Ngày 26-10, công tác kiểm tra, theo dõi hiện trường, triệt phá “thiếc tặc” tại Núi Cao của các lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp trời tiếp tục đổ mưa khiến công việc gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng chức năng tạm giữ một số đối tượng
Cuộc đột kích bất ngờ, quy mô
Trước đó, sáng 25-10, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng ra quân truy quét, đánh sập toàn bộ lều trại, thiết bị máy móc sử dụng khai thác quặng thiếc trái phép tại khu vực Núi Cao. Đơn vị chủ trì gồm: Phòng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Lâm Đồng đã huy động gần 70 cán bộ, chiến sĩ, kết hợp với lực lượng của huyện Lạc Dương khoảng gần 50 người. Cơ quan chức năng tiến hành phá hủy 8 căn chòi; tiêu hủy tại chỗ một máy nén khí, 2 máy phát điện, 2 máy xay đá, 1 giàn rung để sàn đãi quặng thiếc cùng một số phương tiện khác như dây điện, ống nước… Riêng hầm thiếc có chiều sâu 70m đào vào lòng đất đã bị lực lượng chức năng dùng mìn nổ tung, phá hủy.
Thời điểm lực lượng chức năng đột kích, có 7 đối tượng đang vận hành máy móc khai thác quặng thiếc trái phép trong khu vực và đã bị bắt giữ phục vụ điều tra. Bước đầu, các đối tượng khai quê ở các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An… đến làm thuê. Chủ hầm thiếc không có mặt tại hiện trường và đang bị điều tra, truy bắt. Một cán bộ cho biết, cuộc ra quân lần này được giữ bí mật đến phút chót, tránh bị lộ thông tin, bọn “thiếc tặc” sẽ bỏ chạy hết cùng máy móc, phương tiện khai thác thiếc như những lần trước đó. Lực lượng chức năng sau đó đã tiến hành lập biên bản, bàn giao tang vật cho Công an huyện Lạc Dương tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tiến hành điều tra, làm rõ.
Hiện trường khu vực khai thác thiếc trái phép rộng khoảng 30ha, nhiều cây thông lớn bị cưa hạ, xẻ thành lóng để sử dụng gia cố, chống đỡ hầm thiếc hoặc bị đục đẽo thành các trục quay đặt lên các miệng “giếng” để quay máy, múc đất đào đãi thiếc. Nhiều cây gỗ các loại bị chặt hạ để làm lều trại... Cánh rừng trở nên tan hoang, nhường chỗ cho “thiếc tặc” hoạt động, đất đá bị đào xới tung lên... trông như một công trường khai khoáng.
Đường hầm khai thác thiếc trái phép
Trước đó, vào tháng 4-2017, lực lượng liên ngành gồm Công an tỉnh Lâm Đồng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND huyện Lạc Dương đã tổ chức giải tỏa và đánh sập các “địa đạo” thiếc trái phép tại đây. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng rút đi, các đối tượng đã quay trở lại thực hiện hành vi khai thác thiếc trở lại với quy mô lớn hơn. Sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản hỏa tốc giao Công an tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng lập chuyên án đấu tranh các hành vi khai thác thiếc trái phép tại khu vực trên, xử lý nghiêm những kẻ chủ mưu, liên quan. Nhưng thực tế đến nay, hoạt động này vẫn diễn ra một cách công khai, thách thức cả dư luận và lực lượng chức năng.
Sau nhiều lần ra quân thất bại vì các lực lượng đến hiện trường đều gặp tình trạng không một bóng người, các hầm thiếc ngưng hoạt động. Cho đến sáng ngày 25-10, công tác trinh sát của lực lượng chức năng xác định, các nhóm “thiếc tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động ngày đêm, cuộc đột kích bất ngờ được phát lệnh triển khai, thu được kết quả nhất định.
Trách nhiệm của ngành chức năng
Núi Cao từ lâu là “điểm nóng” về khai thác quặng thiếc trái phép. Từ nhiều năm qua, việc các nhóm “thiếc tặc” ngang nhiên vào khai thác quặng thiếc trái phép tại đây đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và an ninh trật tự ở khu vực. Mặc dù chính quyền huyện Lạc Dương phối hợp với Công an tỉnh nhiều lần tổ chức giải tỏa, ra quân truy quét, đẩy đuổi nhưng đến nay “thiếc tặc” vẫn tiếp tục lộng hành, hoạt động gần như công khai. Từ cuối tháng 6-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương, công an tỉnh và các ngành chức năng liên quan có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm việc khai thác quặng thiếc trái phép trên địa bàn huyện Lạc Dương.
Một đường hầm thiếc
Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức nhiều đợt truy quét, giải tỏa những điểm khai thác thiếc trái phép tại khu vực Núi Cao, phối hợp với lực lượng công binh đánh sập 3-4 “địa đạo”. Tuy nhiên, tình trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cứ khi lực lượng chức năng vắng mặt kiểm tra một thời gian, “thiếc tặc” lại hoạt động trở lại. Chúng tôi đã họp bàn, tới đây sẽ xử lý nghiêm những kẻ liên quan để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả.
Một cán bộ điều tra cho biết, trước đó, trong đợt ra quân ngày 29-4, lực lượng chức năng đã xác định 2 đối tượng Phạm Hồng Thiện (42 tuổi, quê Ninh Bình) và Lê Anh Dũng (49 tuổi, quê Nam Định, tạm trú tại Chi Lăng, P.9, TP.Đà Lạt) làm chủ thầu 2 hầm thiếc. Hai đối tượng được cho là đã chỉ đạo 31 đối tượng đào hầm có chiều dài, sâu đến cả 100m để khai thác thiếc lậu tại khu vực Núi Cao. Đoàn công tác đã tháo dỡ, tiêu hủy 6 chòi bạt của chúng. Tiếp đó, lực lượng công binh thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng cho nổ mìn lấp cả 4 “địa đạo”, chôn vùi toàn bộ máy móc, phương tiện mà nhóm “thiếc tặc” trên cất giấu bên trong.
Toàn bộ chuyên án triệt phá thiếc tặc xảy ra tại huyện Lạc Dương hiện đang các cơ quan chức năng đang tiếp tục đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu.
Lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương cho biết: Tại khu vực Núi Cao, từ năm 2011, Công ty CP đầu tư và khai khoáng Núi Cao (gọi tắt là Công ty Núi Cao) được Bộ TN&MT cấp phép thăm dò khoáng sản tại đây. Giấy phép đã hết hạn vào cuối tháng 3-2016. Phía Công ty Núi Cao sau đó nhiều lần có văn bản đến các bộ, ngành xin tiếp tục duy trì việc bảo vệ khu vực đã thăm dò và đã được đánh giá trữ lượng trong thời gian chờ đợi cấp giấy phép khai thác, nhưng không được chấp thuận.
Phá dỡ các lán trại
Văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ: “Đây là khu vực rừng tự nhiên, không phù hợp thực hiện dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo kết luật số 91/TB-VPCP và văn bản số 4613/UBND-LN của UBND tỉnh Lâm Đồng”. Do đó, yêu cầu Công ty Núi Cao di dời các lán trại, máy móc thiết bị ra khỏi khu vực thăm dò thiếc và bàn giao toàn bộ diện tích đã thăm dò cho địa phương trực tiếp quản lý, bảo vệ.
Từ khi biết công ty Núi Cao hết hạn thăm dò, các nhóm khai thác thiếc lậu (cao điểm đến cả 100 đối tượng) ngang nhiên nhảy vào khai thác thiếc trái phép. Hầu hết các đối tượng đều rất manh động.
Núi Cao cách TP.Đà Lạt khoảng 30km, trên tuyến đường TP.Đà Lạt – TP.Nha Trang. Toàn bộ cánh rừng khoảng trên 30ha loang lổ những hầm, hào; nhiều diện tích cây rừng bị cạo trọc. Nhiều hầm,“giếng” thiếc sâu hun hút từ 30 mét đến cả trăm mét. Có những hầm, hào có luồng thiếc gần mặt đất, “thiếc tặc” đào hầm lộ thiên để khai thác. Có khi đào sâu thẳng vào lòng đất. Việc khai thác thiếc lậu quá nguy hiểm với tính mạng Trước đó, vào năm 2012, báo chí, dư luận địa phương bất bình về việc tại khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu (TP. Đà Lạt), gần chục hầm thiếc đào sâu vào lòng đất đến cả vài chục mét, xuyên qua những cánh rừng thông, tạo ra nhiều ngóc ngách. Hàng chục đối tượng ngày đêm “cần mẫn” khai thác thiếc lậu mà không ai hay biết, không được phát hiện, ngăn chặn, trông như một công trường khai khoáng công khai. Chính quyền tỉnh Lâm Đồng sau đó rốt ráo chỉ đạo triệt phá, lấp hầm; nhưng “thiếc tặc” đã thu lợi đến cả hàng chục tấn thiếc, nhiều diện tích rừng cây, gốc thông bị chặt hạ... |