Sự hối hận khiến Nghĩa uất nghẹn và quyết tâm chờ ngày ra trại .
Khi yêu thương là cứu cánh
Sau gần 3 năm thụ án, nhờ học tập, cải tạo tốt, Nghĩa nhận được lệnh đặc xá trở về với gia đình. Ngày hôm đó, người thân đã có mặt từ rất sớm để đón anh. Lần gặp ấy, cả nhà ôm nhau khóc. Kể đến đây, Nghĩa bỗng khựng lại vì có quá nhiều cảm xúc ập đến. Anh bảo: “Hạnh phúc lớn nhất của đời em là ngoài sự cưu mang của gia đình, còn có một cô gái dành hết cả tình yêu cho một người phạm tội”. Khi Nghĩa đối mặt với bản án, cô gái mà anh hết mực thương yêu đã không quay lưng lại. Nghĩa thủ thỉ: "Thời gian ở trong trại, nếu như cô ấy không đến thăm và động viên và hứa đợi đến ngày em được mãn hạn tù thì có lẽ em đã không có được ngày hôm nay”.
Anh bảo: “Hạnh phúc lớn nhất của đời em là ngoài sự cưu mang của gia đình, còn có một cô gái dành hết cả tình yêu cho một người phạm tội”
Những tháng ngày tươi sáng đối với một chàng trai có một quá khứ lầm lỗi bắt đầu từ một đám cưới được nhiều người chúc phúc. Đặc biệt là cuối năm 2011, Nghĩa đã làm cha của một bé trai kháu khỉnh. Cuộc sống dẫu còn chật vật nhưng gia đình luôn ngập tràn tiếng cười. Hai năm sau, kết quả của tình yêu vượt qua không gian, thời gian là một cô công chúa nhỏ nữa ra đời. Bắt đầu cuộc sống từ một con số O, là trụ cột của cả nhà nên Nghĩa cũng đối mặt không ít khó khăn. Nhưng nhờ sự động viên rất lớn về mặt tinh thần của người thân, Nghĩa đã bắt tay làm lại cuộc đời. Nghĩa chia sẻ: “Một lần trót “nhúng chàm”, em mới thấu hiểu được giá trị cuộc sống”.
Được chính quyền địa phương phường 4, quận 10 thường xuyên thăm hỏi, tạo điều kiện, giúp đỡ , Nghĩa lại cố gắng mỗi ngày để gác lại quá khứ đen tối, hướng đến những điều tốt đẹp. Ngoài việc chấp hành tốt chủ trương, chính sách đường lối tại địa phương, góp phần vào công tác bảo vệ ANTT tại nơi mình sống, vợ chồng Nghĩa đã thuê một kiot nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương để làm cơ sở bỏ đá. Nghĩa vừa làm chủ, vừa kiêm thêm nghề chở đá bỏ mối để lấy công làm lời. Cô gái năm ấy giờ đã là vợ Nghĩa, mỗi chiều bán gà chiên để phụ chồng. Số tiền dành dụm không nhiều nhưng cũng đủ để họ trang trãi cuộc sống và lo cho các con ăn học đàng hoàng.
Đã từng vào tù vì tội “cướp giật tài sản” nhưng khi trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, không những không tái phạm tội mà Nghĩa còn tham gia bắt cướp. Cách đây vài năm, khi đang trên đường đi giao đá, Nghĩa nghe người đi đường tri hô: “cướp! cướp! cướp!”. Cùng lúc đó, anh nhìn thấy hai thanh niên điều khiển xe máy phóng bạt mạng trên đường. Xác định chúng chính là hai đối tượng cướp giật, Nghĩa đã bất chấp nguy hiểm, rồ ga đuổi theo. Do bị truy đuổi quyết liệt nên hai tên cướp giật không làm chủ tay lái đã té ngã, Nghĩa và người dân đã kịp thời bắt giữ một tên giao cho Công an xử lý. Nghĩa bảo: “Chứng kiến lại cảnh tượng này, em rùng mình khi nhớ lại chính mình trước đó. Trong phút chốc, em nghĩ mình không thể làm ngơ, biết đâu sau lần bị bắt này, những kẻ gây án mới cơ hội được tỉnh ngộ”. Sau lần ấy, Nghĩa được CATP tặng giấy khen vì đã đạt thành tích tốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
Khi câu chuyện gần như đã kết thúc thì con trai Nghĩa chạy đến gọi “ba ơi, về giao đá kìa ba”. Nhìn cháu bé kháu khỉnh, hoạt bát cùng ánh mắt sáng rực của Nghĩa, chúng tôi biết anh đã thực sự bước sang “trang mới” của cuộc đời mình.
Đại úy Nguyễn Thanh Sinh – Phó trưởng CA phường 4, quận 10 cho biết: “Trong quá trình theo dõi quản lý người chấp hành xong án phạt tù trở về với cộng đồng, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể thường xuyên gặp gỡ, động viên, giúp đỡ để họ quên đi mặc cảm, thực hiện tốt các quy định tại địa phương Bên cạnh sự động viên, định hướng giáo dục về mặt tinh thần, chúng tôi còn tìm cách giới thiệu về việc làm, vay vốn làm ăn cho những trường hợp khó khăn…Hàng năm vào các dịp lễ, Tết, CA phường còn đề xuất với UBND, UBMTTQ phường hỗ trợ tặng quà đối với những người hoàn lương có hoàn cảnh từ 500 đến 1 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ nhiều suất học bổng cho con của họ có điều kiện đến trường. Từ sự quan tâm sâu sắc này, những trường hợp tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn đã có cuộc sống ổn định, chấp hành tốt quy định pháp luật, chưa xảy ra tái vi phạm pháp luật, điển hình nhất là trường hợp của anh Trần Hùng Nghĩa. Theo đó, từ năm 2014 đến năm 2017, Phường đang quản lý 83 trường hợp. |